Cảnh báo tình trạng trẻ liên tiếp bị chó cắn thương tâm
Bé gái 8 tuổi bị chó cắn nát mặt
Chiều 27/10, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, cho biết lúc 20 giờ ngày 26/10, khoa tiếp nhận bệnh nhi Liêu Lệ Thanh bị chó nhà cắn nát mặt vô cùng thảm thương.
Tại đây, các bác sĩ xác định bé Thanh có khoảng 15 vết thương khắp mặt, trong đó có năm vết thương sâu, trầm trọng. Một vết thương sâu, kéo dài từ khóe miệng phải đến trên mang tai dài 12cm, lộ cả phần răng và xương. Một vết thương dưới mi phải may mắn không phạm vào nhãn cầu, hai vết thương gần thái dương. Ngoài ra, còn nhiều vết cào xước da khác.
Bác sĩ Đẩu và bác sĩ Hằng thông tin về vụ việc của bé Thanh. |
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Minh Hằng, Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, là người trực tiếp chữa trị cho bé Thanh, sau khi tiếp nhận, ba y bác sĩ đã liên tục rửa vết thương cho bé trong một giờ đồng hồ và ngay sáng hôm sau bé được phẫu thuật trong vòng ba tiếng, đặc biệt các bác sĩ đã phải dùng hơn 7,5 mét chỉ để khâu các vết thương, tạo hình lại khuôn mặt cho bé.
Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Hằng chia sẻ: "Chứng kiến một bé gái dễ thương phải gánh chịu tổn thương vùng mặt nặng nề như thế, các bác sĩ vô cùng xót xa. Nhưng thái độ bình tĩnh, can đảm của bé đã khiến các bác sĩ phải khâm phục. Trong khi các bác sĩ thực hiện việc chữa trị, bé rất bình tĩnh, không hoảng loạn, ngay cả lúc được làm sạch vết thương khá đau đớn bé cũng không khóc lóc. Chưa kể khi được hỏi về việc xử lý con chó đã cắn bé, bé trả lời ngay là thôi, điều đó cho thấy bé rất thích con chó này".
Sau ca phẫu thuật, điều các bác sĩ lo ngại nhất với bệnh nhi này là nguy cơ nhiễm trùng bởi chó là động vật ăn tạp và miệng chó luôn ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm. Đồng thời, với những vết thương nặng nề khắp mặt như vậy, dù được khâu thẩm mỹ tốt tới đâu thì vết thương sau này cũng dễ bị co rút, có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng đến biểu hiện cảm xúc sau này.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, cấu trúc mạch máu ở vùng mặt rất đa dạng, vì vậy việc xử lý vết thương ở khu vực này cũng khác với các vùng khác của cơ thể. Một trong những lo lắng nhất là các vết thương có thể làm đứt các mạch thần kinh trên mặt của bé sẽ dẫn đến hậu quả là cháu có thể bị liệt mặt một bên. Miệng bị méo, mắt nhắm không kín…
Các vết thương cực kỳ nghiêm trọng trên mặt bé Thanh khiến các bác sĩ phải xót xa.
Các vết thương cực kỳ nghiêm trọng trên mặt bé Thanh khiến các bác sĩ phải xót xa.Các vết thương cực kỳ nghiêm trọng trên mặt bé Thanh khiến các bác sĩ phải xót xa. |
Trong khi phẫu thuật, công đoạn tái tạo lại khuôn miệng cho bé là rất phức tạp. Sau này, có thể chức năng ăn uống, hô hấp sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng tiên lượng gương mặt của bé sẽ không thể lành lặn như xưa, nhất là về phương diện biểu cảm cảm xúc.
Tiếp xúc với báo chí, chị Nguyễn Thị Huyên Muội (34 tuổi) - mẹ của bé Thanh cho biết, chú chó cắn con mình là giống chó cỏ nhà nuôi đã được hơn 1 năm nay và đã cho chích ngừa, nặng khoảng 20kg (trong khi bé Thanh nặng 22kg). Trưa 26/10, con chó ra đường và có cắn nhau với chó nhà hàng xóm rồi trở về với vết thương chảy máu ở chân. Thấy con chó bị thương, bé Thanh chạy lại ôm để vỗ về nhưng vô tình ôm trúng chỗ chân bị thương của nó. Con chó đau nên quay lại và cào cắn vào trúng mặt cô bé. Khi sự việc xảy ra, vợ chồng chị đang làm việc ở sau nhà, vừa nghe tiếng con la hét là cả hai chạy lên nhưng vẫn không kịp ngăn cản vụ tai nạn xảy ra với con mình.
Ngay sau đó, vợ chồng chị vội vã đưa con lên bệnh viện huyện sơ cứu, sau đó chuyển lên TP Hồ Chí Minh. Trước khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 chữa trị, chị đã cho bé vào Viện Pasteur để chích ngừa.
"Cháu Thanh là con thứ hai của vợ chồng tôi, bình thường cháu rất thương và chơi thân thiết với con chó này, và con chó cũng luôn tỏ ra hiền lành, chưa hề cắn ai cả. Vậy mà chỉ trong tích tắc đã xảy ra chuyện quá kinh khủng với con tôi. Giờ chúng tôi cũng chưa biết xử lý con chó thế nào nữa vì phải tập trung chữa trị cho con tôi đã", chị Muội chia sẻ.
Cẩn trọng với việc nuôi chó trong nhà có trẻ nhỏ
Theo các bác sĩ, thời gian gần đây bệnh viện này liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị chó cắn trọng thương, sứt môi, nát hết cả vùng mặt... Ngoài trường hợp bé Thanh mới nhất nói trên, trước đó, sáng 6-10, một bé trai 3 tuổi ở Củ Chi tên là Trần Trường Thịnh cũng bị chó cắn nát mặt, trong đó có bốn vết rách trầm trọng làm bé đứt lìa môi dưới, lộ phần cùng cụt má, rách da và thủng tuyến mang tai. Các bác sĩ đã phải khâu hơn 200 mũi để cố định lại vết thương.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cấp cứu. Sau khi sơ cứu, bé được đưa đến Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để chích ngừa rồi đưa về Bệnh viện Nhi Đồng 1 để phẫu thuật khâu lại 19 vết thương trên khuôn mặt trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Bé Thanh sau khi được các bác sĩ xử lý vết thương. |
Được biết, tai nạn xảy ra khi bé đứng chơi trước nhà chờ mẹ chở đi học, Thịnh đã dùng cây đập ruồi đùa giỡn với chú chó gia đình nuôi. Đây là giống chó Phú Quốc, gia đình đã nuôi được 3 năm, chích ngừa khoảng 1 năm trước. Trước khi cắn bé Thịnh, khoảng tháng 5 vừa qua, chú chó này cũng đã cắn một người hàng xóm say rượu.
Cách đây hai tháng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận bé gái 2 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương), nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị chó nhà cào rách mặt, vết cắn khá sâu, dài khoảng 3cm, lộ cả mô tuyến mang tai. Các bác sĩ phải rửa sạch, cắt lọc và khâu thẩm mỹ vết thương vùng má phải của bệnh nhi. Đồng thời, bé cũng được chích ngừa dại và huyết thanh ngừa uốn ván. Người nhà cho biết, bé bị chó cắn vì lấy cây chọc lúc chó đang ngủ.
Rồi trường hợp bệnh nhi 9 tuổi (ngụ tỉnh Bình Phước) bị chó cắn đứt rời cả môi dưới, người nhà phải đuổi theo con chó giật lại phần môi, rồi đưa đến bệnh viện để bác sĩ phẫu thuật nối lại…
Trường hợp một bé trai bị chó cắn 19 vết rách lớn nhỏ trên mặt. |
Theo bác sĩ Đẩu, các trường hợp bị chó cắn nặng như trên, bệnh nhi phải được phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, dù có phẫu thuật tốt cũng để lại nhiều di chứng như là sẹo co rút làm đuôi mắt bị kéo sệ xuống, khi ngủ bé không nhắm mắt kín được hoặc miệng sẽ bị kéo xếch lên. Bên cạnh đó, trẻ bị chó cắn khi nhập viện thường rất hoảng loạn, la khóc.
Các bé sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, ám ảnh lâu dài về việc này. Ngoài ra, trẻ bị chó cắn còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, có tỷ lệ tử vong gần 100%. Chưa kể, chó còn là nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật khác như bệnh dị ứng hay giun chó, sán chó, đây là các bệnh khá nguy hiểm.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, tính trong nửa đầu năm nay, TP có hơn 16.400 trường hợp bị súc vật nghi dại cắn phải đi tiêm vaccin phòng bệnh dại. Trong đó, trẻ em bị cắn chiếm khoảng 22%. Đa số các trường hợp là bị chó cắn (chiếm 83,4%) và mèo cắn (chiếm 9,8%). Hầu hết các trường hợp bị cắn ở chân (chiếm 70%), tay (24%). Trong đó có 7% nạn nhân bị vết cắn tổn thương sâu, rộng.
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, theo bác sĩ Đẩu cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên dưới 20 trường hợp trẻ bị chó nhà cắn rất thương tâm, trong đó vị trí bị cắn nhiều nhất là vùng mặt…
Bác sĩ Đẩu nhấn mạnh, thời gian qua dù các phương tiện báo chí truyền thông đã cảnh báo nhiều lần nhưng có vẻ độ thấm, sự chú ý quan tâm của dư luận, của người dân chưa nhiều khiến cho tình trạng đáng tiếc này vẫn xảy ra. Do đó, một lần nữa bác sĩ Đẩu cảnh báo những gia đình có trẻ nhỏ thì không nên nuôi chó, nếu nuôi thì phải thật cẩn trọng khi cho bé chơi, tiếp xúc với chó. Chó nuôi phải được nhốt và tiêm phòng. Khi thả chó phải rọ mõm. Trường hợp bị chó đã tiêm phòng cắn thì vẫn phải đưa bệnh nhân đi tiêm.
"Những vụ việc trên là sự cố vô cùng đáng tiếc. Chó vốn là loài vật cưng rất gần gũi thân thiết với nhiều gia đình, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ - đối tượng chưa có khả năng tự vệ, tránh để trẻ tiếp xúc gần với chó, đề phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nhưng khi trẻ lỡ bị chó cắn, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là phải bình tĩnh rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước xà phòng, nước muối sinh lý để loại bỏ tối đa vết dơ, vi khuẩn còn bám trên bề mặt vết thương. Sau đó, dùng gạc sạch đắp che vết thương rồi đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời và chích ngừa bệnh dại cho trẻ", bác sĩ Đẩu khuyến cáo.