Cảm thương số phận bé gái 6 tuổi bị bại liệt bẩm sinh
Hằng ngày em gái là Hoàng Thị Nhi (4 tuổi) phải ở nhà trông chị cho bố mẹ lên nương. Bệnh tật khiến cho gia đình Tâm lâm vào hoàn cảnh bi đát, cha mẹ lúc nào cũng thấp thỏm lo âu, khiến cho cái nghèo cứ bám riết...
Trong cái lạnh buốt của xứ núi, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lương Thị Phấn ở thôn Nà Chùa. Vì ngôi nhà nằm sâu trong chân núi nên chúng tôi phải đi bộ chừng 4km mới đến nơi. Bước lên chân dốc, gió mùa Đông Bắc thổi từng đợt tê buốt vào tận xương tủy.
Thấy có khách lạ, em Hoàng Thị Nhi (4 tuổi) đang chơi ở ngoài ngõ liền chạy về. Khi hỏi mẹ đi đâu, Nhi trả lời bằng tiếng Việt nhưng không sõi: "Mẹ cháu đi lên nương lấy củ rồi, chỉ có mình cháu ở nhà canh chị thôi".
Một lúc sau, chúng tôi thấy chị Phấn vác bó củi nặng về nhà. Đi theo chị Phấn vào ngôi nhà, thấy không gian trống trải, vật dụng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi màu đặt gần bàn thờ. Chị Phấn đun nước, ngọn lửa bùng lên khiến cho không gian của ngôi nhà được ấm áp hơn. Khi hỏi chuyện hở hàm ếch của Tâm, chị Phấn nhớ lại: "Từ lúc sinh cháu Tâm ra thì nó bị hở hàm ếch, yếu tim, liệt một bên cơ thể nên suối ngày chỉ nằm trên giường. Thông qua hội từ thiện của huyện, tháng 7 (âm lịch) năm ngoái cháu đi phẫu thuật. Tuy nhiên cháu vẫn còn bị yếu tim và nằm liệt một chỗ".
Chị Phấn kể: "Lúc sinh ra cháu được 1,6kg. Được ba tuổi, gia đình cố gắng đưa cháu đi chữa trị nhưng bác sỹ bảo phải có nhiều tiền mới phẫu thuật được". Nghe bác sỹ nói vậy, đôi vợ chồng trẻ lại quệt ngang nước mắt ôm con trở về.
Em Hoàng Thị Tâm lúc chưa phẫu thuật hở hàm ếch. |
Nhiều hôm con lên cơn sốt, chị Phấn lại ôm con ra trạm y tế của thị trấn chữa trị cả tuần mới về. Những ngày bố mẹ đi làm thì Tâm nằm ở nhà một mình. Chị Phấn rầu rĩ: "Mấy hôm nay thời tiết thay đổi nên cháu hay bị sốt, có hôm bố nó phải thức cả đêm. Được cái khi khỏi ốm là cháu nằm rất ngoan ở nhà". Khi nghe tiếng bố mẹ về, Tâm cũng chỉ biết kêu ú ớ. Em giống như một đứa trẻ chưa tròn 1 tuổi, chân tay yếu ớt không cầm nắm được gì. Lắm lúc đói nhưng vì bệnh tật nên em cũng không biết tự ăn mà phải đợi bố mẹ bón.
Vì bệnh tật bẩm sinh nên cuộc sống của gia đình lúc nào cũng thiếu thốn đủ bề. Hằng ngày chị Phấn phải bỏ nhà cho Nhi canh chị để mẹ lên nương trồng ngô, cuốc sắn. Mặc dù đi làm nhưng trong lòng lúc nào cũng thấp thỏm lo âu, chị sợ rằng những lúc không có ai ở nhà, Tâm lại lên cơn sốt. Chính vì vậy mà chị Phấn không dám đi làm ở xa mà chỉ quanh quẩn trong vườn đồi. Anh Quyết hầu như ít khi thăm vợ con vì phải đi làm thuê tận bên Trung Quốc, có khi nửa năm mới về nhà một lần.
Nhà chị Phấn chỉ có 4 thửa ruộng cằn, quanh năm không đủ ăn. Năm 2011, thấy hoàn cảnh nghèo khó, Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình một con bò. Hiện tại con bò ấy đã sinh được hai con bê nhỏ.
Chị Phấn phân trần: "Mẹ con chúng tôi chỉ mong sao nuôi được nhiều bò, lúc chúng lớn lên bố nó bán đi để lấy tiền chữa bệnh cho cháu là mừng rồi".Hằng tháng Tâm được trợ cấp xã hội là 180 nghìn đồng, tuy nhiên với số tiền ít ỏi đó, gia đình cũng chỉ lo được thuốc men những lúc ốm đau.
Bà Nông Thị Óm (hàng xóm) cho biết: "Chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị Phấn, nhà chỉ có 3 sào ruộng lại thuộc diện hộ nghèo trong xóm. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn, vợ chồng nó suốt ngày quần quật "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" đi làm thuê làm mướn.
Dành dụm được đồng nào lại phải đong gạo, rồi mua thuốc chữa bệnh cho con nên cũng tốn kém. Lắm lúc cuộc sống bế tắc cháu Phấn hay chạy sang đây khóc lóc, tôi cảm thương cho hoàn cảnh nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cũng chỉ động viên để gia đình nó cố gắng mà vươn lên".
Ông Lương Thanh Hằng, Trưởng thôn Nà Chùa cho biết: "Hoàn cảnh của gia đình chị Phấn anh Quyết rất khó khăn. Năm 2013, chính quyền xã và bà con trong xóm đã giúp đỡ vật chất và tinh thần để cháu Tâm đi phẫu thuật. Mong sao những tấm lòng nhân ái cùng động viên chia sẻ, để gia đình chị Phấn bớt đi phần nào khó khăn".
Chúng tôi chia tay gia đình chị Phấn, anh Quyết khi mặt trời điểm chính ngọ. Chị Phấn bế Tâm đưa tiễn chúng tôi ra ngõ. Nhìn thân hình khẳng khiu của em, trong lòng tôi càng thêm day dứt cảm thương về những số phận không may mắn ở khắp các làng quê nghèo. Hi vọng vào một ngày không xa, gia đình anh Quyết, chị Phấn sẽ chữa được căn bệnh bẩm sinh kia để cho em hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ: chị Lương Thị Phấn, thôn Nà Chùa, thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hoặc qua chuyên đề CSTC, Báo CAND, 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 0438222157.