Cám cảnh vợ chồng già nuôi 4 con tâm thần và cháu nhỏ

Thứ Tư, 02/07/2014, 13:00

Hằng ngày chứng kiến cảnh các con leo lắt trong kiếp người khờ dại, người mẹ già gầy gò lam lũ ấy càng quặn thắt lòng hơn. Với thân già bất lực, bà chỉ còn biết hờn trách với số phận nghiệt ngã đã "bám riết" lấy đi một cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp vốn có. Điều bình dị giản đơn nhất bây giờ mà bà vẫn luôn hoài niệm, mong mỏi là sẽ có một ngày lần lượt những đứa con hiếu thảo của mình sẽ trở lại được bình thường. 

Tìm đến thôn Ảm, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam, hỏi thăm về gia đình bà Ngô Thị Tâm, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu, chia sẻ đầy cảm thông. Một người dân thật thà bảo: "Các chú tìm về nhà bà Tâm, ông Qúy mà đẻ được 4 người con đều bị tâm thần đúng không?... Ôi thế thì chán đời lắm! quá cực khổ... hai vợ chồng già bị bệnh tật, hơn 70 tuổi rồi vẫn còn phải cố sức nai lưng ra nuôi dưỡng từng đứa con vô thức một". 

Con ngõ ngoằn ngoèo, sâu hun hút dẫn chúng tôi tới nhà bà Tâm. Bước vào căn nhà nhỏ bên trong ấy là những hành động dị thường, thứ âm thanh não nề được phát ra ở góc buồng dễ khiến người đến nổi gai ốc và không khỏi đau lòng. Bà Tâm kể: Năm 20 tuổi bà kết duyên với ông Trần Đình Quý, lần lượt hạ sinh ra được 4 người con: Trần Đình Hóa (44 tuổi), Trần Thị Hường (41 tuổi), Trần Thị Hưởng (38 tuổi), Trần Thị Thảo (27 tuổi). Cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng ông bà chăm chỉ lao động, gắn bó với nghề chài lưới nên cũng đủ kiếm miếng cơm, manh áo nuôi con.

Rồi một ngày những người con của bà trưởng thành, là lúc cuộc sống đang bình yên trở nên sóng gió. Bà Tâm chỉ tay ra phía người con trai cả tâm sự: "Kia là thằng Hóa đấy chú ạ, nó là anh cả. Ngày trước nó thông minh lắm, cái gì cũng biết làm. Mọi công việc lớn bé trong nhà đều có nó lo liệu giúp cho. Thế rồi lấy vợ, sinh con ra được chẳng bao lâu thì lại quay điên dại. Khoảng thời gian sau bệnh tình nặng hơn, vợ nó thấy vậy liền chán nản rồi mang con, bỏ nhà đi theo trai và biệt tích đến nay không về nữa".

Do anh Hóa không thường xuyên lên cơn dữ dằn nhiều, vì vậy bà cũng bớt lo hơn, phần là do thương con lên bà không đành lòng xích anh lại, mà vẫn để cho anh tự do ra ngoài nhảy, múa. Nhưng do công việc quá bộn bề, có những lúc bà đã lơ đãng nên khi anh lên cơn, thế là anh lại có dịp chạy ra ngoài đập phá cột điện, hay phá tượng chùa, cây cối của dân làng, thậm chí đánh cả mẹ.

Bà Tâm bên cạnh những đứa con ngây dại của mình.

Giờ đây ông bà Qúy và Tâm đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng chưa một ngày, hai số phận già khốn khổ này được hưởng an nhàn, thảnh thơi cả. Khi anh Hóa mắc bệnh chưa được bao lâu thì những người con gái của bà cũng đều chịu chung một số phận như vậy. Tất cả họ đều bỗng dưng mắc bệnh tâm thần ở độ tuổi thanh xuân sau khi đi làm ăn xa về, họ chỉ suốt ngày cười, khóc, nói năng lảm nhảm và phá phách. Bà Tâm kể với chúng tôi mà đôi dòng nước mắt cứ chảy ròng rã, rỉ xuống kẽ mắt lèm nhèm trên khuôn mắc khổ, nhất là khi nhắc tới tình cảnh của chị Hường: "Tội nghiệp cho nó, ngây ngô khờ dại, hát hò một mình và cứ bỏ nhà lang thang khắp nơi. Rồi một lần nó đi sang bên Nam Định, không may bị kẻ xấu hãm hiếp đã mang thai, khi ấy phải khó khăn lắm chúng tôi mới đưa được nó về. Giờ con của nó tên là cháu Trần Hà Chi lên 8 tuổi, hiện đang là học sinh lớp 3 và được vợ chồng chúng tôi nuôi nấng ăn học, chăm sóc ngay từ lúc chào đời. Cháu ngoan ngoãn, học giỏi âu cũng là niềm động viên an ủi duy nhất còn lại".

Cảnh nhà khốn khó, thiếu thốn mọi bề, ngoài vài sào ruộng cày cấy ra, bà còn phải tằn tiện mọi thứ để có được miếng cơm ăn nuôi cả nhà. Được biết ông Qúy và bà  bây giờ đang mắc nhiều căn bệnh nan y như tim mạch, thấp khớp… vậy mà hằng ngày ông Qúy vẫn phải lặn lội ra đồng, ngòi kiếm nhặt nhạnh từng con ốc bươu vàng mang về bán đổi lấy gạo, hay là mớ rau xanh để phụ giúp thêm cho người vợ tần tảo.

Bà Phạm Thị Vân, người thân hàng xóm chia sẻ: "Ở đây có khổ nhất có gia đình ông bà Tâm. Già yếu như vậy mà vẫn chưa được nghỉ ngơi, phải làm việc quần quật hằng ngày. Bản thân ông bà lại đang mang bệnh, không biết còn cố sức đến khi nào. Còn lối xóm chúng tôi thì cũng chỉ giúp đỡ được các công việc nhỏ nhặt. Vẫn mong sao các tấm lòng nhân ái giúp đỡ cho cuộc sống của gia đình họ".

Ông Lại Văn Đại, Trưởng thôn Ảm, xã Đồn Xá, cho biết: "Trường hợp gia đình ông bà Tâm, Qúy là thuộc diện khó khăn nhất của xã chúng tôi từ bấy lâu nay. Bản thân bà sinh được 4 người con, nhưng đến ngày "trông cây hái quả"  thì những người con của bà lại qua ra tâm thần như vậy. Hiện ngay mảnh đất mà bà đang ở được anh em chòm xóm giúp đỡ xây dựng cho, chứ ngày trước sống trong túp lều lụp xụp ngoài đầu ngõ. Với khoản tiền trợ cấp hằng tháng tổng hơn một triệu đồng dành cho 4 người con của bà, quả thật vẫn thiếu thốn trăm bề".

Rời nhà bà Tâm, chúng tôi vẫn còn nhớ như in lời thở dài của những người hàng xóm: "Xóm này lâu nay chỉ có hoàn cảnh ông bà ấy là bất hạnh nhất, tội nghiệp! Mong sao ông bà ấy vẫn giữ gìn được sức khỏe, chứ mà nhỡ có mệnh hệ gì thì những người con dại ấy sẽ phải sống làm sao với quãng đời còn lại"… Và có lẽ, đó cũng là nỗi lo canh cánh trong lòng bấy lâu nay của hai vợ chồng già ấy khi sớm mai này đột ngột khuất núi.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về bà Ngô Thị Tâm, thôn Ảm xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam hoặc qua báo CSTC 92 Nguyễn Du - Hà Nội. ĐT: 0438220035

Thanh Huyền
.
.
.