"Bi kịch kép" của những người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS ở Nam Phi
Số phụ nữ trẻ mắc căn bệnh thế kỷ này cao gấp bốn lần so với nam giới. Họ không chỉ đối mặt với bệnh tật mà còn phải đương đầu với sự kỳ thị, cáo buộc vô căn cứ từ dư luận xã hội cũng như chính người thân trong gia đình.
Câu chuyện của người phụ nữ nhiễm HIV dũng cảm
Sylvia Mdluli - một nhà hoạt động xã hội nhiễm HIV nói rằng, tội lỗi, xấu hổ và đau đáu trách nhiệm với gia đình là tâm trạng chung của những phụ nữ bị chuẩn đoán nhiễm HIV/AIDS. Câu chuyện về cuộc đời cô chính là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này.
"Khi Shameen được sinh ra, tôi là người mẹ hạnh phúc nhất trên trái đất. Giờ đây, con bé đã bước vào tuổi 17. Hơn mười năm trước, Shameen ngã bệnh nặng và gia đình tôi đưa con bé đến bệnh viện làm các xét nghiệm y khoa.
Tôi không tin vào tai mình khi bác sĩ nói rằng con bé nhiễm HIV. Cách phản ứng của chồng khiến tôi không bao giờ quên. Nó giống như là tôi cố tình mang virus HIV đến và truyền nó vào người con gái mình vậy", Sylvi kể lại.
Vào thời điểm đó, Sylvia đang có thai nên không xét nghiệm HIV. Sylvia không biết gì về virus HIV cũng như là việc mình đã bị nhiễm HIV.
"Trong đầu tôi xuất hiện nhiều câu hỏi, có phải Shameen nhiễm bệnh qua việc tôi cho con bé bú. Tôi bị tổn thương và đổ lỗi cho bản thân mình. Tôi thực sự phải chiến đấu với thông tin mọi người cho rằng, tôi là nguyên nhân dẫn đến con gái nhiễm HIV/AIDS", Sylvia nói tiếp.
Sylvia cho biết thêm, cô chung thủy và chưa bao giờ lừa dối chồng. Khi phát hiện con gái nhiễm HIV, chồng đã đổ lỗi cho cô. Sau đó, Sylvia mới phát hiện ra rằng, chồng có quan hệ với một người phụ nữ khác và chồng cô có xét nghiệm HIV dương tính. Sốc trước kết quả chuẩn đoán cũng như phản ứng của chồng, Sylvia nhận ra rằng, cô phải bình tĩnh để kiểm soát cuộc sống của mình.
Sylvia, một phụ nữ nhiễm HIV/AIDS đã nỗ lực để trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực ở Nam Phi. |
Sylvia cố gắng đọc mọi thứ để có kiến thức về HIV/AIDS. "Tôi đã học và tích lũy được nhiều kiến thức về HIV. Tôi muốn biết nhiều hơn để có thể nuôi dạy con gái và sống được lâu hơn.
Vào năm Shameen 12 tuổi, tôi đã nói với con bé về HIV/AIDS để Shameen biết và chủ động vì vào tuổi đó, có thể bắt đầu có quan hệ tình dục. Đó thực sự là cuộc nói chuyện vô cùng khó khăn", Sylvia nói.
Trận chiến mới trong việc chống lây truyền HIV từ mẹ sang con
Giờ đây, Sylvia là một nhà hoạt động xã hội của tổ chức "Mothers2mothers", tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ trẻ về HIV/AIDS cũng như phòng chống lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều rào cản trong cuộc chiến HIV/AIDS ở Nam Phi hiện nay. Khi ngày càng nhiều người được xét nghiệm HIV, bao gồm cả gái mại dâm và nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao khác thì những nạn nhân bị bạo lực, lạm dụng tình dục vẫn bị "bỏ rơi".
Phụ nữ nhiễm HIV/AIDS ở Nam Phi phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống. |
Hầu hết phụ nữ bị ngược đãi không dám kể câu chuyện thực của mình. Khi hỏi phụ nữ bị chồng đánh đập, để lại những vết thương trên khuôn mặt, họ đều đưa ra một lý do khác. Văn hóa im lặng luôn tồn tại trong những phụ nữ bị lạm dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ không được tiến hành xét nghiệm HIV.
Bên cạnh đó, nạn nhân bị tấn công bạo lực và tình dục không thể thương lượng để có tình dục an toàn với bạn tình, khiến họ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn. Bạo lực tình dục, hãm hiếp khiến tỷ lệ nhiễm HIV tăng cao là trận chiến mới trong việc chống lây truyền HIV từ mẹ sang con.
"Chúng ta cần phải đấu tranh chống lại bạo lực giới để cải thiện cuộc sống cho phụ nữ. Phụ nữ có thể đứng lên và làm những điều tích cực cho bản thân và gia đình. Nhiều phụ nữ không biết quyền lợi của chính mình cũng như sử dụng các quyền đó ở đâu.Tôi muốn phụ nữ biết tự chăm sóc bản thân và độc lập. Bạn là phụ nữ và bạn không cần phụ thuộc vào bất kỳ ai khác ngoài chính bạn. Tôi nghĩ rằng, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn khi bạn nhận ra điều đó", Sylvia nói.