130 triệu trẻ sống trong cảnh bị bắt nạt
Báo cáo cho biết hình thức bạo lực này có hậu quả lâu dài và trực tiếp đến sức khỏe, thành tích học tập và hạnh phúc tổng thể của trẻ em.
Một số phát hiện ban đầu của báo cáo gửi lên Tổng Thư ký LHQ nói rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc bắt nạn ở trẻ em nhìn theo phương diện ngoại hình thể chất gồm việc bị thừa cân hoặc có biểu hiện giới tính không phù hợp. Chủng tộc, quốc tịch và màu da cũng nằm trong danh sách các yếu tố cao dẫn đến bị bắt nạt.
Trong báo cáo, tôn giáo không được nhấn mạnh như một yếu tố góp phần quan trọng. Trong khi thuật ngữ "bắt nạt" bao gồm bạo lực về thể chất, tâm lý và tình dục (được hiểu trong bối cảnh này có nghĩa là phân biệt giới tính và phân biệt đối xử dựa trên giới tính), báo cáo cho biết, rất ít dữ liệu có sẵn về sự xuất hiện những biểu hiện tâm lý bất thường.
Một báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cũng cho thấy rằng các bé trai và bé gái đều bị ảnh hưởng bởi chứng bị bắt nạt, nhưng các bé trai có nhiều khả năng bị bạo lực thể xác hơn.
Bắt nạt trên mạng, có thể gây ra thiệt hại sâu sắc vì nó để lại dấu chân vĩnh viễn trên mạng xã hội và có thể nhanh chóng tiếp cận rộng rãi các đối tượng khác nhau.
Báo cáo khẳng định hình thức bắt nạt này đang ngày càng gia tăng. Ở các nước châu Âu nói chung, tỷ lệ trẻ em tham gia mạng xã hội ở độ tuổi 11-16 khá cao và nhiều em trong số đó đã bị đe doạ trực tuyến, tăng từ 7% trong năm 2010, lên 12% trong năm 2014.
Marta Santos Pais, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về chống bạo lực trẻ em nhấn mạnh, vấn nạn bắt nạt trẻ em cần phải được giải quyết ở tầm chính phủ và các tổ chức xã hội.
Nói về tầm quan trọng của công tác phòng chống bạo lực trẻ em, bà Marta Santos Pais lưu ý rằng "mối quan hệ cha-con là một yếu tố quan trọng trong việc dự đoán nguy cơ bắt nạt ở tuổi vị thành niên".
Theo báo cáo của UNESCO, 176 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chứng kiến bạo lực gia đình một cách thường xuyên và trẻ em bắt nạt những người khác có nguy cơ gặp phải bạo lực gia đình gấp hai lần so với các trẻ em khác.
"Tiếp xúc với căng thẳng độc hại, bạo lực gia đình và một môi trường gia đình bạo lực có tác động không thể đảo ngược đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Nó góp phần bình thường hóa việc sử dụng bạo lực của những đứa trẻ đó", Marta Santos Pais khẳng định.
Cũng theo lời bà Marta Santos Pais, giáo viên đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy "văn hóa tôn trọng và an toàn" trong trường học và môi trường thể thao thường có thể trở thành bối cảnh mà khả năng cạnh tranh dẫn đến "sỉ nhục, xấu hổ và loại trừ những người không thắng".
"Phân tích dữ liệu từ Ethiopia, Ấn Độ, Peru và một số quốc gia khác ở châu Á cho thấy bạo lực trong trường học, bao gồm cả lạm dụng thể chất và lời nói của giáo viên và bởi các sinh viên khác là lý do phổ biến nhất cho việc học sinh không thích trường học. Đáng kể là điều này lại được kết hợp với điểm thấp hơn về toán học và lòng tự trọng thấp hơn", báo cáo nhấn mạnh.
Để giải quyết các tác động tiêu cực này, các chuyên gia và các nhà tâm lý cho rằng phải có đủ dữ liệu điều tra để hình thành các chiến lược và chương trình dựa trên bằng chứng.
UNESCO đã cam kết giải quyết việc này bằng cách phát hành một báo cáo hàng năm về tình trạng bắt nạt trẻ em, với phiên bản đầu tiên vào tháng 1 năm 2019.
Riêng tại châu Á, theo tờ China Daily, một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận về quyền của phụ nữ và trẻ em Plan Interational cho hay, cứ 10 học sinh trung học châu Á thì có 7 em đã từng bị lạm dụng tình dục hoặc bị bạo hành tại trường học.
Báo cáo này được Tổ chức Plan International công bố năm 2015, tức cách đây 3 năm sau khi thu thập thông tin từ tháng 10-2013 đến tháng 5-2014. Hơn 9.000 học sinh và nhiều phụ huynh, giáo viên tại các nước Nepal, Indonesia, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia đã đồng ý tham gia khảo sát.
Bảng khảo sát này cho thấy, tỷ lệ trẻ em châu Á bị quấy rối tình dục hoặc nạn nhân bạo lực học đường lên đến 70%, trong đó bao gồm các hành vi: Quấy rối bằng các hành động động chạm, sờ soạng, quấy rối bằng lời nói, đánh đập, sỉ nhục, tẩy chay, bắt nạt dài ngày, hiếp dâm.
Trong đó, hành vi phổ biến nhất là sỉ nhục tinh thần, bao gồm chửi bới và tẩy chay, tiếp đến là đánh đập dài ngày. Với các quốc gia tham gia khảo sát, tỷ lệ học sinh nam phải đối mặt với các hành vi bắt nạt cao hơn nữ rất nhiều.
Và thủ phạm do các em học sinh tiết lộ lại đa số là giáo viên, nhân viên trong trường học. Nhưng điều làm các chuyên gia khảo sát của Plan Interational ngạc nhiên nhất, là có đến 43% học sinh trả lời rằng các em thường không nói lại với thầy cô, bố mẹ nếu bị bắt nạt hoặc nhìn thấy bạn bè bị bắt nạt.
Trong quá trình khảo sát, một bé gái người Pakistan đã giải thích lý do tại sao các em không bao giờ nói với ai: "Cháu sợ nếu kể với thầy cô giáo, thầy cô sẽ chẳng để tâm, còn nếu kể với bố mẹ thì có khi cháu chả được đi học nữa".