Nhớ nhạc sĩ Hồng Đăng

Thứ Tư, 30/03/2022, 15:23

Tác giả của ca khúc “Hoa sữa” ra đi vào lúc 5 giờ 57 phút ngày 21-3, một sáng mùa xuân với những cơn gió mát lành, trong trẻo. Lần này, ông chìm vào giấc ngủ ngàn thu để lại nỗi nhớ nhung, tiếc nuối cho những người ở lại.

Từ nhiều năm nay, nhạc sĩ Hồng Đăng sức khỏe rất yếu. Lần gần đây nhất, ông được vinh danh “Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”, vợ ông - chị Thúy và con gái của ông lên nhận giải thưởng  khi ông đang dưỡng bệnh ở nhà. Từ đó đến nay, những hôm trái gió trở trời, bệnh tình của ông khi nặng lúc nhẹ đều được chị Thúy chăm sóc ân cần, chu đáo. Nhưng rồi, theo quy luật của tự nhiên, lá rụng về cội, ông dừng sống cõi dương gian ở tuổi 86 và để lại cho đời cả một gia tài những ca khúc sống mãi với thời gian: “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”, “Kỉ niệm thành phố tuổi thơ”...

Nhớ nhạc sĩ Hồng Đăng -0
Nhạc sĩ Hồng Đăng.

Sau Tết Nguyên đán, 4 nhạc sĩ danh tiếng lần lượt ra đi: nhạc sĩ Vân Dung, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, mới đây nhất là nhạc sĩ Ngọc Châu và bây giờ là nhạc sĩ Hồng Đăng. Thời gian cho ta nhiều thứ và cũng lấy đi nhiều, đó là sự mất mát. Trong những sự mất mát thì mất đi người thân là điều đau đớn nhất. Nhưng thời gian rồi cũng sẽ chữa lành vết thương, dần dần làm dịu lại. Và âm nhạc của người nhạc sĩ lại vang lên như những bản tình ca mùa xuân ngọt ngào nhẹ nhàng xoa dịu vết thương, chỉ còn lại lấp lánh bao kỉ niệm...

Tôi may mắn biết nhạc sĩ Hồng Đăng cách nay đã 20 năm. Lúc đó ông đang là Phó tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam kiêm Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc. Sân 51 Trần Hưng Đạo - nơi tôi công tác - là ngôi nhà chung cho các hội nghệ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Sân khấu... Hằng ngày, tôi vẫn bắt gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật cưỡi chiếc xe máy màu trắng phóng như bay vào sân hay từ cửa sổ phòng làm việc nhìn xuống, tôi thấy nhà thơ Huy Cận ngồi tư lự dưới gốc cây si già cổ thụ mỗi sáng. Nhạc sĩ Phó Đức Phương với mái tóc bồng bềnh nở nụ cười thường trực cưỡi chiếc xe phân khối lớn dựng bên cạnh cây tre phía gần cổng. Nhạc sĩ Vân Dung, người mỏng như chiếc lá, hay mặc áo sơ mi trắng với dáng đi chậm rãi. NSND Trọng Khôi dáng đi từ tốn khoan thai đến lạ. Còn nhạc sĩ Hồng Đăng, mỗi lần xuất hiện trước mắt chúng tôi, lúc nào cũng có người vợ trẻ - chị Thúy ở bên cạnh. Hằng ngày chị đèo nhạc sĩ trên chiếc Cup 82 màu xanh cửu long đến nhiệm sở, buổi trưa chị đến ăn cơm cùng chồng và những người bạn trong sân 51, buổi chiều chị lại phóng xe đến đón, chở chồng về.

Nhóm tôi ngày đó thật đông vui: NSND Doãn Hoàng Giang, nhà văn Ngô Thảo, nhà điêu khắc Lê Công Thành, vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng cùng với đám phóng viên trẻ chúng tôi. Trong bữa ăn trưa, NSND Doãn Hoàng Giang luôn là người trầm ngâm, ít nói, nhà văn Ngô Thảo thường nói những câu chuyện nghiêm túc, còn nhạc sĩ Hồng Đăng luôn là người nói nhiều nhất. Những câu chuyện của ông bao giờ cũng vô cùng hài hước. Đúng thật là cứ gặp nhạc sĩ Hồng Đăng lần nào là lần đấy tha hồ cười. Sau này, tôi một phần lý giải được tại sao ông lại vui đến thế, kể chuyện cười nhiều đến thế và những câu chuyện cười lại duyên đến vậy. Chính vì sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, ông bắt gặp mối nhân duyên thứ ba của đời mình gieo xuống như định mệnh. Họ dính nhau như sam, đeo bám mãi không rời. Cứ nhìn thấy nhạc sĩ Hồng Đăng là nhìn thấy chị Thúy, nhìn thấy chị Thúy là nhìn thấy nhạc sĩ Hồng Đăng. Chị Thúy kém chồng mấy chục tuổi, là kiến trúc sư và có sự am hiểu sâu sắc về âm nhạc. Ngoài tình yêu, chị còn ngưỡng mộ tài năng của chồng nên giữa hai người có sự đồng điệu lớn về tâm hồn.

Nhớ nhạc sĩ Hồng Đăng -0
Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ

Vì sự yêu thương và ngưỡng mộ chồng mà chị sẵn sàng chiều theo tất cả những sở thích của ông. Đó là vào năm 2005, nhạc sĩ Hồng Đăng tổ chức 3 đêm nhạc ở Nhà hát Lớn. Sau khi đã lên lịch đâu đấy rồi thì nhà tài trợ xin rút. Nhưng, đã đâm lao thì đành phải theo lao. Chính sau đêm liveshow của nhạc sĩ Hồng Đăng, gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, phải bán nhà và cả hai vợ chồng dọn ra ngôi nhà gần đê để ở. Chị Thúy vẫn luôn bên cạnh nhỏ nhẹ động viên chồng.

Một lần tôi đến thăm ông ở ngôi nhà trong con ngõ phố Hồng Hà, chị Thúy mang ra hai khay mứt do chính tay chị làm từ vỏ bưởi và vỏ cam. Cả hai loại mứt đều có mùi vị độc đáo và uống với trà sen thì rất quyện. Chị cười, bảo: “Mình không có tiền mua mứt nên tận dụng vỏ bưởi, vỏ cam để làm mứt cho đỡ phí. Trong nhà, cái đắt tiền nhất chính là cây đàn piano cũ kĩ kia”. Hôm đấy, tôi được ông kể rất nhiều về kỷ niệm cuộc đời âm nhạc của mình. Rằng ông sinh ra ở Núi Thành, Nghệ An, từ bé đã vô cùng yêu thích âm nhạc. Nhà nghèo, năm lên 10 tuổi, hằng ngày ông đi bộ hơn chục cây số đến nhà thầy dạy nhạc để học. Sau này, ông là sinh viên lớp sáng tác khóa đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy.

Nhạc sĩ Hồng Đăng mang cho tôi xem nhiều quyển sách ông sáng tác nhạc lý, những bài hát của ông được viết tay kẻ khung nhạc nắn nót trên những tờ bìa màu. Cả những cuốn sách ông nghiên cứu sâu về nhạc. Ông bảo: “Mọi người thường chỉ biết đến tôi bởi những ca khúc nhưng thực ra tôi còn mảng khí nhạc nữa cũng rất sinh động...”.

Người nhạc sĩ kể về những bạn văn và bạn nhạc. Những kỷ niệm của ông với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Phạm Duy. Khi Phạm Duy có ý định về nước đã tìm đến hỏi ý kiến nhạc sĩ Hồng Đăng. Có lẽ, cũng bởi vị trí Phó tổng Thư ký Hội Âm nhạc Việt Nam của ông sẽ có tiếng nói quan trọng trong những việc “nhạy cảm” như thế này. Nhạc sĩ Hồng Đăng có một người bạn văn rất thân, như tri kỷ, đó chính là nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Khi còn sống, mỗi lần nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra Hà Nội là tôi lại được dịp ngồi cùng hai vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Quang Sáng… ở địa điểm thân quen là một nhà hàng trên phố Hồ Xuân Hương. Trong những cuộc gặp gỡ thân mật ấy, họ nói chuyện trên trời dưới bể, chuyện âm nhạc, chuyện văn chương, chuyện thời sự...

Có một điều đặc biệt ở nhạc sĩ Hồng Đăng, ông là người rất tình cảm và vô cùng hào phóng. Mặc dù tiền lương chẳng đáng là bao nhưng ông vẫn duy trì thói quen mua những cây bút lạ, bật lửa độc đáo, cái cắt móng tay xinh xinh và quyển sổ nhỏ để đầy túi. Mỗi khi gặp chúng tôi, ông lại mở túi lôi ra cho mỗi đứa một món quà nhỏ. Ngay cả sau này, khi thôi chức vụ ở Hội Âm nhạc Việt Nam, ông vẫn không bỏ thói quen cũ, mỗi lần gặp gỡ ông vẫn hào phóng với chúng tôi bằng những món quà ấm áp đó.

Nhắc đến ông, ngoài là một nhạc sĩ của những bản tình ca với giai điệu êm đềm và mượt mà thì những ai thân quen với ông đều phải ngả mũ trước sự uyên thâm về khoa tử vi của ông. PGS-TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái bảo, chị phục nhất cố GS Trần Quốc Vượng và nhạc sĩ Hồng Đăng xem tử vi, thật không trật lấy một câu. Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng đã xem tử vi cho tôi, ông không kẻ bảng mà chỉ hỏi ngày giờ rồi tính nhẩm và nói. Một lần, tôi hỏi ông về duyên cớ ra làm sao mà ông lại biết chuyên sâu về môn khoa học độc đáo này.

Ông kể cho tôi nghe câu chuyện rất buồn của ông, đó là khi người vợ đầu của ông sinh con. Một hôm, ông bế cậu bé trai mới được vài tháng tuổi sang nhà cụ đồ Nho trong làng, cụ đồ hỏi nhạc sĩ về ngày giờ của đứa trẻ, bấm đốt ngón tay, lắc đầu rồi buông thõng một câu: “Đứa bé này sống không quá được 2 tuổi”. Nhạc sĩ lúc đó giận cụ đồ Nho lắm, liền bế con về. Nhưng, quả thật hơn một năm sau, khi đứa bé tròn 2 tuổi, đang khỏe mạnh thì mất. Lúc đó nhạc sĩ Hồng Đăng nhớ đến lời của cụ đồ Nho trong làng. Sau cú sốc ấy, nhạc sĩ Hồng Đăng miệt mài nghiên cứu tử vi. Ông bảo con người ta sinh ra đã có số mệnh, chạy trời không khỏi nắng.

Giờ thì ông đã đi vào giấc ngủ ngàn thu sau đoạn đường đời với đầy đủ cung bậc. Bất giác, tôi lại nhớ đến những câu chuyện của vợ chồng ông kể cho tôi về những thăng trầm, sóng gió của cuộc đời ông. Câu nói của chị Thúy hôm nào: “Ông nhà tôi rất kị năm Mão. Một giáp 12 năm, cứ đến năm Mão là y như rằng có chuyện, không ốm đau, bệnh tật thập tử nhất sinh thì cũng gặp chuyện tai ương lên bờ xuống ruộng trong công việc”. Tôi nhìn quyển lịch, năm nay là năm Nhâm Dần, không liên quan gì đến năm Mão. Nhưng, ông qua đời vào 5 giờ 57 phút ngày 21-3 (tức ngày 22-2 âm lịch). Vậy là, ông đi vào giờ Mão và tháng 2 âm lịch này là tháng Quý Mão. Phải chăng, đời người là số phận đã được lập trình sẵn. Trong laptop, tiếng hát của danh ca Thanh Lam với bài “Hoa sữa” nồng nàn, càng thêm yêu và nhớ nhạc sĩ Hồng Đăng.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.