Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Người đi giữ vẹn câu thề

Thứ Tư, 15/12/2021, 10:25

Những ngọn gió từ trên rú thun thút thổi về, sông Ngàn Phố rầm rì kể chuyện thuở chăn trâu cắt cỏ, cha nắm bàn tay con mãi chẳng chịu rời, còn mạ nâng vạt áo cánh nâu chấm mắt. Ngoài bến điệu ví dặm quê hương trôi trên sóng diết day. Ít nhiều thôn nữ "nét ngài nở nang" phồn thực tóc dài da trắng má đỏ môi hường thổn thức bên hàng giậu thưa....

Ra đi giữ vẹn lời thề/Nghiệp trai chưa rạng chưa về quê hương... Ắt hẳn lòng chàng trai trẻ Nguyễn Thế Hùng hừng hực lắm và cũng nôn nao lắm lời thề ra đi... Mạ cha ơi! Sông Ngàn Phố ơi! Quê hương ơi! Người... ơi!...

Đấy là một thước phim trong tưởng tượng của tôi ngày nhà văn Nguyễn Thế Hùng dứt áo thư sinh khoác áo chinh nhân Nam tiến để thỏa chí tang bồng...

Mỗi dịp trò chuyện với Nguyễn Thế Hùng, tôi cảm giác rằng xa quê đã 30 năm, nhưng người đàn ông đã bước sang tuổi 50, đứa con của miền quê Sơn Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh chưa khi nào nguôi khát vọng được trở về. Trở về với ấu thơ, với mẹ cha, với bạn bè. Trở về với điệu ví dặm thiết tha, nghĩa tình nhưng cũng rất huê tình.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Người đi giữ vẹn câu thề -0
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng.

Trở về với dòng Ngàn Phố hiền hòa, miết mải xanh trong. Ba mươi năm công tác trong lực lượng vũ trang, Nguyễn Thế Hùng không có nhiều cơ hội để trở về. Thế nên, thời gian trôi đi, tóc mỗi ngày thêm nhiều sợi bạc thì nỗi nhớ quê nhà càng đầy lên. Đọc tác phẩm của nhà văn dễ nhận thấy hình bóng quê hương luôn đẫm đặc trong người đàn ông ưa suy tư, trầm lắng, duy tình nhưng cũng kiên ngạnh, khí khái đến cực đoan này. Và chỉ khi nào văn chương Thế Hùng sinh nở từ cái sinh quyển xứ Nghệ thì Thế Hùng mới là Thế Hùng nhất. Từ những tác phẩm giai đoạn anh mới bước vào nghề văn như: “Nhớ về ăn nhãn đầu mùa”, “Rừng thiêng”, “Đàn chim về sau bão”, “Sang mùa”, “Lộc trời”, “Người về làng Lòi”,... cho đến những tác phẩm ở thời kỳ đã thành danh trong nghề: “Liu điu dòng ho”, “Mùi hương còn lại”, “Ngược ngàn”,... và tiểu thuyết “Họ vẫn chưa về” là những tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp và vùng sáng tạo của anh.

Trong những tác phẩm này độc giả sẽ không thể nào quên một giọng văn hừng hực, cuồn cuộn bản năng, hào hoa đa tình nhưng cũng rất đỗi kiên gan, suy nghiệm và đau đớn. Ở “Kẻ nằm người ngồi”, tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Thế Hùng, tôi gặp cái “hoạt - phiêu - thõa” (chữ của nhà lý luận phê bình Văn Giá), chất humour và cả những sâu cay, đau đớn của nhà văn. Và thật là thiếu khuyết nếu không nhắc đến chất dân gian xứ Nghệ đằm tình, nhuần nhuyễn và cả cái sùng sục, nóng bỏng phồn thực của tục ngữ, ca dao trong tác phẩm này... Trước đó không lâu, đầu năm 2020, Nguyễn Thế Hùng ra tập thơ đầu tay với cái tên rất gợi: “Mượn lửa mặt trời”. Tập thơ ôm chứa nhiều vấn đề mà một nhà văn, nhà báo, người lính, người đàn ông ngũ tuần đã từng lĩnh trải, suy nghiệm. Nhưng theo nhiều người nhận xét mảng rõ nhất, đậm nhất và nhiều xúc cảm nhất có lẽ là những bài thơ người văn này viết về quê hương xứ Nghệ.

Quê hương và cả văn chương luôn công bằng với mỗi người viết. Nếu anh ta/chị ta luôn coi mình là một phần máu thịt của nơi chôn nhau cắt rốn, đắm mình vào mảnh đất quê hương và bằng tài năng, thiên chức của mình phơi mở những vẻ đẹp, ngân lên những khát vọng, soi rọi vào bóng tối, giải mã những bí ẩn... của một vùng đất thì khi ấy người viết sẽ thực sự được gặt trái ngọt từ quê hương.

Cùng thế hệ nhà văn 7X, nếu văn chương Nguyễn Ngọc Tư cất cánh từ vùng sông nước Cà Mau, tác phẩm Đỗ Bích Thúy bung nở rực rỡ trên cao nguyên đá Hà Giang, khu vườn văn của Phạm Duy Nghĩa mỗi ngày thêm xanh tươi ngay trên mảnh đất biên viễn Lào Cai, căn cước nhà văn của Đỗ Tiến Thụy sáng lên từ làng quê Bắc Bộ thì đường văn Nguyễn Thế Hùng suốt 30 năm qua là đường về mảnh đất khô cằn nắng rát miền Trung và đích đến luôn là những tác phẩm để lại dấu ấn, cá tính sáng tạo.

Dõi theo nghiệp chữ của Thế Hùng, có thể thấy những tác phẩm được anh tâm đắc, gây sự chú ý trên văn đàn và giành giải thưởng đều được khơi nguồn từ mảnh đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, tiêu biểu như: Truyện ngắn “Lộc trời” (Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006), tiểu thuyết “Họ vẫn chưa về” (Giải thưởng Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2009). Điều thú vị là cả hai tác phẩm này cùng viết về nghề nuôi hươu sao nổi tiếng ở quê anh. Bạn bè trong văn giới nói Nguyễn Thế Hùng đã làm những con hươu sao và nghề nuôi hươu ở Hà Tĩnh trở nên nổi tiếng, còn những chú hươu quý giá kia thì đã cho nhà văn được ăn lộc trời, lộc văn chương.

Một ông bạn thân thiết của Nguyễn Thế Hùng từng kể: Thế Hùng yêu và biết ơn những chú hươu sao vô cùng. Và để thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đó, toàn bộ tiền giải thưởng truyện ngắn “Lộc trời”, Nguyễn Thế Hùng đã dùng để đúc một con hươu sao bằng bạc. Anh đặt con hươu bạc trang trọng trên bàn làm việc, mỗi khi đi đâu về Nguyễn Thế Hùng lại nâng nó lên và... hôn chùn chụt, rồi không ngừng xuýt xoa: “Tao yêu mày! Tao yêu mày!”. Có thể đây chỉ là cách tếu táo làm cho câu chuyện thêm xôm trò. Nhưng mỗi dịp Thế Hùng dẫn bạn bè về thăm quê để khách phương xa được tận mắt chứng kiến ngày hội cắt lộc hươu, được thưởng thức bữa tiệc lá, được tận hưởng hương vị cay nồng của từng giọt rượu quê bên dòng Ngàn Phố thẳm xanh, được đằm mình trong những đêm tình ví dặm,... thì bạn bè không khỏi rưng rưng cảm động về tình yêu cháy bỏng của một người con tha hương với chốn cũ - quê nhà.

Ấu thơ ai mà không từng gắn bó với một dòng sông, và Nguyễn Thế Hùng cũng vậy. Trong nhiều tác phẩm của anh, sông hiện lên luôn gần gũi, đong đầy thương nhớ, đôi khi ta cũng lại gặp một dòng sông của niềm đau và những bí ẩn. Có phải chăng điệu ví dặm từ dòng sông quê luôn dạt dào trong tâm hồn nhà văn, để rồi khi cả gia đình cùng bám trụ ở đất kinh kì náo nhiệt, Nguyễn Thế Hùng đã quyết định lùi ra phía ngoại ô để dựng một nếp nhà nhỏ bên dòng sông của thi ca, nhạc họa - dòng sông Đuống êm đềm. Mở cánh cửa ra là ngút ngát gió đồng, là rì rào sóng hát, là vằng vặc trăng soi, là tiếng lao xao của muôn kiếp người trong cõi thế... Tất cả ùa ạt vào nhà văn, và từ chính căn nhà ấy, không gian ấy những tác phẩm gây được sự chú ý của văn giới đã ra đời.

Những người con hiếu thuận với mẹ cha luôn làm tôi trân quý. Xa quê tròn 30 năm cũng là 30 năm biền biệt xa mạ cha, tôi hiểu hơn ai hết Nguyễn Thế Hùng luôn cồn cào hướng về hai đấng sinh thành. Khi trò chuyện hay trên mạng xã hội, Thế Hùng rất ít chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của anh về mạ cha. Nhưng vài ba hình ảnh anh đưa lên facetime khiến mọi người không thể lướt qua. Đấy là hình ảnh cha anh, một lão nông hơn tám mươi niên, quắc thước, rạng rỡ khi đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất của con trai. Đấy là bức hình Nguyễn Thế Hùng cho mẹ ăn, Nguyễn Thế Hùng cõng mẹ. Thế giới ảo, người ta có thể làm màu qua những bức ảnh.

Nhưng tôi và rất nhiều người tin Thế Hùng, bởi con người ấy đủ yêu thương, trải nghiệm để sống chân thật với lòng mình, để luôn coi khinh mọi thứ màu mè, phù phiếm ở đời. Tôi biết vài năm trở lại đây mạ của anh đã yếu, bà cụ đi lại khá khó khăn. Mặc dù anh em ở quê đông, mạ được chăm sóc chu đáo, nhưng Thế Hùng vẫn xin đưa mạ ra Hà Nội để được gần mạ. Có lẽ anh biết quỹ thời gian mà mạ dành cho anh không còn nhiều nữa. Tôi từng tâm sự với Thế Hùng về một dự định, biết tôi đang sống cùng mẹ già, anh bảo: “Làm gì thì làm, còn mẹ già thì thương lấy mẹ...”. Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ rất nhiều ngày và có lẽ nó còn theo tôi mãi trong suốt quãng đời được làm con của một người mẹ bằng xương thịt trên đời.

Nếu các nam nhân văn chương thường “kín tiếng” về vợ con trên mạng xã hội thì Nguyễn Thế Hùng lại hay chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ của vợ con, nhất là ba cô con gái hoa ngọc. Anh không giấu giếm niềm vui và cả sự tự hào về con. Trong một cuộc rượu, bạn bè trêu anh: “Thấy ông suốt ngày khoe con gái. Ông không sợ người ta bảo: “Con hát mẹ khen hay à?”. Thế Hùng cười khà khà: “Ai cười mặc ai. Con tôi xinh thì tôi có quyền khoe thôi!”. Nói thế thì mọi người... “á khẩu” với ông bố nhà văn này rồi! Thế Hùng tự tin “khoe” con là bởi ba cô con gái của anh đều tài năng, xinh xắn.

Cô con gái đầu, khi Thế Hùng quyết định từ Quân khu 9 ra học Trường Viết văn Nguyễn Du cô bé mới 4 tháng trong bụng mẹ, nay đã là sinh viên năm thứ hai ngành báo chí. Cô bé giỏi ngoại ngữ và đam mê chữ nghĩa từ người cha nhà văn nên khi còn học Trung học phổ thông đã dịch các bài báo nước ngoài và đăng tải ở khá nhiều nơi. Hai cô con gái sinh đôi thì gắn với giai thoại này của nhà văn... Nguyễn Thế Hùng và Đỗ Tiến Thụy là đồng chí, đồng đội, đôi bạn văn chương thân thiết từ ngày cùng nhau bước chân vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Vợ chồng Đỗ Tiến Thụy hai lần sinh con thì được ba cậu ấm. Việc ấy như là một chiến tích, luôn là niềm tự hào để ông bạn đồng môn của Thế Hùng “vênh mặt” kiêu hãnh mỗi khi bạn bè “tám chuyện” hậu duệ. Và không ít người lấy đó là một biểu tượng của sức mạnh đàn ông để “công kích” Thế Hùng, vì lúc này vợ chồng anh mới có một cô con gái. Ba con trai cũng chỉ... 6 điểm! Hãy đợi đấy! Rồi xem... Nghĩ là làm, làm với quyết tâm cao độ. Nguyễn Thế Hùng bàn với vợ phải sinh con trai, mà sinh đôi hai cậu quý tử như nhà ai kia thì mới... hoành tráng! Để tăng thêm công lực, nào về núi rừng cắt nhung hươu ngâm rượu nếp, nào nhờ mua nghêu, hàu, sò huyết từ miền biển gửi lên... Và chờ...

Rồi một ngày đẹp trời, mấy văn nhân Nhà số 4 được bữa rượu vui như tết của Thế Hùng với lý do còn vui gấp trăm ngàn lần tết: Nàng Thúy Hằng, vợ anh, đang mang bầu hai cậu ấm! Thế nhưng khoảng hai tháng sau, vào một ngày không mấy đẹp trời, cô con gái lớn của anh lại gõ cửa từng phòng khu tập thể Nhà số 4: “Bác Q. ơi, bố cháu bảo mẹ cháu mang bầu hai em hĩm chứ không phải hai em cu!”, “Bác Th. ơi, bố cháu bảo...”... Mười một năm, như nước chảy chân cầu, hai cô con gái sinh đôi của Thế Hùng giờ đã là nữ sinh Trung học cơ sở. Giờ đây, bạn bè của Thế Hùng vẫn thường “ồ, à” về một người cha yêu con hết mực. Ở nhiều thời điểm, Nguyễn Thế Hùng đứng trước “những con sóng dồn đuổi”, buộc anh phải lựa chọn. Nhưng vợ con, gia đình luôn là sự lựa chọn số 1 của nhà văn. Anh ít tham gia vào những chốn “lao xao”, xô bồ để trở về với ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Đuống hiền hòa, vui đùa, dạy dỗ ba cô con gái. Rảnh rỗi là anh đưa các con về quê, để chân trần thả bộ trên triền sông đầy gió, để dạy con nói tiếng “trọ, trẹ” quê mình...

Nguyễn Thế Hùng có một tập truyện ngắn mang tựa đề “Người đi bỏ mặc câu thề”, nhưng suốt 30 năm qua, tôi tin anh luôn giữ vẹn câu thề với mạ cha, anh em, bạn bè, với quê hương xứ Nghệ và với chính mình.

Nguyễn Phú Văn
.
.
.