Nhà văn Ngô Vĩnh Bình - người lặng lẽ góp nhặt cát đá
Một lần, qua thị trấn Bảo Yên (Lào Cai), nhìn bảng chỉ đường, tôi sững người khi thấy dòng chữ “Phố Ràng”. Tên phố ấy từ lâu đọng trong tâm trí tôi. Vì nó gắn với tên một nhà văn - Trần Đăng. Nhà văn này tôi không biết mặt, chưa bao giờ nhìn thấy ảnh. Chỉ nhớ tên. Ông đã viết ký sự “Trận phố Ràng”.
Bài ký ấy cùng truyện ngắn “Một lần tới Thủ đô”, thế hệ chúng tôi được học trong trường phổ thông. Tôi nhớ nhất chi tiết, nhà văn miêu tả từng phút một khi người lính xáp vào trận đánh. Đợi từng phút xông lên. Có thể bị thương. Có thể hy sinh. Từng phút lao lên dưới tầm đạn địch, ai đã trải qua đều có cảm giác dài hơn thế kỷ. Trong khi những người khác, miêu tả người lính ra trận, coi cá chết “nhẹ như lông hồng”. Đó là những người ngồi trong căn phòng ấm, viết về cái chết bằng sinh mạng người khác. Chỉ có những người đi cùng bộ đội, sống cùng bộ đội, hòa với nhịp tim đập mạnh của bộ đội đánh trận mới có thể cảm nhận từng giây dài và nặng như thế nào.
Nhà tôi có quyển “Truyện và ký Trần Đăng”. Bố tôi mua từ lâu. Tôi xem, thấy nhà văn viết không nhiều. Nhưng ảnh hưởng đến thế hệ sau. Sách giáo khoa thời đó chỉ có vài dòng ghi năm sinh và ngày mất của ông. Mãi đến những năm 80 thế kỷ trước, tôi mới được đọc bài viết về chân dung nhà văn Trần Đăng của tác giả Ngô Vĩnh Bình.
Bài báo đó, thực ra là chuyên luận, thật công phu. Khi đó, anh Bình là phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi mới từ chiến trường Campuchia trở về, thường la cà nơi đây. Tòa soạn tạp chí nằm ngay đầu phố. Không có bảo vệ. Dễ ra vào. Đó là ngôi nhà cổ. Cầu thang gỗ. Sàn gỗ. Phòng nào cũng giản dị. Chỉ có bàn trà nhỏ. Bộ ấm chén cũ. Vệt trà đóng cặn. Nhiều khi không có trà. Nhưng không khí vô cùng thân tình. Ai cũng xởi lởi. Phòng nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì đầy tiếng Anh trên các cánh cửa. Phòng nhà văn Nguyễn Khắc Trường đáng chú ý nhất là ảnh Nam Cao và A. Chekhov… Anh Ngô Vĩnh Bình ở tầng hai. Phòng nhỏ nhất.
Anh Bình dáng người tầm thước. Giọng trầm ấm. Anh có nụ cười đôn hậu, rất ấn tượng. Anh kể quá trình tìm tư liệu để xây dựng chân dung nhà văn - chiến sĩ Trần Đăng, hấp dẫn như bộ phim truyện hành trình. Đi tìm một mình. Hành trang chỉ là chiếc xe đạp, cuốn sổ, cây bút. Tìm về quê Trần Đăng ở xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội). Dân làng cho biết, nhà văn ít sống ở quê. Từ nhỏ đã theo thân phụ ra Hà Nội học. Dạo ấy, Từ Liêm là ngoại thành, xa trung tâm Hà Nội. Không có thông tin gì. Anh Bình được biết, hình như Trần Đăng còn có một người em trai, nhưng ông này đang tại ngũ. Không ở quê.
Tiếp tục lên đường. Anh vào Thư viện Quân đội. Tìm những số báo cũ. May mắn, anh tìm được số báo “Vệ quốc quân” số Xuân 1950, đăng cáo phó về sự hy sinh của nhà văn Trần Đăng. Không có máy ảnh, thư viện cũng chưa có máy photocopy, anh chép lại nguyên văn cáo phó. Chép gần xong, bỗng có một sĩ quan giới thiệu cho anh biết một người bạn của Trần Đăng, còn sống. Đó là nhà văn Từ Bích Hoàng. Nhà văn này từng viết một bài về Trần Đăng, in trên báo Văn nghệ vào tháng 9-1969. Song nhà văn cũng cho anh một tư liệu quý. Đó là địa chỉ người em trai nữa của Trần Đăng, nhà gần sân Hàng Đẫy. Anh Bình lại phóng con ngựa sắt già nua đến tìm. Người em đã cho anh biết thêm nhiều tư liệu về sở thích, đời tư, mối tình đầu kỳ lạ của nhà văn. Nhưng cả gia đình đều không có một tấm ảnh nào của Trần Đăng. Điều này khiến anh áy náy.
Tình cờ, một hôm đến thăm nhà thơ Chính Hữu. Anh được nhà thơ cho xem cuốn album, trong đó có anh Trần Đăng. Anh say mê ngắm nhìn chân dung “người văn nghệ binh thứ nhất đã đổ máu ở chiến trường”: “Ông mặc áo trấn thủ, khoác áo nhà binh kiểu Pháp, nét mặt cương nghị, đôi mắt sáng nhưng lại chứa đựng vẻ mộng mơ, suy tư, đứng cạnh một thân cây gân guốc, vỏ cây rạn nứt tạo thành những hình khối đầy ấn tượng”. Đó là tấm hình duy nhất còn lại sau hơn ba mươi năm nhà văn hy sinh.
Song nhà văn Ngô Vĩnh Bình vẫn cảm thấy chưa yên. Anh vốn tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và công tác tại Ủy ban khoa học xã hội VN. Một con người như Trần Đăng, không thể chỉ có ít tư liệu như vậy. Trong một lần công tác ở Quân khu I, tình cờ anh gặp Trung tướng Hùng Phong, người gắn bó bao năm với núi rừng Việt Bắc. Trung tướng kể anh nghe nhiều chuyện về nhà văn, về “trận Phố Ràng”. Lúc này, anh mới chấp bút viết bài về Trần Đăng, in báo Văn nghệ.
Ít ngày sau, Tòa soạn nhận được một lá thư. Trong thư là hồi ức của một người đồng đội của Trần Đăng. Đó là Đại tá Lê Trần Quang, hiện ở Hải Phòng. Ông Quang là người có mặt trong trận đánh mà Trần Đăng hy sinh (26/12/1949). Trong thư, ông Quang còn cho biết nơi đồng đội chôn Trần Đăng. Thế là một cuộc tìm kiếm, bốc mộ, đưa hài cốt nhà văn từ biên giới phía Bắc về lại Hà Nội sau kỷ niệm “Một lần tới Thủ đô” từ thời chống Pháp. Không những vậy, anh còn được đoàn làm phim về Trần Đăng gồm các nhà văn - nghệ sĩ Ngô Thảo, Từ Ngọc Bình, Lê Lực cung cấp tư liệu quý. Đó là bức chân dung nhà văn Trần Đăng do họa sĩ Dương Bích Liên vẽ, trước khi nhà văn hy sinh. Bức này do nhà sưu tầm tranh Nguyễn Hào Hải lưu giữ. Đó là chân dung một chiến binh cương nghị, ẩn chứa sự lãng mạn và tình yêu chan chứa.
Quá trình đi tìm tư liệu để xây dựng chân dung nhà văn liệt sĩ Hoàng Lộc cũng chứng tỏ sự lao động nghiêm cẩn của nhà văn Ngô Vĩnh Bình đối với nền văn học sử nước nhà. Anh mang phong cách làm việc của người nghiên cứu lịch sử vào công việc văn chương. Anh kể: “Ngoài việc vào các thư viện để lục tìm tài liệu về tác giả bài thơ “Viếng bạn”, tôi còn đạp xe đi gõ cửa rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớp trước như Tô Hoài, Nhị Ca, Đông Hoài, Nguyễn Đình Thi…, tìm gặp nhiều người vốn là chỗ bạn bè quen biết của nhà thơ trước ngày Toàn quốc kháng chiến như dược sĩ Nguyễn Tất Tế, cụ Tú Thành… Tôi cũng đến phố Hàng Bạc, nơi gia đình ông Hoàng Lộc ở trước năm 1946; vào chùa Hưng Ký (nơi nghe kể ông đã có một thời gian trú ngụ và có ý định đi tu) và nhiều địa chỉ khác ở Hà Nội để hỏi han về quê hương, gốc gác, hành trạng và sự nghiệp văn học của Hoàng Lộc”. Và anh cho công bố dần những tư liệu về chân dung nhà văn.
Kết quả thật đáng khích lệ. Nhiều thông tin về nhà thơ được người thân và bạn bè viết thư gửi về. Đặc biệt, có lá thư của cụ Hoàng Nhật Tiến, anh trai và là người nuôi Hoàng Lộc ăn học từ khi còn nhỏ, lúc bấy giờ (1982) ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra. Qua những tư liệu đó, công chúng dần hiểu thêm về tác giả bài thơ “Viếng bạn”. Thời trẻ, ông bị bạn bè đặt cho cái tên Lộc “khàn” vì giọng nói của ông lúc nào cũng khàn khàn, khe khẽ. Ông rất hay buồn. Và ông thường giao du với các bạn thơ trong nhóm Dạ Đài và Xuân Thu nhã tập. Ông đã từng xuất bản hai tập thơ. Tập đầu không còn lưu. Tập thứ hai có tên “Từ tịch dương đến bình minh”. Đó là tiếng lòng lãng mạn của một người tuổi trẻ tha thiết yêu đời . Đây là thơ ông: Em vẫn trồng hoa ở viên thôn/ Xuân qua vườn nở hết hay còn/ Mấy bông hàm tiếu em còn nhớ/ Cũng bằng môi cười, ai đẹp hơn.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hoàng Lộc nhập ngũ. Ông công tác tại báo Xông pha cùng với nhà thơ Vân Đài, nhạc sĩ Văn Chung… Năm 1947, khi ta mở chiến dịch Việt Bắc, ông có mặt tại mặt trận đường số 4. Tại đây, ông cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với các đơn vị bộ đội. Ông được nếm mùi thuốc “dùi phìn” của đồng bào Tày-Nùng. Đặc biệt, ông viết tại mặt trận tập phóng sự nổi tiếng “Chặt gọng kìm đường số 4”. Năm 1950, Nhà xuất bản Vệ quốc quân đã ấn hành tập phóng sự. Đây là lời giới thiệu của Nhà xuất bản về tập sách: “Đã góp phần với những sáng tác khác để có thể phản ánh được hết Mặt trận Đường số 4 với suốt thời gian chiến tranh, bởi vì riêng Thu Đông 1947 đã không có một sáng tác văn chương nào có giá trị tương đối bằng tập phóng sự của Hoàng Lộc”.
Khi đọc lại tập phóng sự đẫm mùi khói súng trận mạc này, nhà văn Ngô Vĩnh Bình rất khâm phục. Anh viết: “Khó khăn, gian khổ của một quân đội trong những ngày đầu mới thành lập thật khôn tả. Thiếu thốn đủ thứ, gian nan vô cùng, vậy mà người chiến sĩ vẫn vui, vẫn tin tưởng ở ngày mai chiến thắng. Họ trao nhau chiếc điếu cày, nhường nhau củ sắn, cả một tổ ba người đắp chung một chiếc chăn bông cá nhân, áo trấn thủ may đủ “36 đường gian khổ”, mũ nan, chân không giày... mà “đời cứ tươi”. Họ nhặt nhạnh từng viên đạn địch để đánh địch. Người tù binh Đức bị bắt tại mặt trận nói về họ thế này: “Các ông gan góc lắm, các ông chịu được khổ! Chúng tôi chưa bao giờ thấy một người lính nào mà lại nhặt nhạnh, thu vén từng viên đạn như các ông” (tr.26). Thiếu thốn, gian nan, đói và rét nhưng họ, những chiến sĩ Vệ quốc quân lại là những người thấu hiểu hơn ai hết lời dạy của ông bà khi còn ở chốn quê “đói cho sạch, rách cho thơm”. Họ có thể hy sinh cả cuộc sống cho nhân dân nhưng khăng khăng đòi trả dân tiền một con gà (tr.26 ).
“Cuộc sống trên điểm tựa chờ địch là cuộc sống của “những người ở hố” và “những ngày mưa họ nằm lẫn với nước và bèo, thở hơi đất vừa nồng vừa chua, khát thì gạn nước hố mà uống” (tr.29). Đó là cuộc sống của những đội viên ở vị trí chiến đấu, còn người liên lạc thì “phải bò qua những vũng máu đen sì và những bãi cháy còn nóng” (tr.12)... Gian khổ là thế, hy sinh là thế nhưng họ cũng là những người “ham nghiên cứu chính trị”, khao khát chiến đấu, náo nức lập công và những khi rỗi rãi thì “tếu chẳng ai bằng”.
Nhưng tiếc thay, nhà thơ Hoàng Lộc đã không được cầm trên tay cuốn phóng sự nóng hổi của mình. Ông mắc bệnh lao và mất vào ngày 29-11-1949 ở tuổi 27 như một cây xanh đang vươn mạnh đầy tiềm năng và khát vọng. Chưa vợ con, chưa người yêu. Chiến trường là quê hương. Quân đội là gia đình, là mái nhà của ông. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Quế - Lập Thạch - Vĩnh Phúc cùng 80 anh linh vô danh.
Ngoài những chân dung nhà văn trên, hơn ba chục năm miệt mài làm việc, nhà văn Ngô Vĩnh Bình còn một kho tư liệu về các văn nghệ sĩ khác như Thanh Tịnh, Nguyễn Huy Tưởng… Thành quả đó có được, chủ yếu nhờ sự bền lòng của nhà văn. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận không khí lao động nghệ thuật cũng như môi trường mà Quân đội tạo cho các anh trong Tạp chí Văn nghệ quân đội. Không thúc giục, không mệnh lệnh, để trái tim nhà văn đập cùng nhịp đập với nhu cầu của cuộc sống, với những rung cảm và tình yêu đối với những di sản của đất nước, của nhân dân.