Nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn: Cần chung sống hòa bình trong tranh luận

Chủ Nhật, 15/08/2021, 10:49

Xung quanh những cuộc bất đồng gần đây trong cộng đồng chữ nghĩa, nhà thơ - nhà báo Trần Tuấn (Trưởng ban đại diện Báo Tiền phong tại miền Trung) cho rằng, đa phần những cuộc như vậy thiếu bàn thảo, lập luận, phản biện nhưng thừa cãi vã, chụp mũ, kết tội. Theo anh, đời sống văn chương muốn vận hành, phát triển lành mạnh thì vừa cần nâng dần trình độ của "số đông" lên trình độ của "số ít", vừa cần chung sống hòa bình trong tranh luận của hai lực lượng ấy.

- Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng khoa: Chào nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn. Mới đây, cộng đồng chữ nghĩa, đặc biệt là trên không gian mạng, lại "cãi nhau" xung quanh bài văn/bài phê bình của Võ Lập Phúc - chàng sinh viên 19 tuổi người An Giang "Thủ khoa toàn quốc khối D14 năm 2020" - viết về trích đoạn bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh liên quan đến đề thi Ngữ văn THPT 2021. Trong rất nhiều ý kiến từ đầu mút này đến đầu mút kia của dư luận, ý kiến của anh trên trang cá nhân có vẻ biện chứng thuyết phục hơn cả. Anh nói thêm gì về câu chuyện này?

- Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn:  Đúng thật là tôi có cảm giác "sốc" khi thấy cộng đồng mạng đồng loạt "đấu tố" bài bình đoạn thơ "Sóng" của em Võ Lập Phúc đăng trên mạng mới đây. Kinh ngạc và đau lòng hơn cả là đa phần những ý kiến cay nghiệt nhất lại đến từ cái mà như anh nói là "cộng đồng chữ nghĩa". Tôi không hiểu vì sao họ lại "căm thù" những câu chữ trong bài viết ấy đến thế, rồi miệt thị cả cá nhân cậu thanh niên 19 tuổi ấy. Mà toàn xuất phát từ định kiến, ngộ nhận lẫn võ đoán cá nhân. Về "thủ khoa", về "bài văn", về sự có thể ảnh hưởng, thậm chí "hại chết" lứa học trò con em họ nếu học theo lối viết này (?!). Gần như dư luận đều mặc định đây là "bài văn học trò"/"văn mẫu" mà không có một nhận thức cơ bản, rằng kể cả đó là bài thi Ngữ văn thực sự viết trong phòng thi, thì cũng cần phải được xem là một tác phẩm, để ứng xử với nó theo nguyên tắc như với mọi tác phẩm khác khi bình bàn. Sao không bình tĩnh cảm nhận, hoặc thoải mái bấm phím lướt qua, quên đi, khi điều mình đọc không hợp nhãn/hợp vị với mình?

Cần chung sống hòa bình trong tranh luận -0

Như tôi đã nhận xét trên trang cá nhân của bản thân ngay thời điểm đó, đúng là tác giả Võ Lập Phúc trong bài bình thơ trên đã khá "tham lam" về dẫn dắt, lí luận; ít tiết chế trong việc sử dụng thuật ngữ, khái niệm, khiến nhiều ý tưởng mới mẻ bị che mờ, khiến người đọc sa vào sự rối rắm, mơ hồ không cần thiết. Nhưng, theo tôi, đây có thể xem là một bài bình thơ đem lại những phát hiện mới về thơ Xuân Quỳnh nói chung và "Sóng" nói riêng. Ngôn ngữ phong phú, có ý thức phân tích tác phẩm bằng lí thuyết thi pháp học và liên văn bản, mạch cảm xúc trên nền tư duy được duy trì bền bỉ...

Tôi thấy thú vị khi Võ Lập Phúc chạm đến khái niệm hiện hữu trong triết học khi bình về câu thơ "Khi nào ta yêu nhau", điều không thể có trong "văn mẫu", mà những ai đã đọc Schopenhauer lẫn Lev Tolstoy bàn về tình yêu sẽ thấy ý vị. Hay như việc Phúc dùng phân tâm học để bàn về câu thơ "Cả trong mơ còn thức", mà những người viết "văn mẫu" với câu này đa phần chỉ tán loanh quanh bên rìa. Phúc đã mở rộng ra ngoài tình yêu "duy ý chí", tình yêu "lí tưởng" vốn quen thuộc với nhiều người Việt. Phân tích bình giảng một khổ thơ, mà ít nhiều vận dụng đến kiến thức liên ngành khác, vậy thì càng có sự mở mang thú vị chứ sao. Sao không chắt lọc xem có gì đáng đọc, đáng nghĩ trong ấy, mà cứ cho rằng đó là sự "đao to búa lớn" để kì thị nó? 

- Trước đó, chùm thơ của Ly Hoàng Ly trên Báo Văn nghệ bộ mới số 1, rồi trước đó nữa, chùm thơ của Tòng Văn Hân đoạt giải cao cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ bộ cũ cũng dậy sóng chia rẽ dư luận, từ người trong giới văn chương, chữ nghĩa cho đến người ngoại đạo. Văn chương nghệ thuật vừa xa lạ, xa xỉ với số đông, lại vừa là thứ mà ai ai cũng có thể góp bàn. Cái nghịch lí này anh thấy có... thuận lí không?

- Anh nói khiến tôi chợt nhận ra điều này: Tranh luận văn chương bây giờ hầu như vắng bóng. Nhớ lại những cuộc luận chiến, bút chiến văn nghệ, tư tưởng sôi nổi trên báo chí, văn đàn đầu thế kỉ 20, như về "Truyện Kiều", về quốc học/quốc văn, duy tâm/duy vật, nghệ thuật vị nghệ thuật/nghệ thuật vị nhân sinh, về Thơ mới, về "dâm hay không dâm" trong văn chương Vũ Trọng Phụng... Những cuộc bút chiến ấy cho dù ngôn ngữ, lập luận các bên nhiều lúc có sự "quá khích", cực đoan, có biếm nhại, chỉ trích nhau nhưng được chính thức diễn ra trên văn đàn, báo chí, đậm chất học thuật và có sự điều tiết phù hợp theo tiêu chí báo chí tôn trọng bạn đọc, chứ không văng mạng như trên mạng hiện nay.

Giờ đây, chẳng hạn như những cuộc mà anh vừa nêu, mới nhìn qua tưởng là dấu hiệu của sự quan tâm đến văn chương, học thuật. Nhưng, không phải. Theo quan sát của tôi, đa phần những cuộc như vậy thiếu tranh luận, lập luận, phản biện nhưng thừa cãi vã, chụp mũ và kết tội. Là sự hiềm khích phe nhóm. Là thể hiện. Bỏ bóng đá người. Chủ yếu sa vào những sự cố, những scandal, đu trend trên mạng xã hội mỗi ngày. Báo chí nếu có đăng bài tranh luận cũng đa phần đơn tuyến, đơn độc, rơi tõm không có lời hồi đáp, không nhận được sự phản biện chính thức tương thích. Hội thảo khoa học về văn học nghệ thuật cũng vậy, tôi dự nhiều cuộc cơ bản thấy ai đọc người nấy nghe, trừ vài "tranh luận" nho nhỏ khi có sự đụng chạm ngoài chuyên môn. Và, giờ tìm cũng không ra cuốn sách mới in nào mang tính chất tranh luận.

Đó đương nhiên là nghịch lí với xã hội văn minh, dân chủ về học thuật nhưng theo tôi cũng phần nào... "thuận lí" theo từ mà anh vừa nói. Thuận lí, với thói quen cố hữu của người Việt, là ít chịu lí luận, ngại bày tỏ quan điểm một cách chính danh mà chỉ quen "vào hùa" số đông chăng? Ở một chiều khác, trước thói quen độc quyền chân lí, quen phủ đầu chê bai hạ bệ mang tính hệ thống của không ít cây bút, số đông lại ngại dây vào chăng?   

- Cứ mỗi kì cuộc dư luận dậy sóng, đời sống văn học theo đó được dịp ồn ã rộn ràng, nhưng lại - nói như anh là - cùng lúc hiển lộ "không ít" chủ thể hung hãn, quen và thích phủ định sạch trơn những gì không vừa khuôn với thói quen mĩ cảm của mình...

- Giá mà "đời sống văn học" dậy sóng rộn ràng thuần văn học. Đáng tiếc là có quá nhiều vụ người ta chỉ nhân danh văn chương, nghệ thuật để hướng đến những mục đích phi văn chương, phản nghệ thuật. Trong đó có sự đòi hỏi phải thỏa mãn tuyệt đối theo cái khuôn mĩ cảm của riêng mình, mà dị ứng/phản ứng đến mức "hung hãn" với những gì "khác" mình.  

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài có một câu rất hay, đó là "Thơ dễ hiểu có quyền hay nên thơ hay cũng có quyền không dễ hiểu". Tôi cho rằng từ khóa quan trọng nhất ở đây là chữ "quyền". Quán xuyến được cái quyền ấy là điều đầu tiên của từng nhà văn, nghệ sĩ trước khi bắt tay vào thực hành một tác phẩm nghệ thuật. Còn với bạn đọc, người thưởng lãm cũng cần ý thức về cái "quyền" ấy của mình. Khi có vô vàn con đường mà mỗi cá thể có thể chạm và không thể chạm vào điều mà các tác giả muốn trình bày thì họ nên ý thức rằng mình có quyền từ chối/không tiếp nhận tác phẩm hay văn bản ấy một cách văn minh nhất. Chứ không phải nhất thiết tìm cách phỉ báng chúng. Vàng hay rác, hãy cứ để thời gian trả lời. 

Cần chung sống hòa bình trong tranh luận -0

- Vâng. Đành rằng không ai có "quyền" lấy cái hay cái thích của mình để áp đặt can gián người khác. Nhưng, thời này rồi mà cái đọc cái viết của một bộ phận không nhỏ trong giới văn chương chữ nghĩa vẫn dừng lại với mĩ cảm thuộc về tận những năm đâu đâu của thế kỉ trước... thì quả là rất đáng phản tỉnh. Anh có thấy thế không, nếu có thì anh kiến giải thế nào về cái hiện tượng mĩ cảm - đặc biệt là mĩ cảm thơ - ổn định bền vững một cách bất thường này?

- Thực ra không phải "bộ phận không nhỏ" đâu, mà là rất đông, là đại đa số đấy. Đương đầu lại số đông bền vững và "bảo thủ" ấy theo tôi đó mới chính là động lực, là chất xúc tác, là thách thức thú vị nhất với một thi sĩ. Thử tưởng tượng cảnh ai cũng làm thơ hậu hiện đại, tân hình thức thì đâu còn thú vị gì! Tất nhiên, lúc đấy sẽ lại có số ít thi sĩ rời bỏ đám đông để độc hành trên con đường, phương pháp sáng tạo riêng biệt mà giờ anh và tôi ngồi đây còn chưa thể hình dung ra được. Đó là quy luật nghiệt ngã mà cũng đầy kích thích của sáng tạo. 

Tất nhiên, cái gì thuộc về sáng tạo mà đã quá cũ thì sẽ tự hủy, cũng như cái mới mà không đem đến được giá trị đích thực cũng sẽ tự tiêu tan, không cưỡng lại được. Vấn đề ở đây, chính là thái độ chung sống như thế nào giữa đa số và thiểu số, giữa cũ và mới ấy, để cùng nhau thúc đẩy sáng tạo, đem lại những xúc cảm thăng hoa, sự thức tỉnh và tinh thần nhân văn cho đời sống, con người giữa hành tinh thời hiện đại đang băng trên những khúc quanh hiểm hóc, khó lường.  

- Còn nhớ năm ngoái, khi mùa đầu chiến dịch chống giặc COVID thành công thì cũng là lúc rộ lên mùa thơ cô giáo. Tôi lên tiếng khuyến cáo thì nhiều người thắc mắc là thơ ca ngợi cổ vũ phong trào dập dịch thì có làm sao. Vâng, chẳng làm sao cả, nếu đó là thơ của người trong giới "bình dân" hoặc thậm chí của thành viên câu lạc bộ thơ người cao tuổi chẳng hạn. Nhưng, sẽ là rất làm sao, khi đó là thơ của cô giáo, lại là cô giáo dạy văn, lại là dạy văn trường chuyên, bởi vì như ta biết cái sức ảnh hưởng của người dạy đối với người học là rất mạnh và rất bền...

- Anh quả là một nhà phê bình khá... nghiêm khắc, cùng với nhạy cảm của một thầy giáo từng dạy văn! Đúng là viết và công bố (dẫu chỉ trên trang cá nhân) những vần thơ "nôm na" quá hoặc sa vào hô hào thô vụng quá thì cũng phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh tác giả, nhất là người đó lại là giáo viên chuyên văn! Những người chuyên phân tích bình giảng về vẻ đẹp tinh túy của thơ ca, nay lại cho ra "tác phẩm" như vậy, sẽ khiến học sinh đâm ra có sự so sánh hoặc ngộ nhận đó cũng là... "tinh túy"!

Tất nhiên, tôi và anh chúng ta đều tôn trọng cảm xúc của những cô giáo ấy, nhất là những vần thơ đó được viết nhanh, vội giữa điểm nút cao trào của nước mắt và nỗi đau, trước những hi sinh nơi tuyến đầu chống dịch, hay giữa thiên tai bão lũ ngặt nghèo... Thông điệp và cảm xúc của những bài thơ mang tính thời điểm ấy tôi cho là quan trọng hơn nghệ thuật và kĩ thuật. Nghĩ cũng nên không quá khắt khe!

Nhưng, vẫn có những bài thơ của người viết "tay ngang" gây chấn động tâm can cả nước. Như bài "Cố lên con" của Nguyễn Khắc An mới đây mà qua tìm hiểu được biết tác giả đang là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kĩ thuật Vinh (Nghệ An). Cảm xúc trước hình ảnh em bé 9 ngày tuổi theo cha mẹ chạy xe máy vượt hơn ngàn cây số dằng dặc nắng mưa từ trong Nam về quê Nghệ An tránh dịch. Tôi muốn đưa trọn vẹn bài thơ ấy lên đây để cùng thấm hết nỗi đau nhân thế lúc này.                                          

CỐ LÊN CON

Cố lên con, sắp đến quê rồi
Ôm thật chặt để bố đi con nhé
Chỉ hơn ngàn cây số nữa thôi...
qua cầu là đất mẹ
Nếu xe máy không hư, 3 ngày nữa về nhà...

Cố nghe con
cố
để vượt qua
Ừ, đói bụng, biết rồi, đừng khóc nữa

bố hứa, về nhà cho uống sữa

ngủ đi con
sắp đến quê rồi...

Cho bố ngàn lần xin lỗi nhé con ơi
Đường xa lắm nếu không may gặp nạn
Bố xin lỗi nghe con
nếu
đêm nay xăng cạn
Và cơn mưa ập đến bất ngờ...

Bố xin lỗi con nếu chẳng có ai chờ
Hay ai đó nhìn chúng ta... quay mặt
Thì cứ ôm bố như hôm nay
con ơi thật chặt
Đừng tủi nghe con, tồi tệ nhất qua rồi

Bố chỉ còn
nơi
duy nhất đó thôi
Hoạn nạn không về quê thì biết đi đâu nữa?
Mạnh mẽ lên con bởi mỗi sau cánh cửa
Khép mở tùy tâm trắc ẩn lòng người

Cố lên con, sắp đến quê rồi...

                            30-7-2021

- Nếu các cô giáo chuyên văn mà trình xuất những bài thơ như của "người viết tay ngang" này thì đã chẳng có cơ hội cho tôi "khắt khe" rồi... Liên quan đến câu chuyện dạy văn, học văn trong nhà trường, tôi thấy thơ được chọn đưa vào chương trình phổ thông khá vênh lệch, đứt quãng so với thơ trương nở sinh sắc bộn bề ngoài đời sống. Chương trình Ngữ văn 12 hiện hành có đưa vào mỗi bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" (1979) của Thanh Thảo như là một cập nhật thơ sau 1975 và một thử nghiệm làm quen với "thơ khó". Nhưng, mấy năm gần đây, bài thơ này đã mặc nhiên nằm ngoài vùng ôn và thi tốt nghiệp THPT... Mà từ 1975 đến nay, anh thấy đấy, đã là nửa thế kỉ rồi...

- Về điều này, tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Đây cũng chính là một trong những bất cập lớn nhất về việc dạy văn và học văn trong nhà trường hiện nay. Nhà trường đến lúc không thể cứ cho rằng học sinh đã có những tác phẩm tham khảo, rồi duy trì và đóng đinh quá lâu những tác phẩm "kinh điển" vào chương trình chính khóa. Để mùa thi nào học trò cũng đoán đề, rằng năm nay ra "Tây Tiến" hay "Đất nước", hay "Sóng"..., những tác phẩm mà qua bao năm đã bào mòn cảm xúc, hứng khởi của các thế hệ học trò. Học văn và làm văn mà tất cả gần như đã định hình bằng công thức và barem, rất ít chỗ để phát huy sự tươi mới về tư duy, xúc cảm, thì tình yêu dành cho môn văn của học trò như thế nào chúng ta đã biết rồi. Chưa kể là sự lệch pha ngày càng lớn giữa tác phẩm trong sách giáo khoa với đời sống văn chương sáng tạo bên ngoài và thế giới, về phương pháp sáng tác, cảm quan thời đại. Tôi cảm thấy sốt ruột...

Cần chung sống hòa bình trong tranh luận -0

- Vì cứ mãi bảo lưu mặc định cái thói quen quán tính mĩ cảm, rằng thơ phải vần vè dễ hiểu, phải là công cụ phục vụ đời sống nên nhiều người kêu là thơ của một số nhà thơ ngày nay đọc không hiểu gì và quá xa lạ với đời sống hiện thời... Tôi muốn dẫn lại ở đây câu thơ của nhà thơ Lê Vĩnh Tài mà anh đã dẫn: "Thơ dễ hiểu có quyền hay nên thơ hay cũng có quyền không dễ hiểu"... 

- Mỗi độc giả, người thưởng ngoạn có một từ trường, luồng điện xúc cảm riêng trước mỗi tác phẩm dù được sáng tạo theo mĩ cảm cũ hay mới và từ trường ấy dù giống hay khác nhau, đều xứng đáng được tôn trọng. Theo tôi, không có sự phân biệt cao thấp gì về kiến thức, trí tuệ hay khả năng đọc hiểu trước một tác phẩm văn chương. Cả những bài thơ cũng vậy, hiện đại khó hiểu hay truyền thống dễ hiểu đều có những sinh phận như nhau. Đời sống luôn đa dạng mà hài hòa, theo quy luật đào thải của nó. Bài thơ sống hay chết, trong bao lâu, thì thời gian và các thế hệ người đọc sẽ quyết định, ngoài ý muốn chủ quan của tác giả. Có những câu thơ được cho là "tắc tị" vẫn xuyên thời gian như "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" của Nguyễn Xuân Sanh từ hơn 80 năm trước, như một minh chứng cho tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm Xuân Thu nhã tập (1939-1942) mà ông là một nòng cốt: "Thơ là một cái gì không giải thích được, mà cũng không cần giải thích, và nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc".

- Có một câu nói được nhiều người sử dụng như một chân lí, rằng đỉnh cao của sự vĩ đại nằm ở sự giản dị. Nhưng, thử hỏi, nhạc giao hưởng có giản dị không, tranh lập thể có giản dị không, văn của Joyce, Proust, Nabokov, Kafka... có giản dị không? Thế mới biết, ngoài trời còn có trời, ngoài chân lí còn có chân lí, ngoài sự vĩ đại còn có sự vĩ đại, thưa anh?

- Đúng vậy, và đây cũng là nhận thức chung của nhân loại rồi. Có sự giản dị trực diện mà nhói buốt như bài thơ "Cố lên con" mà tôi đã dẫn. Nhưng, cũng có sự giản dị lặn sâu trong tiềm thức, tạo nên những cung bậc cảm xúc và năng lượng tinh thần đặc biệt như nhạc giao hưởng, thơ siêu thực, tranh lập thể... Tôi nghĩ ai cũng có điều đó, nó kích hoạt rất nhiều thứ trong nội tâm và tư duy mỗi bản thể, có điều tự họ không "nhận ra" mà thôi. 

- Nhân anh nhắc đến tuyên ngôn của Xuân Thu nhã tập, tôi lại nhớ nhà văn Haruki Murakami từng để cho nhân vật của mình phát biểu, rằng dường như cái đọng lại trong lòng người đọc tiểu thuyết chính là không-biết-tác-giả-thực-sự-định-nói-gì (trong "Kafka bên bờ biển"), rằng tiểu thuyết đáng đọc nhất chính là những cuốn đọc-không-thấu-được (trong "1Q84"). Tinh thần này rất gần với tinh thần của Roland Barthes trong tiểu luận "Sự khoái lạc của văn bản", rằng nghệ thuật tự sự là phải kéo dài cái giây phút đi tìm chân lí, bởi khoái-cảm-nằm-trong-quá-trình...

- "Nếu thơ không đến một cách tự do như những chiếc lá trên cây, thì tốt nhất đừng đến". Người nói câu này là John Keats (1795-1821), thi sĩ lừng danh người Anh dù qua đời khi mới 26 tuổi nhưng nhiều bài thơ của ông thách thức thói quen đọc-hiểu thông thường. Bản thân Keats sinh thời cũng bị nhiều đồng nghiệp tấn công không thương tiếc vì điều này. 

Nhiệm vụ của nhà thơ, nhà văn theo tôi không phải là ngồi vò đầu suy nghĩ xem tác phẩm mà mình đang hoặc sẽ viết có vừa lòng người khác không. Nếu tự mình khống chế quyền tự do, tự nhiên trong sáng tạo thì nói như John Keats ở trên, thà đừng viết ra. Thơ cũng không cần phải cố gắng được hiểu theo nghĩa đen. Khuynh hướng giao tiếp của thơ vốn luôn rất khác thường. Sáng tạo ra cái mới lạ luôn mang tính thách thức, khám phá những gì chưa từng có tiền lệ.

Đặt mình vào vị trí một độc giả, kinh nghiệm của riêng tôi, đó là khi đối diện với một tác phẩm được cho là "khó đọc", nên thả lỏng mọi giác quan vốn mặc định, để thử tìm xem đường dây nào kết nối những thứ "rời rạc, khó hiểu" trong tác phẩm ấy, thử cảm nhận ý nghĩa và chuyển động của nó. Mới nghe thì tưởng "quy trình" trên có vẻ dài dòng phức tạp. Nhưng, thực tế điều này thường xảy ra rất nhanh, chớp nhoáng và cho kết quả tức thời, như khi ta chạm tay vào mối dây có điện. Còn nếu không cảm thấy trong mình có sự rung lên hay một chút ám ảnh nào đó, thì cứ việc... next, đừng cố công gỡ rối, hay kêu than, chỉ trích chỉ vì "không hiểu". Sẽ có những người khác "giải nén" điều đó. 

- Đến đây, tôi lại muốn dẫn lời của một nhà nghiên cứu phê bình hải ngoại, rằng đại chúng hóa văn học nghệ thuật trong bối cảnh ngày nay phải nên được hiểu là nâng trình độ của số đông lên trình độ của số ít, chứ không phải là hạ trình độ của số ít xuống trình độ của số đông... 

- Tôi tán đồng điều này. Bởi đây cũng chính là quy luật tiến hóa và đào thải tất yếu của văn chương, nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung, đó là cần thái độ "chung sống hòa bình" của hai lực lượng ấy.

Tôi chợt nhớ tới câu trả lời thú vị của nhà văn Nguyễn Bình Phương trên mục Trò chuyện cuối tháng (3-2021) của An ninh thế giới. Khi được hỏi về vai trò của Hội Nhà văn ở đâu trong việc "đào luyện" các cây bút văn chương, tác giả của "Những đứa trẻ chết già" đã hóm hỉnh: "Thực ra thì có 2 danh sách nhà văn song song tồn tại, một ở trên kia, do ông trời giữ, một ở chỗ số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hội Nhà văn giữ. Ai nằm trong danh sách trên kia thì... chắc suất hơn". Văn chương là vậy đấy!

- Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị!

Hoàng Đăng Khoa (thực hiện)
.
.
.