Một người Nhật nhìn người Việt

Thứ Tư, 16/03/2022, 10:00

Có một giai thoại  thế này: Một lần, nhà văn Nga A. Chekhov đến Tomsk - một thành phố nhỏ ở Nga. Thấy dân nơi đây hờ hững. Chán. Ông viết truyện ngắn “Hạt dẻ”. Trong truyện, ông chê thành phố Tomsk “không đáng một xu”. Thành phố rất buồn tẻ, và người dân ở đây “là những người buồn tẻ nhất”.

Ông vào quán trọ nghỉ. Ông khen món ăn, nhưng lại chê phụ nữ là những người khó tiếp xúc. Đọc truyện này, dân thành phố Tomsk rất ghét Chekhov. Họ bàn nhau cách trả thù nhà văn. Và họ dựng một bức tượng Chekhov đặt trong thành phố. Chân dung ông cao nghều. Mặc áo khoác dài. Cổ áo dựng đứng. Mặt dài, nhưng đeo kính mắt tròn. Hai mắt như trợn lên. Đầu đội mũ phớt lệch. Cái ô cắp ngang sau lưng. Hai chân dạng ra. Ngộ nghĩnh hơn, ai đó đã quàng cho ông một cái khăn màu tím. Bức tượng này có tên là “Chekhov dưới cái nhìn của một người đàn ông say rượu, không đọc truyện ngắn “Hạt dẻ”.

Câu chuyện trên cho thấy, không ai thích bị chê. Cả cá nhân và tập thể. Ai cũng thích khen. Có câu nói, mỗi người là một thắng cảnh. Dẫu bạn buồn. Nhưng bạn cứ ra phố. Đi chơi suông. Nhưng vẫn có nhiều người thích nhìn ngắm bạn. Bởi họ thấy, trong lòng, nhen lên những ý nghĩ thú vị. Ít ra, bạn  cũng làm đẹp cho xã hội, trong ý nghĩa nào đó.

Một người Nhật nhìn người Việt -0
Ông Ito Tetsuji và cuốn sách Ngõ phố Hà Nội những khám phá.

Từ lâu, tôi đã muốn viết về một người Nhật Bản tên là  Ito Tetsuji. Ông viết cuốn “Ngõ phố Hà Nội – những khám phá”. Tuy tên sách là thế, nhưng nội dung lại viết về người Hà Nội nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung.  Cả ưu lẫn khuyết. Lâu nay, tôi chỉ được đọc, được nghe những lời của người nước ngoài ca ngợi Hà Nội và người Việt. Những lời ấy, phần lớn mang tính ngoại giao và có hướng một chiều, giống nhau. Mỗi cá nhân, cũng như mỗi thành phố, càng ngày càng có ý thức coi trọng ý kiến của dư luận về bản thân mình, đặc biệt trong lối sống. Cần những ý kiến xác đáng. Để suy ngẫm. Để điều chỉnh. Và cảm ơn.     

Ông Ito Tetsuji là ai?

Ông là nhà nghiên cứu tâm lý. Ông sang Hà Nội lần đầu năm 1992 khi đang học thạc sĩ tại trường đại học Nagoya. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới và có cái nhìn định kiến không mấy tốt đẹp về “các nước đang phát triển, thuộc thế giới thứ ba”. Chúng ta là dân của “thế giới thứ ba”. Quốc tế mặc định thế. Lần đó, với tư cách đi du lịch. Ông viết: “Đến Việt Nam với ý định tìm kiếm những dấu tích chiến tranh, nhưng tôi đã bị hấp dẫn hoàn toàn bởi tấm lòng khoan dung của con người nơi đây, của vẻ đẹp sâu lắng toát ra từ tà áo dài dân tộc và của vị ngon đậm đà tỏa ra từ mỗi bữa ăn. Khi ra chợ, tôi đã gặp những con người rất chân chất mà thật tình cảm. Một người du khách được coi là nhiều tiền như tôi lại được mời ăn phở, nhiều người bán hàng không lấy tiền của tôi, họ còn cho tôi trú mưa, lại còn có nhiều người trông rất nông dân vừa cười vừa mời tôi uống bia… Dĩ nhiên không phải không có người làm tôi khó chịu, nhưng quả thực chuyến du lịch đầu tiên tới Việt Nam đã để lại trong tôi những ấn tượng kỳ lạ. Với tôi, Việt Nam có một sức hút ghê gớm, thật khó cắt nghĩa”.

Lần sau, ông đến Việt Nam do được Bộ Giáo dục Nhật chấp nhận đề tài của ông: “Giao tiếp ở chợ”. Ý định của ông là “Ban đầu tôi muốn tìm hiểu xem người Việt sẽ nói với nhau những gì ở chợ. Nhưng tôi không biết sẽ bắt đầu như thế nào và tiến hành nghiên cứu ra sao. Tôi mang theo trăn trở đó đến Việt Nam và cuối cùng khi tới Hà Nội, cuộc sống thường nhật trong ngõ phố nơi đây và mối quan hệ giữa con người với con người trong thế giới đó đã hút hồn tôi”.

Thật ngạc nhiên. Trong khi các nhà nghiên cứu của ta đua nhau quan tâm đến những đề tài vĩ đại và mơ hồ, thì ông Nhật này lại ra chợ, chỉ để xem người bán, người mua nói những chuyện gì.  Chắc đề tài này, các cơ quan chức năng ở ta phán ngay là tầm thường, vớ vẩn. Ít ra, vào chợ phải nghiên cứu giá cả hoặc các loại hàng. Biết tiếng địa phương đâu mà nghiên với cứu. Nhưng người Nhật có truyền thống nghiên cứu những cái vụn vặt, cụ thể. Chẳng hạn như bồn cầu nổi tiếng toàn cầu, đôi tất (vớ) cho chân phải - chân trái, chụp cho bằng được hình ảnh một tinh thể nước v.v…

Để thực hiện đề tài, ông Ito Tetsuji thuê một ngôi nhà trong ngõ nhỏ ở đường Láng (Hà Nội). Ít lâu sau, ông đón vợ và con gái nhỏ sang sống cùng. Ông thuê một người dọn dẹp nhà cửa. Đó là chị Mên, ở nhà đối diện. Chị có chồng và hai con gái. Đây là nhận xét của ông: “Tôi vẫn có cảm giác hơi khó chịu vì có thêm người khác trong nhà và thấy ngài ngại khi thuê người khác giặt đồ cho mình. Chị Mên có chìa khóa riêng và có thể vào nhà tôi bất cứ lúc nào mà không cần bấm chuông. Ban đầu tôi có cảm giác hơi khó chịu, tôi nghĩ, hình như người Việt Nam không có thói quen gõ cửa. Ngay cả khi tôi đang ngồi bên bàn làm việc, chị cũng bất ngờ xuất hiện, dĩ nhiên rất nhẹ nhàng. Cái tự do cá nhân có ở bất cứ người  Nhật nào, đã bị phá vỡ hoàn toàn. Chị ấy biết rõ cả việc hoa quả trong tủ lạnh bắt đầu hỏng, rồi biết cả những món ăn ngoài mất bao nhiêu tiền qua các hóa đơn trong sọt rác… Quả tình chị ấy là người rất chu đáo, song thời gian đầu tôi vẫn có cảm giác hơi khó chịu. Nhưng dần dần tôi đã quen và cảm giác đó cũng không còn nữa”.

Ở ngõ đó, ông làm quen với chị hàng hoa, với quán bia hơi và nhất là hai hàng phở và hai hàng xôi. Ông quan sát các quán có ống đựng đũa và hộp giấy ăn: “Khách hàng thường dùng thứ giấy đó để lau đũa trước khi ăn. Tất nhiên những chiếc đũa đó đã được rửa và chúng không hề bẩn nhưng không hiểu sao việc lau đũa đã trở thành thói quen của người Hà Nội (người Sài Gòn không có thói quen đó). Lau đũa xong, mọi người thường vứt giấy xuống gầm bàn. Dưới gầm bàn còn có các cọng rau ăn thừa... Trông không được sạch sẽ lắm nhưng cũng không sao. Hết khách, những người bán hàng sẽ dọn dẹp kia mà. Các cửa hàng ở Hà Nội hầu như không có nơi nào tạo được ấn tượng tốt với tôi trong lần tới đầu tiên, ngay trong chợ cũng vậy. Họ làm việc chăm chỉ nhưng lại rất tiết kiệm nụ cười... Nhưng nếu mua hàng nhiều lần thì họ sẽ trở nên thân thiện hơn”.

Và ông phát hiện nét riêng của đường phố Việt Nam: “Dù ở nhà riêng hay khu tập thể thì cũng có rất nhiều nhà không có sân. Nhà và nhà cứ san sát nhau như cá hộp. Có lẽ vì vậy mà một khoảng hành lang trở thành tài sản chung của những người sống ở đó. Nếu ở Nhật Bản, người ta làm các việc hàng ngày như đánh răng, rửa mặt, nấu cơm, ăn cơm, nựng con, cho con bú ở trong nhà thì ở Việt Nam các việc đó lại được đưa ra ngoài ngõ phố. Cũng vì một phần là trời nóng quá nên không thể ở trong nhà mãi được. Việc này đã trở nên quen thuộc với người Việt, nhưng trong mắt người Nhật như tôi thì đó quả là một cảnh tượng rất lạ”.

Cũng may là ông ấy chưa thấy cảnh đái bậy ở thành phố.

Yêu Việt Nam thật lòng, nên ở được 5 tháng, ông quyết định đón bố mẹ, cô chú và những người thân sang thăm Việt Nam. Ông kể, người cô và mọi người mua rất nhiều quần áo vì ở đây rẻ hơn so với Nhật. Chú của ông nhận xét: “Cách đi của người Hà Nội thật khoan thai, không vội vàng như người Tokyo”. Ông đồng tình: “Mật độ dân số ở Hà Nội cũng chẳng kém gì so với Tokyo nhưng tôi có cảm giác là vẫn có sự thảnh thơi mà Tokyo không có. Không thấy vẻ vội vàng ở bất cứ người nào. Tất nhiên là cũng còn nhiều người có cuộc sống vất vả, khó khăn, cũng có cả những ông bố bế những đứa con không được khỏe  mạnh lắm. Nhưng dù vậy, họ vẫn có thể sống và trên gương mặt họ vẫn toát lên vẻ lạc quan. Phải chăng đó cũng là một nét đặc trưng của người Hà Nội?”.

Bị ám ảnh bởi dáng đi của người Việt, ông khắc họa chi tiết: “Tôi nghe nói những người bán bánh mỳ rong mua ở lò là tám trăm và bán với giá một nghìn. Họ đi khắp các ngõ phố, cất tiếng rao. Vậy mà mỗi chiếc cũng chỉ kiếm được có hơn hai trăm đồng (khoảng 2 yên). Chúng ta cũng có thể nhìn thấy những người đi bán những thứ đồ nhỏ ít người dùng suốt cả ngày trong các ngõ. Tôi luôn cảm thấy là họ không vội vã như người Nhật. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ: hiện đại hóa là gì? Giàu có là gì? Rất nhiều người Nhật ở đâu đó đang nghĩ rằng “chúng ta phát triển hơn”, nhưng so với những người đang đi lại trên các đường phố Tokyo thì người Hà Nội thảnh thơi hơn nhiều”.

Là một người Nhật chân chính, ông Ito Tetsuji không ngần ngại chỉ ra những tính cách khó chịu của người Việt. Chẳng hạn như sự láu cá. Ông kể một lần đi taxi đến Bảo tàng Dân tộc. Anh tài xế cố tình đi vòng vèo rồi tính giá 80.000 đồng. Nhưng ông chỉ trả 50.000 đồng. Anh tài xế chạy theo đòi. Ông kiên quyết không trả. Hay chuyện ở bưu điện. Cô nhân viên thái độ lạnh lùng, không thèm nhìn khách. Còn người đến sau không chịu xếp hàng, chen ngang. Ở nhiều nơi khác cũng luôn có chuyện chen lấn. Ở Bờ Hồ thì khách bán đồ lưu niệm lẵng nhẵng bám theo khách nước ngoài, ép mua bằng được. Hoặc như tính cách xuề xòa, bừa bãi của người Việt.

Đặc biệt là sự sai hẹn, trễ giờ nhưng không một lời xin lỗi. Hoặc có cô cán bộ Viện Tâm lý, đòi đến nhà ông. Ông hỏi: “Xin lỗi chị là ai? thì cô ấy chỉ nói “Ngày mai tôi sẽ tự giới thiệu”. Cô cán bộ này hẹn 5 giờ mai sẽ đến. Ông và cả nhà đợi. Đợi mãi nhưng không thấy vị này. Ông hóm hỉnh: “Rốt cục tối hôm đó tôi không có vinh hạnh được gặp người đàn bà “kỳ lạ” đó”. Hoặc có lần, một cô sinh viên biết tiếng Nhật hẹn dẫn ông và một người bạn Nhật mới sang đi chơi bằng xe máy. Cô này cứ phóng bạt mạng, hết rẽ phải lại rẽ trái, vòng vèo khiến ông và người bạn cảm thấy rất khó chịu. Hoặc có những người không biết đường nhưng lại cứ chỉ đường rất linh tinh… “Nhưng dù sao sự bừa bãi mà tôi nói ở đây xét cho cùng vẫn chỉ là do tôi đánh giá một cách vô thức dựa trên những chuẩn mực từ nền văn hóa của chính tôi” - ông khiêm nhường thú nhận.

Trong thời đại toàn cầu hoá, các đường biên giới dần bị xóa nhòa. Người dân đi lại, đến những quốc gia khác ngày càng nhiều. Vấn đề bản sắc không phải mờ dần mà ngày càng rõ nét. Việc viết một cuốn sách sau mỗi chuyến đi ngày càng đơn giản. Song điều quan trọng nhất là tác giả phải khắc họa chân thật và những nét nổi bật của người dân nơi mình đến. Có nhiều tác giả, đi nhiều nơi, viết nhiều, nhưng không có gì đặc sắc. Bởi họ chỉ lướt qua các sân bay, nhà ga, khách sạn, quảng trường với đám đông v.v… Mà trên thế giới, tất cả những nơi này đều giống nhau, chỉ có tên gọi là khác nhau thôi.

Đoàn Tuấn
.
.
.