Khúc hoan ca còn mãi...

Thứ Bảy, 26/08/2023, 12:08

LTS: Vào dịp lễ trọng của đất nước gần tám thập kỷ qua, bài hát "Mười chín tháng Tám" của Xuân Oanh lại vang lên tràn đầy khí thế mùa Thu cách mạng: "Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa...". Đó là khúc hoan ca, là tiếng chim Oanh báo hiệu một chương mới của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Năm nay, tác giả Đỗ Xuân Oanh tròn 100 tuổi. Người bạn đời của ông, bà Lê Thị Xuân Uyên, là một trong những nữ chiến sĩ CAND đầu tiên sau ngày đất nước giành độc lập (mùng 2/9/1945). Năm 1947, bà từng bị giặc Pháp bắt giam, tra tấn dã man tại nhà tù Hỏa Lò, đến năm 1948 thì thoát ra được và lên Việt Bắc tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến.

Ông bà có 3 người con trai, 2 trong số đó theo nghề công an và đều được Nhà nước phong hàm tướng. Trung tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an, kiêm Viện trưởng Viện chiến lược Công an, người con út của nhạc sĩ Xuân Oanh đã gửi tới Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng bài viết này với những kỷ niệm sâu sắc về một gia đình có truyền thống yêu nước. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Cụ nội tôi ở Thái Bình, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục chống thực dân, bị giặc Pháp đuổi bắt, đem 3 con lánh nạn sang Trung Quốc. Khi trở về, cụ không dám về quê mà lưu lại Quảng Ninh. Ông nội tôi lập nghiệp ở đây, đặt tên các con trai đều theo mấy loài chim hào sảng trong truyền thuyết: chim Oanh, chim Bằng, chim Hồng. Chắc các cụ ước mong con mình bay cao, bay xa, ít nhất là thoát khỏi cảnh bần hàn thời Pháp thuộc. Riêng Oanh thì các cụ cho chữ Xuân đầy mộng mơ.

Cha tôi mải miết kiếm tìm mùa Xuân trong cả cuộc đời, và luôn coi sự tồn tại của mình qua mấy cuộc chiến tranh là may mắn ở đời. Ông chết hụt nhiều lần. Bé thì ngụp lặn kiếm tôm cá ở biển, bị cuốn vào ống cống nối hai vũng biển, nước chảy xiết đẩy ra, bị hà cào máu me khắp người; lớn thì rơi từ đỉnh cột điện cao thế xuống đất, mê man 5 ngày liền rồi tự tỉnh. Có lần trên đường công tác thì bị Pháp vây bắt, chỉ kịp giắt khẩu súng vào cạp quần và ôm đống tài liệu chạy ngoằn ngoèo tránh làn đạn từ trực thăng Pháp. Đi ra nước ngoài thì cũng đôi lần ngồi trong máy bay nhìn động cơ cháy đùng đùng, có lần bị lỡ chuyến thì máy bay rơi.

Tự vươn lên là một biểu tượng lớn của các con khi nhớ về cha tôi. Lớp 3, quan Pháp đến thăm trường, hiệu trưởng bỏ qua học sinh lớp lớn giao cho cha tôi đọc diễn văn chào mừng bằng tiếng Pháp. Hết lớp 4, gia đình nghèo, cha bắt đầu tự kiếm sống, thấy có lớp học là ghé khe cửa sổ nhìn trộm, tối về "phụ đạo" và làm hộ bài tập cho chúng bạn kiếm bữa qua ngày. Nhờ vốn tiếng Pháp "ba xí ba tú" đó mà ông sang Hải Phòng kiếm sống ở các quán bar, rồi lên Hà Nội kiếm được việc bán giày cho Tây ở phố Hàng Đào. Rồi thấy chủ bảo bán hàng được bằng tiếng Anh thì cho thêm tiền, ông mượn đài của chủ, nghe mãi tự dưng nói được. Thuởã còn trẻ mỗi ngày ông đọc hàng trăm trang sách các loại, về già đêm nào cũng ngồi vắt chéo chân trên bàn đọc sách dưới ánh đèn leo lét. Cha bảo mỗi ngày mà đọc dưới trăm trang thì khó ngủ. Cha kể rằng hồi trên Việt Bắc, Cụ Hồ bảo người không biết ngoại ngữ thì như người tịt mũi, thơm thối gì cũng không biết.

nhạc sĩ xuân oanh năm 2000 (ảnh do nhà báo nguyễn phú cường chụp.jpg -0
Nhạc sĩ Xuân Oanh năm 2000 (ảnh do nhà báo Nguyễn Phú Cương chụp).

2. Cha mẹ gặp nhau hẳn là nhờ cái duyên của Cách mạng tháng Tám. Mẹ kể hồi 15 tuổi khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh (Trưng Vương - Hà Nội ngày nay) đã suýt được bà gả chồng. Ông mất sớm, bà chơi thân với một người bạn, hai nhà hứa hẹn kết thông gia. Hôm nhà có đoàn khách sang trọng đến thăm để xem mặt "con dâu tương lai", Xuân Uyên sợ quá xuống bếp trốn, nhất định không chịu gặp "nhà trai". Chuyện không thành, nhưng bà cũng không trách mắng gì con gái. Mẹ kể đó cũng là một gia đình cách mạng, bác "rể hụt" sau này là thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày Cách mạng tháng Tám, Xuân Uyên hòa mình vào dòng người biểu tình, cùng hát vang bài ca "Mười chín tháng Tám". Hôm sau trên đường về nhà, đi qua rạp Đại Nam (khi đó là địa điểm họp kín của Ủy ban Quân sự Hà Nội) thì bắt gặp một chàng trai mặc quần soóc, mũi to, ánh mắt tinh nghịch đeo một khẩu súng dài đứng gác ngoài cửa rạp. Chàng cười với nàng, nàng cười đáp lại. Rồi ngày nào đi qua đó nàng cũng để ý tìm chàng trai gác cổng. Mối tình của hai người bắt đầu như thế. Năm 1946, Toàn quốc kháng chiến nổ ra, Xuân Uyên tất tả với hoạt động cứu thương của đội cứu thương Bệnh viện Phủ Doãn, chối từ lời hò hẹn của nhiều chàng sinh viên trường y. Rồi Xuân Uyên vào Công an Hà Nội, làm Trạm trưởng Trạm điều tra phản gián hoạt động nội tuyến, có người đồng đội làm Trưởng Công an Liên khu II thầm thương trộm nhớ nhưng Xuân Uyên chối từ vì đã đem lòng thương nhớ Xuân Oanh.

Thời gian Xuân Uyên bị địch bắt giam ở Hỏa Lò, Xuân Oanh khi đó phụ trách Ban Công tác phá hoại Khu XI chuyên đào đường phá cầu ngăn chặn bước tiến của địch. Xuân Oanh làm bài hát, nhét vào ruột bánh mì chuyển vào nhà tù động viên Xuân Uyên giữ vững chí khí. Khi được thả vào năm 1948, tổ chức bí mật đưa Xuân Uyên lên Việt Bắc, làm công tác ở Nha Công an Trung ương. Tổ Cơ yếu chỉ có hai người, một bác khi đó cũng chưa có vợ đem lòng yêu mến. Buồng cơ yếu thường làm việc trong phòng tối, hai người thay nhau đạp máy phát điện và làm mật mã. Thấy bất tiện, tổ chức cho Xuân Uyên chuyển công tác sang cơ quan mặt trận. Đó là thời hễ có được một ngày nghỉ nào là Xuân Oanh chạy bộ xuyên rừng 90 km để gặp Xuân Uyên. Hai người làm đám cưới vào năm 1951. Sau này các bác bạn của mẹ hay trêu: "Mẹ cháu ngày xưa xinh lắm, công an có bao nhiêu người mê mà mẹ cháu không ưng lại đi thích thằng Oanh mũi to vừa nhà quê vừa xấu giai".      

Tôi nhớ những chiều Hà Nội se lạnh trong mưa bụi, trong gian nhà hầm ở phố Quán Sứ, cha đàn mẹ hát "Giọt mưa thu", lời và nhạc đều buồn. “Ngoài kia giọt mưa Thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong cơn mưa, ai khóc ai than hờ…”. Mẹ hát có phần "sáng tạo" về nhịp phách nhưng giọng trong trẻo, đồng điệu với nhịp đàn của cha. Giai điệu vút lên “vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành như nhủ trời xanh”, nhạc chộn rộn rồi rơi trở lại giai điệu trầm. Vẻ mặt hai người cũng buồn man mác nhớ về ngày xưa. Những chiều như thế cha mẹ thường làm một liên khúc với những nhạc phẩm tiền chiến của Văn Cao, Phạm Duy…  

Ba anh em tôi đều yêu thích âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển, có lẽ do từ bé đã bị cha "ép nghe". Cứ đến sáng Chủ nhật khi các con còn ngủ, cha đã dậy, bật chiếc máy quay đĩa mô-nô bé xíu nắp mở lên thành loa. Rồi giai điệu từ những bản giao hưởng, sonata, concerto… của các nhà soạn nhạc cổ điển ngập tràn căn nhà nhỏ. Hai anh của tôi thường chơi trò hát một giai điệu ngắn và đố nhau là ở bản nhạc gì, của nhà soạn nhạc nào… Cha rất vui vẻ trong nhiệm vụ làm trọng tài. Nhiều khi cha vừa nghe vừa thủ thỉ về xuất xứ bản nhạc, cuộc đời của tác giả, phân tích giai điệu… Những bài học đó tưởng như chỉ là để cho vui, nhưng chắc cha cũng không nghĩ rằng mình đã trao cho các con một gia sản quý hiếm cùng một đời sống tinh thần vừa lãng mạn, vừa quý phái. Cha dẫn một vài câu nói của Beethoven, như "Chín mươi chín phần trăm thành công của tôi là nhờ lao động", hay "Người yêu nhạc cổ điển thì không thể không sống lương thiện". Chưa rõ đây có phải là tiêu chí phổ quát hay không nhưng ít nhất nó cũng đã ứng vào đời các con của ông.  

Là nhạc sĩ, trước khi sáng tác một bài hát, ông thường nghe chăm chú một bản nhạc cổ điển để lấy chủ đề, cảm hứng. Căn nhà hẹp của chúng tôi ở phố Quán Sứ giờ đây vẫn ngập tràn tiếng nhạc cổ điển. Có những lúc 3 người con lặng lẽ ngồi nghe cả tiếng một bản nhạc đã thuộc lòng mà cha từng cho nghe, cứ như đang cùng được nghe với cha ở thuở ấu thơ vậy. Những lúc như thế chúng tôi rất nhớ cha.

2ob xuân oanh - xuân uyên ngày cưới tại việt bắc năm 1951.jpg -0
Ông bà Xuân Oanh - Xuân Uyên ngày cưới tại Việt Bắc năm 1951.

3. Chúng tôi lớn lên, tự hài lòng với cuộc sống hẳn một phần là được tự ý chọn lựa đường mình đi, làm việc mình yêu thích. Cha thường rất tôn trọng lựa chọn của các con. Sau nghĩ lại, chúng tôi đều biết ơn bậc sinh thành đã hướng cho các con chính đạo thành người, tự vươn lên, tự đứng trên đôi chân của mình, tự rèn cho mình bản lĩnh để theo đuổi mục tiêu cuộc sống và biết hài lòng với những gì mình có. Đâu đó có một châm ngôn rằng "Làm việc mình thích là tự do, thích việc mình làm là hạnh phúc" hẳn là hợp với triết lý này. Cha không bao giờ can thiệp, ngăn cản việc các con muốn làm gì, ngay cả việc yêu ai, lấy ai. Hồi chuẩn bị vào đại học, tôi vốn ham chơi lại thích khám phá nên chọn Đại học Địa chất. Mẹ nhất định muốn con vào ngành Công an "cho thành người". Cha không nói gì, lẳng lặng ra Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn ở phố Tràng Tiền mua mấy cuốn về bí mật của thiên nhiên và đời người địa chất, đưa cho con ở đầu ngõ.

Anh thứ hai của tôi, Đỗ Lê Chân, ngày trước làm trưởng một phòng kinh doanh thuộc một tổng công ty ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngày xưa phấn đấu vào Đảng vất vả lắm, ngày được kết nạp Đảng, bố con phân công nhau báo tin nhỏ giọt cho mẹ. Thế mà khi biết rõ mẹ vẫn lăn ra ngất. Công tác được ít năm, thấy cơ chế hành chính quan liêu khó làm quá, anh có ý định mở doanh nghiệp riêng. Khi đó đảng viên chưa được phép làm kinh tế tư nhân. Đề đạt không được, anh tính xin ra Đảng. Chuyện lớn quá. Bốn cha con chụm đầu hút thuốc thì thào bàn bạc đến mấy lần. Buổi cuối, cha bảo "Bố đồng ý Chân ra ngoài làm". Sau hai lần đệ đơn không thành, anh quyết định vẫn lập công ty tư nhân. Trong nhà từ đó có một vị giám đốc kiêm lao động tự do duy nhất. Thời đó làm kinh tế tư nhân khó khăn và bất trắc lắm nên cha canh cánh trong lòng, lặng lẽ theo dõi, động viên. Có lẽ vì thế mà anh đặt ra nguyên tắc là không làm gì gây tổn hại tới sự nghiệp của anh và em, tới những giá trị mà cha mẹ cả đời theo đuổi. Công ty của anh lấy tên "Thái Duyên" theo bí danh của mẹ thời kháng chiến, và đến nay vẫn là một biểu tượng thành công trong nhà về tính chủ động sáng tạo quyết đoán, những phẩm chất mà người con thứ thừa hưởng được nhiều nhất từ cha.

Trong ba anh em, anh cả thừa kế được nhiều nhất bản tính cần cù của cha. Thấy cha có ngoại ngữ lợi hại quá, con lao vào học. Kèm cặp được một thời gian, cha bảo "Trong 3 đứa thì Châu ít năng khiếu nhất, thôi đừng học nữa, không ăn thua đâu". Anh vẫn miệt mài tự học, hiếm thấy ai chịu khó như anh. Lần duy nhất anh "bỏ học" là… đêm tân hôn, đêm hôm sau đã thấy anh chong đèn đọc sách đến tảng sáng. Trên tường "phòng hạnh phúc" chật chội chi chít những mẩu giấy xé vội đặc chữ. Tự dưng đến một ngày anh biết thạo "tiếng Tây", giống y như cha ngày trước. Sau này anh kể ngày đầu sang New York, đánh xe dọc các đại lộ, nơi nào cũng cảm thấy quen lắm. Thậm chí đến phố nào, anh tìm đến địa danh nổi tiếng và ngạc nhiên thấy nó đúng như trong sách anh đã từng đọc. Chỉ có bằng C tại chức, nhưng tiếng Anh tự học đủ để anh làm phiên dịch cho nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Cha có lần lẩm bẩm: "Tiếng Anh của Châu nó hơn bố rồi".   

Tình yêu thương cha mẹ dành cho các con dâu thì đúng như bản tính nhân ái với đời. Nhà có 3 con dâu là Hoa, Ngọc, Phượng. Hai chị dâu lớn ở nhà chồng một thời gian rồi lần lượt ra ở riêng, dâu út thì ở với bố mẹ chồng gần 13 năm. Ở ta, nhìn chung rất là tội cho các nàng dâu về nhà chồng vốn mang nặng nền nếp phong kiến và phân biệt, thường phải ép mình vào khuôn khổ lạ lẫm trong hoàn cảnh tù túng. Nhà chúng tôi may mắn hơn. Có lẽ một phần vì không sinh được con gái nên cha mẹ thương con dâu như con đẻ, có chuyện gì đầu tiên là bênh con dâu. Con dâu mới về nhà chồng lỡ tay làm đổ vỡ đồ, mặt tái xanh, mẹ tất tả dọn dẹp, cha cười bảo nhà mình lại được dùng đồ mới. Cha đi công tác, với con trai thì thi thoảng nhưng bao giờ cũng có quà đều cho con dâu, có lần sắm ba chiếc quần kaki, lần thì ba chiếc áo phông… ba chị em mặc vào như đồng phục. Mẹ đi chợ mua gì cũng mua thêm đồ cho các con dâu đã ra ở riêng, lặt vặt thôi như củ hành củ tỏi, cái rổ cái rá hay đơn giản là đôi đũa nấu ăn, cứ cuối tuần là mẹ vi hành nhà hai nàng dâu lớn kiểm tra bếp núc để bổ sung.

2 ob xuân oanh - xuân uyên.jpg -0
Ông bà Xuân Oanh - Xuân Uyên.

4. Mẹ mất khi tôi đi công tác xa, nghe tin tất tả về. Tám tiếng đồng hồ ở sân bay Bangkok (Thái Lan) chờ nối chuyến về Hà Nội có lẽ là khoảng thời gian rùng rợn nhất trong đời. Với những người con ở xa, bậc sinh thành ở nhà qua đời mà không kịp gặp mặt thì quả là bất hiếu. Tôi về đến Văn Điển thì mẹ đã về Trời được nửa tiếng. Hôm sau, tôi khư khư ôm bình cốt mẹ trong lòng vì nghe thầy bảo vận áo xám chắc sẽ có một người con đi theo mẹ, không ai được chạm vào bình cốt. Bốn mươi chín ngày ở nhà bên cha, đêm nào cha cũng ngồi trước bàn thờ trừng trừng nhìn mẹ, tiều tụy hẳn. Thấy con nấn ná ở lâu thì giục con đi, con thương cha, nói: "Mẹ mất rồi con còn có bố, con ở nhà với bố". Cha khẽ nói: "Con không đi mẹ không nhắm được mắt đâu". Mười lăm năm sau thì cha về với mẹ. Giờ thì các cụ đã về bên nhau, chắc hẳn lại hàn huyên tâm sự, lại cùng nhau ca hát và cùng dõi theo xem con cháu sống thế nào. Bố mẹ cứ an lòng, chúng con vẫn sống như bố mẹ đã sống, đã dạy, sống lương thiện như những giai điệu đẹp của những bản nhạc cổ điển đồng quê và yêu thương như những tình khúc mà cha mẹ đã đàn hát khi còn ở trần thế.  

Mẹ đi rồi, cha muốn sống một mình. Khép mình trong không gian riêng nhưng là lúc cha được sống thoải mái nhất, được "làm cái gì mình thích và thích cái gì mình làm". Các con khi đó đã ở riêng hoặc ở xa nhưng đời sống của cha là mối quan tâm cao nhất, lặng lẽ lo cho cha bằng tất cả những gì có thể. Đời sống của cha trở nên cực kỳ phong phú, và dường như cha được mãn nguyện đến ngày cuối cùng.

5. Có một thời gian vào những năm 1971-1972, cha tôi biệt phái sang quân đội làm nhiệm vụ địch vận với tù binh Mỹ ở Hỏa Lò. Tù binh Mỹ thì mỗi người một quê, sử dụng ngôn ngữ vùng miền. Tiếp xúc với người ở địa phương nào thì cha dùng thứ tiếng địa phương của người đó, nói chuyện văn hóa vùng đất đó. Họ ngạc nhiên lắm, hỏi: "Ông sống ở Mỹ bao nhiêu năm?". Cha tôi khi đó chưa từng đặt chân đến Mỹ. Hai lần ông xin thị thực vào Mỹ đều bị từ chối. Sau này anh cả tôi công tác ở Mỹ, gặp mấy bạn của cha mới biết chính quyền Mỹ gắn cho ông cái mác "CIA của Việt Nam" và liệt vào diện cấm nhập cảnh. Những tối sinh hoạt văn hóa với tù binh, cha thường đàn và hát cho họ nghe những khúc hát đồng quê thanh bình của nước Mỹ. Nhiều người khóc. Ngày được trao trả hồi hương, họ bịn rịn ôm mãi ông.  

Thời đó, phi công Mỹ và gia đình khát thông tin về nhau lắm. Không có con đường nào để họ liên hệ được với nhau. Chính quyền Mỹ cũng cấm đoán việc này vì muốn che giấu thông tin với công luận Mỹ. Ông bảo họ viết thư rồi bí mật gửi qua những người bạn Mỹ phản chiến, khi đó thường là giấu chính quyền Mỹ để vào Việt Nam. Họ giấu thư từ trong tư trang. Có người đến Canada thì bị hải quan phát hiện, thu giữ, cô này làm ầm lên trên báo chí khiến chính quyền Nixon lúng túng. Sau này, Tom Wilber (con trai của Trung tá Hải quân Walter Wilber có 5 năm ở Hỏa Lò) kể, cha anh viết thư gửi về Mỹ mô tả tù binh được đối xử nhân đạo, không bị đánh đập tra tấn gì thì chính quyền Mỹ rất tức tối. "Họ muốn tất cả tù binh đều phải nói là bị đối xử tàn nhẫn, đánh đập". Khi được trao trả về nước thì cha của anh bị kỳ thị khiến Tom Wilber phải cất công đến Việt Nam tới 40 lần, tìm sử liệu viết sách về sự thật. Gặp chúng tôi, lần nào Tom cũng hào hứng lắm, cứ như là hai người đã thân thiết nhau từ lâu vậy.

Vào cái đêm B.52 Mỹ rải thảm ở Khâm Thiên, tôi khi đó mười tuổi, một mình rúm ró trong hốc tường ở nhà Quán Sứ rung bần bật giữa những tiếng bom rền. Sớm hôm sau cha đèo tôi vào hiện trường. Khu phố trước đó sầm uất bậc nhất Hà Nội như không còn sự sống. Dấu vết còn lại là những dòng phấn trắng nguệch ngoạc trên tấm gỗ, bức tường nham nhở còn sót lại. Nhà này 5 người chết 4. Nhà này 4 người chết hết. Nhà này 3 người đã đi sơ tán… Phi công Mỹ nói với cha tôi rằng: "Chính quyền chúng tao muốn đưa Hà Nội trở về thời kỳ “đồ đá”. Cha thản nhiên bảo: "Chúng mày làm tốt hơn thế nhiều. Chúng mày đang biến Hà Nội thành 'thời kỳ đồ xương'". Nhìn những tấm ảnh chụp vội ở Khâm Thiên, họ kinh ngạc về mức độ tàn ác mà chính họ đã gây ra.

hai ob xuân oanh - xuân uyên cùng ba con trai (năm 1976).jpg -0
Ông bà Xuân Oanh - Xuân Uyên cùng 3 con trai (năm 1976).

6. Kiên trung với lý tưởng cách mạng, kiên định với con đường đã chọn hẳn dấu ấn tuyệt vời mà cha mẹ đã truyền lại, giúp các con vượt qua không ít trắc trở trong đời. Nhưng làm nên điều đó không chỉ cần có phẩm chất trung thành, vốn hiểu biết, mà còn cần đến sự can đảm và lòng nhân ái. Là người ít nhiều ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, hiểu được tiến trình phát triển của nhiều xã hội, lại sớm tận mắt thấy đời sống xã hội ở những nước thuộc "thế giới thứ nhất", ông dường như nắm rõ quy luật phát triển và tự tin vào tương lai ngay cả khi đất nước còn cơ hàn trong thời chiến. Sau này có những lúc đất nước vô vàn khó khăn như giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cha tôi vẫn điềm tĩnh, tự tin động viên vợ con, bạn bè. "Nước nào thì cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn thì mới phát triển, hủ lậu rồi mới văn minh". Chúng tôi còn nhớ về những bữa khi nhìn mâm cơm đạm bạc, cha thường bắt đầu bằng những câu chuyện tiếu lâm đủ loại trong có ngoài có, và bữa cơm bắt đầu bằng những tiếng cười vang.

Tôi có một người bạn, giáo sư gốc Việt, lớn hơn anh em tôi nhiều tuổi, hồi trẻ từng nắm một bộ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn. Thời gian đầu tiếp xúc ông ta toàn dùng tiếng Anh, nói rằng: "Tôi là người Mỹ! Tôi không phải người Việt!". Ông này rời Hà Nội vào năm 1954 và lên chiếc trực thăng cuối cùng trên nóc tòa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn để di tản vào đúng ngày 30/4/1975. Sang Mỹ, người vợ bỏ đi để lại 2 con nhỏ, ông phải làm đủ thứ việc để nuôi con. Rồi các con lớn lên bay đi, để ông lại một mình trong tòa biệt thự rộng rãi rất thơ mộng. Tết đến vợ chồng tôi gói bánh chưng biếu ông thắp hương cúng tổ tiên; mùa Đông chúng tôi đến cào tuyết để ông có thể đi lại; chúng tôi giúp ông tìm về mộ cha lần đầu ở quê nhà. Đứng nhìn "ông em Cộng sản" đang dọn mộ cha mình đến chảy máu tay, mặt ông tái đi như bị hồn nhập, run rẩy lẩm bẩm: "Cả đời tôi chống Cộng sản mà Cộng sản lại giúp tôi tìm về cha mình…". Ông thường nhắc tới câu chuyện đó như một kỷ niệm hiếm hoi trong đời. 

"Hãy tốt với bạn bè, những người đối xử tốt với bạn; cũng nên tốt cả với những người đối xử không tốt với bạn vì chỉ có bạn bè mới đi cùng mình trên con đường cách mạng". Lời khuyên của cha tạo nên lòng nhân ái trong các con. Gương hi sinh của mẹ tạo nên bản lĩnh tự nhiên trong các con trên con đường cách mạng.

Và những điều tốt đẹp đó sẽ còn mãi!

Đỗ Lê Chi
.
.
.