Điều ông Sáu Dân mong mỏi nhất…

Thứ Năm, 19/02/2015, 11:16
Suốt cuộc đời mình, cho đến tận cuối đời, điều ông Sáu Dân (cách gọi gần gũi dành cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) mong mỏi nhất là ngày tất cả người Việt có thể trở về bên nhau, quên đi những khúc mắc còn vướng lại trong quá khứ, để cùng nhau xây dựng đất nước!

Không hề quá khi nói rằng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có số phận đau thương và nhiều mất mát nhất trong tất cả các chính khách Việt Nam tham gia cách mạng. 

Gần 30 tuổi, lúc đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, ông Sáu Dân (cách gọi gần gũi dành cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) kết hôn với bà Trần Kim Anh. Là cô con gái xinh đẹp của một gia đình giàu có, nhưng vì lấy chồng là cán bộ cách mạng mà sau ngày kết hôn, cuộc sống của bà Kim Anh thường xuyên cận kề nguy hiểm, thường xuyên phải nay đây mai đó để trốn chạy kẻ thù, hết lên Sài Gòn lại sang Phnom Penh.

Khi còn là vợ chồng, thường xuyên phải chịu cảnh xa cách, nỗi lo lắng cho sự an nguy của ông Sáu Dân luôn ám ảnh trong những giấc mơ của bà Kim Anh. Nhưng cuối cùng bà lại là người đi trước. Giáp Tết năm 1966, khi bà vừa sinh người con trai út Chí Tâm, dù đang sống với cha mẹ ở Rạch Giá, nhưng bà nhất quyết đòi lên chiến khu thăm chồng, chỉ vì nóng lòng muốn cho ông nhìn mặt cậu con trai út mới chào đời. Chuẩn bị đồ ăn tết cho ông và anh em trong cứ rồi một tay dắt con gái Ánh Hồng, một tay  bồng con trai Chí Tâm 4 tháng tuổi đi theo cô giao liên dẫn đường vào chiến khu. Nhưng chưa kịp gặp ông, thì bà và hai con đã qua đời, khi chuyến tàu Thuận Phong mà bà đi hôm đó đã bị địch ném bom. Bà và hai con chết mà không tìm được xác.

Những năm sau này, ông Sáu Dân đã không biết bao lần đi dọc sông Sài Gòn với hy vọng tìm được hài cốt vợ và hai con mà không được. Đi đâu, ông cũng mang theo tấm hình với chiếc mền và bộ bà ba may bằng lụa tơ tằm mà bà may cho ông khi còn sống. Con trai lớn của ông, Võ Chí Dũng nghe tin mẹ và hai em mất khi đang học ở miền Bắc đã kiên quyết đòi vào Nam chiến đấu để trả thù và hi sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Chiến tranh đã cướp đi của ông người vợ hiền và 3 người con…

Khi bà Kim Anh và hai con qua đời năm 1966, cả gia đình ông Sáu Dân không hề có bức ảnh nào chụp chung. Vì muốn có một tấm ảnh gia đình, ông Sáu Dân đã lấy bức ảnh duy nhất ông chụp cùng vợ và con gái Ánh Hồng, ghép thêm ảnh hai con Võ Dũng và Võ Hiếu Dân.

Niềm vui ngày thống nhất đất nước của ông Sáu Dân là một niềm vui không bao giờ trọn vẹn. Gia đình nhỏ của ông có 7 người, đến ngày thống nhất chỉ còn ông và 2 con, một trai, một gái.

Chính vì phải trải qua những mất mát quá lớn lao ấy nên ông Sáu Dân càng dễ dàng thấu hiểu được nỗi đau của cả dân tộc, của cả những người “phía bên này” và “phía bên kia” trong cuộc chiến đó.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông từng nói: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình miền Nam rơi vào hoàn cảnh vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy. Cuộc chiến đó, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Kể về cảm xúc của mình ngày 30-4, ông Kiệt từng nói: “Bản thân tôi, cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau cuộc chiến tranh, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các thế lực chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ. Tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4, ngày mà một nhà quân sự như ông ta có thể đoán được Sài Gòn sẽ thất thủ. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền tử thủ, chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, bao sinh mạng và tài sản của người dân mình sẽ khó mà bảo toàn. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”.

Có lẽ vì thế, dù vào tiếp quản Sài Gòn trong tư thế của người chiến thắng, nhưng chưa bao giờ, ông đứng ở tư thế người chiến thắng mà đối xử với “kẻ bại trận”.

Từ thời còn làm Phó Bí thư - Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Sáu Dân đã khiến nhiều người xôn xao, tranh cãi khi thường xuyên gặp gỡ, hỏi ý kiến các trí thức và cả cựu quan chức của chế độ cũ trong việc phát triển đất nước. Lúc nào ông cũng tôn trọng và ghi nhận sự đóng góp cũng như tấm lòng của họ với đất nước. Và suốt cuộc đời mình, cho đến tận cuối đời, điều ông mong mỏi nhất là ngày tất cả người Việt có thể trở về bên nhau, quên đi những khúc mắc còn vướng lại trong quá khứ, để cùng nhau xây dựng đất nước!

Thực hiện: Ngô Kinh Luân – Nguyên Thảo
.
.
.