Kia
Mobifone

Bảy ngày ý nghĩa của Giáo sư Trần Anh Tôn

Thứ Sáu, 10/03/2023, 15:06

Tôi may mắn được gặp Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tôn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Monash, đồng thời giảng dạy tại Trường Đại học Monash, Australia vào những ngày đầu tháng 3 tại Hà Nội.

Giáo sư Tôn đã có bảy ngày vô cùng bận bịu nhưng đầy ý nghĩa ở Việt Nam khi thăm khám, phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhi bại não và khuyết tật vận động. Nụ cười ấm áp, tinh thần lạc quan cùng thái độ làm việc nghiêm túc của ông đã tiếp thêm nghị lực sống cho nhiều trẻ em kém may mắn ở Việt Nam.

Nỗ lực vì bệnh nhi bại não

Sáng sớm ngày 1/3 tại Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, rất nhiều những ông bố bà mẹ cùng những đứa con tật nguyền của họ đã có mặt. Là bởi hôm ấy tại Bệnh viện có buổi thăm khám miễn phí của GS.TS, bác sĩ Trần Anh Tôn. Nơi hành lang bệnh viện, tôi bắt gặp những ánh mắt chờ đợi, mong ngóng bác sĩ Tôn của những ông bố, bà mẹ đã trải qua những ngày dài nuôi con cực nhọc. 

Bảy ngày ý nghĩa của Giáo sư Trần Anh Tôn -0
Giáo sư,  tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tôn thăm khám một bệnh nhi tại Việt Nam.

Bác sĩ Tôn và các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã thăm khám rất kĩ lưỡng, tỉ mỉ với từng trường hợp bệnh nhi. Mỗi bé là một thể trạng, đặc điểm khuyết tật vận động khác nhau. Vị giáo sư đưa ra những phân tích, chỉ định rất rõ ràng, hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng cụ thể. Ca khám cuối cùng kết thúc là lúc đường phố Hà Nội đã lên đèn. Bé Bùi Hà Phương là một trong số những em bé may mắn được khám đợt này. Phương sinh năm 2013, quê ở huyện Vụ Bản, Nam Định bị thoát vị màng não tủy vùng cùng cụt, đã phẫu thuật năm 2013 nhưng tình trạng bệnh còn nặng. Chị Lam mẹ bé chia sẻ rằng chị vẫn hằng ngày chăm con vô cùng vất vả vì bé không tự chủ được khi đại, tiểu tiện. Chị vẫn phải bế, cõng con do hai bàn chân của bé teo nhỏ, đi lại khó khăn. Sau khi thăm khám, đánh giá, Giáo sư Tôn đã chỉ định mổ cho bé Phương ngay ngày hôm sau. Những tia hy vọng tưởng như đã tắt lịm từ lâu nay lại ánh lên trong đôi mắt người mẹ nghèo khổ ấy.

Bảy ngày ít ỏi về Việt Nam với Giáo sư Trần Anh Tôn là bảy ngày bận bịu từ sáng tới tối muộn với các bệnh nhi. Bởi có rất nhiều đứa trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ bại não mong mỏi được ông khám và đưa ra hướng điều trị. Chờ đợi mãi, tôi mới có dịp được trò chuyện cùng ông lúc khuya muộn. Hiểu hơn nỗi lòng của vị giáo sư, tôi mới thấy ông không chỉ có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong điều trị cho trẻ em bại não, khuyết tật vận động mà hơn hết là tình yêu thương ông dành cho những đứa trẻ thiệt thòi.

Giáo sư Trần Anh Tôn bảo với tôi rằng, tuy đã xa Việt Nam hơn 40 năm, nhưng ông đã có một tuổi thơ trọn vẹn ở quê hương. Những tháng ngày đó luôn là một góc rất ấm áp ở trong trái tim của người con xa xứ. Sinh ra tại Sài Gòn, nhưng những kỉ niệm ấu thơ của ông lại gắn bó với quê ngoại Tây Ninh. Ông vẫn thường nhớ về những ngày hè về nhà bà ngoại được chăn trâu, cắt cỏ, đôi chân trần mê mải trên đồng ruộng. Nhớ làn nước mát lành khi ông cùng bạn bè trên những bè chuối thả trôi theo dòng sông. Có lẽ bởi thế, ông luôn thấy động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ tật nguyền lớn lên trong nghèo khó. Bởi chúng chưa bao giờ được sải đôi chân, vươn cánh tay mà chạy, mà nhảy, mà chơi những trò chơi tuổi thơ như ông trước đây. Những tháng ngày hết sức trong trẻo và hồn nhiên đó, hẳn chúng phải nằm, ngồi một chỗ, ốm yếu và đau đớn. Những tháng ngày đó, chúng thường chứng kiến những giọt nước mắt bất lực vì thương con của mẹ, của cha.

Từ năm 2014, bác sĩ Trần Anh Tôn đã cũng đồng nghiệp tài trợ kinh phí, tiếp nhận nhiều bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh qua Australia để đào tạo chuyên môn. Từ đó đến nay, hàng năm, ông đều về Việt Nam để hướng dẫn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên thực tập những lĩnh vực liên quan đến chấn thương chỉnh hình. Lần nào về Việt Nam, Giáo sư Tôn cũng có nhiều kỷ niệm với đồng nghiệp, bạn bè và những người thân thiết.

Bảy ngày ý nghĩa của Giáo sư Trần Anh Tôn -0
Cuộc hội ngộ của Giáo sư Trần Anh Tôn và cậu bé Lù Văn Chiến tại thành phố Kon Tum tháng 3/2023.

Giáo sư Tôn chia sẻ, ở Australia, ngay từ khi đứa trẻ ra đời nếu có vấn đề về hình thể đã được theo dõi, can thiệp từ rất sớm. Tất cả các chi phí y tế cho trẻ đều do chính phủ chu cấp. Vì thế, có nhưng không nhiều những trường hợp bệnh nhi khi đã lớn cần đến sự can thiệp chuyên sâu của các bác sĩ như ở Việt Nam. Ông lý giải cho hiện trạng này: “Ở Việt Nam, có rất nhiều đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa bị tật nguyền, khó có thể tiếp cận được bệnh viện để khám chữa bệnh sớm nên không được phát hiện khuyết tật và chữa trị kịp thời. Thứ nữa là do hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình rất khó khăn. Điều đáng buồn nữa là do bố mẹ thiếu hiểu biết, cứ nghĩ rằng bệnh của con mình vô phương cứu chữa, nên đành buông xuôi. Khi đến bệnh viện thì đã muộn. Qua thăm khám, tôi tiếp nhận nhiều trẻ cao lớn nhưng gần như không thể vận động, hoàn toàn do bố mẹ bế, cõng. Tôi thấy tiếc khi các em đã bị lỡ mất thời gian quý giá để chữa bệnh. Bởi thế, công việc dù bận rộn đến mấy tôi vẫn dành thời gian về Việt Nam”.

Lần này sang Việt Nam, Giáo sư Trần Anh Tôn còn có một đồng nghiệp đặc biệt đồng hành. Đó chính là con gái ông – một sinh viên y khoa năm cuối và có ý hướng theo chuyên ngành cơ xương khớp của cha. Ông muốn con gái gắn bó với quê hương, cùng ông giúp đỡ những trẻ em thiếu may mắn. Những ngày ý nghĩa tại Việt Nam sẽ giúp con hiểu rằng sự giúp đỡ đúng lúc, đúng cách của những người thầy thuốc tận tâm sẽ giúp cho những đứa trẻ thay đổi cả cuộc đời.

Giáo sư Trần Anh Tôn đang gắng sức để kết nối những trường hợp trẻ bị bại não ở Việt Nam với các bệnh viện để các bé được khám bệnh và chữa trị sớm. Các bé sẽ được lập hồ sơ theo dõi, kết nối với các bác sĩ trong và ngoài nước để hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ chăm sóc định kỳ. “Đối với những bé bị bại não, muốn can thiệp phải sử dụng nhiều biện pháp, từ chế độ dinh dưỡng, hỗ trợ ngôn ngữ, kĩ năng nhận biết xã hội đến phục hồi chức năng. Phải có sự kết hợp ngoại khoa và nội khoa. Khi can thiệp sớm, não bộ của bé ở giai đoạn trẻ, việc học nghe, học nói, và tiếp nhận thông tin nhạy hơn, tập vận động sẽ nhanh hơn, điều trị cũng thuận lợi hơn”.

“Người mẹ tốt, người mẹ xấu”

Người mang đến đôi chân lành lặn cho Lù Văn Chiến – cậu bé người Nùng được truyền thông Australia và cả Việt Nam gọi là “lucky boy”, không ai khác chính là Giáo sư Trần Anh Tôn.

Bảy ngày ý nghĩa của Giáo sư Trần Anh Tôn -0
Báo chí Australia đăng tải câu chuyện bé Chiến được Giáo sư Trần Anh Tôn phẫu thuật tạo nên đôi chân lành lặn.

Giáo sư Tôn nhớ lại thời điểm cuối năm 2019, từ Australia, ông biết đến trường hợp cậu bé Chiến sinh năm 2012 ở vùng núi heo hút thuộc huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang với đôi chân còi cọc, khù khoèo, chỉ có thể di chuyển bằng cách bò lết nửa người. Ông đã nhận lời chữa cho Chiến. Và chị Trần Mai Vy – ở thành phố Kon Tum đã tình nguyện đưa Chiến sang Australia chữa trị.              

Đợt phẫu thuật miễn phí của Giáo sư Trần Anh Tôn tại Australia là món quà kỳ diệu dành cho cậu bé Chiến. Khi nhớ lại thời gian đó, chị Trần Mai Vy – mẹ nuôi của Chiến bây giờ vẫn xúc động bởi sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của Giáo sư Tôn và gia đình dành cho mẹ con chị. Lần này về Việt Nam, ông đã dành chút thời gian ít ỏi đến thành phố Kon Tum, đến Trường Tiểu học Lê Hồng Phong thăm Chiến. Chiến giờ cao lớn, nhanh nhẹn, thông minh, khác hẳn vẻ còi cọc, bệnh tật thời điểm 4 năm về trước. Chiến giờ vui vẻ, tự tin nói cười, khác hẳn với vẻ nhút nhát, sợ hãi, không thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông trong lần đầu ông gặp Chiến ở Australia. Cậu bé chạy nhanh đến ôm chầm lấy Giáo sư Tôn, gần gũi như gặp lại người thân yêu. Bởi ông chính là người đã sinh ra cậu lần thứ hai.  Nhìn thấy Chiến chạy nhảy, nô đùa cùng các bạn, ông vui lắm.

“Điều may mắn nhất là bé Chiến được chị Mai Vy nhận làm con nuôi, đã đưa em về chăm sóc và yêu thương. Việc phẫu thuật đôi chân chỉ là bước đầu. Quá trình dài tập vật lý trị liệu, chế độ chăm sóc rất tốt sau đó đã giúp Chiến hồi phục nhanh. Ở Australia cũng vậy, mọi đứa trẻ bị khuyết tật vận động đều được phẫu thuật, điều trị. Nhưng điều mang lại sự khác biệt là do “người mẹ tốt” hay “người mẹ xấu”. “Người mẹ tốt” sẽ luôn đồng hành, chăm sóc, tập luyện cho con, giúp con tiến bộ. Ngược lại, “người mẹ xấu” không có điều kiện, không  đủ kiên trì đồng hành cùng con trên hành trình chữa bệnh, sẽ khiến khả năng hồi phục của bệnh nhi rất kém”, Giáo sư Trần Anh Tôn chia sẻ.

Giáo sư Tôn đã dành thời gian đánh giá vận động của Chiến. Ông cho biết sẽ còn phải tiến hành một cuộc phẫu thuật cuối cùng để chỉnh lại xương háng, sửa lại chân cho Chiến. “Không phải phẫu thuật xong cho các bé là trả chúng về với bản làng. Phải theo dõi định kỳ và tái khám để đánh giá các bước tiếp theo. Tôi luôn mong nhiều em bé sẽ được chữa trị và phục hồi tốt như Chiến, để cuộc sống của các em ngày càng tốt đẹp hơn”, vị giáo sư nói những lời từ trái tim.

Huyền Trâm

.