Vũ Mạnh Dũng: Một giọng hát có chiều sâu

Thứ Năm, 09/01/2020, 14:10
Là người mê âm nhạc, nhiều năm qua tôi thường có mặt ở Nhà hát Lớn Hà Nội để thưởng thức những chương trình âm nhạc hàn lâm trong đó có những buổi diễn của những giọng ca hàng đầu Việt Nam, đặc biệt tôi thích nghe Mạnh Dũng, một chất giọng nam trung (baritone), hát có chiều sâu và phong cách biểu diễn sang trọng...


Mạnh Dũng lôi cuốn người nghe với nhiều khán giả trong nước với những bài Tình ca (Hoàng Việt), Bài ca xây dựng (Hoàng Vân); Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh)... và còn được đánh giá cao ở những buổi diễn có nhiều khán giả nước ngoài với những vai diễn: Papageno trong vở Cây sáo thần (The magic flute) của W.A. Mozart; Don Alfonso trong vở Cosi fan tute của W.A. Mozart; Porgy trong vở Porgy and Bess của Gheshwin; Collin trong vở La Boheme của Puccini...

Opera là một lĩnh vực đặc biệt, các tác phẩm opera đòi hỏi người ca sĩ phải giải quyết được những kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, những kỹ thuật thanh nhạc vô cũng khó đòi hỏi sự tinh tế, điêu luyện, có những vai phải phối hợp diễn xuất và hát với bạn diễn người bản địa bằng tiếng gốc của tác phẩm, một điều cực kỳ khó khăn... 

Thắc mắc về một “lao động giời hành” ấy, mãi mấy năm sau tôi mới có dịp đem ra nói chuyện với ca sĩ Mạnh Dũng. Anh cho biết: Việc phát âm đúng các ngôn ngữ như tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Nga, Nhật... luôn là điều cần thiết hàng đầu trong việc thể hiện tác phẩm âm nhạc bởi ngôn ngữ chính là phương tiện truyền tải nội dung và cảm xúc trực tiếp nhất tới khán giả, không có cách nào khác là phải theo các khóa học tại trung tâm ngoại ngữ và luyện bằng cách nghe các ca sĩ hàng đầu của thế giới.

Vũ Mạnh Dũng đoạt cúp vàng tại Bình Nhưỡng.

Sinh năm 1978, không phải là con nhà nòi nhưng Vũ Mạnh Dũng mê hát từ bé. Bố mẹ đều là người yêu thích ca hát và rất tích cực tham gia các chương trình văn nghệ ở địa phương nên đã tạo điều kiện cho Vũ Mạnh Dũng tham gia các hoạt động này từ nhỏ. 

Lớn lên, thi đỗ vào Trường Sư phạm Âm nhạc của Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên Phương Thảo, NSUT Đức Lộc, Huyền Linh, Mạnh Dũng đã bộc lộ được tài năng của mình, tốt nghiệp năm 2000, sau đó anh tiếp tục học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Ở đây, Mạnh Dũng may mắn gặp được PGS, TS Trần Ngọc Lan, người vừa tốt nghiệp tại Ý trở về và GS người Canada Michel Ducharme, đã giúp anh trưởng thành hơn rất nhiều.

Nếu để bằng lòng với những gì đã có thì anh đã có rất nhiều. Trong thời gian đi học, anh đã được nhiều chương trình mời biểu diễn và đã được coi là ngôi sao opera nhưng như thế không phải là Mạnh Dũng. 

Yêu nghề và hiểu mình, tôn trọng khán giả, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện năm 2004, Mạnh Dũng tiếp tục trau dồi nghề nghiệp bằng cách học cao học dưới sự hướng dấn của PGS NSND Trung Kiên để rồi tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn năm 2006.

Nghề chọn người?

Opera, loại hình nghệ thuật mà Vũ Mạnh Dũng đang theo đuổi là môn nghệ thuật đặc thù, vừa khó thực hiện vừa kén người thưởng thức, không chỉ cần năng khiếu bẩm sinh mà còn rất cần sự rèn luyện kỹ thuật, nếu không bền bỉ, kiên trì thì thành công không bao giờ đến. Vũ Mạnh Dũng không chỉ đam mê mà còn có cái duyên nghề chọn. 

Công chúng yêu nhạc còn nhớ Trần Hiếu, cũng giọng baritone và phong cách biểu diễn duyên dáng, những tưởng sau ông không có người kế tiếp nhưng sự xuất hiện của Vũ Mạnh Dũng đã khiến cho giới chuyên môn cũng như công chúng âm nhạc không phải chịu đựng cảm giác lo lắng, hụt hẫng nữa.

Còn nhớ buổi hòa nhạc kỉ niệm ngày quốc khánh Italia tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 2-6-2011 với cảm giác gai người khi nghe Vũ Mạnh Dũng hát. 

Chương trình ấy có nữ danh ca Paola Stafficci (một giọng nữ cao xuất sắc của Italia, người đã từng học tại nhạc viện mang tên “F. Morlacchi” nổi tiếng, tốt nghiệp trình độ cử nhân với những điểm số cao nhất, lại từng trau dồi kỹ thuật thanh nhạc dưới sự dẫn dắt của giọng nữ cao tên tuổi Antonietta Stella, chuyên sâu với các tác phẩm opera kinh điển, người thể hiện các aria kịch tính rất thành công) hát các aria cực khó và cực hay. 

Trước đó, tôi vô cùng lo lắng cho Vũ Mạnh Dũng bởi việc “chung sân” với danh ca xuất sắc tầm cỡ thế giới hát giọng Ý gốc là một áp lực lớn, rất dễ làm cho anh bị “khớp”. Nhưng Vũ Mạnh Dũng đã hát 2 trích đoạn opera kinh điển trong vở Don Giovanni của Mozart thật tuyệt vời, khán phòng rất nhiều quan khách ngoại giao và đông người Ý đã dành cho anh những tràng vỗ tay tán thưởng mãi không thôi. 

Tôi hỏi Vũ Mạnh Dũng về kỷ niệm đó, anh cho biết: “Được hát chung với nữ danh ca Ý là cơ hội để cọ xát và thử thách bản lĩnh sân khấu với Dũng. Trước khi biểu diễn Dũng được giáo sư người Ý Stefano Ragni trực tiếp đệm đàn, ông đã hướng dẫn Dũng rất tận tình trong quá trình tập luyện và biểu diễn. Ông cũng là người hướng dẫn Dũng trong thời gian học tập tại Ý mùa hè năm 2011, cùng Dũng biểu diễn 2 buổi hòa nhạc tại trường hồi đó. 

Khi biểu diễn chung với một giọng ca chính gốc hát các aria có kỹ thuật cao (với “Casta Diva” trong vở kịch Norma) quãng âm rộng, hay “Pace, pace mio Dio” trong vở Sức mạnh số phận của Verdi biểu cảm tinh tế như Paola Stafficci, Dũng cũng thực sự ngưỡng mộ và học hỏi được nhiều điều. Được cả khán phòng cổ vũ Dũng thấy đó là động lực để tiếp tục cố gắng phấn đấu, chinh phục những thử thách phía trước trong sự nghiệp của mình”.

Những thành công tầm mức quốc tế như vậy trong âm nhạc thật hiếm hoi, Vũ Mạnh Dũng luôn nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của công chúng nhưng ở anh tôi không thấy sự vênh vang của người thành đạt mà luôn có thái độ khiêm nhường, luôn chất chứa trong lòng một sự học hỏi.

Nhiều giải thưởng

Ngay từ 2004, Vũ Mạnh Dũng đã đoạt Huy chương Vàng với tác phẩm Người là niềm tin tất thắng (của Chu Minh) trong Hội diễn toàn quốc ngành giáo dục; Giải Nhì cuộc thi hát “Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc năm 2009”; Huy chương Vàng với vai anh Hà (trong nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận) tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên ngiệp toàn quốc 2015; Cúp vàng trong Festivan mùa xuân 2016 tại Bình Nhưỡng... Nhưng, tôi cho rằng phần thưởng cao nhất đối với nghệ sĩ là sự hâm mộ, là ấn tượng để lại sâu đậm trong lòng công chúng. 

Tôi có người cháu cũng mê âm nhạc, có tài, chọn cuộc sống độc thân kể rằng sau khi nghe Vũ Mạnh Dũng thể hiện phần giọng nam trầm trong Chương 4 Bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc L.V. Beethoven năm 2015, cô ấy đã đổi ý, định đi tìm Vũ Mạnh Dũng để ngỏ lời yêu và đi đến chung sống... Cô ấy luôn mang theo trong ví tấm ảnh của Vũ Mạnh Dũng nhưng khi biết anh đã có gia đình, cô ấy rất buồn, mấy năm ròng cô ấy thường đến với tôi, thổn thức kể về tình yêu đơn phương ấy...

Hôm vừa rồi gặp Vũ Mạnh Dũng hát ở “Cà phê Thứ bảy”, tôi đem câu chuyện yêu đơn phương kể lại cho Vũ Mạnh Dũng, khi biết chắc rằng giờ đây không có gì làm anh thay đổi bởi anh đang có một gia đình hạnh phúc. 

Nghe xong, Vũ Mạnh Dũng cười chân thật, bảo: “Tôi rất cảm ơn các bạn khán giả đã có lòng mến mộ. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ rằng, có được thành công như ngày hôm nay phần không nhỏ là có sự ủng hộ của gia đình, của Dương Hoàng Yến, vợ tôi, một cô giáo dạy nhạc mầm non, người đem lại hạnh phúc cho tôi, đã sinh cho tôi những đứa con như những thiên thần nhỏ đáng yêu và luôn cổ vũ, động viên tôi trong cuộc sống. Công việc của tôi dù có vất vả đến mấy thì sau khi trở về nhà, mọi căng thẳng vất vả đều tan biến... Tôi xin qua đây gửi lời cảm ơn tất cả mọi người đã yêu giọng hát của tôi như vậy”.

Bất cứ vai diễn nào của Vũ Mạnh Dũng cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người nghe, đặc biệt nhất là vai diễn “chàng thợ cạo thành Seviglia” một kiệt tác của Rossini, đỉnh cao hoàn mỹ của opera dòng belcanto (lối hát kỹ thuật, bóng bẩy), một tác phẩm rất khó, ngoài kỹ thuật phức tạp, còn rất cần sự thăng hoa của cảm xúc, hát đúng chất hài hước kiểu Ý, bằng tiếng Ý và anh đã hát rất thành công. 

Vũ Mạnh Dũng cho biết, để có được kết quả đó anh phải chuẩn bị rất cẩn thận, dành nhiều thời gian luyện tập tác phẩm này và đã nhiều lần trình diễn với Dàn nhac giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. 

Cũng với thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp như vậy khi hát Mesa Cdur của V. A. Mozart; Requiem của Verdi hay khi solo các tác phẩm của các tác giả trong nước như: Chiếu dời đô (Doãn Nho); Ngàn năm nhớ về thuở ấy (Đinh Quang Hợp); Sắc sắc không không (Đỗ Dũng); Giao hưởng Đất nước (Đặng Hữu Phúc)...

Vũ Mạnh Dũng hiện công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cùng với 15 năm giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia, anh còn tham gia các show diễn khác với tư cách là ca sĩ với chất giọng trầm ấm, hào sảng ca ngợi tình yêu, quê hương đất nước. Anh cũng thường xuyên tham dự các buổi hòa nhạc với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và các buổi hòa nhạc thính phòng cho khán giả Hà Nội. 

Ngoài ra, anh còn tham gia dạy hát cho rất nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi, từ chuyên nghiệp đến không chuyên... chỉ cần người học có niềm đam mê và khao khát học hỏi. Khi tôi hỏi Dũng nghĩ thế nào về môi trường âm nhạc hiện tại, khi mà các ca sĩ nhạc nhẹ có nhiều khán giả/cát-xê cao, còn opera đòi hỏi có một trình độ thưởng thức nhất định/kén khán thính giả?

Anh trả lời: Trong môi trường âm nhạc hiện nay, lĩnh vực âm nhạc hàn lâm vẫn chưa thực sự có số lượng khán giả nhiều như các dòng nhạc nhẹ khác, tuy nhiên không phải không có những tín hiệu đáng mừng. Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với âm nhạc hàn lâm, nhiều gia đình đã quan tâm định hướng cho con cái học nhạc. Ngày càng nhiều các bạn trẻ có cơ hội đi học ở nước ngoài. 

Thẩm mỹ âm nhạc của người dân cũng tăng lên cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội. Việc cập nhật những thông tin trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm không còn khó khăn như trước. Muốn tìm hiểu về tác giả tác phẩm kinh điển, chỉ cần một cú click chuột. Mạnh Dũng vẫn luôn lạc quan về bối cảnh của công việc mình đang làm. Vả lại, cuộc sống phải là những bước đi lên...

Song, đời sống luôn có một nghịch lý: lao động nghệ thuật và tài năng của một ca sĩ opera thật đáng kính nể nhưng thu nhập lại rất khiêm tốn so với ca sĩ dòng nhạc khác, một điều thật khó vượt qua, tôi hỏi, thì anh bảo: Rất nhiều người đã hỏi Mạnh Dũng câu này, có lẽ đó là sự quan tâm của họ đối với không chỉ riêng Mạnh Dũng mà còn đối với nhiều nghệ sĩ theo đuổi con đường giống mình, tôi nghĩ thu nhập luôn là một vấn đề và đời sống của nhiều nghệ sĩ còn khó khăn, song, cho đến thời điểm này Mạnh Dũng mặc dù không giàu nhưng vẫn tự hào là người sống được bằng nghề...

Cuộc trò chuyện với Vũ Mạnh Dũng khiến tôi thêm một lần nể trọng anh, người được coi là giọng ca opera số 1 hiện nay của Việt Nam.

Trần Thị Trường
.
.
.