Ứng cử viên sáng giá chức thủ tướng Nhật Bản: Một người Nhật… rất khác

Thứ Hai, 14/09/2020, 09:50
Tại Nhật hiện giờ, ông Taro Aso đang là bộ mặt của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Theo như tờ Japan Times nhận định, nếu tranh cử, ông sẽ là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản và sẽ không nhiều chính trị gia có thể vượt mặt được vị Phó Thủ tướng 79 tuổi về kinh nghiệm, quyền lực hay sức ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có một điều lạ là ở bề nổi của sự thể hiện, người đàn ông quyền lực này lại có vẻ như không đậm đặc tính cách Nhật như cách người ta vẫn thường thấy ở  những con người thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước Mặt trời mọc.

Không cần giấu mình là danh gia vọng tộc

Trong mắt bạn bè quốc tế, người Nhật Bản luôn là những con người nhẹ nhàng, lịch sự, nghiêm túc và ăn nói rất cẩn trọng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso dường như ngược lại hoàn toàn với những nét tính cách điển hình của dân tộc ông. Giáo sư Noriko Hama, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Doshisha danh tiếng, thậm chí còn đánh giá ông Aso là một con người thiếu nhạy cảm, khó ưa và trên hết là vô cùng kiêu ngạo.

Sinh ngày 20-9-1940 tại Fukuoka, Nhật Bản. Cho dù truyền thống “con ông cháu cha” trong chính trị là một vấn đề nhạy cảm và thường bị phê phán ở đất nước Mặt trời mọc nhưng ông Aso thì chưa bao giờ che giấu xuất thân danh gia vọng tộc của mình. Ông ngoại của ông Aso chính là vị Thủ tướng huyền thoại Shigeru Yoshida, người tại vị từ năm 1948 đến năm 1954.

Ông Yoshida chính là người sáng tạo ra chiến lược Yoshida: Nhật Bản chỉ cần tập trung phát triển kinh tế còn các vấn đề an ninh quốc gia sẽ được bảo đảm nhờ hợp tác với Mỹ. Chiến lược này định hình mọi chính sách đối ngoại của Nhật xuyên suốt Chiến tranh Lạnh cho tới ngày hôm nay. Ông cố của ông Taso là dân biểu Takichi và ông Taso còn là cháu 3 đời của samurai Toshimichi Okubo, cựu Bộ trưởng bộ Tài chính và là người đóng vai trò thiết yếu trong cuộc cải cách Minh Trị.

Ông Aso cùng ông Abe.

Nhiệm vụ chính của ông Okubo là đi khắp thế giới, đàm phán với các cường quốc để sửa đổi lại những thỏa thuận từng mang lại bất lợi cho Nhật Bản, cũng như thu thập các kiến thức cần thiết để phục hưng đất nước. Nhiều chuyên gia nhận xét, gia tộc của ông Taro Aso đã góp phần định hình Nhật Bản hiện đại và chính trị là số mệnh của vị Phó Thủ tướng này.

Thế nhưng, kể cả ông Aso không chọn đi theo con đường chính trị, có lẽ ông vẫn sẽ sống một cuộc đời rất giàu sang và quyền thế. Gia đình của ông sở hữu một tập đoàn lớn gồm 70 công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực: từ bệnh viện, trường đại học, xí nghiệp xi măng và cả sân gôn. Ngoài ra, tập đoàn của gia đình ông còn quản lý một ngân hàng, một mỏ than, một công ty năng lượng và công ty đường sắt. Em gái của ông Aso là thân vương phi Nobuko Aso, phu nhân của cố thân vương Tomohito và điều này cho phép ông Aso tạo dựng mối quan hệ khá thân thiết với Hoàng gia Nhật Bản.

“Ngậm thìa vàng” từ khi còn là đứa trẻ, lớn lên, ông Aso tiếp tục được học ở những ngôi trường danh giá nhất. Tốt nghiệp Khoa Chính trị và Kinh tế trường Đại học Gakushuin, ngôi trường vốn dành cho con nhà hoàng tộc, quan chức và tỷ phú Nhật Bản, bạn cùng trường của ông bao gồm ông hoàng phim hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki, vợ của nhạc sĩ John Lennon Yoko Ono và đáng chú ý hơn cả là Nhật hoàng Akihito.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên Aso quyết định học cao học tại trường Standford, Mỹ. Tuy nhiên gia đình, đặc biệt là cựu Thủ tướng Yoshida, nhất quyết bắt cháu quay về Nhật vì sợ cháu bị “Mỹ hóa”.

Aso đã từng cố gắng không vâng lời nhưng sau khi bị gia đình cắt hết chu cấp cuối cùng cũng đành phải trở về Nhật. Song, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chàng trai trẻ lại sang Anh và nhập học Đại học Kinh tế London. Sau khi tốt nghiệp, Aso làm việc tại một mỏ kim cương tại Sierra Leone nhưng tình hình chính trị bất ổn ở quốc gia này đã khiến Aso một lần nữa phải nhanh chóng quay lại Nhật.

Aso gia nhập tập đoàn gia đình vào năm 1966, trở thành Giám đốc Công ty Khoáng chất Aso từ năm 1973 đến năm 1979. Nhờ sinh sống và làm việc tại Brazil suốt thập niên 60, Aso nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thành thạo. Sau này, khả năng sử dụng 2 ngoại ngữ thành thạo của Aso đã khiến ông nổi bật hơn rất nhiều chính trị gia cùng thời. Không chỉ học giỏi, Aso còn chơi thể thao rất cừ: ông là thành viên đội tuyển bắn súng đại điện cho Nhật thi đấu ở Thế vận hội 1976, tổ chức tại Montreal, Canada. Ông kết hôn với bà Chikako Suzuki - con gái thứ ba của cựu thủ tướng Zenko Suzuki.

Chính trị gia duy nhất chấp nhận làm phó thủ tướng sau khi từ chức thủ tướng

Sự nghiệp chính trị của ông Aso bắt đầu khi ông gia nhập chính quyền của thủ tướng lúc bấy giờ Junichiro Koizumi với tư cách Bộ trưởng Bộ Đối nội và Truyền thông năm 2003, sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 2005. Đã có nhiều đồn đoán rằng ông Aso đạt được vị trí này vì ông là thành viên của phái Kono - một nhóm nhỏ trong chính quyền với tư tưởng theo Trung Quốc - và bằng cách chỉ định Aso làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Koizumi có ý muốn thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Sau khi ông Koizumi từ chức, ông Aso là một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất, tuy nhiên ông đã thua Shinzo Abe tại một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng. Tuy hai chính khách này đều có những quan điểm chính trị tương đối giống nhau, như đều theo đường lối ngoại giao bảo thủ, đều thách thức một số quốc gia châu Á khác như Triều Tiên và Trung Quốc... nhưng ông Abe vẫn được yêu quý hơn nhờ sự “mềm mại” trong tính cách, trong khi ông Aso lại thường xuyên vạ miệng, khiến rất nhiều người bức xúc.

Sau khi ông Abe từ chức lần đầu vì lý do sức khỏe năm 2007, ông Fukuda Yasuo (con trai cựu Thủ tướng Fukuda Takeo) quyết định tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP, đồng nghĩa với việc ứng cử chức Thủ tướng do đảng LDP lúc đó đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện. Ông Taro Aso đã thừa nhận mình sẽ thất bại trước khi bầu cử một tuần và ông đúng là đã thua xa Fukuda. Vào tháng 8-2008, Thủ tướng Fukuda chỉ định Aso vào vị trí Tổng Thư ký đảng LDP, biến ông Aso trở thành người có quyền lực thứ nhì.

Khi ông Fukuda đột ngột tuyên bố từ chức vào năm 2008, ông Aso quyết định tranh cử và lần này ông đã chiến thắng, trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 24-9-2008. Vị tân thủ tướng đã lập tức gây chú ý khi đưa 5 thành viên chưa bao giờ có kinh nghiệm làm việc tại nội các vào chính quyền của mình, trong đó có nữ chính trị gia 34 tuổi Yuko Obuchi - nghị sĩ trẻ nhất Nhật Bản tính từ sau thế chiến.

Nhưng rồi ông Aso chỉ tại vị vẻn vẹn một năm và vào năm cuộc bầu cử 2009, đảng của ông đã thua xa đảng Dân chủ Nhật Bản. Vì chịu trách nhiệm cho thất bại tồi tệ nhất của một đảng chính trị đang cầm quyền trong lịch sử, cộng với tỉ lệ thất nghiệp cao kỉ lục, ông Aso đã từ chức. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Aso không kết thúc tại đó, khi vào năm 2012, ông Shinzo Abe đã chỉ định ông Aso vào chức Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Ông Aso là vị thủ tướng duy nhất từng quay trở lại làm... phó thủ tướng.

Chân dung Phó Thủ tướng Taro Aso.

63 tuổi vẫn mê đọc truyện tranh

Trong mắt người dân Nhật Bản, ông Aso thường xuyên có những phát biểu gây tranh cãi. Vào năm 2001, với tư cách Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông đã phát biểu rằng ông muốn Nhật Bản trở thành đất nước mà những người Do Thái giàu có muốn chuyển đến sống.

Một lần khác, tại buổi khai trương Bảo tàng Quốc gia Kyushu - một buổi lễ tôn vinh tầm ảnh hưởng của các nền văn hóa nước ngoài đối với văn hóa Nhật Bản - ông Aso đã khẳng định mình tự hào vì Nhật Bản có “một nền văn hóa, một nền văn minh, một ngôn ngữ, một nhóm dân tộc”. Phát biểu này khơi gợi lại chủ nghĩa đế quốc trong quá khứ của Nhật, cùng với sự phân biệt chủng tộc đâu đó vẫn hiện hữu ở quốc gia này.

Ngoài ra, ông còn từng công khai tuyên bố người Nhật được tin cậy ở Trung Đông vì người Nhật không có tóc vàng, mắt xanh như người Mỹ, mà có “mặt vàng châu Á” - một cụm từ hết sức phân biệt chủng tộc. Phát ngôn bị lên án nhất của ông chính là vào năm 2013, khi ông gọi các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo là “người ống” và để tiết kiệm tiền cho chính phủ thì những bệnh nhân này được “để chết luôn cho nhanh”.

Trên thực tế, ông Aso không phải là một người không biết ăn nói. Khác với nhiều đồng nghiệp, ông không bao giờ để trợ lý viết các bài phát biểu hoặc các bài trả lời phỏng vấn hộ mình và cũng hiếm khi ông phải nhìn giấy khi diễn thuyết. Ông được nhiều tờ báo đánh giá là thông minh, hài hước và cân đối thời gian trả lời báo chí rất tốt. Khả năng ứng biến của ông Aso cũng đã được minh chứng khi vào một hội nghị tại Liên Hợp quốc năm 2008, ông nhận ra micro của người phiên dịch bị trục trặc và ngay lập tức, ông đã dừng phát biểu, mỉm cười: “À, đây không phải hàng Nhật sản xuất nhé!”.

Vị Phó Thủ tướng này thường xuyên bị chê cười vì thường xuyên không biết cách đọc chữ Hán - một phần không thể thiếu của ngôn ngữ Nhật Bản. Ông đọc nhầm từ “thường xuyên” thành “phiền toái”, và “tuân theo” thành “mùi hôi”... khi nói về chính sách đối ngoại của đất nước. Việc Aso hay đọc nhầm chữ Hán đã nhanh chóng bị chế nhạo khi trong một phiên điều trần về ngân sách quốc gia, một nghị sĩ thuộc về đảng đối thủ của Aso đã giơ chiếc bảng có viết 12 chữ Hán và yêu cầu ông đọc thử. Giáo sư Takeshi Yoro, hiện đang giảng dạy tại đại học Tokyo, phỏng đoán rằng ông Aso có thể mắc chứng khó đọc.

Nhiều người cho rằng, ngoài việc dành nhiều năm học tập tại nước ngoài, chính niềm đam mê truyện tranh của Aso đã khiến ông không đọc được chữ Hán. Được biết, tuy truyện tranh Nhật Bản có sử dụng chữ Hán nhưng cách đọc của những từ này luôn được chú thich ngay bên trên. Ông Aso thích đọc truyện tranh đến mức vào lúc sang Stanford học, ông đã tức tốc gửi thư về nhà, yêu cầu gia đình gửi tạp chí truyện tranh sang để đọc. Đến tận năm 2003, khi đã bước sang tuổi 63, ông vẫn đọc khoảng 10-20 cuốn truyện tranh mỗi tuần và thường xuyên nói về niềm đam mê của mình trước công chúng.

Ông từng bị bắt gặp đang mải mê đọc bộ truyện Rozen Maiden tại sân bay quốc tế Tokyo và từ đó, ông có biệt danh là “Đức ngài Rozen”. Bộ truyện tranh Rozen Maiden là một tác phẩm dành cho phái nữ, với nội dung về cuộc chiến của những người chủ sở hữu những con búp bê có phép thuật.

Ngày 29-8-2020, ông Taro Aso đã tuyên bố có thể sẽ không tranh cử chức Thủ tướng. Thế nhưng, quyền lực của vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính này vẫn rất “đáng gờm”.

Theo giáo sư giảng dạy bộ môn Chính trị Quốc tế tại Đại học Tokyo - Yoshinobu Yamamoto - vị thủ tướng tiếp theo sẽ phải đối mặt với dịch bệnh, một cuộc suy thoái kinh tế và sức ép tổ chức Thế vận hội 2021.

Song Thi
.
.
.