Trần Văn Khê và triết lý âm nhạc: Học – hỏi – hiểu - hành

Thứ Bảy, 18/07/2015, 15:59
Ông nằm đấy, thanh thản, vẻ tiên dung phúc hậu như vừa thức dậy một sớm mai, nếu chưa kịp thấy đang quây quần quanh ông là những người thân, là cháu Na tận tụy vừa lau mặt, lau chân tay cho ông vừa sụt sùi nước mắt. Nhà bác học lớn về âm nhạc dân gian của thế giới, người suốt đời nâng niu, quảng bá âm nhạc Việt mà tên tuổi vĩnh viễn là niềm tự hào của người Việt đã ra đi…

Mới 23 tháng chạp vừa rồi gặp ông trong bữa tất niên, thấy ông khá khỏe, tôi còn hẹn với ông một cuộc nói chuyện dài dài thay vì những tương kiến ngắn ngủi, mong được  thẩm thấu từ ông những tinh túy về văn hóa âm nhạc Việt. Vậy mà!

12 giờ mới bắt đầu lễ viếng, nhưng người đến để được ngắm nhìn gương mặt ông lần cuối trong lễ nhập quan đã rất đông. Cũng rất đông là những người giúp việc Ban tổ chức tang lễ, hầu hết là học sinh, sinh viên, thành viên các tổ chức nghệ thuật, thanh niên xung phong…, tất cả đều tình nguyện. Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương, Giáo sư - Viện sĩ Cao Văn Phường, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân,… những người bạn vong niên tâm giao, tâm huyết của ông cũng có mặt bên linh cữu từ sớm. Trần Văn Khê đã tính tới điều này. Sẽ không phải là một tang lễ cứng được chính quyền tổ chức theo nghi lễ dành cho những người nổi tiếng mà là một tang lễ mềm với những người gần gũi, quen thuộc vẫn cùng ông giao lưu, gặp gỡ thường ngày.

Ở ngôi nhà số 32 phố Nguyễn Đình Hai, khi khỏe, ông luôn sẵn sàng tiếp bất cứ ai muốn nghe hiểu về di sản âm nhạc dân tộc. Đây còn là nơi định kỳ đôi tháng một lần có các diễn xướng âm nhạc truyền thống với người xướng người nghe đông đảo. Cũng không thiếu các hoạt động hàn lâm. Đã lên chương trình vào ngày 24/6/2015 là buổi sinh hoạt với chủ đề “So sánh hát bội và cải lương” nhưng như là định mệnh, Trần Văn Khê đã ra đi mãi mãi đúng vào ngày hôm đó…

Người Thầy ấy - như mọi người vẫn gọi - có ba ước nguyện lớn: Gia tài vật chất âm nhạc dân tộc đồ sộ của ông (sách vở, băng đĩa, phim ảnh, các clip thuyết trình và các loại hình tư liệu khác…) sẽ đến được với những người quan tâm; Âm nhạc truyền thống dân tộc Việt được truyền bá và biết đến rộng rãi trên địa cầu; Nền âm nhạc ấy được đưa vào nhà trường ngay từ cấp học đầu tiên như là những hiểu biết nhập môn về âm nhạc.

Về ước nguyện đầu, có thể tin rằng chắc chắn ông đã toại nguyện. Chính quyền thành phố với sự quan tâm lớn ngay từ khi ông ngỏ ý trở về đã khẳng định điều này bằng cách tiếp nhận hàng trăm kiện hiện vật và tìm cấp cho ông một ngôi nhà thuận tiện rồi đây sẽ thành Bảo tàng Trần Văn Khê hay như ông muốn, một thư viện, ai cũng có thể đến đọc và tìm hiểu về âm nhạc dân tộc một cách dễ dàng, “nhất là những người trẻ tuổi, các cháu thanh thiếu niên”.

Về ước nguyện thứ hai thì chính ông đã là người tiên phong, là người kiên trì nhất, là người đã làm được nhiều nhất, “hơn tất cả người khác cộng lại” như nhận xét của một nhà nghiên cứu âm nhạc Việt.

Năm 1958, ông lấy bằng Tiến sĩ ở Đại học danh tiếng Sorbonne với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ngay sau đó được mời tham gia Hội đồng Âm nhạc quốc tế của UNESCO, ông đã có bài thuyết trình mở đầu gây tiếng vang: Cảm nhận phương Đông với âm nhạc phương Tây mà trong đó ông dẫn rất nhiều âm nhạc truyền thống Việt, với cả tương đồng và dị biệt. “À, còn có như vậy”, người phương Tây thích thú với những giá trị vừa được khám phá về cội nguồn âm nhạc. Rồi tiếp theo và liên tục, ở bất cứ cương vị nào trong hoạt động âm nhạc tại xứ người - Giáo sư, Viện sĩ, thành viên và thành viên danh dự của nhiều tổ chức văn hóa - nghệ thuật hàn lâm hoặc đại chúng quốc tế, Pháp, Đức, Mỹ… -  ông đều tìm cơ hội quảng bá âm nhạc Việt Nam, âm nhạc phương Đông.

Việc có mặt tại xứ người, lại đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã là nguyên nhân quan trọng cho việc quảng bá âm nhạc truyền thống dân tộc. Nhưng quan trọng hơn là ở sự hấp dẫn bởi những kiến thức uyên bác, bởi phương pháp diễn giải truyền đạt, và bởi cả ngón đàn và giọng hát trời cho nữa. 

Cuốn Âm nhạc truyền thống Việt Nam mà ông viết bằng tiếng Pháp (La musique vietnamienne traditionnelle) gần như đã trở thành tác phẩm nằm lòng của tất cả những người nước ngoài nghiên cứu văn hóa - âm nhạc Việt, “là cuốn sách hoàn hảo nhất của một nhà nghiên cứu vĩ đại của thế giới”, như đánh giá của A. Cannon, đến từ Đại học Michigan, Hoa Kỳ. Không chỉ “các nước biết về âm nhạc Việt là nhờ ở cuốn sách đó và những bài giảng của ông” (vẫn lời A. Cannon) mà điều chắc Trần Văn Khê không ngờ là nó đã làm thức dậy ngay cả những người Việt trong nước vốn chưa thật hiểu hết và đánh giá đúng mức nền âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, mặc dù nói rằng cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, ở Việt Nam đã có những nghiên cứu khá kỹ về âm nhạc dân tộc thì vẫn phải thừa nhận cuốn Âm nhạc truyền thống Việt Nam mà khi đó ông mới được đọc đã đem đến những sở cứ đầu tiên có tính khoa học cho những luận giải mà các ông chủ trương.

Giáo sư Trần Văn Khê nghiên cứu âm nhạc tại nhà riêng. Ảnh: Nguyễn Á.

Khi nghe tin ông mất, nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch Việt Nam trả lời một hãng thông tấn nước ngoài đã khẳng định, việc Giáo sư Trần Văn Khê quyết định trở về Việt Nam những năm đầu thế kỷ này “đã mang đến sự cổ súy và định hướng rất quan trọng” cho âm nhạc nước nhà. Ông cũng thừa nhận chưa bao giờ được là học trò của Giáo sư Trần Văn Khê, nhưng luôn coi ông là một người Thầy lớn. Những ý kiến này là sự khẳng định, Trần Văn Khê cũng chính là người có công quảng bá âm nhạc truyền thống dân tộc cả trên đất nước mình, làm cho nền âm nhạc ấy có được sự tự tin với các nhà nghiên cứu nội địa vốn trước đó vẫn còn có sự e dè.

Khi ở Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê còn lập ra các diễn đàn, các bộ môn khoa học riêng cho âm nhạc phương Đông, đào tạo và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Và nhờ vậy, khi trở về sinh sống tại quê hương, ông đã làm sống lại Nhã nhạc cung đình Huế và vận động để loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ít ai ngờ rằng sự việc này đã mở đầu cho một loạt loại hình âm nhạc - nghệ thuật khác của Việt Nam được quốc tế công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Bộ, Đờn ca tài tử Nam Bộ…, nhờ vào công lao đóng góp không nhỏ và uy tín quốc tế của ông. 

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ bởi ông là người Nam Bộ, lại xa xứ quá nửa cuộc đời mà rất rành, rất hiểu về Ca trù miền Bắc, đánh giá cao tính bác học của loại hình âm nhạc này.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã về Việt Nam tìm nhặt lại những nghệ nhân Ca trù đang dần mai một, thu lấy một băng nhạc đặc biệt đặng gấp rút quảng bá ra thế giới. Ông gần như là người đầu tiên đề xuất việc lập hồ sơ đề nghị quốc tế công nhận tính di sản của Ca trù, trong khi vẫn còn những ý kiến nghi ngại. Nhưng ước nguyện lớn sau cùng của ông: Đưa âm nhạc dân tộc với danh nghĩa một giáo trình chính thức vào học đường, trước hết cho lứa tuổi măng mọc, vẫn đang còn lỡ dở. Trong những ngày cuối nằm ở bệnh viện, ông đã buồn vì điều này, buồn ở chỗ nó đã chưa thành hiện thực…

Dường như để bù lại, Trần Văn Khê  đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình ở cơ sở. Không chỉ là những buổi giao lưu với các bạn trẻ tại 32 Nguyễn Đình Hai mà bất cứ nơi nào - đặc biệt là các trường học - mời nói chuyện về âm nhạc dân tộc, ông đều cố gắng thu xếp để đến, dù sức khỏe kém, dù đi lại khó khăn (ông phải di chuyển bằng xe lăn).

Không chỉ ở TP HCM, mà xa xôi tận miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, Đà Lạt ông cũng không quản ngại. Được truyền bá âm nhạc dân tộc đến chính nhân dân mình, với ông là niềm vui bất tận. Cũng chính trong những ngày nằm bệnh, ông vẫn theo dõi với sự hứng khởi cuộc thi hiểu biết về “hò, xự, xang, xê, cống” của các em bé miền Tây mà chính ông tham gia phát động.

Trên rất nhiều tờ báo khi đưa tin về sự ra đi của Giáo sư Trần Văn Khê, đều có đăng ảnh ông trong các tư thế và khoảnh khắc khác nhau, với áo cánh dân tộc trên có thêu dòng chữ cách điệu: Học - Hỏi - Hiểu - Hành. Đấy là những chiếc áo của Đại học Bình Dương tặng ông khi ông nhận lời làm Cố vấn đặc biệt về văn hóa - nghệ thuật cho nhà trường. Ông đã rất vui khi nhà trường tổ chức một khóa học chính thức về âm nhạc truyền thống dân tộc cho tất cả sinh viên và mời ông như một giáo sư thỉnh giảng cho toàn bộ khóa trình.

Như cá gặp nước, ông đã làm việc rất say sưa, chẳng quản tuổi tác đã ngoài 90, chẳng quản cả việc di chuyển phải bằng xe đẩy. Nhiều buổi ông có mặt tại giảng đường từ sớm, cả trước khi sinh viên kịp tề tựu. “Không có sao, một người đợi trăm người, đừng để trăm người đợi một người”, ông cười vui. 

Thầy Trần Văn Khê, Giáo sư Trần Văn Khê sống lại không khí giảng đường mà vì tuổi tác, ông đã phải rời bỏ quá lâu. Ông càng say sưa và hứng khởi khi chứng kiến sự ham hiểu biết về âm nhạc dân tộc cũng như việc trả bài giỏi giang và nghiêm túc của sinh viên. Ông nhận xét: “Các em rất siêng năng chăm chỉ. Trong buổi thi cuối khóa, nhiều em được điểm cao, trả lời rất chính xác các câu hỏi về nét đặc thù của những bộ môn cơ bản và nhận diện rất đúng các nhạc khí dùng trong nhạc kịch truyền thống Việt Nam”.

Ông đánh giá cao triết lý “Học - Hỏi - Hiểu - Hành” và phương pháp cộng học của Đại học Bình Dương (thầy và trò - trò và trò - trò và gia đình, xã hội). Ông bảo: “Trong truyền thụ và học hỏi về âm nhạc, triết lý và phương pháp này càng phù hợp. Chỉ có giao tiếp và học hỏi lẫn nhau mới trở thành phổ biến và mang đến sự hiểu biết sâu sắc”… Học, Hỏi, Hiểu, Hành là vậy, như một triết lý mà cũng là chân lý.

Vũ Cao Phan
.
.
.