Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda: Tự thân vận động

Thứ Hai, 19/09/2011, 15:22

Làm Thủ tướng ở đất nước Mặt trời mọc không phải là một phúc lộc dịu dàng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, đối với một nền kinh tế thuộc loại hàng đầu như Nhật Bản, người phải đứng ra chèo lái con thuyền quốc gia luôn phải chịu những khổ nạn lắm khi không phải tội mình.

Và thời gian đảm nhận cương vị Thủ tướng ở Nhật Bản thường rất ngắn ngủi ngay cả với những tinh hoa tài năng nhất. Thế nhưng, không thể phủ nhận được rằng, được ngồi vào ghế lãnh đạo nội các ở xứ sở hoa anh đào luôn là một vinh dự lớn.

Và người mới được trở thành vị Thủ tướng thứ sáu ở Nhật Bản trong vòng năm năm qua là ông Yoshihiko Noda, nguyên Bộ trưởng Tài chính trong nội các của ông Naoto Kan, người rất được cộng đồng quốc tế nhớ tới bởi những nỗ lực lắm lúc gần như tuyệt vọng trong việc khắc phục các hậu quả kinh hồn  từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Trường đời quy củ

Ông Yoshihiko  Noda sinh ngày 20/5/1957 tại thành phố Funabashi thuộc tỉnh Chiba. Cha ông là lính nhảy dù trong lực lượng phòng vệ Nhật Bản, còn cả ông nội lẫn ông ngoại đều xuất thân là nông dân, không dính líu gì tới các danh gia vọng tộc ở đất nước hoa anh đào. Có thể nói, ông là một chính trị gia thăng tiến chỉ nhờ những nỗ lực vượt bậc của chính cá nhân mình.

Tuổi thơ của vị Thủ tướng tương lai trôi qua tương đối yên ả. Hoàn cảnh gia đình giúp ông tu dưỡng được những đức tính đàn ông khá cứng cáp và quyết đoán. Năm 1980, Yoshihiko Noda tốt nghiệp Khoa Kinh tế và Chính trị của Đại học Waseda (một trong hai trường danh giá nhất trên "hòn đảo mặt trời mọc", cùng với Đại học Keio) ở thủ đô Tokyo.

Cũng cần nói thêm rằng, ông Noda là cựu sinh viên thứ bảy của Đại học Waseda trong giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ hai ngồi vào ghế Thủ tướng Nhật Bản. Những người đồng môn tiền nhiệm của ông là: Tanzan Ishibashi (nhiệm kỳ 1956-1957);  Noborru Takeshita (1987-1989); Toshiki Kaifu (1989-1991); Keizo Obuchi (1998-2000); Yoshiro Mori (2000-2001); Yasuo Fukuda (2007-2008).

Rời Đại học Waseda, ông Noda vào học khóa đầu tiên của Học viện Quản lý Matsushita, được xây dựng nên do sáng lập viên của hãng Panasonic, ông Matsushita Konosuke (27/11/1894 - 27/4/1989), người được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật và cũng là người sáng lập ra hãng Panasonic lừng danh thế giới.

Học viện Quản lý Matsushita là nơi đào tạo thế hệ mới của tinh hoa chính trị và kinh tế trên xứ sở hoa anh đào, được ông Masushita đầu tư vào 7 tỉ yen. Chương trình đào tạo ở đây kéo dài ba năm với những nội dung không phải ai cũng đủ sức lĩnh hội.

Các cuộc thi đầu vào ở Học viện Quản lý Matsushita khó khăn đến mức cứ 30-40 ứng cử viên mới có một người thi đậu. Ngày học của các sinh viên tại đây bắt đầu bằng cuộc chạy 3 km rồi sau đó mới tới các giờ lên lớp về triết học, văn học cổ điển  và các buổi tham dự công việc thực tế tại các công ty và xí nghiệp. Ban quản trị nhà trường khẳng định rằng, chương trình đào tạo không hề định kiến với bất kỳ một nghị trình chính trị nào.

Mỗi tháng một lần, học viên của trường lại tham gia các tiết học ngồi thiền và nghệ thuật Kendo (đấu kiếm theo phong cách samurai), cũng như tham gia các buổi học trà đạo. Hơn thế nữa, các học viện còn phải thực hiện một buổi chạy việt dã  24 giờ  trên con đường dài 100 km  và phải vào học 3 ngày ở trong đội ngũ lực lượng phòng vệ.

Tới năm thứ ba, các học viên sẽ phải dành phần lớn thời gian để chuẩn bị đề án  tốt nghiệp nhưng cũng không được quên các tiết học thể chất và tinh thần. Thí dụ, việc dọn dẹp nhà vệ sinh cũng như các địa điểm công cộng vẫn luôn là một phần tất yếu của chương trình học tập. Theo nhận định của một cựu học viên, những việc làm như thế giúp họ giải thoát khỏi những rác rưởi trong chính đầu mình.

Ông Masushita luôn lấy chữ "nhân" làm cơ sở để xác định: phát huy sức mạnh nội bộ, đoàn kết cao độ. Ông từng nói: "Trong công ty của chúng tôi, mọi người đều là chỉ huy".

Ngay trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, khắc nghiệt, ông Masushita không hề sa thải một công nhân, vì theo ông,  "mời người ta lúc khó khăn, rồi lại sa thải người ta lúc thịnh vượng là điều không thể chấp nhận được". Dễ người, nhưng ông Matsushita lại không quá câu nệ với bản thân mình và luôn biết tìm cách ứng xử thích ứng với tình hình thực thế.

Năm 67 tuổi, ông đã nhường chức Giám đốc cho con rể và chỉ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 1964, khi công ty khó khăn, ông lại tham gia giải quyết những vấn đề của công ty với vai trò giám đốc thực sự. Những đóng góp của ông Masushita đã giúp ông trở thành nhân vật tượng trưng cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật đã trao tặng ông Huân chương Mặt trời. Năm ông Masushita  90 tuổi, công ty của ông được xếp hạng 19 trong số 100 hãng lớn nhất thế giới và Thiên hoàng Nhật Bản đã tặng Huân chương Húc Nhật Đại Thụy, huân chương cao quý nhất của đất nước cho ông. Ông  Masushita được đánh giá là một trong những doanh nhân tài ba và đáng ngưỡng mộ nhất thế giới.

Trong thời sinh viên, thần tượng của vị Thủ tướng tương lai là Takachi Tachibana, một trong những "trưởng lão" giàu kinh nghiệm và hiểu biết nhất trong làng báo Nhật Bản.  Slogan yêu thích nhất của ông Noda là "lý tưởng không ảo tưởng". Mới đây nhất, sau khi biết mình sẽ ngồi vào ghế thủ tướng, ông đã lại nhắc tới slogan này khi tuyên bố rằng ông sẽ tiến hành một chính sách thực tế.

Với những tấm gương các vị tiền bối như thế, hiển nhiên vị thủ tướng tương lai đã hấp thụ được không ít phương châm hành động đúng đắn để thăng tiến.

Cần mẫn đi lên

Năm 1987, ông Yoshihiko Noda với tư cách ứng cử viên tự do đã thử chạy đua vào hội đồng tỉnh Chiba và đắc cử. Năm 1992, ông lại tái đắc cử, vẫn với tư cách ứng viên tự do. Năm 1993, ông Noda với tư cách đảng viên đảng Nhật Bản mới mà ông là một trong những người đồng sáng lập (đảng này nay không còn tồn tại nữa), đã ứng cử vào Hạ viện và đắc cử.

Thế nhưng, năm 1996, với tư cách thành viên đảng Tân Tiến, ông đã thất bại trong cuộc chạy đua tương tự khi tham gia tranh cử. Biết rút kinh nghiệm từ những vấp ngã trong quá khứ "buôn có bạn, bán có phường", năm 1998, ông gia nhập đảng Dân chủ. Và năm 2000, ông Noda tiếp tục ứng cử nhưng với tư cách đảng viên đảng Dân chủ và ông đã đắc cử.

Hai năm sau, ông đứng ra tranh chức  Chủ tịch đảng Dân chủ, nhưng trước khi diễn ra bầu cử, đã kịp thời "bỏ của chạy lấy người" và thôi không làm ứng cử viên nữa. Bù lại, ông đã được bầu làm trưởng ban chính sách quốc hội của đảng Dân chủ và giữ cương vị này đến năm 2006. Cũng phải nói rằng, đảng Dân chủ đã góp phần tạo thêm uy tín cho ông Noda và trong các năm 2003, 2005 và 2009, ông liên tục đắc cử với tư cách đảng viên Đảng Dân chủ vào Hạ viện.

Năm 2007, ông Noda trở thành Trưởng ban Quan hệ công cộng của đảng Dân chủ. Những thành công trên đã giúp ông năm 2009 nhận được ghế Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính trong nội các của Thủ tướng Hatoyama Yukio. Trên cương vị này, ông đã đại diện cho Nhật Bản trong nhiều hoạt động quốc tế quan trọng, thậm chí cả ở hội nghị các Bộ trưởng Tài chính của các nước G-20.

Năm 2010, ông Noda trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các của Thủ tướng Naoto Kan.

Tháng 8/2011, ông Noda được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ ở Nhật Bản với 215 số phiếu ủng hộ trong số 395 nghị sĩ đảng Dân chủ có mặt. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ làm Thủ tướng Nhật Bản.

Ngày 30/8/2011, ông Noda được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản với 308 số phiếu ủng hộ ở Hạ viện, trong khi để đạt được điều này chỉ cần 239 số phiếu ủng hộ của các hạ nghị sĩ có mặt. Ông là vị Thủ tướng thứ 95 của Nhật Bản và là vị Thủ tướng thứ ba kể từ khi đảng Dân chủ lên nắm quyền ở đây năm 2009.

Cá tính mạnh

Thủ tướng Yoshihiko Noda ít nói nhưng hành động rất kiên quyết. Mặc dù không quá đồng hội đồng thuyền với giới viên chức quan liêu nhưng ông lại rất được họ ưa thích. Ông có tài diễn thuyết siêu hạng, thậm chí có lần đã giữ chân được công chúng suốt 12 giờ tại một ga xe lửa ở nơi chôn nhau cắt rốn Funabashi  của mình. Ông biết cách hòa đồng với quần chúng và có khả năng lôi kéo mọi người theo mình một cách hào hứng. Ông không có một ảo tưởng gì về tương lai nền kinh tế và chính trị Nhật Bản.

Ông Noda là người ủng hộ những biện pháp cứng rắn để lành mạnh hóa nền kinh tế Nhật Bản và giảm thiểu nợ công hiện đã vượt quá gấp đôi tổng thu nhập nội địa.

Ông Noda theo xu hướng từ bỏ năng lượng hạt nhân. Ông Noda chủ trương thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự, chính trị với Washington, đồng thời cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc  là một nguy cơ đối với Nhật Bản.

Ông Noda cũng là người rất mê uống rượu sake. Đồng thời ông cũng rất say mê tập những môn võ thuật truyền thống của Nhật Bản: ông hiện nay là võ sĩ judo đai đen!

Ông có vợ và hai con.

Đối mặt với những thách thức

Trong bối cảnh hiện nay, đang có rất nhiều thách thức chờ đợi tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới hiện đang phải đối mặt là "quả bóng nợ" đang phình rất to.

Đến mức, ngày 24/8, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's lần đầu tiên trong vòng chín năm qua đã hạ mức xếp hạng nợ công của Nhật Bản một bậc, từ Aa2 xuống Aa3, với lý do là việc nước này liên tục thay đổi nhà lãnh đạo đã làm ảnh hưởng tới các chiến lược kinh tế hiệu quả để giải quyết vấn đề nợ công hiện đang ở mức gấp đôi giá trị nền kinh tế 5.000 tỷ USD này, tỷ lệ cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Chính sách tiền tệ hiện hữu cũng đang tạo thêm những khó khăn cho chính phủ Nhật Bản. Thách thức lớn thứ ba là vấn đề năng lượng. Tân Thủ tướng Noda không tán thành quan điểm của người tiền nhiệm Naoto Kan về một xã hội phi điện hạt nhân và cho rằng niềm tin vào điện hạt nhân cần phải được khôi phục. Thế nhưng, đây là vấn đề đang gây nên không ít hoài nghi trong xã hội Nhật Bản…

Nguyễn Năm
.
.
.