Thi sĩ Giáng Vân cười say rượu ủ trong tim

Thứ Năm, 15/11/2018, 16:11
Là con gái của nhà văn quân đội Nguyễn Trọng Oánh, không có gì ngạc nhiên khi thi sĩ Giáng Vân đi theo con đường cầm bút. 

Thế nhưng, thơ của chị lại lặng lẽ hơn rất nhiều so với hành trình lắm gập ghềnh, nhiều nhấp nhô của chị. Thi sĩ Giáng Vân lúc nào cũng như đứng ngoài thế giới chữ nghĩa xôn xao nhưng sự hiện diện của chị trong đời sống thi ca không thể nào phủ nhận!

Với công chúng phổ thông, thi sĩ Giáng Vân được biết đến với tư cách tác giả phần lời của hai ca khúc do Phú Quang phổ nhạc, Đâu phải bởi mùa thu và Trong giấc mơ xưa.

Người yêu nhạc vẫn thường xuyên hát: “Em ru gì? Lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền, vết rạn thời gian. Em ru gì? Lời ru cho biển khơi, biển khơi biết bao giờ ngừng lặng. Em ru gì? Lời ru cho anh, một đời đam mê, một đời giông tố. Em ru gì cho ta, qua bao ngày phôi pha...” và người yêu nhạc vẫn thỉnh thoảng nghe: “Em ra biển lớn, biển đã cạn. Em vào rừng sâu, rừng chỉ còn lá mục. Em về với anh, để nghe lời giã biệt. Trở về nhà, cửa đóng lặng thinh...”

Âm nhạc dùng sự du dương để chinh phục theo cách riêng, mà thi ca lại dùng sự sâu lắng để tồn tại theo cách riêng. Ca khúc Đâu phải bởi mùa thu được hình thành từ bài thơ Yên tĩnh, còn ca khúc Trong giấc mơ xưa được chắp cánh từ bài Mơ xưa. Độc giả vẫn có thể tìm thấy những rung cảm khác biệt trên chính giá trị nguyên bản của thi sĩ Giáng Vân!

Bài thơ Yên tĩnh được thi sĩ Giáng Vân viết năm 1983, khi chị đang là công nhân ở thủy điện Sông Đà. 

Ngoài hai ý niệm được chuyển đổi, từ “đá núi trụi trần vết tạc thời gian” trong thi ca sang “đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian” trong âm nhạc và từ “cây lá có rơi nhiều, xin đừng hỏi mùa thu” trong thi ca sang “lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu” trong âm nhạc, thì hồn vía của Yên tĩnh nằm hoàn toàn ở đoạn thơ thổn thức lứa đôi: “Em ru gì cho anh/ Mặt trời linh thiêng, mặt trời giông tố/ Đã mệt mỏi rồi, đã bao nỗi âu lo/ Trên gương mặt anh hằn lên nỗi khổ/ Khiến câu hát cất lên bỗng tắt nửa chừng/ Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc/ Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng/ Sáng lung linh miền ánh sáng thiên thần/ Niềm hạnh phúc muôn đời có thật”.

Thi sĩ Giáng Vân qua nét vẽ Ngô Thúy!

Bài thơ Mơ xưa được thi sĩ Giáng Vân viết năm 1991, khi chị đang là phóng viên ở Báo Phụ nữ Thủ đô. Không gian lãng đãng mở ra thi phẩm Mơ xưa không được đưa vào bài hát Trong giấc mơ xưa là những câu run rẩy: “Vầng trăng đơn chiếc/ Cõi thế mù lòa/ Đàn ai rấm rứt/ Sương thu nhạt nhòa/ Này ai khoan hẵng/ Vội dời chân xa/ Này ai chớ đợi/ Bến tình bao la”

Vì thiếu vắng đoạn thơ trên khiến sự thẩm thấu dành cho đoạn kết “Câu ca thiếu nữ/ Xanh vời ban mai/ Con đường thiếu nữ/ Buồn dâng lưng trời/ Một mai em chết/ Còn chi trên đời” trong bài hát Trong giấc mơ xưa cũng hạn chế nhất định. 

Không cầu cạnh vào giai điệu bổng trầm, bài thơ Mơ xưa tạo xúc cảm nhờ cảm giác níu kéo chống chếnh: “Không lẽ thế ngày anh đến/ Mắt phiêu diêu mùa thu chết ngang trời/ Tơ trời mảnh giăng nắng vàng mê mệt/ Em cười say rượu ủ trong tim/ Không lẽ thế hồn đã qua vạn xứ/ Cớ sao buồn như thế hỡi anh/ Thôi đừng tiếc đừng thương chi đừng nhớ/ Đã em về tha thiết ở bên”.

Trải qua nhiều năm tuổi trẻ sôi nổi cống hiến ở công trường xây dựng nhộn nhịp trên đất Hòa Bình, thi sĩ Giáng Vân về Hà Nội lăn lộn mưu sinh bằng một trái tim dễ xao xuyến và dễ đổ vỡ. 

Chị làm báo, phát hành sách, mở phòng tranh... để nuôi bản thân, nuôi con gái và nuôi thi ca: “Những câu thơ không hình hài/ Đôi khi lướt qua bạn/ Nhưng không đậu lại được/ Tựa như những linh hồn/ Không tìm được chốn hoài thai”. 

Thi sĩ Giáng Vân viết chậm và viết ít so với những đồng nghiệp cùng thời. Gia tài văn chương của chị được gói ghém trong 3 tập thơ Năm tháng lãng quên in năm 1990, Trên những ngày buồn in năm 1995 và Đường gió in năm 2013. Thi sĩ Giáng Vân không mấy hào hứng với việc công bố tác phẩm và cũng lẩn tránh những diễn đàn chen lấn danh lợi. 

Thơ, trong lòng thi sĩ Giáng Vân, vừa mang tính ngẫu nhiên may rủi “Thơ/ Không có gì rõ rệt/ Đến bất thần như nước/ Nếu biết rõ/ Thơ sẽ không đến” vừa mang tính nhọc nhằn sáng tạo “Câu thơ đã viết/ Giống như hơi thở/ Đã thở rồi/ Không thể sẽ chết/ Nhưng không thể còn thở lại”. 

Vì vậy, không ít lần thi sĩ Giáng Vân không hề giấu giếm nỗi bất lực trước khao khát được trải hết xao xác lên trang giấy “Hằng đêm không ngủ được/ Viết câu thơ nào cũng thấy nhạt hoét” và đôi khi chấp nhận niềm đắng cay một cách âm thầm “Tôi ném một câu nói vô vị vào yên lặng/ Và mơ một ngày trở thành hiền triết/ Tôi e sợ phải nói lên sự thật/ Suốt đời mơ sự công bằng...”.

Không khó để nhận ra, hình ảnh nổi bật nhất trong thơ Giáng Vân là người đàn bà luôn tìm kiếm tình yêu với rất nhiều cung bậc, khi mãnh liệt, khi ngây dại, khi phấp phỏng, khi đọa đày. Người đàn bà yếu đuối và đắm say ấy, lắm phen nuôi hy vọng mơ hồ bằng tuyệt vọng xa xăm: “Hãy dừng người ơi/ Để cặp mắt anh dừng lại trên mặt em/ Anh sẽ thấy nỗi sầu của anh trên mắt em phản chiếu/ Tình em nặng biết bao nhiêu/ Em chết mất nếu không người san sẻ/ Hãy dừng người ơi/ Bởi trên thế gian này/ Không ai cần anh như em/ Cũng chẳng ai yêu anh hơn thế/ Hãy dừng người ơi/ Yên tĩnh bên em/ Nếu anh không cần những niềm vui em đã cố công mang về/ Em sẽ ru anh bằng bao nhiêu buồn khổ/ Em sẽ lặn lội về tuổi thơ của mình/ Hái cho anh những chùm me đất tím/ Tìm cho anh một sợi rơm vàng/ Buộc những giấc mơ cổ tích...”. Tình yêu trong thơ Giáng Vân lúc nào cũng chới với bên bờ vực hụt hẫng. 

Vì vậy, thi sĩ Giáng Vân bước vào tình yêu bằng dằn vặt “Tôi thở/ Tôi đi/ Tôi nhìn/ Tôi buồn và lo âu/ Bằng tình yêu tỏa sáng trên gương mặt anh/ Nhưng anh ra đi/ Trên gương mặt không mang theo tình yêu/ Bây giờ tình yêu cùng tôi ở lại” và chia lìa người yêu bằng ám ảnh “Em đã giã từ chính em/ Đã nở hoa trên cả những nỗi buồn/ Nhưng nỗi buồn anh chưa bao giờ dứt/ Nó đọng sâu trong trái tim em/ Đêm đêm gọi em thì thầm/ Nó kể những câu chuyện mà trí óc bình thường em không thể nào biết được”.

Tập thơ “Đường gió” của Giáng Vân từng được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Thi sĩ Giáng Vân ngoài đời thường bị chìm lẫn vào đám đông. Chị thừa bản lĩnh để đối phó với những sóng gió định mệnh nhưng phía sau cặp kính cận dày cộm của chị vẫn hiện diện sự hồn nhiên và sự bơ vơ. 

Trong xã hội ba đào lắm trò cười khóc ngổn ngang, thi sĩ Giáng Vân tự nhủ: “Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn/ Chúng ta chỉ có một nỗi buồn rất nặng/ Để thanh lọc”.

Chị ngụp lặn với trần tục và bẽ bàng vì bao nhiêu tàn lụi quan hệ giữa người với người: “Tôi mang bán ưu phiền lấy niềm vui/ Niềm vui nở thành những nụ cười giống nhau trên bộ mặt tôi/ Với những bài ca vui nhộn/ Nó chế nhạo ưu phiền sao mà ngớ ngẩn/ Nhưng khi đêm về tất cả ngủ yên, trái tim tha thiết/ Niềm vui cũng không cần cho tôi/ Nó làm tôi cạn kiệt...”.

Thơ Giáng Vân thờ ơ với những hình tượng bóng bẩy và những ngữ điệu đong đưa. Thơ Giáng Vân chớp lấy ý tứ nhanh chóng và diễn đạt cụ thể. 

Càng nhiều tuổi, chị càng chọn giọng điệu nhỏ nhẹ để khỏa lấp thơ để an ủi mình: “Khi còn trẻ/ Tôi thấy cuộc đời trước mặt thật dài/ Tôi mỏi chân đi không hết/ Mỗi ngày mỗi tháng, mỗi năm/ Tôi có biết bao dự định/ Biết bao khát vọng lớn lao/ Còn kẻ khác/ Sao mà tủn mủn/ Luống tuổi/ Giật mình chân chậm mắt mờ/ Ta còn đứng nguyên một chỗ/ Tính mãi/ Không xong một việc nhỏ”. 

Sự khiêm cung trong lối sống cũng mở ra một góc nhìn chan hòa và nhân ái: “Người thấm vào tôi/ Cũng theo cái cách không khí thấm vào tôi/ Nước thấm vào tôi/ Làm mới lại một mùa gieo trồng...”.

Những độc giả muốn thưởng thức thi ảnh lộng lẫy hoặc câu chữ vang vọng, chắc chắn không thể đồng cảm với thơ Giáng Vân. Nói cách khác, thơ Giáng Vân chỉ dành cho những ai thích ngẫm ngợi, ưa tư lự và biết hoang mang với bao nhiêu kiếp phận lênh đênh và cô lẻ. 

Khi đã chấp nhận sự đa dạng và sự biến động của môi trường xung quanh “Những đối cực không loại trừ nhau/ Những cú phanh gấp trở nên vô nghĩa”, thi sĩ Giáng Vân có phương pháp ứng xử thanh thoát, trong quan niệm “Tôi thả mình rơi thong thả/ Không gì bực dọc/ Chỉ rặt những thứ vu vơ/ Tôi hóa ra những vụn vỡ nhỏ/ Li ti/ Hạt giống của loại hoa cỏ/ Có thể nảy mầm rất nhanh/ Một sáng thôi/ Làm tràn ngập sự thanh khiết” cũng như trong hành động “Tôi chọn một bó tầm xuân lớn để cắm vào chiếc bình gốm cũ/ tôi đã rất chăm chú làm việc này/ thay vì đi tìm những quên lãng”.

Từ khi nghỉ hưu, thi sĩ Giáng Vân có một niềm đam mê mới là vẽ tranh. Và dù trong hội họa hay trong thi ca, thì chị vẫn ngậm ngùi một cõi trầm lắng: “Tôi mang ẩn dụ của giấc mơ/ Tựa như mang bí ẩn của số phận/ Nhưng không bao giờ chạm tới được...”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.
.