Pierre Cardin: Người tái lập "Con đường Tơ Lụa"

Thứ Hai, 25/01/2021, 11:46
Năm 1979, một người phụ nữ châu Âu mặc chiếc đầm sặc sỡ như lông vẹt, tà áo tung bay, cô khiêu vũ một mình trên Vạn Lý Trường Thành, xung quanh cô, những người bản địa cả nam lẫn nữ mặc những chiếc áo khoác tối màu cũ kỹ và tẻ nhạt gần như giống hệt nhau, thứ duy nhất có màu sắc mà một người trong số họ khoác lên là một chiếc khăn chít đầu màu đỏ.


Hình ảnh đối lập ấy giữa một phương Tây thời thượng và trưng trổ cùng một phương Đông khép kín và tiết chế gói gọn trong một tấm ảnh mà giờ đây trở thành một biểu tượng. Năm 1979 cũng là một năm sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa cải cách. Người phụ nữ châu Âu trong hình là người mẫu Maryse Gaspard, bộ cánh cô khoác lên người là một thiết kế của Pierre Cardin.

Ngày nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thời trang cao cấp lớn nhất của châu Âu. Một mình sức mua của các khách hàng Trung Quốc chiếm tới 30% lượng tiêu thụ thời trang cao cấp trên toàn thế giới. Và có lẽ tất cả đã bắt đầu từ cái khoảnh khắc bộ đồ của Pierre Cardin phấp phới trên Vạn Lý Trường Thành, đánh dấu cho một thời đại mới bắc cầu giữa Đông và Tây, để những giá trị thẩm mỹ và tiêu thụ của cựu lục địa du hành vào châu Á.

Pierre Cardin vừa từ giã cõi đời ở tuổi 98. Trên đây là tấm ảnh biểu tượng của nhà thiết kế huyền thoại này trong lần đầu ghé thăm Bắc Kinh.

"Thời trang" - khi ấy là một khái niệm xa lạ với phần lớn người Trung Quốc chẳng kém gì rock 'n' roll. Trước khi Pierre Cardin đến Trung Quốc, ông đã được cảnh báo rằng dù ở bên ngoài ông được ngưỡng mộ đến mấy, thì ở miền đất xa lạ này, với những hệ tư tưởng khác và những truyền thống khác, ông sẽ không bao giờ có thể thành công. Nhưng Pierre Cardin từng nói "Tôi không thích dừng lại, tôi thích liên tục chứng minh bản thân mình", ông vẫn chọn đến Trung Quốc, mặc chiếc áo khoác trenchcoat dài vai vuông sành điệu, quàng khăn hờ, đi trên phố phường Bắc Kinh và rất nhiều những người đàn ông Trung Quốc mặc áo đại cán giản dị chăm chú nhìn người đàn ông Pháp gốc Ý như nhìn một sinh vật lạ từ trên trời rơi xuống.

Không lâu sau đó, Pierre Cardin tổ chức buổi trình diễn thời trang đầu tiên tại Đại Lục - trước ông, chưa từng có nhà thiết kế phương Tây nào thực hiện "nhiệm vụ bất khả thi" này. Ông đưa theo tám người mẫu Pháp và bốn người mẫu Nhật Bản, họ bước ra sàn catwalk, đánh mông theo nhịp những điệu pop thịnh hành nhất, khán giả người Hoa ở bên dưới nín thở chiêm ngưỡng. Khi ấy, Pierre Cardin đã chứng minh được rằng, bất kể bạn là ai, đến từ đâu, bạn sẽ không thể làm ngơ trước vẻ đẹp của sự tự do được bung tỏa cái tôi.

Bây giờ nghĩ lại, chúng ta cảm thấy nếu không phải Pierre Cardin, thì không thể là bất cứ ai khác đã đưa thời trang châu Âu đến những nền văn hóa dè chừng với thời trang. Không phải những nhà thiết kế vĩ đại khác của lịch sử thời trang khác như Coco Chanel, Gianni Versace, Christian Dior, Giorgio Armani, Valentino hay Karl Lagerfeld. Một phần là bởi Pierre Cardin đã sống đúng thời điểm, thời hậu chiến, "khi mà mọi thứ phải được làm lại",  Valentino hay Karl Lagerfeld cũng đi qua thời đại đó, nhưng người đầu tiên đưa thời trang đi xa tới thế giới vẫn là ông, mãi mãi ông là nhà "thương lái" lữ hành thời trang đầu tiên của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, có những lý do lớn hơn thế rất nhiều.

Nếu so với giấc mơ lớn trong đời của Pierre Cardin, thì Trung Quốc vẫn còn là một xứ sở gần chán, bởi vì ông từng mơ đến cả những vì sao và tưởng tượng ra mỗi vì sao là một người đàn bà đang mặc đồ dạ tiệc. Khi Neil Armstrong còn chưa đặt chân lên Mặt trăng, thì Pierre Cardin đã ngẫm nghĩ về chuyện phải ăn vận theo phong cách nào nếu có ngày chúng ta định cư ở đó. Ông khăn gói đến tận NASA để hỏi thăm về chuyện này, và rồi thiết kế Cosmocorps, một trong những bộ sưu tập avant-garde đã định hình nên tên tuổi lừng lẫy của ông. Những thiết kế phi giới tính, tạo hình khối như một bức điêu khắc, làm từ nhựa, da và một loại vải có tính ba chiều do ông tự sáng tạo gần như đã xóa nhòa ranh giới của khoa học và thời trang.

Người mẫu Maryse Gaspard tại Vạn Lý Trường Thành năm 1979

Nhưng sự vĩ đại của Pierre Cardin không chỉ là ông biết mơ đến những khoảng cách xa vời, mà còn ở chỗ ông sẵn sàng xông pha vào thế giới của những con người bình thường chứ không chỉ là những bậc vương tôn và những minh tinh màn bạc với thân hình chuẩn mực. Thời của Pierre Cardin, phần lớn những nhà mode nổi tiếng chỉ nhận may đo, coi đây như một thước đo giá trị không gì sánh được của mình. Pierre Cardin có suy nghĩ khác. Ông tiên phong làm prêt-à-porter - đồ may đo sẵn.

Năm 1958, trong một cửa hiệu bách hóa ở Paris, ông cho trưng bày bộ sưu tập may đo sẵn của mình. Chuyện này ngày nay thì bình thường, nhưng khi ấy thì chẳng khác chi một sự sỉ nhục, một cú sốc với giới thời trang phù phiếm và cao ngạo. Làm sao có thể để những tác phẩm của mình trong một bối cảnh tầm thường như thế? Làm sao có thể hạ thấp đẳng cấp của mình bằng cách làm trang phục cho nhiều người thay vì chỉ một vài người quan trọng? Trong số những người nghi kỵ có Coco Chanel, người cho rằng quý ngài Cardin đã rẻ rúng hóa thời trang với sự vô sỉ quá mức. Sau một lần gặp Cardin, Coco Chanel nhận định: "Với những gì ông ta đang làm thì ông ta sẽ là sự kết thúc của thời trang".

Ngược lại hoàn toàn, Pierre Cardin không những không phải sự kết thúc của thời trang, mà là sự khởi đầu của thời trang trong thời đại toàn cầu hóa và sản xuất hàng loạt. Cái tên ông là sự giao thoa của Đông và Tây, của cao cấp và bình dân, của bứt phá và chỉnh tề, của nghệ thuật và tiền. Tất cả mọi người đều có thể phù hợp với ông: từ phu nhân Jackie Kennedy thanh lịch, đến nàng Bridget Bardot nóng bỏng, đến cả ban nhạc The Beatles đại diện cho tầng lớp lao động trong xã hội. Một trong những tấm ảnh nổi tiếng nhất của The Beatles thời kỳ đầu là tấm ảnh họ mặc chiếc áo comple không cổ do Pierre Cardin thiết kế. Nó cũng phù hợp cả với cha bạn nữa.

Ở Việt Nam, người ta thường quen thương hiệu Pierre Cardin khi liên kết với một thương hiệu bản địa để làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt và giá thành phải chăng. Phải, Pierre Cardin cũng là nhà thiết kế đầu tiên bán tên của mình. Ông là người đầu tiên nhận ra, cái tên có một giá trị khổng lồ, và liên tục bán tên của ông cho từ áo sơ mi đến nồi niêu xoong chảo. Ông là anh hùng của ngành sáng tạo, nhưng cũng là một nhà tư bản đã gắn tên lửa cho chủ nghĩa tiêu thụ lao vòn vọt, và vì thế di sản của ông là cả những điều tốt đẹp và cả những điều không quá tốt đẹp. Những tầm nhìn của Cardin về kinh doanh thời trang đã góp phần tạo nên một nền công nghiệp bành trướng và biến thế giới trở thành một bãi rác khổng lồ. Một thống kê vào năm 2019 ở Anh cho biết đất nước này hàng năm tiêu tốn 2,7 tỷ Bảng cho những bộ quần áo mùa hè chỉ mặc một lần, và đó mới chỉ là nước Anh.

Ngược lại, nếu không có Pierre Cardin, một nhà toàn cầu hóa mà theo nghĩa nào đó đã thiết lập lại một "con đường Tơ Lụa" mới theo chiều ngược lại, đưa vải vóc từ phương Tây về phương Đông (có lẽ không phải tình cờ mà Pierre Cardin từng tổ chức một buổi trình diễn bộ sưu tập mới của mình trên sa mạc Minh Sa gần Đôn Hoàng, dọc con đường Tơ Lụa trong lịch sử), thì thế giới có lẽ cũng rất khác. Ông đã góp phần định hình một thế giới phẳng, hay đúng hơn, một thế giới phẳng lồi lõm, nơi ta có thể thấy một phụ nữ ở New York và một phụ nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh diện cùng một bộ cánh, nhưng đằng sau đó cũng là vô số những mặt trái về ô nhiễm môi trường của công nghiệp thời trang.

Kỷ niệm 40 năm lần đầu tiên tới Trung Quốc, năm 2018, Pierre Cardin thực hiện một buổi trình diễn thời trang ngay dọc Vạn Lý Trường Thành. Hình ảnh những người mẫu đi thành hai hàng dài, khoác lên người những thiết kế vượt mọi khuôn khổ, trong khung cảnh dãy trường thành cổ xưa hơn 2000 năm tuổi là lời tuyên ngôn không thể kiêu hãnh hơn về cách mà những bộ quần áo bé nhỏ có thể chu du xa đến chừng nào, vượt mọi không gian và thời gian, xóa nhòa sự khác biệt giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.

Pierre Cardin từng khẳng định rằng: "Năm 2069, phụ nữ sẽ mặc những tấm thủy tinh hữu cơ và quần áo hình ống. Đàn ông sẽ mặc quần hình ê-lip và áo tunic chuyển động. Chúng ta sẽ cùng rảo bộ trên mặt trăng hay sao Hỏa trong những bộ cánh thuộc bộ sưu tập Cosmocorps của tôi". Với cá tính của Pierre Cardin, lời nói ấy hẳn cũng là một lời thách đố với nhân loại, rằng tôi đã thiết kế xong quần áo loài người rồi, ông đã sẵn sàng góp phần tạo ra một vũ trụ phẳng, phần việc của ông đã xong, giờ thì đến phiên các nhà khoa học hãy tìm cách đưa chúng ta lên sống ngoài vũ trụ.

Hiền Trang
.
.
.