Phan Thị Vàng Anh: Làm gì, khi không còn trẻ nữa?

Thứ Tư, 04/07/2018, 08:18
Cháu nội của tôi 14 tuổi, đang đứng trước nhiều lựa chọn cho tương lai, với vốn liếng ngoại ngữ khá tốt, vừa nhận học bổng 2018 của Viện Goethe chuyến trại hè vòng quanh nước Đức. 

Đó là niềm tự hào của gia đình chúng tôi. Cháu thích văn học, gương mặt thần tượng của nó là những nhà thơ viết cho thiếu nhi, trong đó có Phan Thị Vàng Anh.

Tôi rất thích điều đó, bởi vì, tôi cũng thích Phan Thị Vàng Anh, thậm chí tôi mong cháu tôi sau này kiến thức cũng nhiều như một "cái túi đựng đồ nghề" của chị. Bằng cảm nhận bản năng, cháu tôi thích Phan Thị Vàng Anh; còn tôi, bằng lý trí. 

Sau rất nhiều yêu ghét ở đời, tôi nhận thấy với Phan Thị Vàng Anh, bất cứ điều gì cũng… đáng yêu cả. Từ tác phẩm đến tính cách. Đã có người nói: Phan Thị Vàng Anh là một bà mẹ chồng khó tính đáng ghét, một người đáo để, độc đoán, mạnh mẽ và… bạo liệt. 

Những nhận xét đó về tính cách có thể đúng nếu chỉ nhìn bề ngoài, nếu chỉ tiếp xúc ít. Còn về tác phẩm thì dư luận khen nhiều hơn chê.

Tôi đọc của chị hầu như tất cả những gì chị đã xuất bản, ban đầu tò mò xem một người sinh 1968, ít hơn mình 18 tuổi họ viết như thế nào. Sau đó, đọc vì bị cuốn hút. Có cuốn nào ra, ngấu nghiến đọc ngay. Đọc, đọc lại. 

Rồi quãng thời gian 2005 - 2010, khi chị là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách ban Nhà văn nữ, trong đó tôi là phó ban, đã làm nhiều việc chung với chị, nhờ đó thấy được chị rõ nhất: Nóng tính, quyết liệt, cực đoan, cương nghị và lạnh lùng. 

Nhưng bên cạnh đó là những điều không thể phủ nhận: Nhiệt tình, đằm thắm, chu đáo, tận tụy, thông minh, đường hướng rõ ràng khi đưa ra một chủ trương, chỉ chấp nhận phản biện nếu có lý, nếu không nhất định không thỏa hiệp. 

Bản thân chị cũng là một người phản biện, mỗi khi chị phản biện thì không ai còn nói gì về điều đó nữa. Nhiều cuộc họp, ông Chủ tịch Hội Nhà văn HT cũng phải im lặng, hoặc cười cười hoặc nuốt khan điều gì đó vào khi Phan Thị Vàng Anh lên tiếng.

Tác phẩm

Phan Thị Vàng Anh không chỉ có thơ, truyện ngắn, chị còn viết nhiều thể loại khác: ghi chép, tạp văn, gì đó… 

Ngày nay không ít người muốn in sách phải nộp phí quản lý cho Nhà xuất bản (NXB), phải tự lo phát hành, bản thảo của Phan Thị Vàng Anh nếu hé lộ là có thì ngay lập tức các NXB sẽ tìm đến, có cuốn tái bản đến lần thứ 3... 

Thời những năm 90, Hội Nhà văn còn rất khó khăn khi xét kết nạp, Phan Thị Vàng Anh đã ngay lập tức vào Hội sau 2 năm khi cuốn "Khi người ta trẻ" ra mắt. Từ đó cứ mấy năm chị lại ra một tập. 

Tập thơ "Gửi VB" cũng đoạt Giải Hội Nhà văn Hà Nội 2007, với số phiếu tán thành 100%. Giải thưởng quan trọng, nhưng quan trọng hơn, tập thơ đó được nhiều người đọc và các nhà thơ uy tín trong cả nước nể trọng. 

Thơ hồi trẻ con của Phan Thị Vàng Anh hồn nhiên, ngộ nghĩnh bao nhiêu thì ở "Gửi VB", thơ của chị nhiều lý tính như thơ của cha, (nhà thơ Chế Lan Viên), cảm xúc, tình cảm được tiết chế, nén chặt, chữ dùng đắt và kỹ. Những quan sát tinh tế được biểu hiện trong hình thức câu và bố cục lạ.

Phan Thị Vàng Anh có bút danh Thảo Hảo, An Bàng. Thảo Hảo giữ mục "Tôi xem - nghe - đọc" trên Thể thao & Văn hóa (TT&VH), An Bàng trên "Người Đại biểu nhân dân"... là những chuyên mục được người đọc tìm đến nhiều nhất trong tờ báo. 

Những tản văn đó cũng gây tranh cãi trong một thời gian. Có người nói đấy là nhà văn có ý thức công dân, có trách nhiệm xã hội cao, đưa những vấn đề thời sự, chướng tai gai mắt nóng bỏng lên trang viết với sức hấp dẫn chỉ nhà văn có tài mới làm được. 

Đấy là những bài viết nóng hổi, nhưng thời gian qua đi, nóng hổi qua đi, mươi năm sau, in lại thành sách, đọc lại vẫn thấy hơi thở đời. Bởi sự kiện thời sự kia chỉ là cái cớ để chị đưa ra một triết lý sống, một đúc kết, một kinh nghiệm cần phải… nhớ.

Tôi nhớ nhất là "Nhân trường hợp chị thỏ bông" và "Đàn bà càng già càng có tội". Đọc, bạn sẽ cười ra nước mắt, bạn sẽ thấy "bọn" đàn ông sẵn lòng cười với gái mát xa, cho tiền bo hậu hĩnh vì những cô gái mát xa biết cách làm vui các đấng mày râu, còn những bà vợ ở nhà thì… đơn điệu quá.

Đọc, bạn sẽ thấy người đàn bà Việt đáng được cảm thông đến mức nào, thấy cái nhìn của tác giả về đàn ông và thế giới con người (những nguyên tắc do đàn ông nghĩ ra và đàn bà bảo nhau chấp nhận) như thế nào.

Ảnh: L.G.

Tính cách

Phan Thị Vàng Anh sống cùng mẹ, nhà văn Vũ Thị Thường. Căn nhà chị ở là nơi nhà thơ Chế Lan Viên và gia đình ở từ 1981, khi ông mất và đến nay, có tên gọi là Viên tĩnh viên. 

Có lẽ, Phan Thị Vàng Anh cũng theo tinh thần của ngôi vườn, có khi cả tháng không ra khỏi cửa, nhưng cả ngày làm việc không mệt mỏi. Chị đã từng là Biên tập viên ở NXB Trẻ, và Phương Nam, nhưng giờ thì chị làm việc như một người tự do. Chị sử dụng tự do của mình ở mức khắt khe nhất. 

Đọc, dịch, viết, dạy con, chăm mẹ già và tham gia những việc thiện nguyện âm thầm. Chị quản lý một trang mạng, tự viết hoặc dịch. Bài lên đều, giữ được sự hấp dẫn, không chỉ nội dung mà những minh họa chị cũng để công tìm tòi, sưu tầm, kỹ lưỡng trong chọn lựa, khiến cho người đọc rất thích tìm đến. 

Người đọc còn nhớ để trêu lẫn nhau, đặt tên cho nhau bằng những nhân vật lặp đi lặp lại (với các tình tiết nội dung khác nhau trong những truyện hài hước) dịch đăng trên trang của chị: Tóc Vàng, Tóc Nâu và Tóc Đỏ. Ba cô gái mang 3 tính cách khác nhau và rất đặc trưng của đàn bà… 

Học Đại học Y khoa, tốt nghiệp 1993, bác sĩ đa khoa Phan Thị Vàng Anh từng công tác tại Trung tâm huyết học, Bệnh viện Nguyễn Trãi (khoa Tim mạch), nhưng dòng máu văn chương thôi thúc khiến chị hoàn toàn dành thời gian cho việc viết. Những kiến thức y học đã giúp chị trong việc bảo vệ sức khỏe một cách khoa học, việc chăm sóc mẹ già, và con trai, năm nay 11 tuổi. 

Thi sĩ Anh Thơ từng nói với tôi trong nước mắt, những ngày cuối đời: "Mình không ngờ Vàng Anh nó lại cần mẫn, chu đáo và chịu khó đến thế. Chăm người ốm mà nó chả ngại ngần việc gì. Mình cảm động vô cùng, không thể nói hết được… Trường ạ…".

Nhưng, ngay cả chuyện lạ ấy cũng chưa lạ bằng Phan Thị Vàng Anh còn biết nấu ăn, làm nhà. Chị bảo hồi phụ trách trang Soi*, (một trang có lượng bài hay/ giá trị và lượng người đọc là trí thức rất đông) đưa  những bài về nấu ăn sao cho ngon và sách của Pha Lê lên, chị thấy cuốn hút khó cưỡng, đã thực hành rồi làm theo một cách thú vị. 

Những ngày ở với mẹ con chị, tôi được ăn bánh chị làm, cũng nhào bột, đánh trứng, quậy kem và nướng như người đàn bà đảm. Nếu không nhờ những ngày ấy, tôi cũng nghĩ như mọi người, chị là người  giỏi giang như đàn ông, chứ chẳng khéo léo như đàn bà. 

Mà nếu nói về "độ" đàn ông, chị còn đàn ông hơn cả đàn ông nữa cơ. Tự làm nhà lấy. Viên tĩnh viên, chị mới sửa thêm hàng hiên và làm sàn gỗ, còn tự làm một ngôi nhà ở Quảng Trị cho mình. 

Quảng Trị, quê cha, quê nghèo nhưng có lẽ chị muốn tìm lại ở đó một khoảng sống an bình với thiên nhiên hoang sơ. Từ một mảnh đất trống, gần bờ sông chị đã dựng một ngôi nhà với xung quanh là cỏ cây hoa lá. Ngôi nhà được làm bằng gỗ dân dụng, chị tự nghĩ kiểu dáng, kích thước, chi tiết, rồi cùng với thợ… dựng lên. 

Có lúc chỉ huy thợ như một tay nhà thầu chuyên nghiệp, lắng nghe đấy, mà quyết đoán đấy. Ngôi nhà đẹp đến mức các bạn tôi họa sĩ, kiến trúc sư phải… tấm tắc. Thỉnh thoảng hai con chị về đấy, để thằng con cũng được tắm cái chất đồng quê hoang dã.

Hàng chục ngàn trang viết của chị đã hiện diện, đã đi vào, đã tác động đến đời sống nhưng trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (in lần 4-2010) dày 1.295 trang, mỗi hội viên được 1 trang thì ở trang 870 của mình, phần "Suy nghĩ về nghề văn", Phan Thị Vàng Anh lại để trống. 

Nhìn cái khoảng trống đó, tôi nhận ra tính cách của Phan Thị Vàng Anh: Dữ dội bao nhiêu thì chân tình, đằm thắm bấy nhiêu. Trách nhiệm nhà văn trong chị cao bao nhiêu thì chị tự thấy phía trước còn nhiều việc phải làm bấy nhiêu, và vì thế, một trang để trống -  vô ngôn cũng là một sự bày tỏ rộng dài về cái nghề vô cùng nặng nhọc này.

Tôi thường đem các câu chuyện vụn vặt nho nhỏ thu lượm được khi có dịp sống và trải nghiệm cùng Phan Thị Vàng Anh kể cho bạn thân, và cho con cháu trong nhà. Tôi gọi đó là một người thành công trong cuộc sống. 

Người thành công không cần phải là ông, bà có chức vụ lớn, có tiền nhiều, có bất động sản lớn, cũng không phải chỉ là người nổi tiếng, mà là phải nổi tiếng vì điều gì, như thế nào.

Hành trang vào đời như cháu tôi, trong ba lô của nó cũng không phải là những cuốn sách của Phan Thị Vàng Anh mà là những điều nó đã cảm nhận được từ những trang sách đó.

Trần Thị Trường
.
.
.