“Ông cá hô” đã đi vào trăm năm
- Nhà văn Lê Văn Thảo: Một câu hỏi về phẩm giá con người
- Nhà văn Lê Văn Thảo: Rong ruổi văn chương với phận người
- Nhà văn Lê Văn Thảo: Viết như không và sống như chơi
Về thôi, “Lên núi thả mây”
Bỗng “Cơn giông” đến dạ dày buốt đau
Ngóng theo “Sông nước Vàm Nao”
“Ông cá hô” đã đi vào trăm năm…
Những câu thơ vụt đến như một lẽ tự nhiên, lúc nghe tin nhà văn Lê Văn Thảo “bỏ cuộc chơi”. Ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng lúc 1h ngày 21-10, giã biệt văn đàn ở tuổi 77 sau một thời gian dài lâm bạo bệnh. Sinh, lão, bệnh, tử. Ai rồi cũng đi về cõi xa xăm ấy.
Nói như Trịnh Công Sơn: “Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo”. Buồn là người còn sống đang buồn, chứ người đã khuất thì không. Chẳng việc gì phải buồn, nếu sinh thời mình đã sống và làm việc tận tụy hết sức mình.
Lê Văn Thảo, tên thật Dương Ngọc Huy là một trong nhiều, rất nhiều người như thế. Tài năng thế nào, kệ, miễn là không bỏ phí ngày nào. Ngày nào cũng cày sâu cuốc bẫm trên từng trang viết.
Từ năm 1962, đang học Khoa Toán - Đại học Khoa học Sài Gòn, ông thoát ly vào chiến khu như các thanh niên yêu nước thuở ấy. Điều này cũng đúng thôi, ông là con trai của nhà giáo Dương Văn Diêu - từng làm hiệu trưởng một trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Nhân đây cũng xin nói thêm, Lê Văn Thảo gọi Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tướng “Việt cộng” Dương Văn Nhật là bác. Vì ông Dương Văn Minh, Dương Văn Nhật và cụ Dương Văn Diêu là anh em chú bác ruột.
Với “thế đứng” này, có lần ông phát biểu: “Trong đời tôi, vinh dự nhất là có hai lần được đứng tên sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thuở thanh xuân, tôi vào chiến trường, được gọi Bộ đội Cụ Hồ. Và năm tháng cuối đời, tôi được Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Câu phát biểu này, bấy giờ khi hay tin ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012), tôi đã phỏng vấn qua điện thoại để kịp thời in trên báo.
Không rõ tôi đã đọc Lê Văn Thảo từ lúc nào. Nhưng chắc chắn là lúc đang còn ở chiến trường K. Vì sao quyển này ít ai nhắc đến? Ngay cả trong Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam cũng không thấy ông liệt kê. Đó là tiểu thuyết Bên lở bên bồi.
Nếu tính từ năm 1965, bắt đầu viết với những bài bút ký chiến trường, so với những cây bút cùng thế hệ như Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã… theo tôi, về sau, Lê Văn Thảo mới thật sự chứng tỏ “gừng càng già càng cay”. Ý kiến này, không phải của riêng tôi. Nhà văn Bích Ngân cũng có nhận xét tương tự: “Ông là một tài năng mà càng cao tuổi, ông lại viết càng hay”.
Ảnh: Thanh Đạm. |
Điều này, có thể nhìn thấy qua Một ngày và một đời - Giải A tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998). Rồi sau đó, năm 2006 ông lại nhận được Giải ASEAN với tiểu thuyết Cơn giông. Đến nay, nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ đến truyện ngắn Ông cá hô của ông đã được chuyển thể thành phim. Và tác phẩm sau chót Nhỏ con có chịu đi không? cũng tạo ra sự ngạc nhiên ở bạn đọc.
Nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng: “Có một truyện của Lê Văn Thảo ít được nhắc đến, nhưng đó có lẽ là truyện hay nhất của ông: truyện dài Hòn Sơn Rái. Cái “hòn” nhỏ bé nằm giữa quần đảo Nam Du và đảo Hòn Tre (Kiên Giang), nơi vốn tương truyền Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn dồn đuổi đã trôi dạt đến đây (vào năm 1777), đã được Lê Văn Thảo “phục dựng” lại với những câu chuyện rất lạ lùng.
Như một người vừa viết huyền thoại vừa giải huyền thoại, Hòn Sơn Rái vừa có tính chất là một khảo cứu phong tục, vừa đậm hư cấu văn chương, vừa thấy đó như những thước phim tài liệu, vừa ao ước được dựng thành một phim truyện”.
Tôi chưa đọc Hòn Sơn Rái nên không có ý kiến.
Theo tôi, một truyện ngắn hay nhất của ông, tôi đã quên tựa, từng in trên Tuổi Trẻ Chủ nhật, đại khái ở trong rừng có anh chàng lính kiểng cà lơ phất phơ. Chẳng có công trạng gì ghê gớm cả. Khi súng nổ, đánh nhau ầm ầm, chẳng rõ anh ta lẻn đi chỗ nào mà cũng có thể đang ở chiến hào nào đó. Khi tiếng súng đã im, lại thấy hắn ta xuất hiện. Hắn nghe ngóng câu chuyện đầu này, kể lại cho đầu kia.
Chẳng mấy chốc, toàn diện trận đánh đã diễn ra làm sao, ai làm gì, đánh đấm thế nào thì qua miệng hắn ta, cả đơn vị đều biết rõ. Những câu chuyện góp nhặt đó, đôi lúc khi kể chuyện hắn ta còn “nói vống” lên một chút, cứ kể như thật, như tận mắt chứng kiến. Hay thế là cùng. Từ đó, anh em lại càng khoái. Nhờ câu chuyện hắn kể mà tinh thần mọi người càng thêm phấn chấn. Tôi chỉ nhớ mang máng cốt truyện là vậy.
Nhân vật này là ai vậy? Xin thưa, đó chính là nhà văn chứ còn gì nữa.
Ngẫm lại, theo tôi lại còn thêm một truyện ngắn nữa, Lê Văn Thảo cũng viết về nghề văn. Bác Ba Phi là nhân vật có thật, nói trạng/ nói dóc nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Nhưng nào ai biết, con người lạc quan, dí dỏm, yêu đời ấy có biết buồn không?
Lê Văn Thảo ghi lại tâm sự của Người con trai cháu họ bác Ba Phi: “Thì vui… Nhưng vui đó rồi buồn đó. Bác tôi kể chuyện vui khắp nơi, tối về nhà ngồi thừ ra, mệt quá mà, đến giữa khuya thì bật khóc…”. “Sao khóc?”.
“Đang chiến tranh mà, bom đạn đầy trời ngày nào cũng có nhà cháy người chết, vui vẻ cái gì. Cười giỡn bên ngoài vậy thôi, bác tôi đi nhiều thấy buồn nhiều hơn người khác. Nhưng bác tôi chỉ khóc trong đêm, sáng ra trời còn tờ mờ tìm đến đám thanh niên đang lợp nhà chọc cho chúng cười, làm sườn nhà rung lên, chủ nhà hoảng sợ la chửi ỏm tỏi”.
Một truyện ngắn hay, chính là cái tứ của nó mà người đọc dù quên hết nhưng vẫn nhớ được cái cốt lõi.
Với ông, tôi vẫn nhớ nhất là những tháng năm ông giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM. Khi nhà văn làm công tác quản lý, ngẫm lại cũng có cái hay. Với thế hệ chúng tôi, ấn tượng nhất vẫn là thời ông Nguyễn Quang Sáng và Lê văn Thảo nắm cương vị chủ chốt.
Nhà văn Lê Văn Thảo qua nét vẽ của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen. |
Với bản tính xuề xòa, dễ gần gũi, chân tình, chính hai ông đã kéo hội viên ngồi lại gần hơn. Thỉnh thoảng anh em tạt ngang qua hội, gặp nhau cùng trò chuyện dăm ba câu tếu táo, hỏi han nhau về sáng tác cứ như thể về nhà của mình. Không có sự cách biệt. Sự thân thiện ấy, sau này, khó có thể tìm lại được nữa.
Sau khi rời khỏi chức vụ ở hội, trao đổi với Trần Nhã Thụy, ông nói: “Quả tình sau khi nghỉ việc, thấy quá thảnh thơi, nghĩ tiếc cho những ngày bận rộn chuyện họp hành, sự vụ. Nhưng chuyện gì cũng có mặt này mặt kia, có làm việc mới có dịp đi đây đó, gặp gỡ anh em, tham gia các cuộc thi xét duyệt đọc tác phẩm của anh em.
Nhưng so kỹ vẫn thấy làm anh “tự do” là hay nhất, như “bố già” Sơn Nam ngày xưa là nhất trần đời. Nhân đây cũng nói rộng ra một chút: ở mình làm gì có anh nghệ sĩ tự do, không ở cơ quan này cũng đài này báo nọ, phải có chỗ để ăn lương, không thì chết”.
Âu cũng là một cách “lấy ngắn nuôi dài” đó chăng?
Sinh thời, ông tự nhận: “Bản tính viết chậm, không nhanh nhạy với cái mới, không giỏi theo thời thượng. Thường viết về kỷ niệm, hồi ức xưa cũ. Nhiều năm tháng ở thành phố nhưng vẫn gốc người nhà quê, trong chiến tranh viết về nông thôn, du kích, bộ đội. Sau chiến tranh viết về vùng đất, con người đồng bằng sông Cửu Long, rừng U Minh, Đồng Tháp Mười.
Ngại giao tiếp, ngại chốn quan trường, nơi cao sang quyền quý, thích tìm đến xóm lao động, người nghèo dân dã nơi thường có những lời hay ý đẹp, những câu chuyện hay, chọn nhân vật có số phận hẩm hiu, bất hạnh, lại có nhiều tình cảm giàu lòng vị tha. Cố viết thật giản dị, tránh giáo huấn, cao đàm, hùng biện, cố đồng hành cùng người đọc, dành khoảng trống cho người đọc”. Có thể xem đây là “tuyên ngôn” sáng tác của ông.
Nghe tin nhà văn Lê Văn Thảo mất, tôi không bất ngờ bởi đã biết lâu nay, ông đang chống lại bệnh ung thư dạ dày. Mới đây thôi, ngày 27-4-2016, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nhà văn Lê Văn Thảo - Tác phẩm và cuộc sống”, vì sức khỏe nên ông đã không thể đến dự được. Khi viết những dòng này, xin xem như lời tiễn biệt một nhà văn vừa qua đời.