Nhớ chị Võ Hồng Anh

Thứ Hai, 27/07/2009, 15:17
Ngày 21/7 GSTSKH Võ Hồng Anh, người con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt cõi trần để về với người mẹ kính yêu - liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Sự ra đi lặng lẽ của chị khiến nhiều người thấy quá bất ngờ và đau xót… Vậy là những bản thảo của tôi viết về chị và gia đình lớn của Đại tướng bị lỗi hẹn, bao tâm huyết và ý kiến của chị đã không còn kịp nhắn lại. Nhớ về chị là nhớ tới một nhân cách lớn.

Một tuổi thơ dữ dội

So với nhiều đồng nghiệp và người víêt khác, tôi viết về Giáo sư - Tiến sĩ Võ Hồng Anh muộn hơn nhiều. Chị là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái và Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, được Giải thưởng Kovalevskaia năm 1988 vốn là niềm mơ ước của nhiều người, nên có lúc tôi cũng bị "ngợp" trước tên tuổi ấy. Vì vậy, tôi đã phải đọc hàng chục bài báo từng viết về chị trong gần hai chục năm qua.

Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy chị nghiêm nghị quá, trả lời phỏng vấn hay phát biểu điều gì đều thấy chính xác, rõ ràng đến từng chi tiết. Âu đó cũng là điều dễ hiểu với một nhà khoa học tự nhiên vốn quen với những định lý, định luật, hằng số và lối tư duy lôgíc.

Nhưng càng đọc tôi càng thấy rất lạ; ẩn sâu trong những dòng chữ kia sao chị diễn đạt điều gì cũng phong phú thế, sinh động thế; giới ngôn ngữ gọi lối diễn đạt ấy là những câu phức hợp, ngữ nghĩa cứ xô đẩy nhau hiện lên tầng tầng lớp lớp; sau những dòng chữ kia là những sắc thái cảm xúc, rất đời thường nhưng chặt chẽ sâu sắc đến tận cùng của một người hiểu đời, ngẫm suy đến tận cùng của mọi nhẽ...Vậy là tôi xin đến gặp chị tại nhà riêng ở cùng với ba là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

Trong câu chuyện chị nhắc nhiều về những ngày bé thơ ở cùng với bà nội tại Lệ Thủy, Quảng Bình; ở với bà ngoại tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh; rồi những ngày theo bà nội tản cư về huyện Thanh Chương, Nghệ An - nơi có đình Võ Liệt, khởi nguồn của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và nơi có dòng họ của nhà chí sĩ cách mạng Tôn Quang Phiệt, dòng họ của nhà văn hóa cách mạng Đặng Thai Mai mà sau này quá đỗi thân thiết với gia đình chị.

Hiếm có một bé gái nào như Võ Hồng Anh, mới một tuổi đã cùng mẹ Nguyễn Thị Quang Thái vào một đêm tối năm 1942 đi trên đường Cổ Ngư, Hà Nội tiễn ba mình là nhà giáo Võ Nguyên Giáp lên đường sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; và sau đó ít tháng, mẹ chị bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò và anh dũng hy sinh năm 1944 khi chị bước sang tuổi thứ ba... Tuổi thơ làm sao cô bé ấy nghe được một tiếng gọi "con ơi", hay tiếng kêu ba, mẹ...

Chị kể rằng, trong quãng đời tuổi ấu thơ, có hai lần chị gặp cha mình vào năm 1946 và 1951 nhưng không hiểu tại sao cả hai lần ấy chị đều không nói một lời với cha, ngay cả những câu hỏi của người cha chiến binh thương con đến thắt lòng và dẫu trong suốt thời gian xa cách ấy, chị đã luôn nghĩ về Ba với niềm tự hào thơ trẻ và tình cảm tin yêu gần gũi.

Có phải do sớm phải xa mẹ, xa cha, một tuổi thơ gian khó cùng bà nội, bà ngoại chạy giặc, tản cư từ vùng đất nghèo này sang vùng đất nghèo khác của miền Trung kiên cường, gập ghềnh đã ngấm dần vào chị, để hình thành nên cá tính gan góc ấy? Có lẽ vì thế chăng mà sự tự lập, sự độc lập của nghị lực lực sớm hình thành ấy đã giúp chị lựa chọn đúng cả trong tình yêu, trong khoa học?

Nhưng như chị có lần thừa nhận, trong sự thiệt thòi không gì bù đắp được ấy, thật may mắn làm sao, bắt đầu từ năm 12 tuổi, Võ Hồng Anh được sang đất nước của Cách mạng tháng Mười, của Lênin vĩ đại. Đây có lẽ là khoảng thời gian đặc biệt góp trí tuệ và tình yêu để bồi đắp nên nhân cách lớn của nhà khoa học tương lai.

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Riêng với chị Hồng Anh, tôi vẫn cứ băn khoăn mà chưa thể giải đáp được, vì sao và duyên nợ nào lại đưa chị chọn học ngành Toán - Lý? Dặm đất chị từng đi, dặm trường chị từng trải ngỡ như chị phải là một nhà văn có khi là đúng hơn chăng? Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo, chị đã nói một câu rất ngắn, hôm nay chị lại trả lời tôi rất tự nhiên sâu sắc:

- Tôi cũng rất "mê" văn học nghệ thuật. Không phải chỉ mê đọc đâu... mà cả viết nữa. Nhưng chưa dám nói, vì chưa biết mình có đủ thời gian và sức lực không? Tôi quan niệm khoa học cũng là một nghệ thuật. Cái chung lớn nhất của quá trình sáng tạo trong khoa học và trong nghệ thuật, đó là niềm đam mê - một phạm trù tình cảm. Làm vật lý, làm toán không thể chỉ bằng trí tuệ mà phải bằng cả tâm hồn nữa, thì mới ra kết quả.

Và đây nữa, chính cuộc sống và cuộc đời đã chọn giúp chị khi một lần chị đã tâm sự thế này:

- Tại sao tôi chọn ngành Vật lý, lại là Vật lý lý thuyết, nghe có vẻ không phù hợp lắm với phụ nữ? Tôi nghĩ rằng, làm bất cứ việc gì cũng nên xuất phát từ tình yêu. Đơn giản như việc giải một bài tập, điều được hưởng ở đây không đơn thuần là kết quả bài tập mà còn là sự thỏa mãn về mặt tình cảm, hơn nữa, là sự khao khát muốn được vươn lên chiếm lĩnh một cái gì khó hơn. Đó chính là sự hưởng thụ về mặt thẩm mỹ mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được. Có thể so sánh thế này chăng: Khi sinh ra một đứa con, người mẹ vừa có cảm giác trìu mến được che chở cho một sinh linh bé bỏng, lại vừa có cảm giác tự hào như đã lập được một chiến công vĩ đại vậy. Những cảm xúc ấy, chỉ người đã từng làm mẹ mới thực sự thấu hiểu...

Không ai nghi ngờ gì về trí thông minh của người con gái là kết quả tình yêu của hai nhà cách mạng, hai bộ óc siêu Việt của Nguyễn Thị Quang Thái và Võ Nguyên Giáp, lại ngay từ bé thơ được luyện rèn trong lò lửa bão táp của cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc nên Võ Hồng Anh tự bứt lên để học tập lựa chọn sự nghiệp.

Với trí thông minh "trời cho", chị đã vươn lên tốt nghiệp đại học tại Khoa Vật lý (bộ môn lý thuyết lượng tử), Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp - Matxcơva năm 1965. Năm 1969, chị bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý về lý thuyết Plasma; rồi những năm 1969 - 1971 chị được làm cộng tác viên khoa học tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna - một cơ sở khoa học quốc tế có uy tín của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

Nếu chị có giải thích thì chúng tôi cũng chưa thể hiểu nổi, tại sao thời gian này chị lại chuyển sang nghiên cứu một đề tài của lý thuyết chất rắn cùng một nhóm các nhà khoa học Liên Xô và Hunggari, nhưng chắc chắn là tôi rất hiểu vì sao chị lựa chọn, bởi có lần chị đã nói: "Đây là lĩnh vực thiết thực cho đất nước ta trong tương lai gần... Năm 1972, tôi trở về nước và tiếp tục công việc nghiên cứu tại Việt Vật lý ở Hà Nội. Đây là thời kỳ cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt ở miền Bắc Việt Nam. Viện chúng tôi sơ tán khỏi Thủ đô và trong những điều kiện khó khăn, cố gắng tiếp tục công việc của mình. Phần tôi, cùng với một số bạn đồng nghiệp, tôi có gắng tìm một số vấn đề của lý thuyết chất rắn mà tôi nghĩ là vừa phù hợp với hướng nghiên cứu do Viện đề ra, vừa cho phép chúng tôi đạt những kết quả khoa học có giá trị và tập trung theo một hướng...".

Nói cho cùng, đã làm khoa học, lại liên quan đến lý thuyết cơ bản, người nghiên cứu cũng như các nhà quản lý khoa học không thể sốt ruột, không thể "ăn xổi". Chị Võ Hồng Anh cũng đã gặp những băn khoăn như thế nên có lần chị đã giải thích về sự lựa chọn đó của mình: "Trong giới làm vật lý lý thuyết, tôi còn nhớ những băn khoăn, day dứt của nhiều bạn đồng nghiệp về ý nghĩa công việc của mình, về điều kiện đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh và cả về chỗ đứng cho bản thân trong sự nghiệp đó. Đó là những băn khoăn hết sức chính đáng. Phần tôi, cùng với những băn khoăn day dứt, tôi không thay đổi nhận thức của mình về ý nghĩa và sự cần thiết của những nghiên cứu cơ bản đối với một nền khoa học phát triển có định hướng cho một nước như nước ta trong giai đoạn này. Bởi vì thiếu những nghiên cứu cơ bản có tính chất chủ đạo, sự khập khễnh của một nền khoa học sẽ được bộc lộ và gây hậu quả rất chóng vánh. Rồi cả những nghiên cứu ứng dụng, cả những triển khai kỹ thuật cũng sẽ không được thực hiện ở những mức độ mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đòi hỏi".

Cũng với con đường khoa học đã chọn, năm 1979, chị được trở lại công tác tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna và năm 1982 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý về đề tài: "Lý thuyết tác động tham số của bức xạ điện tử mạnh lên các tinh thể...".

Và như vậy, từ công trình đầu tay đăng trên tạp chí "Báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô" năm 1965, khi còn là một sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, đến nay chị đã có trên 50 công trình (đứng tên một mình hoặc đồng tác giả) về những vấn đề khác nhau của vật lý các môi trường (chất rắn, chất lỏng, plasma), được công bố trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, được giới thiệu ở nhiều hội nghị khoa học quốc tế, nhiều cơ sở nghiên cứu ở các nước Liên Xô, Bungari, Rumani, Pháp, Nhật Bản, Mỹ...

Đã nhiều lần, tôi ướm hỏi chị Võ Hồng Anh một câu hỏi rất giản đơn và lười biếng theo thói quen của một nhà báo "Vì sao chị lại chọn ngành Vật lý và suốt đời thủy chung với chuyên môn này...". Bao giờ tôi cũng chỉ nhận được ở chị những nụ cười hoặc một câu chuyện giàu tính văn học hấp dẫn cuốn tôi đi. Có cảm giác, chị ngại diễn đạt một cách rõ ràng, đơn giản cho tôi hiểu.

Bây giờ, tôi ngẫm lại, thấy chị đã rất đúng. Hình như người ta làm sao có thể giải thích, hay cắt nghĩa tới tận cùng về lý do cho một tình yêu! Làm sao con người, nhất là các nữ trí thức có thể đem quá khứ ra để giải thích lý do của nhiều sự kiện từng thuộc về số phận. Tuy nhiên, lại thấy, nếu tự hiểu về chị Võ Hồng Anh theo cách một nhà văn, có thể tìm thấy ở đấy nhiều bài học có giá trị, có lý, có tình liên quan đến số phận của người phụ nữ.

Tôi làm sao có thể hiểu nổi những công trình khoa học, lại là khoa học vật lý của GS. TSKH Võ Hồng Anh. Nhưng tôi cứ lẩn thẩn mà nghĩ và tin vào sự suy ngẫm: Có thể mọi quyết định ở chị Võ Hồng Anh đều bắt đầu từ tình yêu, từ gen thông minh của bố mẹ và "trời cho", từ sự "gan góc" hình thành từ ngày bé. Và chị cứ mãi thủy chung với ngành khoa học cơ bản ấy, phải chăng bắt nguồn từ suy nghĩ, tình cảm cao đẹp của một trí tuệ và nhân cách lớn được di truyền từ hai người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của đất nước Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Thị Quang Thái.

Võ Hồng Anh muốn vươn lên làm chủ khoa học cơ bản để có thể đi xa, dùng khoa học để cải tạo xây dựng cuộc sống; bởi chị biết chỉ có khoa học cơ bản mới là thứ vũ khí quyết định nhất giúp đất nước mình vươn lên ngang tầm thế giới. Khát vọng ấy, chính là nhớ lời mẹ dặn: "Hồng Anh phải không biết khổ, nhưng lại phải biết thương người nghèo khổ". Thương bằng tình yêu, bằng tấm lòng từ thiện là tốt, nhưng chưa đủ. Phải thương con người, giải phóng con người bằng khoa học. Phải chăng chị Võ Hồng Anh đã ngẫm điều đó từ rất lâu...

.
.
.