Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: Về nơi vắng vẻ mà vẫn lao xao

Chủ Nhật, 03/07/2016, 16:10
Nhắc đến tên tác giả, cái tên Trương Tuyết Mai có thể có người chưa rành. Nhưng chỉ cần nói đến bài hát “Huế - tình yêu của tôi” thì những người yêu âm nhạc gần như không ai không biết. Những người có giọng hát, từng bước lên sân khấu ca nhạc biểu diễn hẳn là ít nhất cũng một lần tìm đến bài hát này. Có những hội diễn văn nghệ tới cả chục diễn viên cùng trình diễn.

Giai điệu bài hát ngọt ngào, tha thiết, rất điệu đà, duyên dáng với lời ca thật dễ thương: "Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ. Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt. Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được. Nét dịu dàng pha lẫn  trầm tư…" đã lôi cuốn bất cứ người nghe khó tính nào.

Trước khi có bài hát này, Huế đã có quá nhiều bài hay, ít nhất có hai bài nổi tiếng, đặc sắc là “Nhớ về quê mẹ” của Vân Đông và “Mưa trên phố Huế” của Minh Kỳ. Nhưng “Huế - tình yêu của tôi” vẫn không bị hai bài trên trùm lấp, vẫn tỏa sáng lung linh, chiếm trọn trái tim công chúng. Bài hát đã làm nên tên tuổi Trương Tuyết Mai - một gương mặt độc đáo trong số hiếm hoi những người đẹp sáng tác âm nhạc ở nước ta.

Thực ra, ngay từ những năm 1966-1967, giữa lúc cả nước đang dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, Trương Tuyết Mai khi ấy mới ngoài 20 tuổi đã có bài Xe ta ơi, lên đường! khá độc đáo. Cô gái vừa tốt nghiệp môn fluyt (sáo Tây) ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia VN) mảnh mai, rất dịu dàng, nữ tính mà lại viết một bài hát có giai điệu rất khỏe khoắn, rắn chắc với tiết tấu dồn dập, khẩn trương dành cho tốp ca nam thể hiện âu cũng thú vị.

Và đó là một trong những sáng tác đầu tay của người nữ tác giả quê ở Phú Yên theo cha ra Bắc tập kết sau năm 1954. Bài hát khi phát trên sóng được cánh lái xe khi đó rất ưa thích. Dư luận bước đầu ghi nhận thành công đầu tiên của chị. Nhưng phải đến Huế - tình yêu của tôi, cái tên Trương Tuyết Mai mới thực sự nổi lên, chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng.

...Đã nhiều lần vào TP HCM, định bụng sẽ tìm thăm người nữ nhạc sỹ thân thiết mà tôi hằng quý mến. Nhưng công việc bù đầu, lại nghe nói chị không còn ở trung tâm thành phố nên chưa thực hiện được. Mãi vừa rồi, tôi mới quyết tâm và tìm được tới nơi chị đang cư trú. Đó là một con ngõ nằm tít tắp ở quận 9, cách trung tâm TP HCM 20 km về phía đông.

Chị đã chỉ dẫn đường đi rất cụ thể mà tôi vẫn phải hỏi thăm quá nhiều nên nhớ lại một chi tiết trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao. Trong truyện, một nhân vật hỏi đường đã được người khác chỉ dẫn ngoằn ngoèo: Rẽ phải, rẽ trái, rồi lại rẽ phải, rẽ trái rất nhiều lần nữa. Một tay tôi cầm lái, tay kia áp điện thoại lên tai nghe chị "vẽ" đường mà phải mãi sau mới tới nơi.

"Dinh thự" của chị là ngôi nhà một tầng rộng chừng 30 mét vuông tọa lạc giữa một vườn cây sum sê hoa trái. Diện tích bên ngoài căn phòng ở khá rộng, có thể mắc võng, bày nhiều bộ bàn ghế rất thoải mái. Với cơ ngơi này, rõ là chị chủ trương lui về ẩn dật để di dưỡng tinh thần giống như các bậc thức giả ngày xưa. Tôi bỗng nhớ đến khu Côn Sơn, Kiếp Bạc - nơi trú ngụ cuối cùng của Nguyễn Trãi trước khi yên nghỉ cõi vĩnh hằng.

Lâu ngày không gặp, chị luýnh quýnh đón khách rồi bắt đầu cất lời ríu ran, không biết nói chuyện gì trước, chuyện gì sau. Thăm hỏi tình hình sức khỏe của nhau, của những người cùng quen biết, chuyện sáng tác, những chuyến đi, chuyện về người này, người khác… cứ líu lo không dứt. Đều đã xế bóng cả mà chúng tôi cứ như những chú chim líu lo.

Chẳng chuyện nào nói được ra đầu ra đuôi, đến tận cùng. Rồi chị khoe những sáng tác mới, trong đó có một bài hát chị rất tâm đắc là Khúc ca bài thơ sơn hà. Số là khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại hải phận của Việt Nam, dấy lên làn sóng bất bình của dân ta. Lòng yêu nước của người Việt lại được phát huy.

Trong bối cảnh ấy, Trương Tuyết Mai nhớ đến áng thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt ngày xưa. Đó là bài Nam quốc sơn hà. Cảm tác từ bài thơ này, chị viết nên bài hát. Nữ nhạc sỹ cho tôi xem nhiều chương trình đài truyền hình giới thiệu, phỏng vấn chị liên quan đến bài hát này. Trong bối cảnh lúc đó, bài hát có hiệu ứng xã hội đáng kể. Rồi chị kể lại việc sáng tác, thu thanh và người ta đón nhận, phát huy tác dụng bài này như thế nào.

Quá say sưa, chị quên cả thời gian. Đã gần 12 giờ trưa, chị mới sực nhớ ra việc lo bữa đãi khách. Hàng xóm nhà chị có một người phụ nữ quê Thanh Hóa, do rất quý chị mà thường xuyên giúp việc nấu nướng. Chị này nói với tôi: "Cô Mai say sưa làm việc, hát xướng nên nhiều bữa quên cả ăn. Em mà không nấu giúp thì cô ấy sẵn sàng bỏ bữa".

Hôm ấy chị nói người hàng xóm nấu hộ thức ăn, còn cơm chị sẽ tự cắm. Rất nhanh, chỉ chưa đầy nửa tiếng sau, cô hàng xóm đã bưng sang một mâm đầy ắp các món. Mùi thơm ngào ngạt, tôi đang đói lại càng thấy hấp dẫn hơn. Nhạc sỹ giục tôi ngồi vào mâm. Khi chị lấy chiếc thìa nhựa vẫn dùng để xới cơm mới phát hiện quên không cắm cơm. Chúng tôi cười rũ. Tôi đề nghị khỏi cần, ăn vã thức ăn cũng được. Nhưng người hàng xóm đã vội chạy về nhà đơm một khay cơm mang sang. Vậy là cú "đãng trí bác học" được khắc phục kịp thời.

Người nữ nhạc sỹ đã ở tuổi 72 ấy xem ra trẻ hơn so với tuổi. Chị hát khá hay, có thể tự thể hiện tác phẩm của mình một cách chuẩn xác. Mỗi khi muốn khoe một sáng tác mới, chị lại lụi cụi lục tìm băng, đĩa. Tôi nói chị cứ tự hát, khỏi cần ca sỹ và dàn nhạc.

Như vậy tôi nghe sẽ thấy được hết cái hồn của tác phẩm mà mọi ca sỹ đều không thể diễn tả được hết như tác giả dẫu họ có giọng hát hay hơn. Chị hát rất say sưa. Đôi mắt lim dim, có khi nhắm tịt lại để thả hồn vào dòng suối giai điệu mình tạo ra. Rồi chị kể về hoàn cảnh ra đời, lý do, nguyên cớ viết nên từng bài. Có khi đang hát, chị dừng lại đọc lời bài hát rồi mới hát tiếp.

Chị cuốn người đối diện hòa nhập vào thế giới tâm hồn của chị, khó dứt ra được. (Nhớ một chi tiết thú vị: Sau hôm đến thăm Trương Tuyết Mai lần ấy, tôi đến chơi với nhạc sỹ Trần Viết Bính ở Biên Hòa. Đó là người đã cùng Trần Đăng Khoa - thần đồng thơ một thời - tạo nên bài hát Hạt gạo làng ta nổi tiếng, được thiếu nhi rất ưa thích.

Trần Viết Bính hỏi tôi: "Hôm qua đến Trương Tuyết Mai phải không? Thế mà hôm nay vẫn còn sức để vào đây với mình được sao?". Tôi không hiểu ông nói gì. Trần Viết Bính tiếp: "Vì bị cô ấy tra tấn chứ sao. Mà đã bị tra tấn thì làm sao còn sức để đi chơi tiếp được". 

Thì ra là thế. Mọi người đã quá hiểu chị say sưa với tác phẩm của mình như thế nào. Quả đúng như vậy. Chị say sưa đến mức suýt nữa chúng tôi phải ăn vã thức ăn trừ bữa, thay cơm như đã kể).

Nhưng riêng tôi không có cảm giác bị tra tấn như Trần Viết Bính nói vì một là chúng tôi lâu ngày chưa được gặp nhau và cuộc hẹn hò lần này là rất công phu của cả hai người. Nghe chị véo von hát rất yêu đời, ngắm gương mặt rạng rỡ, hân hoan của chị, tôi thấy an lòng vì lâu nay, từ ngoài Bắc xa xôi, cứ mỗi lần nhớ tới chị, tôi không khỏi ái ngại, băn khoăn khi nghĩ tới cảnh chị cứ tha thẩn một mình, lủi thủi ra vào quạnh quẽ ở nơi xa bè bạn và người thân. Hai là sáng tác của chị không khô, không vơi cạn cảm xúc mà vẫn ướt át, dào dạt.

Đã cả chục năm nay, chị sống lặng lẽ như thế trong ngôi nhà tràn ngập ánh sáng và tiếng chim hót cùng hương vị của nhiều loài cây trái trong vườn. Các con chị, đứa thì sống bên Đức, đứa ở ngoài thành phố. Họ tha thiết, năn nỉ chị ra nhưng chị không đồng ý, chỉ thích sống một mình để "độc lập tự do", để được sống hết, sống "đã" với thế giới của riêng mình. 

Và cũng mấy chục năm nay, chị không có nửa còn lại. Tất cả đã lùi vào dĩ vãng. Cái ngày xa lắc ấy, mối tình đầu của chị khi đang còn là nữ sinh trường nhạc xinh đẹp, hát hay lại liên quan đến một người Pháp.

Ngày ấy, việc này không đơn giản, càng không thể dẫn được đến hôn nhân. Mối tình thứ hai là cuộc hôn nhân thứ nhất của chị với một nhạc sỹ. Nhưng rồi cũng đường ai nấy đi do bất đồng quan điểm sống. Rồi số phận đưa đẩy chị đến với một chàng cùng học trường nhạc, dẫn tới cuộc hôn nhân thứ hai. Và năm tháng cũng khiến chị phải tìm đến bài hát Chia tay hoàng hôn rất nổi tiếng của nhạc sỹ Thuận Yến mặc dù khi ấy bài hát này chưa ra đời.

Từ đó đến nay, ong vẫn bay đi tìm hương, bướm vẫn lượn đi hút nhụy. Nhưng trái tim chị chỉ thi thoảng gợn chút sóng lăn tăn như mặt nước hồ thu, không đủ để thành giông bão. Và thực sự cuộc đời chị đã gặp ba cơn bão rồi. Ngọt bùi có nhưng đắng chát vẫn nhiều hơn.

Và hôm nay, chị tìm về nơi vắng vẻ. Nhưng chị vẫn được công chúng, nhiều cơ quan, đoàn thể không quên, vẫn mời đi sáng tác, làm giám khảo nhiều hội diễn. Chị chẳng thấy cô đơn là vì thế. Tìm về chốn vắng vẻ mà cuộc sống của chị vẫn lao xao. Hai câu thơ: "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao" đã không hoàn toàn đúng với chị. Bởi về nơi vắng vẻ rồi mà chị đâu đã hết lao xao...

Nguyễn Đình San
.
.
.