Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất - Một vinh danh nước Việt

Thứ Ba, 21/03/2006, 07:30

Bên cạnh sáng tác giao hưởng cho nguôi ngoai nỗi nhớ thương về đất nước, Nguyễn Lân Tuất còn viết một cuốn sách nghiên cứu bằng tiếng Nga. Ở đó, anh quan tâm đến các loại hình sân khấu truyền thống trong lễ hội, sân khấu tuồng, chèo, cải lương, rối nước và nhìn nhận sự phát triển trong hôm nay.

Ngày ấy, vào những năm đầu giải phóng sau kháng chiến chống Pháp, cái tên nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đi vào tuổi thơ chúng tôi bởi giai điệu rộn ràng: “Em đứng đây bên bờ biển xanh bao la - Cánh buồm trắng sáng lấp lóa gió đưa về chân trời xa…”. Nhưng đến khi nghe Trần Khánh tha thiết với “Cô gái Việt” thì chúng tôi cảm thấy tác giả Lân Tuất già dặn nhiều hơn mình tưởng. Một bài hát về Hà Đông bên sông Nhuệ vừa xuất hiện trước, vừa trữ tình chẳng kém “Áo lụa Hà Đông” sau này. Chỉ cần đọc lời ca đã có thể thấy được: “Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ. Bãi dâu mươn mướt xanh rờn. Quê hương tôi màu xen tấm áo vân hồng hàng lúa chín thướt tha…”.

Lân Tuất thời đó như tôi biết thêm thì anh còn là dịch giả nhiều bài hát Indonesia như “Quê hương Nam Dương nằm nghe tiếng sóng reo quanh…” hay “Trăng ngời chiếu sáng trên thôn làng…” hoặc “Kìa con ếch xanh - đi từ đâu tới đây…”. Rồi chiến tranh phá hoại ập đến, chúng tôi đành phải tạm biệt những “Dòng sông Lô Lô”, “Mã đạt Sơn”, “Buttê”, “Seng Ko” trữ tình để nhập vào hành khúc cháy bỏng “Giải phóng miền Nam”. Cái tên Lân Tuất dần xa vời, chìm dưới những lời đồn đại hoang vu.

Hóa ra do chuyện tình yêu, Lân Tuất học xong âm nhạc tại Nhạc viện Leningrad (bây giờ là nhạc viện Saint-Petersburg) đành ở lại cư trú tại Liên Xô cũ. Anh chuyển về dạy sáng tác tại Nhạc viện Novosimbier từ 1984 cho đến hôm nay sau khi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Sân khấu - Âm nhạc và điện ảnh Leningrad và công tác tại các trường ở Upha. Song điều ngạc nhiên hơn khi tôi gặp anh tại Hà Nội đầu năm 1991, tôi mới biết anh là con trai của nhà giáo Nguyễn Lân khả kính.

Khi thầy giáo Từ Ngọc Nguyễn Lân viết “cậu bé nhà quê” rồi tiểu thuyết “Ngược dòng” được Tự Lực Văn Đoàn xét giải 1937 thì cậu bé Nguyễn Lân Tuất đang trang trải tuổi thơ tại Cố đô Huế, nơi cha dạy học. 15 tuổi, anh Tuất đã tham gia kháng chiến chống Pháp và bị thương trong một trận đánh. Lành vết thương anh được sang Trung Quốc học sư phạm và trở về làm phiên dịch trong Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong số 15 Việt kiều tiêu biểu được nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt” năm 2005 có hai nhạc sĩ nổi tiếng là nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo và Nguyễn Lân Tuất. Cách đây năm năm, theo quyết định số 1267 Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga ký ngày 1/11/2001, danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Cộng hòa Liên bang Nga đã được trao tặng cho nhà soạn nhạc Nguyễn Lân Tuất về những cống hiến cho nghệ thuật trong nhiều năm qua. Anh Tuất là người Việt ở Nga đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này.

Say mê âm nhạc đã khiến Nguyễn Lân Tuất chuyển ngành về Đài Tiếng nói Việt Nam. Và anh đi học âm nhạc ở Liên Xô cũ năm 25 tuổi. Song mãi tới năm 1971 anh mới chính thức tốt nghiệp. Năm ấy, ở Paris, Nguyễn Thiên Đạo đã viết “Kos Kom”. Còn Nguyễn Lân Tuất, với xu hướng cách tân, anh đã tự thể nghiệm mình trong những hình thức nhỏ và vừa, để rồi vững chãi bước vào giao hưởng đầu năm 1982. Đấy là giao hưởng số 1 “Linh cảm nội chiến”, một tác phẩm viết cho bộ phim nổi tiếng về danh họa Salvador Dali.

Bản giao hưởng số 2 mang tên “Tổ quốc tôi” với bốn chương nghiêm trang. 3 chương đầu vẽ nên bức tranh đất nước. Chương cuối cùng là suy ngẫm của tác giả về số phận của dân tộc mình, một dân tộc đã chịu nhiều đau khổ. Bản giao hưởng số 3 được hoàn thành năm 1988, một thời kỳ đầy bi kịch của Nguyễn Lân Tuất.

Bản giao hưởng mang tên “Những giấc mơ của một bị can” được tặng cho “Tổ chức ân xá quốc tế”. Giao hưởng thể hiện nỗi đau cùng những bi kịch của con người, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của nghệ thuật. Bản giao hưởng số 4 “Gửi người yêu phương xa”  viết từ 1990 đến 1995 nhằm miêu tả số phận những người Việt Nam đang cư trú tại Liên bang Nga. Bản giao hưởng số 5 mang tên “Số phận người nghệ sĩ” đã được công diễn vào mùa thu năm 2000.

Bên cạnh sáng tác giao hưởng cho nguôi ngoai nỗi nhớ thương về đất nước, Nguyễn Lân Tuất còn viết một cuốn sách nghiên cứu về sân khấu truyền thống Việt Nam bằng tiếng Nga dày gần 200 trang và ấn hành vào năm 1997. Ở đó, anh quan tâm đến các loại hình sân khấu truyền thống trong lễ hội, sân khấu tuồng, chèo, cải lương, rối nước và nhìn nhận sự phát triển trong hôm nay.

Tuy có chỗ nhầm nhà thơ - họa sĩ, nhà báo Lê Huy Quang thành nhà soạn nhạc, Nguyễn Lân Tuất tỏ ra vừa bám chắc tài liệu tham khảo và tự tin đưa ra những chủ kiến của mình.

Năm ngoái, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Lân Tuất cùng vợ - nghệ sĩ dương cầm và bốn học trò đàn dây đã lần đầu tiên về Hà Nội trình diễn một chương trình nhạc thính phòng Lân Tuất khá độc đáo.

Tuy một người ở Pháp và một người ở Nga, song Nguyễn Lân Tuất và Nguyễn Thiên Đạo thường xuyên viết thư điện tử cho nhau để trao đổi về những ý tưởng sáng tạo. Xem và rất thú vị vở ballete “Khói Trương Chi” của Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Lân Tuất lại có ý tưởng viết vở ballete “Thiên thai”. Vậy là cũng như sau “Trương Chi” của Văn Cao và “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy đã có “Khói Trương Chi” của Nguyễn Thiên Đạo thì cũng sau “Thiên Thai” của Văn Cao, “Tiếng sáo Thiên Thai” của Phạm Duy (phỏng thơ Thế Lữ) thì cũng có ballete “Thiên Thai” của Nguyễn Lân Tuất.

Về Việt Nam từ những ngày giáp tết, ngoài việc thăm thú anh em bạn bè, Nguyễn Lân Tuất vẫn dành phần nhiều thời gian để viết nhạc múa “Thiên Thai”. Anh nói rằng chỉ có ở Việt Nam cảm hứng viết vở nhạc múa này mới thường xuyên đến với anh. Khác với những cấu trúc mảng, khối ở “Khói Trương Chi” của Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Lân Tuất sẽ sử dụng thủ pháp viết nhạc múa kiểu Nga cụ thể theo các vũ điệu để tạo đất diễn cho các nghệ sĩ. Ý tưởng nhạc múa này của Nguyễn Lân Tuất đã nhận được sự quan tâm của Ban lãnh đạo Nhà hát Nhạc kịch Việt Nam. Chắc chắn trong một tương lai không xa, ballete “Thiên Thai” sẽ được trình diễn trước công chúng.

Việc nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất được trao danh hiệu “Vinh danh nước Việt” cũng là việc nằm trong tiến trình đổi mới không ngừng, nhanh chóng của Việt Nam trên đường hội nhập toàn cầu

.
.
.