Nhạc sĩ Ngọc Đại: Nỗi buồn kiêu hãnh

Thứ Sáu, 03/05/2013, 15:05
Ngọc Đại sống một mình trong cái nhà sàn thuê mạn Hồ Tây. Làm bạn với cỏ cây và nỗi cô độc. Ông bảo, mỗi năm, sẽ xa rời thành phố thêm một chút, xa khỏi sự ồn ào. Ông vừa nói chuyện, vừa rít thuốc lào sòng sọc. Có lẽ, đó là thú vui duy nhất ở tuổi 66 của gã nhạc sĩ “điên” và quái nhất trong làng âm nhạc Việt Nam.

Tưởng như Ngọc Đại đang ở ẩn. Tưởng như Đại đã mỏi mệt khi cuộc sống đẩy ông tới tận cùng. Không tiền bạc. Không nhà cửa. Không người thân. Ngọc Đại cô độc. Mà ai dám trao thân gửi phận cho một gã mà cuộc sống chỉ quan tâm đến một thứ duy nhất là âm nhạc như Đại. “Cô đơn hay bị bỏ rơi cũng thế thôi. Vì ai chọn Ngọc Đại mà sống được. Vì tôi chẳng có gì cả”.

Gã sống đạm bạc qua ngày bằng tiền bán đĩa. (Trong CD mới nhất, gã độc diễn, hát, chơi đàn, và tự thu âm). Thế mà có khán giả. Hơn 400 CD đã bán hết veo. Đối với Ngọc Đại bây giờ, đó là một niềm vui. Hơn nữa, là một nguồn sống theo đúng nghĩa của nó. Cuộc sống tùng tiệm, giản đơn.

Thỉnh thoảng bạn bè, con cái ghé thăm, cho chút tiền, ông tiêu vèo rồi lại ăn đong. Ngọc Đại vốn dĩ thế, khi có tiền, thết đãi bạn bè bằng sạch. Nghĩ đến ngày mai, không phải là Ngọc Đại. Sống vậy thôi. Tự đi chợ, nấu ăn. Khi túng thiếu, ăn cơm với muối mè. Ốm đau, nằm bẹp ở cái xó này chắc cũng chẳng ai hay. Và âm thầm làm việc.

Tôi không hiểu Ngọc Đại sẽ sống ra sao với một nơi tối giản (hiểu theo đúng nghĩa vật chất của từ này) như thế. Ông cười, được nghe nhạc, được sống với âm nhạc, được ngao du với âm nhạc. Với ông, đó là hạnh phúc. Ông chọn cuộc sống này, đơn độc, xa lánh những ồn ã của đời sống, để được sống sâu trong thế giới của mình, để nạp vào mình những năng lượng ông ấp ủ cho sự sáng tạo. Một Ngọc Đại luôn đi trước thời đại. Một Ngọc Đại độc hành trong con đường tiên phong của mình. Một Ngọc Đại suốt đời vẫn đau đáu với sự cách tân không ngừng. Và cực đoan đến tận cùng.

Ông vừa hoàn thành một mạch, 36 tổ khúc về Tổ quốc. Có lẽ chưa bao giờ, Ngọc Đại đạt được khoái cảm trong sự sáng tạo đến thế. “Ở đó có cả nỗi sợ hãi, cả sự xúc động và cả niềm sung sướng vì được thoát ra. Tôi phải cảm ơn cuộc sống rất nhiều đã cho tôi bước vào và nhận biết được nó. Một sự dồn nén được văng ra mà nếu không yêu cuộc sống, không tha thiết với con người thì không thể viết được”. Rồi gã say sưa hát. Hát như điên dại, như gào thét. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy Ngọc Đại phiêu đến thế. Nhưng sau giây phút hoan hỉ của sự sáng tạo, là một khoảng trống mênh mông. Ai sẽ nghe những ca khúc của Ngọc Đại. Và đến khi nào, âm nhạc Ngọc Đại thực sự có đời sống trong thế giới âm nhạc hỗn loạn những màu mè pop rock hiện nay. Ngọc Đại cười chua chát. Hình như người ta đã (cố tình) bỏ quên Ngọc Đại.

Nhưng “kẻ độc hành hoang tưởng” (chưa) không bao giờ đi theo đám đông. Chưa bao giờ chịu thỏa hiệp để làm nhạc cho đại chúng. Và ông tin, một lúc nào đó, (không biết khi đó, Ngọc Đại còn trên cõi đời này nữa không) sẽ có người nghe, và đón nhận gia tài của mình. “Ngày xưa khi Betthoven viết Sanphony, mọi người cho rằng, ông ấy điên. Nhưng bây giờ, cả thế giới đều nghe nhạc Betthoven”.

Ngọc Đại đã từng làm nên cơn khát mang tên Nhật thực vào những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng trước đó, ngay từ những sáng tác đầu tay vào năm 1977, bạn bè đã cho rằng, Đại điên, Đại quái dị. Đại luôn luôn, lúc nào, trong bất cứ thời điểm nào, cũng là người đi trước, đi quá xa, mọi người không theo kịp.  Âm nhạc của Đại đi đến một tầng nào đó, để tất cả là một sự trôi chảy, hòa quyện như thế để đưa ra một cảm giác mà anh phải khám phá, chứ không chỉ hưởng thụ thuần túy.

Khán giả bị dìm trong thế giới âm thanh đó. Nhưng với Ngọc Đại, những âm thanh ma mị, siêu thực đó đi ra từ cái gốc rất gần gũi của chèo tuồng, cải lương, ả đào... Một thế giới âm nhạc thuần chất Việt đi từ cái gốc rễ của dân tộc. Ngọc Đại lớn lên trong một gia đình đam mê âm nhạc. Mê đến nỗi cả nhà còn dựng rạp ở đình làng để diễn. Những âm thanh của ca trù, chèo, tuồng vẳng vào cuộc đời cậu bé...

Suốt tuổi thơ và cả thời tuổi trẻ, Ngọc Đại chìm đắm trong thế giới âm thanh đó. 7, 8 tuổi, cậu đã biết chơi đàn tam, đàn tứ. 10 tuổi đã đánh ghi ta, mà cũng chẳng biết học từ bao giờ. Thế rồi, lớn lên, chiến tranh. Ngọc Đại vác ba lô lên đường. Hành trang mang theo bên mình là những cuốn sách nhạc và cây đàn ghi ta.

Ngọc Đại thi vào Học viện Âm nhạc rất muộn, ra đời, đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ. Chính những năm tháng đó, Ngọc Đại nhận ra, mình không thuộc về nơi này. Ngọc Đại chỉ thuộc về riêng mình, một thế giới mà sự tự do là tối thượng đối với nghệ sĩ. Đại bỏ ngang nhiều thứ để thành một nghệ sĩ độc lập.

Ngọc Đại gàn dở, không chấp nhận thỏa hiệp. Ông nói: “Một số nghệ sĩ mình thiếu bản lĩnh, thiếu sự độc lập. Muốn làm vừa lòng mọi người. Đi theo số đông”. Với Ngọc Đại, đi tìm cái đẹp của nghệ thuật chính là cuộc sống đang vận động ngoài kia. Ông cố gắng nhập vào mình những cảm giác đó vào để dù viết cái gì cũng không thoát khỏi đời sống của cộng đồng. “Vì ở trong nghệ thuật duy mỹ này, ở Việt Nam ai đó thường lấy cái đẹp để che lấp sự thực ở đời sống. Mà họ không hiểu rằng, cái đẹp nhất là sự thực của đời sống đang diễn ra, đang chuyển động. Nói tôi duy mỹ, tôi đi tìm cái đẹp, đó là một cách bao biện cho họ, đằng sau nó là sự sợ hãi”. Ông sợ cái cảm giác luôn luôn thụ động, đứng ở bên ngoài cuộc sống mà hót. Thế mà huyễn hoặc, tưởng mình đang trên tầng cao, để nhìn xuống cuộc sống, mà sự thực, họ không nhìn ra chính mình.

Kẻ độc hành tự nhận, làm nghệ thuật phải hy sinh. Thậm chí chấp nhận cả những thị phi của người đời để đi con đường của mình. Thì đấy, Ngọc Đại có một cuộc sống ổn định bên trời tây với người vợ thứ hai. Vợ đẹp, con khôn. Cuộc sống đủ đầy. Thế mà, Đại vẫn mong ngóng để về Việt Nam. Phải về Việt Nam, sống với hơi thở của nhân dân mình, Ngọc Đại mới có một cuộc sống đúng nghĩa. Sau 5 năm dằng díu, Ngọc Đại bỏ lại gia đình, vợ con, quay về. Lần đó, Đại làm dự án Đại-Lâm- Linh. Số tiền 60 ngàn euro mà vợ đưa cho ông khi về nước, nướng sạch vào những dự án dang dở. Ngọc Đại thành người trắng tay.

5 năm trở lại đây, Ngọc Đại sống chấp chới giữa sự túng thiếu. “Có những lúc, tôi không biết mình là ai nữa. Không biết nỗi sợ hãi là gì. Cố gắng kéo hết cảm giác sống thật nhất trong mình. Cho nên, nó sẽ ngược với con đường của mọi người rồi. Và cứ đi mãi thế thành đường của tôi thôi”.

Từ Cánh diều phù vân với Phó Đức Phương đã làm cho cả làng xôn xao vì sự khác biệt, đến Nhật thực, giống như một giấc mơ. Và đến Đại- Lâm- Linh nó phá vỡ tất cả quy tắc, thanh nhạc, hòa âm thành những tín hiệu, những mảng âm nhạc. Đến nhạc hát thể nghiệm với Đan Mạch, bắt đầu siêu thực, ma mị hơn và giờ trở về với với sự bình dị, thực của đời sống...

Đó là một hành trình dài và cô độc. Ngọc Đại nhận được chê nhiều hơn khen, phản đối nhiều hơn ủng hộ. Nhưng ông miệt mài, kiên định con đường của mình.

Có một nỗi buồn thường trực trong tâm hồn Ngọc Đại. Tại mình nhạy cảm quá chăng. Nhiều đêm ông mất ngủ vì nhớ các con. Ngọc Đại có tới 4 người con. Hai ở Việt Nam. Và hai ở Bỉ. Ngay cả mơ ước bình thường nhất, giản đơn nhất, một chuyến ra nước ngoài thăm các con với Ngọc Đại bây giờ cũng là một mơ ước xa xỉ. Tôi thấy ông cô độc. Cô độc giữa cuộc đời và cô độc trong hành trình âm nhạc của mình. “Cuộc sống, chỉ có nỗi buồn là thường trực”. Những người đàn bà, là vợ, là người tình đều bỏ ông ra đi. Vì cuộc sống thực quá khắc nghiệt, mà Ngọc Đại thì chỉ biết đến âm nhạc mà thôi. Nên chấp nhận mang tiếng thị phi ở đời để được sống trọn vẹn con đường mình đi.

“Nhiều lúc tôi thấy bế tắc vì ngày cứ trôi đi vô duyên. Tôi cứ sống như một cuộc đời bình thường thôi. Chỉ khi nào chạm vào âm nhạc, là tôi được giải thoát”.

Trong ngôi nhà sàn tạm bợ này, Ngọc Đại vẫn lặng lẽ làm việc, chìm đắm trong thế giới âm thanh của mình. Một sự kết hợp mới lạ của Ngọc Đại và một số nghệ sĩ đương đại Pháp sẽ bắt đầu trình diễn vào cuối năm nay. Ngọc Đại hào hứng chia sẻ về một sân khấu âm nhạc nho nhỏ, ngay tại chính ngôi nhà này, với những khán giả trung thành nhất của mình. Nhưng ai sẽ lên nơi xa xôi, heo hút này để nghe Ngọc Đại.

Ai sẽ đồng cảm với âm nhạc của ông khi ông chủ động mang âm nhạc của mình ra sân khấu lại nhận được những sự hờ hững, lạnh lùng. Nhưng kẻ sáng tạo không bận tâm mình bị từ chối. Tôi vẫn thấy ông, trong niềm kiêu hãnh của đại bàng, dù bị tổn thương vẫn tự do ngao du giữa bầu trời rộng lớn

Khánh Linh
.
.
.