Nhà văn Trung Quốc Lão Xá: Tận tụy cùng cái thiện

Thứ Tư, 21/09/2011, 16:29
Cách đây 45 năm, ngày 23/8/1966, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lão Xá bắt đầu đi làm sau một thời gian nằm viện để chữa bệnh. Lúc đó Bắc Kinh đang trong thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc Cách mạng văn hóa.

Tại cơ quan, thấy một số đồng nghiệp bị đám Hồng Vệ binh máu nóng xúc phạm một cách vô lý, Lão Xá đã lên tiếng bênh vực nên cũng bị hành hung đến thừa sống thiếu chết. Mãi tới tối khuya, ông mới được giải vây đưa về nhà.

Và một ngày sau, người ta đã tìm thấy xác Lão Xá trên hồ Thái Bình: lúc đó ông chỉ mặc độc đồ lót, còn quần áo ngoài thì được xếp gọn trên bờ. Trên mặt nước quanh ông là những tờ giấy trôi nổi… Cơ quan chức năng đưa ra kết luận là Lão Xá đã tự vẫn…

Một nẻo về văn

Lão Xá tên thật là Thư Khánh Xuân, người dân tộc Mãn, nhưng lại sinh ra ở Bắc Kinh, ngày 3/2/1899. Lớn lên, dù đi nhiều nơi nhưng bao giờ Lão Xá cũng dành cho Bắc Kinh những tình cảm thân thiết nhất. Ông có thể nói, rất hấp dẫn, nhiều giờ liền về Bắc Kinh…

Khi nhà văn tương lai mới lên 2 tuổi, cha ông, một người lính của quân đội Mãn Châu, đã bị giết chết trong những cuộc đụng độ trên đường phố chống lại các thương gia nước ngoài của phong trào  Nghĩa Hòa Đoàn. Về sau Lão Xá nhớ lại là, khi còn nhỏ, ông không cần phải nghe những câu chuyện cổ tích về những gã khổng lồ tàn bạo chuyên ăn thịt trẻ con. Những con quỷ người ngoại quốc mà mẹ cậu bé kể cho nghe còn độc ác và khủng khiếp hơn nhiều so với những gì chép trong sách…

Từ năm lên 6 tuổi, Lão Xá đã được học ở trường tư dạy theo kiểu truyền thống với những cuốn sách kiểu Tứ Thư, Ngũ Kinh. Tuy nhiên, do gia đình Lão Xá thuộc diện nghèo nên ông chỉ được học vài tháng trong trường trung học rồi phải bỏ dở vì thiếu tiền sinh kế.

Dẫu vậy, bản tính dĩnh ngộ đã giúp cho nhà văn tương lai vẫn được nhận vào  Học viện Sư phạm Bắc Kinh với học bổng nhà nước cấp và sau 5 năm, đã tốt nghiệp một cách xuất sắc. Nhờ thế, ngay lập tức ông được đưa lên làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bắc Kinh. Rồi Lão Xá đi dạy về ngôn ngữ và văn học ở Thiên Tân.

Năm 1919, ông trở về Bắc Kinh và ghi danh vào học tự do ở Trường Đại học Tổng hợp Yenching, chuyên về tiếng Anh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, phong trào Ngũ Tứ của giai cấp công nhân và trí thức Trung Quốc bùng nổ ngày 5/4/1919, đã tác động mạnh mẽ tới định hướng tư tưởng của Lão Xá và là một trong những yếu tố quyết định khiến ông về sau lựa chọn con đường viết văn. Lão Xá đã cho in truyện ngắn đầu tiên của mình trên một tạp chí sinh viên chính ở giai đoạn này…

Có một giai thoại kể lại rằng, năm 1920, Lão Xá được đề bạt làm nhân viên khuyến học, lương tháng hơn trăm đồng. Hồi đó, số tiền này là rất khá. Thế là, hằng tháng sau khi lĩnh lương, Lão Xá thường cứ đi uống rượu, hút thuốc, xem hát, dạo chơi công viên, chơi mạt chược, vung tiền thỏa thích.

Thế nhưng, lối sống buông thả như vậy không những không mang lại niềm vui cho Lão Xá, mà còn khiến ông bị đổ bệnh rất  nặng. Khỏi bệnh, Lão Xá mới ngồi thừ người ra tự hỏi mình: "Đây là lối sống của ta hay sao? Không, ta không thể tiếp tục sống một cách dửng mỡ như thế này nữa".

Thế là năm 1922, Lão Xá bỏ chức nhân viên khuyến học, đến một trường trung học làm giáo viên môn văn, lương tháng 50 đồng, tức là chỉ còn một nửa so với số lương cũ. Bạn bè hỏi ông: "Lương ít đi như thế, chẳng lẽ cậu không tiếc à?". Lão Xá cười cười rồi trả lời: "Lương có giảm đi rất nhiều, công việc lại bận rộn hơn trước, nhưng tôi cảm thấy rất vui, bởi vì tôi lại có thể cầm sách đọc rồi, cả ngày chỉ tiếp xúc với các em học sinh đáng yêu mà thôi…".

Năm 1924, vận may đã giúp cho Lão Xá trở thành giảng viên tiếng Hán tại khoa Đông Phương học Trường Đại học London rồi ở Oxford. Sống và làm việc ở "hòn đảo sương mù", Lão Xá đã tận dụng tất cả những khoảng thời gian rỗi để tìm đọc  các tác phẩm văn học Anh… Và cũng từ tình yêu đối với văn học Anh mà Lão Xá đã ngồi vào tự sáng tác.

Đòn xoay chế độ

Năm 1926, Lão Xá đã  công bố tiểu thuyết đầu tiên của mình Triết học của lão Trương trên tạp chí "Văn xuôi nguyệt san".  Lão Trương là một cựu quân nhân, rời quân ngũ về đi làm thương gia, đồng thời cũng là hiệu trưởng một trường học.  Ông ta truyền bá triết lý của mình cho đám học trò, đại ý, mọi phương tiện đều tốt nếu ta trở nên giàu sang phú quý. Bằng bút pháp châm biếm sâu cay, Lão Xá đã thể hiện rõ thái độ không khoan nhượng của mình đối với những giả dối ở cõi thế. Và ông cũng gắng sức cổ vũ cho những mầm thiện…

Tháng 3-1927, Lão Xá tiếp tục cho in tiểu thuyết mới Triệu Tử nói rằng trên tạp chí này, kể về đời sống của một sinh viên. Tới tháng 5/1929, Lão Xá công bố tiểu thuyết  Nhị Mã…

Năm 1929, Lão Xá rời khỏi "hòn đảo sương mù" để trở về tổ quốc nhưng trên đường đi đã ở lại Paris ba tháng rồi rẽ vào Singapore để làm giáo viên trong một trường trung học dành cho người Hoa. Trong giai đoạn 6 tháng ở trên "đảo quốc sư tử", Lão Xá đã hoàn thành truyện dài về đời sống của một đứa trẻ Ngày sinh của Siaopo. Đây là tác phẩm cuối cùng được đăng trên tạp chí  "Văn xuôi nguyệt san". Đó cũng là tác phẩm mà theo các nhà phê bình văn học, mở ra một thể loại văn học mới dành cho thiếu nhi ở Trung Quốc.

Năm 1930, Lão Xá mới lại đặt chân về Trung Quốc và làm giảng viên tại nhiều trường đại học như Đại học Tề Lỗ và Đại học Sơn Đông cho tới năm 1937… Trong khoảng thời gian từ đó tới năm 1935, Lão Xá đã viết  rất khỏe, có tới 7 tập truyện dài và vừa.

Năm 1933, Lão Xá cho xuất bản Miêu thành ký, một tác phẩm châm biếm sâu cay chống lại chế độ phản dân hại nước của Tưởng Giới Thạch. Cũng trong năm 1933, ông cho in truyện dài Ly hôn. Năm 1934, ông cho xuất bản Chuyện lộc giời. Tất cả những tác phẩm này đều châm biếm mạnh mẽ những hiện tượng rởm đời trong cuộc sống của thị dân và sinh viên học sinh Bắc Kinh…

Tuy nhiên, phải tới năm 1936, sau khi xuất bản Tường lạc đà,  Lão Xá mới thật sự được chú ý trên văn đàn Trung Hoa. Truyện dài này kể về một người nông dân mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân, lên Bắc Kinh kiếm sống. Để có tiền sinh nhai, người nông dân này, tên là Tường Tử, đã phải đi thuê xe kéo làm kiếp ngựa người. Trong cảnh đời khốn khó, Tường Tử chỉ ấp ủ độc một mơ ước "lớn lao" là làm sao chắt bóp dành dụm đủ tiền để mua một cái xe kéo cho oách để trở thành một phu kéo xe "cao cấp".

Y cũng định bụng khi nào mua được cái xe đó thì sẽ tổ chức sinh nhật của mình. Thế nhưng, khi đã có đủ tiền mua xe rồi thì cái xe đó lại bị đám lính ô hợp cướp mất. Trắng tay, Tường Tử phải chấp nhận lấy cô con gái ế chồng của lão chủ xe làm vợ và lại làm thân ngựa người như cũ. Rốt cuộc thì hắn cũng lại có tiền để tậu một cái xe mới.

Thế nhưng, vợ y khi lâm bồn đã chết nên y phải bán xe đi để trả nợ. Thất vọng, Tường Tử trở nên bê tha rượu chè và ở cuối truyện, đau yếu và kiệt sức, đã trút hơi thở cuối cùng trên đường phố Bắc Kinh phủ đầy tuyết trắng.  Thông điệp của Tường lạc đà là, trong một xã hội đã thối nát thì mọi nỗ lực cá nhân để cải thiện đời sống chỉ như dã tràng xe cát mà thôi!

Lão Xá đã miêu tả rất sắc những tấn bi kịch nặng nề của những người dân thường trong xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến của nước Trung Hoa thời đó… Thực sự những tác phẩm giàu tính hiện thực phê phán của ông đã góp phần thức tỉnh người dân hướng tới cuộc đấu tranh cách mạng để tiến tới một tương lai khác.

Dấn thân vì nghĩa

Năm 1937, sau khi quân đội phát xít Nhật tràn vào xâm lược Trung Hoa, làm chết hàng chục triệu người, Lão Xá đã viết hàng loạt những bài chính luận kêu gọi người Trung Quốc đoàn kết lại với nhau để cùng chống lại kẻ thù. Rồi ông chuyển tới Vũ Hán để cùng một số người chung chí lớn xuất bản các tạp chí "Kháng chiến tới cùng" và "Đọc cho mọi người". Ông nhắc lại những tấm gương các của bậc tiên liệt Trung Hoa để cho hậu thế học tập trong cuộc chiến không khoan nhượng chống giặc ngoại xâm.

Tháng 3/1938 tại Trùng Khánh, thủ đô lâm thời của nước Trung Hoa, đã thành lập "Hiệp hội toàn Trung Hoa các cán bộ văn học và nghệ thuật để chống lại kẻ thù" và Lão Xá được đưa vào một trong những vị trí lãnh đạo chủ chốt của tổ chức này…

Sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật kết thúc, Lão Xá được Quốc hội Mỹ mời sang dạy học. Tại Mỹ, Lão Xá đã tiếp tục hoàn thành bộ tiểu thuyết Tứ đại đồng đường đã được khởi thảo ở Trung Quốc. Tổng cộng, ông mất khoảng 4 năm để viết tác phẩm để đời này.

Cũng tại Mỹ, Tứ đại đồng đường được in dưới dạng rút gọn với nhan đề Cơn bão màu vàng. Cuốn sách kể về thành phố Bắc Kinh (khi đó mang tên Bắc Bình) trong giai đoạn quân phiệt Nhật tràn vào thống lĩnh, gây nên bao nhiêu xáo trộn và bi kịch cho chốn kinh thành cổ kính... Tứ đại đồng đường gần đây đã được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập và được chiếu cả ở nước ta…

Cũng ở New York, Lão Xá đã hoàn thành tiểu thuyết Cổ thư nghệ nhân. Cuốn sách này cũng được Lão Xá phối hợp với người khác dịch ra tiếng Anh…

Ngày 13/10/1949, 13 ngày sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Lão Xá đã rời San Francisco về Trung Quốc.  Và Lão Xá trở thành Ủy viên Ủy ban Giáo dục Văn hóa của Quốc Vụ viện và được cử giữ chức Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc.

Và ông bắt tay vào sáng tác kịch là chủ yếu, với một tốc độ đáng nể trọng. Trong vòng 10 năm đã có tới 9 vở kịch nhiều màn của ông ra đời, thí dụ như Ngòi Long Tu, Trà quán, Cô bán hàng, Cả nhà sung sướng, Hoa mùa xuân, quả mùa thu, Nhớ Trường An…

Theo kết quả của một cuộc điều tra về văn hóa đọc ở Trung Quốc, được tiến hành cách đây hơn 5 năm, trong danh sách 10 nhà văn được độc giả ưa chuộng nhất tại nước này có tên Lão Xá.

Để tưởng nhớ tới Lão Xá và tôn vinh ông là một trong những nhà văn kiệt xuất, năm 1978, Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thị ủy Bắc Kinh  và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc đã long trọng cử hành lễ an táng bình tro thi hài ông ở Bát Bảo Sơn (đây là nơi an nghỉ của nhiều nhà lãnh đạo và các nhân vật nổi tiếng nhất của Trung Hoa)

Hoàng Phương
.
.
.