Nhà văn Lê Văn Thảo: Rong ruổi văn chương với phận người
Bây giờ nhà văn Lê Văn Thảo đang tiếp nhận phương pháp xạ trị. Ở tuổi 76, Lê Văn Thảo đã ghi dấu vào làng văn một phong cách sống và một phong cách viết đặc thù Nam Bộ!
Đọc tác phẩm Lê Văn Thảo, không thể trích ra một đoạn văn mẫu để tán tụng, để trầm trồ. Nếu nhìn trên lớp vỏ chữ nghĩa, rất dễ nao núng kết luận ông không có văn. Thế nhưng, bình tâm đánh giá lại, thì chất giọng thuần phác Nam Bộ của Lê Văn Thảo vẫn tạo ra một thứ văn chương có sức lôi cuốn. Vậy, văn của Lê Văn Thảo nằm ở đâu?
Văn của Lê Văn Thảo không nằm ở ngôn từ, không nằm ở lý lẽ, và cũng không nằm ở triết thuyết. Văn của Lê Văn Thảo lặn vào tình tiết, lặn vào nhân vật, lặn vào câu chuyện để rồi khi hữu duyên gặp sự tương tác từ phía độc giả thì lập tức hiển lộ những giá trị thẩm mỹ có sức lay động và ám ảnh. Cho nên, Lê Văn Thảo chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc bằng lối kể tự nhiên và nhẹ nhàng. Hầu như không thấy sự gắng gượng hay dàn dựng nào trong tác phẩm của ông. Ông cứ viết tuần tự và mạch lạc như chìm nổi cuộc đời vốn thế, như buồn vui con người vốn thế.
Không khó để nhận ra tác phẩm Lê Văn Thảo tồn tại hai đặc điểm: Thứ nhất, chấm phẩy không theo cấu trúc ngữ pháp mà theo nhịp điệu văn phong, khi trễ nải, khi dồn dập. Thứ hai, tên truyện khá thật thà, ví dụ: Người viết thư thuê, Anh cà khêu ghé qua làng, Chuyện nhỏ tình yêu, Chuyện đời con Mốc, Người Sài Gòn… chả mấy khi tương xứng với nội dung, giống như cô gái đẹp phải mặc cái áo thô, những ai dị ứng với trang phục mộc mạc thì mất cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan đằm thắm kia!
Năm 1962, chàng trai Dương Ngọc Huy 23 tuổi rời khỏi giảng đường Đại học Sài Gòn để vào chiến khu, vừa hoạt động cách mạng vừa theo đuổi văn chương với bút danh Lê Văn Thảo. Những trang viết đầu tiên của Lê Văn Thảo đều được tập hợp in trong tập Đêm Tháp Mười do Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành năm 1972. Nếu so sánh Đêm Tháp Mười với hàng loạt tác phẩm sau này của ông, không khó hình dung ra một khoảng cách nhất định. Nói cách khác, văn chương của Lê Văn Thảo trưởng thành mạnh mẽ từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước và sung mãn trong suốt 20 năm qua.
Cũng như rất nhiều nhà văn đi kháng chiến, sau ngày đất nước thống nhất, Lê Văn Thảo có chừng 10 năm loay hoay tìm phương pháp sáng tác mới. Thời thanh bình, không có giới tuyến nữa, cuộc sống đa chiều đa dạng hơn, rối rắm phức tạp hơn. Cuộc chiến chuyển sang từng gia đình, từng con người.
Cuộc chiến diễn ra bên trong mỗi con người. Nhà văn phải thay đổi quan niệm cầm bút, như mệnh lệnh của xã hội, cũng là mệnh lệnh của trái tim mình. Thế nhưng, thay đổi cách nào không đơn giản. Chẳng biết nên xác định Lê Văn Thảo may mắn hay không may mắn, vì cùng thế hệ với ông, nếu Nguyễn Minh Châu biến chuyển rất nhanh, thì vài nhà văn khác buông bút hẳn.
Thật ra, khoảng một thập niên sau cột mốc 1975, Lê Văn Thảo cũng có vài cuốn sách như Bên lở bên bồi, Cửa sổ màu xanh, Buổi chiều và sáng hôm sau, Ngôi nhà có hàng rào song sắt… nhưng không thành công mấy. Chính ông cũng nhận ra những tác phẩm có mặt cũng được mà không có mặt cũng không ảnh hưởng gì đến dòng chảy văn chương hiện đại, nên sau này ông không nhắc đến trong lý lịch nghề nghiệp của mình.
Truyện ngắn Làng lở viết tháng 3/1991 đánh dấu sự thay đổi trong sâu thẳm ý thức sáng tạo của Lê Văn Thảo. Trong đó có hình ảnh người lính già trở lại tìm ngôi nhà đã che giấu mình lúc khói lửa nhưng không gặp cảnh cũ tình xưa, mà chỉ thấy dân làng bị đất lở mất hết chốn dung thân phải lục tục kéo nhau về miệt thứ. Họ từ giã xứ ầm ào nước chảy để tới chỗ đồng khô cỏ cháy với tinh thần lạc quan “số trời đã định, không ở được chỗ này thì đi chỗ khác. Đâu cũng đất nước mình, chẳng ai để mình chết đói đâu”.
Cuộc di cư trong Làng lở dù hơi đáng tiếc vì gói ghém theo khuôn khổ truyện ngắn hạn hẹp mà không triển khai thành một tiểu thuyết vạm vỡ, nhưng đó cũng chính là cuộc di cư trong văn chương Lê Văn Thảo. Ông tự minh định không tiếp tục lên gân lên cốt để viết mãi về cái kỳ vĩ gánh vác, về cái oanh liệt đau đớn. Ông quay sang viết về những mảnh đời nho nhỏ, viết về những mệnh kiếp long đong. Từ sau truyện này, tác phẩm Lê Văn Thảo không nhằm thúc giục hành động hay nhằm chỉnh huấn tư duy nữa. Văn chương đối với ông gần gũi hơn mà cũng thăm thẳm hơn, chỉ là những tiếng gọi lương tri âm thầm và bền bỉ.
Đã tìm được con đường riêng cho bản thân, Lê Văn Thảo không màng đến tính thời thượng hay tính xu hướng. Ông huy động mọi cảm quan của mình để thao thiết dõi theo những số phận lặng lẽ. Lần lượt các tác phẩm: Ông cá hô, Một ngày và một đời, Con đường xuyên rừng, Lên núi thả mây… chứng minh được bản lĩnh viết của một nhà văn có tầm cỡ ở phương Nam.
Lê Văn Thảo đánh thức lòng tin yêu cuộc sống khi phát hiện những con người lầm lũi và thanh cao. Nhân vật của Lê Văn Thảo hầu hết đều cơ hàn, đều thua thiệt, nhưng họ kiên trì gìn giữ cái thiện. Họ không ngừng đối đầu với cái ác, càng bị đọa đày họ càng đẹp đẽ, càng bị vô vọng họ càng vững chãi, càng bị cay nghiệt họ càng bao dung.
Trong truyện ngắn Tìm chồng cho má, đứa con gái thơ dại nhận ra người mẹ chịu tang đức lang quân đoản phúc nên quen bận quần áo màu đen mà trông mỗi ngày mỗi già nua héo hắt, và cô bé quyết tâm kiếm cho người mẹ một chỗ nương tựa…
Trong truyện ngắn Đứa con trở về, người cha già bôn ba cả đời chắt chiu băng rừng lội suối lần theo dấu vết đứa con hư hỏng hết làm trộm cướp đến buôn thần bán thánh, mà tận phút giây thoi thóp như ngọn đèn sắp tắt vẫn băn khoăn không biết khi bán được vườn ớt có chút tiền thì mình còn đủ sức đi thăm đứa con đang gá nghĩa với bà góa đầu xóm không…
Trong truyện ngắn Con mèo, một người cha cứ day dứt vì không thích nuôi mèo nên đã lén đem ném hai chú mèo con vào bóng đêm, để rồi khi đứa con trai gạn hỏi bất chợt lại thấy ân hận do thái độ ruồng rẫy sinh linh xung quanh mình…
Thong thả những lời kể chậm rãi một cách tỉnh táo, Lê Văn Thảo truyền sang cho độc giả những xao xuyến khôn nguôi về lẽ phải, về tình thương, về nhân phẩm. Hầu như đã rong ruổi khắp Đồng bằng Sông Cửu Long để khám phá, để trải nghiệm, để gắn bó, để sáng tác. Thế nhưng, có hai vùng đất mà Lê Văn Thảo thông thuộc nhất, và hễ chạm vào thì có thể viết nồng nhiệt nhất là An Giang và Cà Mau.
Với An Giang, khu vực tứ giác Long Xuyên và khu vực Thất Sơn (Bảy Núi) trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Lê Văn Thảo, mà tiêu biểu phải kể đến Sóng nước Vàm Nao. Với Cà Mau, nơi phù sa lấn biển đến đâu thì người dân trú ngụ đến đó, mang theo cả tiếng chó sủa canh vắng lẫn tiếng gà gáy bình minh, Lê Văn Thảo đã miêu tả trong nhiều truyện ngắn và dừng lại rất lâu ở tiểu thuyết Cơn giông.
Nhà văn Lê Văn Thảo thổ lộ: “Thế hệ tôi ngay từ khi dấn thân vào con đường cách mạng đã học được bài học đầu tiên - quần chúng lao động nghèo khổ không chỉ là cội nguồn của sức mạnh, của sức chịu đựng, hy sinh, mà còn là gốc rễ của đạo đức”. Vì vậy, trong cả hai tác phẩm đầy đặn nhắc trên đều có những nhân vật lủi thủi bên lề cuộc sống nhưng hào hiệp và trượng nghĩa làm sáng cả trang văn, như ông già vô danh trong Sóng nước Vàm Nao hoặc ông già trăm tuổi trong Cơn giông!
Nhà văn Lê Văn Thảo có một gia thế không tầm thường. Cha của ông là chí sĩ Dương Văn Diêu, còn bác của ông là đại tướng Dương Văn Minh trên chính trường miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Khi nhà văn Lê Văn Thảo đang học đại học năm thứ ba tại Sài Gòn thì người cha lo sợ con trai mình sẽ làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa nên cho gọi ông và em trai (đạo diễn Lê Văn Duy) vào chiến khu. Một quãng đời trai trẻ của Lê Văn Thảo quăng quật và thấu hiểu lớp học sinh đô thị nao núng và bế tắc khi chưa nổ ra phong trào Đồng khởi.
Cuốn tiểu thuyết gần đây của ông có tên gọi Những năm tháng nhọc nhằn viết về giai đoạn 1958-1959 ấy, được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành nhân dịp ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
Nhà văn Lê Văn Thảo nói về Những năm tháng nhọc nhằn: “Sau kháng chiến chống Pháp, chiến thắng Điện Biên lừng lẫy, không một ngày hòa bình, miền Nam rơi ngay vào những ngày tháng đen tối. Cán bộ, bộ đội, gọi tắt là Việt Minh, phần đi tập kết ra Bắc, phần ở lại hầu hết bị bắt giam. Thế hệ tiếp theo, thế hệ chúng tôi, học sinh trong các trường học, nông dân trong các ruộng lúa, lớn lên từ tuổi thiếu niên qua tuổi thanh niên, tự dưng có một khoảng trống trước mặt, bối rối trong việc lựa chọn con đường đi, cầm súng bên này hoặc bên kia. Không có con đường thứ ba…”.
Từ Đêm Tháp Mười đến Những năm tháng nhọc nhằn là một chặng đường dài đủ để chân dung nhà văn Lê Văn Thảo được phác họa đầy đủ trong làng văn Việt Nam.