Nhà văn Bảo Ninh: “Nói không buồn thì không đúng!”

Thứ Sáu, 29/07/2016, 17:19
Nói về "Nỗi buồn chiến tranh" bị trượt giải thưởng Nhà nước, nhà văn Bảo Ninh cho rằng nói không buồn thì không đúng, vì ông buồn cả về việc những người bạn không được giải thưởng trong dịp này.

Mấy ngày qua, trước thông tin nhà văn Bảo Ninh bị trượt giải thưởng Nhà nước, có rất nhiều diễn đàn báo chí, các trang mạng xã hội, những người yêu quý nhà văn Bảo Ninh và tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” đã lên tiếng. 

Theo đánh giá của hầu hết những người yêu văn học thì “Nỗi buồn chiến tranh” có một sức sống mãnh liệt vì nó viết về một thế hệ, một thời kỳ không thể nào quên của cả dân tộc.

Cuốn sách đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991, và đây cũng là cuốn tiểu thuyết Việt Nam được dịch và đọc nhiều trên thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện độc quyền với nhà văn Bảo Ninh.

“Nỗi buồn chiến tranh” bị trượt Giải thưởng Nhà nước

- Phóng viên: Thưa nhà văn Bảo Ninh, mấy ngày vừa qua, anh tắt điện thoại, tránh xa tất cả những thăm hỏi của bạn hữu, báo giới về vấn đề anh bị trượt giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi cho rằng mình không thể trốn tránh dư luận mãi được. Và với tư cách là nhân vật chính trong cuộc, anh có buồn không, và nếu thực sự để có một suy nghĩ từ tận đáy lòng vào thời điểm này, anh sẽ nói gì?

- Nhà văn Bảo Ninh: Tôi không tắt máy, mà vì mất điện thoại nên mua máy khác, số khác. Nói không buồn thì không đúng, vì tôi buồn. Tôi không nói cái buồn chỉ của riêng tôi mà tôi buồn cả về việc những người bạn, nghe nói, không được trong dịp này. Họ là những nhà văn tên tuổi trong thế hệ văn bút thời tôi: Văn Lê, Nguyễn Phan Hách, Hồ Anh Thái... 

Mặt khác, nhà báo thấy đấy, nói nhiều về nỗi buồn của chúng tôi thì vô hình trung lại là đang xúc phạm những nhà văn sẽ đoạt giải, trong số các anh chị mà tôi biết, theo tôi, rất xứng đáng.

- “Nỗi buồn chiến tranh” là một tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng đã nổi tiếng gần 30 năm qua, được ghi nhận trên nhiều lãnh thổ, nhưng tại sao, theo anh, vẫn có một số người không bỏ phiếu cho nó?

- Điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nỗi buồn chiến tranh khi ra đời đã có nhiều sự ồn ào sau đó và có lẽ, đến bây giờ sự ồn ào xưa cũ ấy vẫn nặng dư âm. Tôi cũng không biết cụ thể là như thế nào. Nhưng tôi biết là các anh trong Hội Nhà văn đã bảo vệ anh em hết mình, nhưng họ chỉ có 4 trên tổng số 28 người, 28 ý kiến khác nhau và những ghi nhận khác nhau thì cũng khó để có thể đồng thuận... Bản thân tôi lại viết được quá ít. Một tiểu thuyết, dăm chục truyện ngắn.

- Sau những ồn ào, hình như, nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đang có ý kiến kiến nghị bỏ phiếu lại cho trường hợp của anh, nhà văn Bảo Ninh. Anh nghĩ thế nào về việc này, và anh có chuẩn bị tinh thần cho những trường hợp sau đó xảy ra với mình?

- Chuẩn bị tinh thần? Gì dữ vậy? Mà thực ra, việc được hay không được giải thưởng đã chính thức đâu. Với lại, đọc báo tôi được biết, Hội nhà văn có 29 hội viên dự vào đợt giải thưởng này. Nhà thơ Hữu Thỉnh và các anh trong Ban Chấp hành đảm trách 29 trường hợp, chứ đâu riêng trường hợp nào.

- Nếu lần này, nói dại mồm, bỏ phiếu vẫn không “lọt”, liệu sang năm anh có tiếp tục làm hồ sơ Giải thưởng Nhà nước nữa không?

- Hội Nhà văn đã rất chu đáo khi mỗi năm đều gửi các giấy tờ liên quan cho các Hội viên để kê khai các hạng mục giải thưởng về văn học nghệ thuật. Tôi cũng như nhiều người khác, đã làm với đầy đủ trách nhiệm cũng như tinh thần của mình. Dĩ nhiên, được hay không còn do nhiều yếu tố như bạn thấy. Mỗi một thế hệ sẽ có những đợt giải thưởng như thế. Và nếu năm nay không được thì tôi sẽ chờ để đồng hành cùng đợt của các thế hệ trẻ sau rất nhiều năm nữa...!(cười!).

- Nhà văn Bảo Ninh là người lặng lẽ, thậm chí tránh xa rất nhiều những diễn đàn văn chương trong nhiều năm nay. Sau “Nỗi buồn chiến tranh” anh viết nhiều truyện ngắn và những ghi chép tản mạn. Thú thật là với bản thân tôi, khi đọc anh, dù đó là gì thì cũng có cái để đọc, để mê mẩn. Tại sao lâu nay anh dừng lại không tiếp tục những mạch nguồn và vỉa quặng đang đầy ắp trong mình?

- Cho miễn bàn được không, nhà báo. Hay là để dịp khác đi.

- Anh là một người lính thực thụ đi qua chiến tranh, đi qua để nếm trải và viết. Nhân chuyện này, nếu nhớ lại thời kỳ viết “Nỗi buồn chiến tranh”, anh nhớ nhất kỷ niệm nào về một thời làm lính của mình?

- Nhân bạn nhắc về kỷ niệm đời bộ đội của chúng tôi, tôi muốn tặng bạn và rồi sẽ viết một bài giới thiệu cuốn truyện ký Lính sư 10 để gửi đăng lên báo bạn nhé. Đây là tập hồi ký và truyện kể của  anh em cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 10 bộ binh Mặt trận Tây Nguyên do Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới xuất bản. Tôi cũng có viết và tham gia biên soạn cuốn sách ấy.

Tôi đã “mệt nhoài” khi viết “Nỗi buồn chiến tranh”

- Nói đi nói lại thú thật là có quá nhiều điều để viết về “Nỗi buồn chiến tranh”. Có hàng trăm luận văn, luận án viết về những vấn đề liên quan đến nó. “Nỗi buồn chiến tranh” cũng là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên từ trước đến giờ được dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới. Khi viết cuốn sách này chắc anh không nghĩ đến một ngày nó lại nổi tiếng đến như thế?

- Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 cho đến nay vẫn được độc giả nhớ đến nhiều bởi giải thưởng ấy ghi dấu chặng đường năm năm trời đột khởi của văn học nhờ Đổi Mới đất nước.

Theo tôi, Đổi Mới là một cách diễn đạt nhẹ nhàng, chứ còn trong thực tế đấy là cả một cuộc cách mạng. Nó có tác động lớn lao và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Văn học hồi đó thể hiện được rất sâu sắc sự đổi thay ấy. Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng... và các nhà thơ.  Ấy là những tên tuổi tiêu biểu cho sự đổi thay và vươn lên kỳ diệu của tâm hồn dân tộc thể hiện qua văn học trong những năm tháng không thể nào quên ấy. 

Cuốn Nỗi buồn chiến tranh nhận được giải thưởng vào thời kỳ đặc biệt quan trọng đó nên mặc dù tác giả mới ra ràng vẫn được chú ý. Tác phẩm được sự đánh giá cao của các nhà văn và nhà phê bình hàng đầu như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Hữu Thỉnh, Vũ Tú Nam, Vương Trí Nhàn, Hoàng Ngọc Hiến, Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử... nên càng có thế mạnh. 

Theo tôi được biết, dịch giả Phan Thanh Hảo, F, Palmos, Võ Băng Thanh, A, Perce đã dịch Nỗi buồn chiến tranh ra tiếng Anh một cách kỹ lưỡng, trau chuốt, đậm đà. 

Nói tóm lại, nhờ không khí Đổi Mới, nhờ được dịch rất tốt mà cuốn Nỗi buồn chiến tranh đã nhập được một cách dễ dàng và bình thường vào hệ thống xuất bản của nước mình và của thế giới. Tuy nhiên đây không phải là cuốn đầu tiên. Trước đó đã có nhiều tác phẩm văn học Việt dịch ra tiếng Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn, Nhật... Hiện nay lại càng nhiều hơn.

- Anh đã viết cuốn sách này trong tâm trạng như thế nào?

- Mệt nhoài. Khi viết tiểu thuyết thì ai cũng vậy cả.

- Có thể thấy, Kiên là một nhân vật đầy mâu thuẫn với nhiều cảm xúc trái ngược của người lính trong chiến tranh và cả khi hòa bình, nhân vật đó có dáng dấp của anh?

- Ngay buổi trưa, buổi chiều, buổi tối ngày toàn thắng đã rất nhiều cảm xúc xáo trộn tâm hồn anh bộ đội. Vinh quang rạng ngời, hạnh phúc tột đỉnh của bản thân mình, của đồng đội và đất nước. Mừng vui, ước mơ. Song cũng đã lập tức đập vào mắt họ những biểu hiện manh nha của những sự thật đáng buồn và đáng căm phẫn mà ngày hôm nay chúng ta thấy đầy rẫy trong đời sống thường nhật.

- Phần nào vì thế nên có lần cuốn sách đã đổi tên thành “Thân phận tình yêu” chăng?

- Thân phận tình yêu là tên đặt tạm thời cho lần xuất bản đầu tiên.

- Anh thích cái tên sách nào hơn?

- Nỗi buồn chiến tranh!

- Nói thế thôi, trong số những tác phẩm viết về chiến tranh thì “Nỗi buồn chiến tranh” là cuốn sách dễ đọc nhất, nó như một sự “gây nghiện” vì đọc trang trước lại muốn biết về trang sau. Liệu khi viết, anh có mê say tác phẩm của mình như người đọc?

- Cám ơn bạn. Còn sự say mê khi viết thì nhiều nhà văn đã tự miêu tả. Tôi không khác và không nói hơn được.

- Có cả sự dằn vặt, đau đớn, tiếc nuối… và những cảm xúc vui buồn đan xen nữa chứ, thưa nhà văn?

- Vâng. Thì vậy mà. Con người, chiến tranh, tuổi trẻ, tình yêu...

- Cuốn sách có những trang viết thật đẹp, rất giàu hình ảnh, thật lòng thì anh thích phần nào nhất trong cuốn sách?

- Chỉ trừ phi là một cuốn sách rất tệ, còn thì tác phẩm văn học nào cũng có những trang đáng đọc. Đã viết văn thì phải cố hết sức ở mức có thể nhất của mình cho chữ nghĩa. Đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta thường nói vậy và mong vậy, nhưng cụ thể là gì? Theo tôi, đối với nhà văn, thì bản sắc đậm đà ấy trước nhất và quan trọng nhất là sức mạnh câu chữ, là tình yêu tiếng Việt được thể hiện ra sao trong tác phẩm.

- “Nỗi buồn chiến tranh” thành công cả trên phương diện nghệ thuật, bản thân anh khi viết có sử dụng tới lý thuyết nào không?

- Sau chiến tranh còn tương đối trẻ nên hiệu sách có gì tôi đọc tất. Nghĩa là đọc cũng nhiều, song hồi đó cái gì cũng một chiều, kể cả tư duy và sách vở. Nên đọc nhiều mà chẳng nhiều nhặn gì lại lộn xộn. 

Tôi chủ yếu học được rất nhiều từ tác phẩm và những lời chỉ bảo của các nhà văn bậc cha chú và bậc đàn anh: Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Quang Sáng, Triệu Bôn, Hồng Phi, Chu Lai, Cao Tiến Lê... Và, các nhà văn ấy, có thể nói về lý thuyết là các nhà văn hiện thực chủ nghĩa.

- Thời gian viết “Nỗi buồn chiến tranh” trông anh thế nào?

- Hồi đó cái gì cũng một chiều, kể cả ăn bận và dung mạo. Bạn cứ coi bất kỳ bức hình chụp người nào cỡ bốn chục tuổi sống tại Hà Nội những năm đầu thập niên 90 thì tôi trông y thế.

- Là người đã tham gia chiến tranh, viết về nó, bây giờ nghĩ lại anh cảm thấy thế nào?

- Chiến tranh là đề tài văn học tuyệt hay mà tôi lại may mắn rất am hiểu. Tiếc là các nhà văn trẻ và cả độc giả trẻ ngày nay không còn quan tâm nhiều tới đề tài văn học ấy.

- Có ý kiến cho rằng, “Nỗi buồn chiến tranh” thành công một phần bởi nó ra đời đúng thời điểm?

- Thì như lúc đầu tôi thưa với bạn đấy. Nhờ đất nước và văn học bước vào thời Đổi Mới.

- Anh là nhà văn có ý thức chuyên nghiệp, có bao giờ anh bị chi phối bởi những cám dỗ (ngay cả những ham thích lặt vặt) của đời sống?

- Mọi sự của đời sống đều không lặt vặt và đều đáng để người ta bị cám dỗ, hoặc chí ít là khiến người ta phải chú ý tới và bị phân tâm. Càng là dân viết văn thì lại càng bị thế. Đời sống thôi thúc bạn viết văn lại cũng ngăn bạn ngồi vào bàn cặm cụi viết lách.

- Vâng, xin cảm ơn nhà văn Bảo Ninh!

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.