Nhà thơ Trần Hòa Bình: Xa rời một cõi...

Thứ Tư, 03/09/2008, 16:25
Tôi nhận được tin dữ nhà thơ Trần Hòa Bình mất đột ngột khi tôi đang đi về biển. Tháng 8, biển đã bắt đầu lạnh. Ngày xưa, cứ dịp này, khi biển đã lạnh vắng, du khách đã vãn thưa, lúc đó giá phòng đã bắt đầu hạ, thậm chí miễn phí vì mùa thu đông không còn ai đến biển nữa thì các trại viết văn miền Trung mới bắt đầu mở.

Chúng tôi thường đến biển giam mình vào sóng, vào cát mặn và đại dương để vắt kiệt mình trên những trang bản thảo mặn mồ hôi. Chao ôi những trại viết nghèo, chắt chiu nuôi những cây bút nơi miền quê khắc nghiệt để những cây bút vươn lên đủ lông đủ cánh rồi phiêu bạt đi xa.

Hôm nay, biển Thiên Cầm trở gió, chiều chợt bói mưa giông lưa thưa mấy hạt. Hà Tĩnh 4 tháng nay không có một giọt mưa, đồng làng hạn hán khô nẻ. Biển thì nhiều nước nhưng chắt một vị ngọt giữa mênh mông biển mặn này cũng hiếm hoi lắm thay. Đã lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại Thiên Cầm, trú mình nơi biển vắng.

Ngày mai, ở Hà Nội là đám tang nhà thơ Trần Hòa Bình. Không về được để viếng anh, tôi mở máy tính lên và nghe lại cuộc trò chuyện đầu tiên song buồn thay, đó cũng là cuộc trò chuyện cuối cùng mới đây thôi tôi thực hiện bức chân dung viết về anh.

Chân dung đầu tiên, không ngờ lại là cuối cùng và vĩnh viễn. Ngày mai, ở Hà Nội, gia đình và bè bạn thân hữu đến bên anh thắp nén nhang tiễn biệt. Tôi viết những dòng này thay cho một lời biệt ly.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn là người đầu tiên gọi điện báo tin cho tôi nhà thơ Trần Hòa Bình mất. Sững sờ không tin nổi. Hóa ra, gần như tôi là người thực hiện một bức chân dung cuối cùng và trọn vẹn về anh. Thật buồn. Anh mất rồi, mấy người gọi điện hỏi tôi, trong cuộc trò chuyện cuối cùng ấy, Trần Hòa Bình có chút nào le lói những dự cảm xấu không?

Thường thì những người sắp từ giã cõi nhân gian, sắp ly biệt cuộc sống, họ thường có những lời nói, hành động vô thức nhưng đầy dự báo về sự ra đi của mình. Vì thế, những người ở lại vẫn hay vịn vào những tín hiệu ấy để an lòng, để xem như số phận đã định đoạt. Tôi không nghĩ vậy.

Không ai, dù là vô thức, có thể chạm được vào giây phút cuối của cuộc sống mình khi họ đang hoàn toàn khỏe mạnh, đang nhiều mộng tưởng để xây đắp, nhiều mơ ước để vươn tới và nhiều dự định để thực hiện.

Nhà thơ Trần Hòa Bình cũng vậy, kẻ rong chơi bất tận trong cuộc đời của "gã", trong tâm hồn của "gã" mà không hề phương hại đến ai (lời nhà thơ Trần Hòa Bình) chắc chắn không bao giờ dự cảm cái chết đang đợi mình ở phía trước khi mà anh quá nhiều việc phải làm, quá nhiều dự định để hoàn tất, quá nhiều mơ ước và hy vọng cho cái sự "đã đến lúc phải hạ cánh" để trở về đời sống của một gia đình đúng nghĩa.

Suốt gần 2 giờ đồng hồ chuyện trò mà máy ghi âm của tôi đã cần mẫn trung thành ghi lại đến từng chi tiết nhỏ, cả nụ cười hồn nhiên sảng khoái của anh thì tuyệt nhiên không có bóng dáng của những sự chống chếnh cô độc trong đời sống của một kẻ độc thân.

Với Trần Hòa Bình, cuộc sống bước sang năm 2008 này dường như mới được bắt đầu định hình một cách rõ nét. Trần Hòa Bình tự nhận là kẻ ham chơi và rong chơi bất tận.

Cuộc sống theo anh thực chất chỉ là một cuộc rong chơi mà Trần Hòa Bình suốt 53 năm qua chưa một lần có dấu hiệu của sự dừng lại, nhất là sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ, khi những ý định nghiêm túc nhất cho cuộc đời mình thất bại. Cho đến năm 2008 này, không hiểu sao Trần Hòa Bình bỗng dưng muốn "hạ cánh" (từ của Trần Hòa Bình).

Anh nói rằng, bản thân đột nhiên muốn vậy, và khi ý nghĩ chạy qua chạy lại trong đầu về cái sự hạ cánh ấy, chính anh cũng hết sức ngạc nhiên anh bỗng dưng cần một cuộc sống ổn định, cần một mái ấm gia đình, cần một người phụ nữ để mỗi khi anh trở về nhà bếp lửa trong căn nhà sẽ đỏ rực lên trong ấm áp, để mỗi khi thức dậy, anh thấy sự dịu dàng là có thật và hiện hữu trong cuộc sống thực của anh chứ không phải từ giấc mơ.

Anh cũng ngạc nhiên vì cái sự lêu bêu, lang bang, tự do chủ nghĩa của anh không còn choán ngập lấy đời sống của anh nữa. Có lẽ bắt đầu từ việc Trần Hòa Bình là một người rất tin vào tử vi, tin vào số phận và đặc biệt là “gã” tin vào những giấc mơ của mình.

Trong cuộc trò chuyện cuối cùng, Trần Hòa Bình nói: “Đầu năm nay, cả hai người bạn rất thân của tớ nghiên cứu tử vi rất giỏi, có thể nói là thầy tử vi đấy, trong đó có một người là giáo sư sau khi xem quẻ kinh Dịch cho tớ khẳng định chắc chắn rằng năm 2008 này tớ sẽ lấy vợ. Con gái tớ đầu năm cũng cùng với cô đi cầu cơ, cầu chén thì cái chén chạy vào chữ lấy vợ. Cả hai cô cháu xin tiếp là lấy vợ tuổi bao nhiêu thì cái chén chạy vào tuổi 26. Thế đấy, tớ tin vào tử vi, tin vào số phận nên tâm lý của tớ cứ mặc định rằng, kiểu gì năm nay cũng cưới vợ, và tớ sống trong một tâm thế sẽ lấy vợ”.

Tôi hỏi Trần Hòa Bình anh đã chọn được cô dâu cho đám cưới sắp tới chưa. Trần Hòa Bình gãi đầu gãi tai. “Thật ra, tớ đã có một tình yêu mà đến lúc tớ có cảm giác cần cô ấy như một người vợ, và sau bao nhiêu phiêu bạt, tớ chắc chắn mình đã nghĩ đến chuyện nghiêm túc nhất là cưới vợ, nhưng chưa kịp nói ra cái ý định nghiêm túc này thì cô ấy đã tuyên bố chia tay vì chờ đợi cái kết thúc có hậu cho một tình yêu ở tớ là quá lâu. Thế nên tớ không nói nữa, nói thành ra là để níu cô ấy lại trong khi cô ấy đã muốn đi, thì nói có ý nghĩa gì. Còn bây giờ chưa có cô dâu cho đám cưới sắp tới. Tớ đã trò chuyện với con gái, với bạn thân của tớ rằng tiêu chuẩn về người vợ của tớ về mặt hình thức là 6/10 điểm. Về tuổi tác từ 26 - 29 tuổi. Đấy, thế là tớ đã hạ tiêu chuẩn xuống ghê lắm rồi đấy chứ, tớ cũng là thằng quá biết điều đấy còn gì.

Tớ điều chỉnh như vậy là ghê quá chứ lỵ. Tớ nói thật, mẫu người phụ nữ của tớ không phải là tuýp người quá hiền lành, giản dị và mộc mạc. Tớ yêu nét cá tính, sắc sảo ở các cô gái. Tớ bị hấp dẫn bởi các cô gái hiện đại, hơn là các cô gái hiền lành nhạt nhòa khác. Bạn bè tớ bảo lấy vợ thì nên lấy các cô gái hiền lành, chịu thương chịu khó. Nhưng nói thật, ra đường nhìn các cô gái cá tính, phong cách dữ dội tớ thấy mê hơn nhiều. Có thể vì vậy mà tớ mãi vẫn chưa lấy được vợ.

Riêng về chuyện lấy vợ tớ có một ân hận lớn nhất trong cuộc đời mà không bao giờ có cơ hội để sửa lỗi đó là ân hận với mẹ. Với mẹ, tớ luôn là gã con vụng dại. Cụ thương tớ và chiều tớ như nhiều một đứa con bé bỏng. Cụ giúp tớ nuôi cháu, con gái tớ khôn lớn, và năm nào ngày cụ còn sống, về đến nhà gặp cụ là tớ lại bảo: Mẹ ơi, năm nay con nhất định cưới vợ. Có rồi! có người yêu rồi! Mẹ yên tâm nhé. Tớ nói dối cụ và còn nhờ cả bạn bè đến nhà nói dối giúp tớ. Năm nào mẹ cũng sống trong niềm hy vọng hân hoan và phấp phỏng rằng tớ sắp có vợ và mẹ sắp nhìn thấy cô con dâu bằng xương bằng thịt chứ không phải trong tưởng tượng. Cho đến khi mẹ tớ mất, cụ vẫn chưa được chứng kiến đám cưới mà con trai cụ đã hứa không biết bao nhiêu lần. Điều này tớ ân hận lắm. Khi mẹ mất, tớ khóc mãi, day dứt mãi vì đã nói dối cụ quá lâu”. (Trần Hòa Bình ơi, có thể cái chết đột ngột, sự hóa giải của số phận để rồi tới đây ở cõi âm, gặp lại mẹ, anh sẽ thực hiện được lời hứa của mẹ chăng?).--PageBreak--

Say sưa mãi về niềm tin tuyệt đối rằng mình sẽ cưới vợ trong năm 2008 này, Trần Hòa Bình chuyển qua câu chuyện về việc sẽ xây nhà mới cũng trong năm 2008. Anh nói, anh xét cho cùng thì cũng là một thằng hèn khi sống giữa lòng Thủ đô Hà Nội bao nhiêu năm, làm báo oách thế, giữ chức vụ nọ kia nhưng bản thân thì vẫn ở trong một ngôi nhà cấp 4 xập xệ. Như vậy là hèn chứ.

Đã đến lúc, anh cần có một ngôi nhà để ở. Vậy là trong năm 2007, anh hoàn tất mọi thủ tục rườm rà lằng nhằng như sổ đỏ, hộ khẩu, giấy phép xây dựng để có thể tiến hành xây cất một nếp nhà trên mảnh đất cơ quan phân cho mấy chục năm nay.

Thế nhưng hôm gặp tôi, Trần Hòa Bình cười kha kha rằng xung quanh chuyện làm nhà đẻ ra tỉ việc thật buồn cười về sổ đỏ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân…Té ra lâu nay mình tồn tại bất hợp pháp. Lo được xong giấy tờ rồi thì lại vấp phải cơn bão giá nên chưa triển khai được.

Nhưng niềm tin vào số phận đã đến lúc cho anh trở về một cuộc sống thường nhật bình yên. Anh nói rằng: Chưa bao giờ như năm 2008 này, anh bỗng dưng tự thấy phải ráo riết với nhiều dự định lớn. Sau rốt, Trần Hòa Bình nói nhiều về việc đã chán làm chị Tầm Thư trong mục gỡ rối tơ lòng của Báo Tiền Phong.

Những rắc rối của người khác trong chuyện tình cảm càng gỡ càng rối, càng cố tránh xa càng như bị ám vào số phận mình. Và cái sự không bình yên trong tâm hồn anh có lẽ đến từ những câu chuyện éo le của người đời.

Cái chết sẽ xóa sạch tất cả những gì của người chết để rồi lấy ký ức của người chết đặt vào trí nhớ của người sống, chất chứa vào đó bao nỗi ám ảnh. Tôi không thể không ám ảnh bởi tất cả những gì Trần Hòa Bình đã tâm sự cùng tôi trong cuộc trò chuyện cuối cùng ấy. Càng nhớ. Càng thương Trần Hòa Bình nhiều hơn.

Cũng như tất cả những ai là bạn bè thân thiết của Trần Hòa Bình, những người từng sống, làm việc và yêu quý Trần Hòa Bình sẽ nhớ thương anh biết bao, sẽ gìn giữ những ký ức về anh như gìn giữ những khoảnh khắc quý giá của đời mình.

Chắc chắn, Trần Hòa Bình không linh đoán trước được ngã rẽ bất ngờ của số phận mình ngày hôm nay, và ở đâu đó phía bên kia của cõi sống, Trần Hòa Bình đang vô cùng ngạc nhiên tại sao anh lại đi lạc vào một cuộc rong chơi mới không ký ức. Bao nhiêu dự định đặt ra, bao nhiêu nguyện ước chưa đạt giờ cũng chẳng còn ý nghĩa nữa khi tâm hồn của kẻ rong chơi đã lạc vào cõi không cùng.

Tôi nhớ, lần trước viết chân dung Trần Hòa Bình "Dao sắc không gọt được chuôi", Trần Hòa Bình khoái lắm. Sau khi báo ra, bạn bè anh gọi tíu tít, anh nhắn tin cho tôi những tin nhắn dài và cảm động. Anh nói, đọc bài viết của tôi, anh phát hiện ra mình đúng là một gã vô tư, vô trách nhiệm với mình thật. Sau đó nhiều trang web muốn có chân dung về anh, anh nhờ tôi chuyển file cho một số trang web trong và ngoài nước. Có trang tôi làm được, có khi tôi bận quá lại lỡ hẹn với anh.

Giờ đây, ở đâu đó phía bên kia cõi sống, có thể anh đang bận rong chơi, dửng dưng và không bao giờ còn bận tâm ai đó viết và nghĩ gì về mình. Thật ra, không có gì quá quan trọng kể cả là cái chết.

Tôi nghĩ, Trần Hòa Bình đã sống đủ để ra đi mà không hối tiếc. Sống ở trên đời có được một người nhớ mình đã là hạnh phúc, làm cho một người nhớ mình đã khó, nhưng với nhà thơ Trần Hòa Bình, sẽ rất nhiều người nhớ anh lắm, nhớ cặp kính cận dày cộp và gương mặt của một gã Đông Ky Sốt thường ngày vẫn bạt phố trên chiếc xe cũ cà tàng. Nhớ những câu thơ đánh rơi trong một chiều mùa thu rụng lá

.
.
.