Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Anh sống như anh viết

Thứ Hai, 14/01/2019, 11:47
Hoàng Trung Thông không chỉ là một nhà thơ. Ông là một người hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp.

Thậm chí có thể gọi là một “ông quan” văn nghệ với những chức trách quan trọng mà ông được giao phó: Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện trưởng Viện Văn học. 

Ở ông con người nghệ sĩ và con người quan chức không loại trừ nhau mà song hành tồn tại. Tôi trộm nghĩ, vào những năm cuối đời, kể cả trước khi rời Viện Văn học về nghỉ hưu, con người nghệ sĩ trong ông đã có phần lấn át. Hay nói đúng hơn, ông đã sống một cách thoải mái, thành thật với con người mình, cả trong thơ lẫn trong đời.

Điều đó đã được bộc lộ phần nào trong tập Mời trăng - tập thơ sau chót của đời ông và trong cả những câu chuyện mà đám bạn rượu ở Trúc viên quán thường được ông chia sẻ. 

Nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Bài Nhìn ông viết tặng họa sĩ Mai Văn Hiến là một ví dụ: "Bên kia đường một người bơm xe/ Bên này đường một người bét nhè/ Còn tôi/ Không bơm xe, vá xe/ Không say rượu/ Tôi ngẩn ngơ trông/ Dưới gốc hòe mát rượi/ Xe có thể bơm/ Rượu có thể say/ Tôi một mình nhìn và nhớ bạn/ Thấy đời mình bớt nỗi đắng cay". 

Vẫn phảng phất tâm thế của men say nhưng thật chân tình và xa xót. Bạn bè, đồng nghiệp yêu quý ông và bạn bè cũng là chỗ dựa tinh thần của ông trong mỗi bước vui buồn của cuộc đời.

Năm 1975 nhà thơ Hoàng Trung Thông về làm Viện trưởng Viện Văn học theo lời mời của giáo sư Đặng Thai Mai. Trái với tư thế nghiêm nghị, mực thước của vị Viện trưởng tiền nhiệm, nhà thơ Hoàng Trung Thông có tác phong giản dị gần gũi của một cán bộ quần chúng và sự phóng khoáng, thoải mái của người nghệ sĩ, nên các lớp cán bộ trẻ rất dễ gần. Ông ghé vào đâu, anh em có thể thoải mái nói chuyện hàng giờ với ông. 

Gặp ở ngoài đường, có thể cùng nhau tạt vào một quán nước chè, muốn bàn gì với ông cũng nhanh và tiện. Những  lúc tỉnh táo, ông nói chuyện hấp dẫn, dí dỏm với những ý kiến sâu sắc, uyên bác về văn học. 

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã nhận xét thật chính xác về ông: “Sự đọc của Hoàng Trung Thông chắc chắn kỹ lưỡng. Tuy không có cái tài hoa và cả cái bùng nổ của Xuân Diệu nhưng ở đó vẫn có cái phần phát hiện nho nhỏ mà các nhà hàn lâm không thể có. Cảm tưởng như ông từ trong văn học nhìn ra chứ không phải từ ngoài nhìn vào. Học giúp cho chất nghệ sĩ của Hoàng Trung Thông được bồi bổ. Học làm cho ông khuôn phép hơn mà cũng ngang tàng hơn”.

Đối với các tác giả văn học Việt Nam hiện đại, những bài chân dung tiểu luận của Hoàng Trung Thông mang một sắc thái riêng mà không phải nhà phê bình nào cũng có được. Hầu hết ở đó đều bộc lộ sự hòa trộn giữa khả năng phân tích nghiên cứu với sự cảm thông đồng điệu. 

Phải chăng cũng vì lẽ đó mà ông là người rất tích cực làm cầu nối thiết lập mối quan hệ giữa những người nghiên cứu phê bình với người sáng tác khi ông về làm Viện trưởng Viện Văn?

Khi viết về Nguyễn Tuân, bên cạnh những lời đánh giá nghiêm túc: “Tôi biết có lúc Nguyễn loạng choạng, nghiêng ngả. Nhưng khi anh vịn vào từng câu văn, từng trang văn, anh đứng thẳng dậy rồi anh đi, đi đàng hoàng và có lúc đi nghênh ngang nữa để cùng với những bạn văn của mình đi tới đỉnh cao của văn chương Việt Nam”, là những câu chuyện xúc động về các chuyến đi, về việc Hoàng Trung Thông đã được chứng kiến những giọt nước mắt của Nguyễn Tuân khóc thương người đào hát. 

Đấy là khi Nguyễn Tuân rủ ông tìm đến làng cũ thăm thì biết tin cô đào xưa đã mất. Đêm đó, Nguyễn Tuân vừa uống rượu vừa hát đi hát lại bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. “Lần đầu tiên tôi mới thấy Nguyễn Tuân vừa uống rượu, vừa hát, vừa khóc. Đó không phải là giọt mưa thu, mà là giọt nước mắt còn sâu đậm hơn nhiều!”.

Ngay cả với Nam Cao, người đã hy sinh rất sớm từ năm 1951, Hoàng Trung Thông cũng đã có dịp gặp gỡ một lần tại Việt Bắc. 

Và thật bất ngờ, trong hàng trăm bài viết về nhà văn hiện thực xuất sắc này của các tác giả khác nhau, chúng ta lại thấy những dòng này của nhà thơ họ Hoàng: “Nam Cao là người rất tỉnh. Nhưng có lúc Nam Cao cũng say. Ai đã từng uống rượu với Nam Cao thì mới biết hết tấm lòng của anh. Khi rượu bốc lên, anh cũng chửi văng mạng như Chí Phèo. Lúc đó, có lẽ mới thật là Nam Cao. Nhưng lúc đó, Nam Cao hóa Chí Phèo, hay Chí Phèo hóa Nam Cao?”.

Ngay khi nghe tin nhà thơ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ qua đời, ông đã đi bộ từ nhà ở phố Ngô Quyền đến 20 Lý Thái Tổ, Viện Văn học tìm tôi để chia buồn và đưa tôi đọc bài viết Nhớ thương ơi, hoa quỳnh mùa xuân, ông mới viết xong đêm trước. Ông đã có một thời gian là thủ trưởng của nhà thơ khi chị làm việc ở Báo Văn nghệ. 

Trong đó, tuy chỉ đôi nét chấm phá, ông đã nói rất trúng và rất đúng những đặc điểm tính cách và trong thơ Xuân Quỳnh. Khi có việc phong học hàm giáo sư cho các chuyên gia ở viện nghiên cứu, ông đã từ chối với lý do “Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi!”. 

Những năm cuối cùng ở Viện, ông thường say, phải chăng có một nguyên nhân sâu xa hoặc trực tiếp nào đã khiến ông phải tìm đến rượu? có nhiều điều đáng kể xung quanh chuyện ông và rượu. Có lần ông đọc cho chúng tôi nghe họ đã chế tác câu thơ nổi tiếng của ông thành: Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành... men.

Nhiều đồng nghiệp ở Viện Văn học đã được nghe ông tâm sự: Bác có thể bỏ được điều này thứ kia nhưng có 4 thứ bác không bao giờ bỏ và không sao bỏ được. Đó là Tổ quốc, là thơ, là vợ và là rượu.

Từ phải sang: Hoàng Trung Thông, Nguyễn Tuân và Nguyễn Công Hoan.

Việc uống rượu của ông cũng khiến Chế Lan Viên, một người bạn thân thiết lo ngại. Qua những bức thư có thể thấy tình cảm thắm thiết, sẻ chia giữa hai nhà thơ lớn của đất nước:

"Thông thân yêu!

Anh em viết thư vào cho biết Thông yếu, ốm khật khưỡng. Nhưng qua thư của Thông lần này thấy chữ rắn rỏi, lời rõ ràng, mạch lạc hơn trước nên cũng mừng. Sức khỏe trên hết thôi Thông ạ... Buồn nên ta phải uống rượu. Nhưng bây giờ buồn quá thì uống nỗi gì. Lý Bạch mà buồn như ta thì cũng không dám viết câu “tu hành lạc” nữa... Nhưng ta phải khỏe, không được buồn, phải tỉnh táo. Mình 68, cho già là sống đến 75 mà không già thì 70 đi. Bảy mùa hoa hay ba mùa gì nữa thì cũng phải khỏe... Bớt rượu, bớt buồn thì mới khỏe, mới tồn tại...".

(Thư quên đề ngày)

"Thông thân yêu,

...Được thư Thông, rất mừng. Từ hôm gặp Thông năm ngoái đến nay tụi mình cứ nhớ bữa rượu mà Thông và chị đãi mình và Thường trước khi đi nghỉ ở Liên Xô.

Nhưng Thông an tâm. Sức khỏe mình “về vườn” lại khá ra. Mình xách nước, hốt bèo, bón cây, nhảy xuống hố lấy phân khá thành thạo... Để cho đỡ nản, mình thi vị hóa khu vườn này đặt cho nó một cái tên hơi “cải lương La Mã diễm huyền” - “Viên tĩnh viên” mà các con gọi đùa là “viên viễn viên”.

Hoa cũng dần thưa, bướm bỏ quên

Căn vườn dân dã vốn không tên

Xanh vui chỉ có màu xanh cỏ

Ta đặt cho lòng Viên tĩnh viên.

Mong có ngày Thông vào đây, ở chơi với vợ chồng mình dăm hôm và mình cũng có tí tửu đãi Thông chứ.

...Vậy thì năm 1988 Thông lo tập hợp thơ đi, nửa năm mình viết Tựa, in, thì đầu năm 1989 có Tuyển. Mình chắc còn sống đến năm ấy... Nghĩ đâm buồn cho mình... Chả còn mấy ngày xuống mồ, lẽ ra làm từ 1986 mới phải chứ"

15-9-87

"Thông thân yêu,

Đọc thư ông, mình muốn khóc. Cả nhà cũng buồn. Không cần ông nói, cũng đoán ra là sự sống ngoài ấy khó! Trong này dầu sao cũng dễ thở hơn...

...Sáng nay dưới phố ông Giang nhắn mình viết bài về lễ truy điệu Thanh Tịnh! Cứ cái đà này còn “đi” nhiều nhiều. Nghe Bổng mổ mắt, Phồn yếu, Lư yếu, Tô Hoài yếu, Đỗ Nhuận liệt, Hanh mắt mờ, Trần Huyền Trân hoại thư, Nguyễn Minh Châu sốt lại dữ.

...Đừng lo chi cho mình. Mình ở đây khí hậu tốt, trong tháng trước có khạc ra máu nhưng lại khỏe ngay. Ở đây viết, bài báo, nói chuyện cũng có tiền, cho nên mặc dù cho thiên hạ “vô hiệu hóa”, mình và Thường vẫn lay lắt sống được. Viết được...".

20-7-88

"Thông thân yêu,

Mình vào viện kiểm tra ruột. Hóa ra huyết áp 17/10. Xoàng thôi chẳng đáng lo. Lại vì thiếu máu cơ tim. Cái ấy cũng không nguy bằng thiếu tiền. Nhưng rắc rối là tìm ra phổi có nước. Pleuresie tuy không có vi trùng. Nước đẹp xanh như nước của tình yêu ông. Màu xanh pha vàng 100cc rất đẹp, cố nhiên là đâm mũi kim vào để lấy ra. Đau lắm nhưng mình phải đóng vai anh Trỗi. Xong, lại đâm hai mũi nữa để lấy một tế bào của một cái hoặc sẹo cũ hoặc là u mới. Cuối cùng thì là u mới. Nhưng họ không nói cho mình biết đó là u gì, chỉ biết có ba quan tòa lớn hội ý, rồi cắt u. Nghĩ rằng sẽ có bao nhiêu người vui khi mình gặp tai nạn, nên mình thấy mình có ích. Nghĩ mình là người đã xong nhiệm vụ lịch sử từ lâu, thì lịch sử rút lui là điều cần. Nghĩ bệnh viện giỏi, sức đề kháng của mình cũng tốt, mọi việc giải quyết sớm nên chả có gì lo, và hẹn sẽ cùng với ông một chén rượu lúc nào đó, sang năm ở đây hay ở Hà Nội".

9-9-88

Vào cuối tháng 6/1988 trong bức thư cuối cùng gửi nhà thơ Chế Lan Viên, ông viết: “Thông định vào trong kia một chuyến và trò chuyện với Hoan nhưng không có tiền. Yếu lắm. Yếu cả về tiền bạc và thể lực. May mà viết xong được truyện thơ. Nhà xuất bản đang giục giã cố gắng để ra được vào năm 1990. Không biết mình còn sống được đến năm đó không?”.

Hoàng Trung Thông đã sống hết mình cho đời, cho thơ và cho tình yêu. Những gì ông đã làm được cho cuộc đời thật đáng kể, cho dù trong một bài thơ tặng vợ ông khiêm tốn nói rằng: Đời anh rong chơi/ Anh sống như anh viết.

PGS. TS. Lưu Khánh Thơ
.
.
.