Nhà ngoại giao xuất sắc

Thứ Hai, 07/01/2013, 15:06

Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tháng 1/1973, đồng chí Lê Đức Thọ đã được đề nghị nhận giải Nobel hòa bình năm 1973 cùng với Cố vấn An ninh Mỹ Henry Kissinger. Tuy nhiên, đồng chí đã từ chối vì ở thời điểm đó, một nền hòa bình hoàn toàn và trọn vẹn vẫn chưa tới với đất nước Việt Nam…

Khôn khéo, kiên trì

Là một nhà lãnh đạo lớn của Đảng ta, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình diễn ra cuộc đàm phán ở Paris, đồng chí càng tỏ rõ thêm những tài năng lớn của mình trong công tác ngoại giao.

Từ ngày 12/6/1968, đồng chí Lê Đức Thọ mới tham gia phiên họp công khai với danh nghĩa Cố vấn Đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và trong hơn năm năm liên tục, đồng chí đã phải đối mặt với những đại diện tinh túy nhất của nền ngoại giao Hoa Kỳ, đặc biệt là Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ Henry Kissinger. Và đúng như nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhận xét, trong quá trình đàm phán phức tạp và bề bộn đó, đồng chí Lê Đức Thọ đã “thể hiện một đặc thù của nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam: vượt qua tất cả mọi khó khăn và trở ngại, hiệp đồng hiệp lực với những mặt trận và binh chủng khác, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam, nhớ lại:

“Thông thường người ta hay nghĩ rằng, những nhà ngoại giao là những người có biệt tài, giống như những thuyết khách thời Xuân Thu - Chiến Quốc, chỉ cần uốn ba tấc lưỡi là đảo ngược được tình thế, biến nguy thành an, biến bại thành thắng, giành lấy cái mà tưởng như mình không thể nào giành được. Cũng có người nghĩ rằng, làm ngoại giao thì phải có nhiều mưu mô và thủ đoạn, biết đánh lừa kẻ địch, tạo ra tình huống giả mà như thật, thật mà như giả để buộc đối phương phải chấp nhận những gì mà mình muốn. Lê Đức Thọ không bao giờ nghĩ như vậy. Anh biết rõ Hội nghị Paris là một trận chiến quyết liệt, như keo vật không dứt giữa những đối thủ kỳ phùng. Nắm vững tinh thần Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng (khóa III) mở mặt trận ngoại giao để phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị trong nước, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm chiến thắng kẻ thù. Anh cho rằng, trên bàn đàm phán, ta không thể giành lấy cái mà trên chiến trường ta không giành được. Kết quả đàm phán trước hết phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Tài trí ngoại giao không thể thay cho thực lực, nó chỉ góp một phần, thậm chí một phần quan trọng làm tăng thêm thực lực. Cùng với Xuân Thủy, Lê Đức Thọ thường xuyên trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ những nhà đàm phán của ta ở Paris. Hai anh giữ mối liên hệ chặt chẽ với Hà Nội, trực tiếp báo cáo tình hình cuộc đàm phán, nêu lên các sáng kiến và tiếp nhận các chỉ thị của Bộ Chính trị để tiến hành đàm phán. Những nhà lãnh đạo của ta thường nói: Ta đã biết mở đầu cuộc chiến tranh, thì ta cũng sẽ biết kết thúc cuộc chiến tranh. Tại bàn thương lượng, Lê Đức Thọ cùng các nhà đàm phán của ta kiên trì giữ vững mục tiêu chung của toàn bộ cuộc đàm phán cũng như mục tiêu cụ thể của từng bước đàm phán, sáng tạo tiến hành những biện pháp đấu tranh với đối phương trong từng phương án cụ thể để phối hợp với chiến trường, và khi điều kiện đã chín muồi thì đưa ra các kiến nghị về giải pháp…”.

Cũng theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Bình, ở Paris là người lãnh đạo cao nhất của ta trong đàm phán, lại là người có bản lĩnh vững vàng, có tính quyết đoán cao, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ không bao giờ tỏ ra võ đoán: “Làm việc gì, nhất là việc đưa ra những quyết định quan trọng, Anh đều bắt đầu từ sự phân tích tỉ mỉ tình hình, rút ra những kết luận cần thiết rồi xử lý một cách linh hoạt…”.

Cố Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự nhận xét:

Trong cuộc đấu trí quyết liệt với Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ là người rất tôn trọng nguyên tắc, rất kiên nhẫn bảo vệ quan điểm của mình, thường coi trọng tin tình báo chiến lược, giúp anh thêm cơ sở để suy nghĩ, tính toán.  Anh đã ở chiến trường nhiều năm, rất nhớ địa danh các địa phương, hiểu đặc điểm một số đơn vị, thậm chí tính tình các vị chỉ huy…”.

Ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger tại Hội nghị Paris.

Quên mình vì việc nước

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân, từng công tác trong bộ phận giúp việc cho đồng chí Lê Đức Thọ trong quá trình tiến hành Hội nghị Paris, đã không thể không khâm phục một năng lực lao động xuất chúng ở nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ: “Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán đã diễn ra rất gay go quyết liệt, có lúc rất căng thẳng. Có những phiên họp kéo dài từ sáng sớm đến tối. Đặc biệt có phiên kéo dài từ 9 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Chẳng những tranh luận từng chương, từng điều của Hiệp định, mà có những lúc trao đi đổi lại từng câu, từng từ, có câu, từ tranh luận hàng tiếng đồng hồ vì câu, từ đó liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định; có câu từ phía Mỹ thỏa thuận hôm trước, phiên họp trước, nhưng hôm sau, phiên họp sau phía Mỹ lại đòi sửa đổi...

Trong thời gian đàm phán căng thẳng như vậy, anh em chúng tôi, những người phụ tá cho Anh, rất lo lắng về sức khỏe của Anh. Những phiên họp kéo dài, ngay chúng tôi cũng như thành viên đoàn Mỹ phụ tá cho ông Henry Kissinger cũng phải thỉnh thoảng thay phiên nhau ra ngoài hoặc dùng cà phê đậm, nhưng Anh thì vẫn tỉnh táo tranh luận với Henry Kissinger. Những lúc Anh nói về truyền thống chống ngoại xâm, về chính sách hòa hiếu của ông cha ta, với một giọng trầm ấm. Anh nói say sưa, đầy sức thuyết phục. Những lúc Anh lên án Mỹ ném bom, bắn phá hủy diệt thành cổ Quảng Trị, ở An Lộc… hay tội ác của Mỹ - ngụy đối với nhân dân miền Nam, giọng Anh sắc và đanh lại, như quan tòa đang vạch tội kẻ can phạm. Có lần, hình như không tự kiềm chế được, Anh vừa nói to, vừa cầm bút chì thỉnh thoảng chỉ vào Kissinger mà lên án. Còn Kissinger, hình như cũng để tự kiềm chế, đã ngậm cán bút chì ngang miệng, mở to đôi mắt mà nghe. Tôi còn nhớ, trước khi nghỉ ăn trưa tại chỗ hôm đó, Kissinger đã nói một câu: “Hiện  giờ ông Cố vấn đàm phán với tôi thì ông nói như mắng tôi, sau này kết thúc đàm phán, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình rồi thì ông mắng ai?”. Anh Thọ cười rồi nghiêm nét mặt, đáp lại: “Xin ngài chớ quá nặng lời, lúc trình bày với ngài, tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân mà thôi”.

Có nhiều lần, nhất là sau khi Nixon đi Bắc Kinh và Moskva, Kissinger thường tỏ thái độ khiêu khích, mới vào họp đã hỏi ngay anh Lê Đức Thọ: “Ngài Cố vấn qua Bắc Kinh, Moskva, chắc đã được nghe bạn của ngài thông báo về ý kiến của chúng tôi trong đợt đàm phán này”. Không chần chừ, anh Thọ  trả lời: “Chúng tôi chiến đấu chống quân đội các ông trên chiến trường, cũng chính chúng tôi đàm phán với các ông trên bàn hội nghị. Bạn chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi, nhưng không làm thay chúng tôi”.  Có lần Kissinger giở trò đe dọa là nếu phía ta không chịu sửa đổi một số điều trong dự thảo Hiệp định, thì Mỹ không thể tiếp tục chấm dứt ném bom miền Bắc và rút quân khỏi miền Nam được. Anh Thọ trả lời: “Đàm phán đạt kết quả phải do thiện chí của cả hai bên. Nay nếu các ông muốn tiếp tục chiến tranh, thì chúng tôi không có cách nào khác là sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng để giành thắng lợi”…

Thực sự là phong thái của đồng chí Lê Đức Thọ trên bàn đàm phán đã khiến cho ngay cả một nhân vật cứng cựa như Kissinger cũng phải vì nể. Trong hồi ký Những năm tháng trong Nhà Trắng, xuất bản năm 1979, Kissinger đã mô tả về con người đã là đối thủ chính của ông ta trong các cuộc đàm phán ở Paris như sau:

“Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán xám hoặc ma rông, đôi mắt to và sáng, ít khi để lộ sự cuồng tín đã thúc đẩy ông hồi mười sáu tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp. Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết mình muốn gì và phục vụ lý tưởng một cách tận tụy và khéo léo. Lê Đức Thọ tiếp tôi với một sự lễ phép có khoảng cách của một con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như sự hạ cố”.

Cũng theo lời nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Xuân, ở Paris, trong thời gian đàm phán khẩn trương và căng thẳng như vậy, đồng chí Lê Đức Thọ rất ít ngủ nhưng vẫn duy trì được khả năng làm việc gần như siêu phàm của mình:  “Anh đi nghỉ vào khoảng tám, chín giờ tối, nhưng đến một, hai giờ sáng, Anh đã dậy, phòng Anh sáng đèn. Anh đi đi lại lại rồi ngồi vào bàn làm việc. Thông cảm với giờ giấc của Anh, chúng tôi cũng tranh thủ ngủ sớm và sẵn sàng làm việc về khuya lúc Anh cần. Thường thì chúng tôi chuẩn bị điện báo cáo về nước về phiên họp vừa qua, dự kiến những điểm xin chỉ thị Bộ Chính trị, chuẩn bị nội dung và phương án cho các phiên họp tiếp theo. Sau đó chúng tôi vào phòng mật, trao đổi ý kiến lần cuối và chờ Anh. Những buổi làm việc trong phòng kín như vậy, Anh không ngồi được lâu (Anh không chịu được điều hòa không khí; độ nửa tiếng chúng tôi phải tắt điều hòa, mở cửa sổ để Anh dễ thở, sau đó mới đóng cửa, mở điều hòa và tiếp tục làm việc.

Những lúc chúng tôi tỏ vẻ nôn nóng khi đàm phán giậm chân tại chỗ, Anh thân mật bảo chúng tôi: “Các cậu phải nhớ lời Bác Hồ, phải đúng thời cơ như kỹ thuật nấu cơm, sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy”. Anh cũng thường lấy lời Bác Hồ để nhắc nhở chúng tôi: “Các cậu vẽ ra bao nhiêu phương án cũng được, càng nhiều phương án càng tốt tốt nhưng phải nhớ lời Bác “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến là Mỹ phải rút quân, còn quân miền Bắc thì vẫn tiếp tục ở miền Nam”.

Nhà báo lão thành Hà Đăng, người cũng từng được công tác bên cạnh đồng chí Lê Đức Thọ ở Paris, nhớ lại:

“Khác với Bộ trưởng Xuân Thủy, nhà ngoại giao biệt tài, là người rất say mê đánh cờ tướng, Anh Lê Đức Thọ hay nói về đánh cờ, nhưng tôi ít thấy Anh cầm quân bao giờ. Nước cờ mà Anh nói đúng là nước cờ chính trị… Trong đời thường, anh Lê Đức Thọ thường có hai thái cực:  hay nổi nóng mà cũng hay cười nói xởi lởi. Trước khuyết điểm của bất cứ ai, Anh đều nói thẳng, phê phán gay gắt, không rào đón gì. Nhưng cần khen ai, Anh nói đúng mức nhưng cũng ngắn gọn…”

Đinh Thế Cường
.
.
.