Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Viết tiếp cổ tích tình yêu

Chủ Nhật, 05/04/2009, 16:01
Hoàng hôn nhập nhoạng hè đường. Những bậc cầu thang xưa, cũ kỹ rêu phong của một góc Hà Nội cũ. Họ lọ mọ chở nhau về trên chiếc xe máy rậm rịch. Ông đeo kính trắng gọng to, gương mặt thanh tú và đầy góc cạnh ánh lên những nét vui trẻ thơ. Còn trên tay chị lỉnh kỉnh những khung tranh. Trông họ đúng là một "cổ tích tình yêu".

1. Khi chị về tới nhà thì hoàng hôn đã phủ bóng tối xuống thành phố. Mặc kệ, dẫu muộn ông vẫn nhất định đợi, chỉ là với chị thôi, ông muốn rồng rắn với chị ra phố, chở chị đi đến phố Nguyễn Thái Học lựa chọn cùng ông vài cái khung tranh để ông treo lên tường những bức tranh, ảnh mà ông thích.

Ông vừa được cậu bạn trẻ - họa sỹ Hà Bắc - tặng cho một bức chân dung ký họa mà ông ưng ý lắm. Thế là dứt khoát đợi "nàng" về để rủ đi mua khung tranh và về treo bằng được ngay buổi tối hôm nay. Dứt khoát phải là hôm nay chứ không phải là hôm khác. Bởi qua đi một ngày, có thể mọi xúc cảm của ngày hôm qua đã không còn bóng dáng trong ngày hôm nay. Bởi cuộc sống thoáng vụt đến và vụt đi, nếu không nắm giữ lấy dù là một khoảnh khắc nhỏ nhoi nhất những điều mình muốn, những cảm giác mình thích thú, hay là những vị lạ của cuộc sống, khoảnh khắc đó sẽ trôi đi, không tìm lại được.

Căn gác họ ở nhỏ lắm, chỉ độ 20m2 thôi nhưng cũng lắm ngóc ngách và nhiều bất ngờ như ở căn nhà vườn mà Trịnh Thanh Nhã vẫn tự hào gọi là: "Ngóc ngách và bí hiểm như địa đạo Củ Chi" ở bên kia Bát Tràng, trên bờ kênh Bắc Hưng Hải. Chị vẫn nói hài hước rằng chị có số ở nhà nhiều ngóc ngách, nhiều nét "chấm phá bất ngờ" trong kiến trúc giữa phòng này và phòng kia.

Cả căn nhà giản dị trong khuôn viên gần 400m2 bên bờ kênh Bắc Hưng Hải lẫn 20m2 gác 2 ở Nguyễn Biểu đều có những ngách nhỏ bất ngờ như nhau. Nhưng nếu khu nhà vườn cho chị cảm giác ở ẩn rất dễ chịu, thì căn gác nhỏ này lại cho chị cái cảm giác thân thuộc của phố cổ Hà Nội. Cái ẩm ướt rêu phong, cái chật chội hơi người ở nơi đông đúc nhất Hà Nội luôn nhắc chị nhớ lại tuổi ấu thơ. Bởi chị vốn sinh ra và lớn lên ở phố Ngõ Trạm - một trong 36 phố phường của Hà Nội xưa.

Dòng họ ngoại, đến chị đã là thế hệ thứ chín sinh ra lớn lên trên đất Hà Nội. Trong cái vẻ ngoài ạt ào mạnh mẽ thừa kế từ dòng máu người cha ở quê biển Nam Định, ẩn chứa một tâm hồn đàn bà hoài cổ. Những tiếng rao đêm vọng vào ký ức chật chội những kỷ niệm.

Chị nhớ nhất tiếng rao "lốc bểu, lốc bểu đâ... ây". Lốc bểu là một thứ cháo bột lọc nấu khéo có chế thêm chút nước dùng ngầy ngậy mùi hành chưng của người Tàu, trẻ con rất thích. Bao nhiêu năm lớn lên rồi xa Ngõ Trạm, tiếng rao ấy vẫn còn nhớ, nhưng món ăn xưa thì nay không còn nữa. Vì Hà Nội khác xưa lắm rồi, cả người lẫn cảnh. Đôi khi, muốn tìm lại cảm giác êm đềm của một Hà Nội xưa cũ, chị lại rủ ông đi dạo thong thả trong đêm vắng.

Với chị, Hà Nội thường chỉ thật Hà Nội khi đã vào đêm khuya. Chị bảo, chị nhớ Hà Nội ngay cả khi đang đi giữa lòng thành phố, và đôi khi không nín được, chị gửi gắm nỗi nhớ kỳ quặc ấy vào một vài chi tiết nhỏ trong những kịch bản phim mà chị đã làm ra, nhưng không thể nhớ chính xác số lượng cũng như tên của chúng.

Nhưng có lẽ đậm đặc và làm chị tương đối hài lòng hơn cả chính là những chi tiết rất Hà Nội, những chân dung rất Hà Nội mà chị đã gửi gắm trong "Chuyện cổ tích cho tuổi 17", kịch bản phim truyện nhựa đầu tay, cũng là kịch bản đã mang lại cho chị giải Biên kịch xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Quốc gia lần thứ 8 (1988).

2. Trịnh Thanh Nhã thường nói chị không phải là người thành đạt, mà chỉ là một người "được việc" thôi. Chị cũng không thừa nhận trong mình có niềm đam mê đặc biệt nào, trừ tình yêu với… "cổ tích".

Năm 1983 - sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị lại trúng tuyển vào Khoa Điện ảnh Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, chuyên ngành biên kịch. Kịch bản đầu tay của chị, cũng chính là tác phẩm tốt nghiệp, mang tên "Chuyện cổ tích cho tuổi 17".

Với cách nói luôn nhuốm vẻ bỡn cợt nhẹ nhàng, chị bảo chính là khi chị viết xong "chuyện cổ tích" đó thì cũng là lúc chị nhận ra mình đã lớn lên rất nhiều. Chị nhận ra một cách rõ rệt hơn chị là ai, con đường chị sẽ đi là đâu, và cái đích chị bước tới sẽ là gì… thay vì cái cảm giác mơ mơ hồ hồ khi chị mới lạc bước vào "vườn điện ảnh".

Nhưng số phận đưa đẩy đã khiến chị thành người sáng tác, và chị quyết làm hết sức mình để có thể mưu sinh bằng nghề. Nói thì dễ vậy, nhưng với bước đầu tiên vào nghề ấy, chị đã không dưới một lần phải rơi nước mắt.

Người biên tập đầu tiên của chị, không ai khác, chính là nhà văn - nhà biên kịch Lê Phương, người đàn ông mà bây giờ chị không muốn rời xa dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Lúc đó, và cả mãi sau này, ông là người thầy khó tính, khắt khe và luôn đòi hỏi chị làm việc tốt hơn, tốt hơn nữa. Chị thấy ớn. Thậm chí đã muốn bỏ cuộc. Nhưng… đã là số phận thì chẳng thể nào chống lại. Lần lượt những kịch bản khác ra đời, góp phần không nhỏ vào những thành công của những bộ phim khai thác kịch bản của chị.

Cùng với ông, chị là một trong số ít biên kịch "mở trận" cho phim truyền hình nhiều tập vào những năm 90 của thế kỷ trước mà Đài Truyền hình Hà Nội chính là đơn vị khởi động. Chị cũng là một trong những biên kịch chuyên nghiệp đầu tiên đã cống hiến cho chương trình "Văn nghệ chủ nhật" những kịch bản tâm huyết, mở màn cho năm sản xuất phim đầu tiên 1994 của Trung tâm Nghe nhìn (nay là Trung tâm sản xuất phim truyền hình của VTV). --PageBreak--

Với sáng tác, "mảnh ghép" chân dung chị thật đa dạng, đa sắc. Những đề tài không giới hạn: Nông thôn với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ), nông thôn dưới thời đô thị hóa (Ngã ba thời gian), kinh tế thương mại (Con nhện xanh), rồi công nghiệp hóa, hướng nghiệp, giáo dục, thậm chí cả câu chuyện nhỏ hết sức cảm động về nỗi "thèm mẹ" của hai đứa trẻ mồ côi dễ thương (Mã số thần kỳ)…

Tất cả đều có thể trở thành những câu chuyện đầy ắp hơi thở cuộc sống trong kịch bản của chính chị hoặc do chị tổ chức và biên tập. Nhưng có lẽ nỗi niềm hoài cổ chưa bao giờ phai mờ trong chị, nên chị vẫn đau đáu với khát vọng về một phim trường đủ sức chuyển tải những dự án phim lịch sử mà chị đang ấp ủ. Và thực tế là lúc này, chị đang theo đuổi một dự án đầy hứng thú: Một bộ kịch bản dài tập khai thác tinh thần văn chương Tự Lực Văn Đoàn.

Bây giờ, chân dung của chị - mà chị luôn tin rằng nó được tạo nên bởi chính bàn tay gọt giũa nghiêm khắc và đầy trí tuệ của ông - có thể phác ra bằng ba mảng ghép khác biệt mà liên kết nhau chặt chẽ. Từ vai trò của người sáng tác với hàng trăm đầu phim (nhựa và truyền hình), chị đã bước sang lĩnh vực của một nhà giáo - niềm mơ ước mà chị chưa bao giờ nguôi quên từ trong tiềm thức.

Nếu trong sáng tác, chị luôn mải miết đi tìm hứng thú trong những đề tài khó, thì trong vai trò cô giáo, chị luôn mong muốn được như người truyền lửa, mang lại niềm đam mê cũng như thái độ trọng thị cao nhất đối với nghề cho lớp lớp học trò đã thụ giáo chị. Chính bởi nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn đó (mà ông luôn là người tiếp lửa) mà những giờ lên lớp của chị thường có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với học trò.

Những sinh viên biên kịch do chị dẫn dắt thường "bị" đẩy rất nhanh vào cường độ học tập và sáng tác cao, với nguyên tắc "dao càng mài càng sắc". Sự nghiêm khắc đi cùng với nhiệt tình của chị trong giảng dạy, dường như được mặc định ngay từ khi ông "chạm" vào chị, với tư cách một người thầy, và một đồng nghiệp chân thành.

Và mảnh ghép thứ ba, đó là đôi khi khán giả truyền hình thấy chị xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, trong vai trò khách mời của một chương trình nào đó liên quan đến điện ảnh. Lúc đó - theo cách nói của chị - thì chị đang là "người đối thoại". Những đối thoại của chị thường bộc lộ một tính cách mạnh, thẳng thắn và một tri thức sắc sảo khiến khán giả chú ý.

Đằng sau tất cả những "miếng ghép" ấy là một chân dung đàn bà đích thực, với những hứng thú bếp núc rất cổ điển, với niềm yêu thương đủ sức liên kết mọi cá thể trong một đại gia đình rộng lớn mà ông mãi mãi là một trụ cột tinh thần không thể thay thế.

3. Trịnh Thanh Nhã không cho rằng chị đã tự làm rắc rối cuộc đời yên lành của chị, cũng không có cảm giác mình đã qua giông bão hay những cung bậc khắc nghiệt của cuộc sống mặc dù dưới góc nhìn thông thường của thế tục, chị đã trải qua tất cả. Chị là người cực đoan và rạch ròi trong tình cảm. Những gì chị lựa chọn, thì chỉ duy nhất thứ đó tồn tại trong thế giới của chị.

Chị bằng lòng và yêu thương trân trọng những gì mình có. Chị có một đại gia đình lớn, những đứa con yêu thương của ông, giờ là của chị nữa, và cả những đứa con chị nuôi nấng chăm bẵm từ tấm lòng nhiều yêu thương, nhiều trắc ẩn của một người phụ nữ. Tất cả là một đại gia đình rộng lớn và ấm áp, là nơi cho chị nương tựa những lúc mỏi mệt, những lúc lòng chợt se lại vì cảm giác cô đơn…Trong gia đình lớn ấy, hạnh phúc của chị, của mọi người được viết bằng mấy từ: Độ lượng, yêu thương và chia sẻ.

Cái tên Trịnh Thanh Nhã đã được biết đến trong giới điện ảnh từ khi chị viết kịch bản "Chuyện cổ tích cho tuổi 17". Giờ đây, càng được biết đến nhiều hơn qua những công việc chị làm, qua những gì mà chị bồi đắp cho các thế hệ học sinh, sinh viên, các nhà biên kịch trẻ.

Trịnh Thanh Nhã không thích nói nhiều về mình, càng không thích nói về tình yêu hay hạnh phúc mà chị đã có - dù đó chính là hạnh phúc mà chị mong muốn và đã có được. Chị không phải là người phụ nữ có thể dễ dàng hé lộ hạnh phúc cho ai đó biết. Âm thầm như một cây xương rồng xanh đơm những nụ hoa bỏng rát trên cát, chị lặng lẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích tình yêu cho chính cuộc đời mình. Một cổ tích mà chưa bao giờ chị muốn công bố nó

.
.
.