Nhà báo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Thao thức nhìn trăng

Thứ Hai, 17/11/2014, 12:25

Những đêm trăng đậu trên tán dừa nhiệt đới, ánh bàng bạc trải một vùng mênh mông theo mái chèo nhịp khua sóng nước, nghe tiếng ai nỉ non sáu câu vọng cổ, tôi lại chợt nhớ đến nao lòng tiếng hát Hương Lan: “Về phương Nam lắng nghe cung đàn/ Thao thức vọng dưới trăng mơ màng…” (Điệu buồn phương Nam). Phương Nam là quê hương thứ hai của người nhạc sĩ già, là nơi để bước chân ông tung tẩy mà trót nặng lòng với vầng trăng. Trăng vỡ, con cá tưởng mồi vội vã đớp, ông ôm đàn gảy lên điệu buồn…

1. Những nhạc phẩm của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đều man mác điệu buồn. Nói như ông: “Cả trăm ca khúc là cả trăm nỗi buồn. Không nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào”. Nó đẹp như đêm trăng và cũng cô liêu như đêm trăng. Trăng gắn với ông như người bạn tri kỷ, đời đời, kiếp kiếp có nhau.

Có giai thoại rằng ngày còn là anh giáo ở Bạc Liêu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thầm thương trộm nhớ một cô gái mang tên của vầng trăng. Người đoán nàng tên là Nguyệt Cầm, kẻ bảo nàng là Hằng Nga, Ánh Nguyệt… Hai người yêu nhau, mối tình đầy thi vị trong cái nắm tay ấm áp mỗi lúc họ ngồi ngắm trăng tỏ vằng vặc bên sông. Mỗi khi thương nhớ người yêu, ông vẫn thường ngắm ánh trăng để nghe tương tư vương ngọt không gian như mái tóc ướp hương của nàng. Rồi dòng đời đưa đẩy, ông xa Bạc Liêu. Ngày trở về, người xưa xa cách biền biệt. Ông đi tìm. Vô tình gặp lại đôi mắt trong veo đêm rằm, nhưng người xưa đã rũ bỏ mọi tháng ngày hoa mộng cũ. Cam phận, ông lang thang tìm lại người con gái của cung Hằng trong tiếng đàn  thê thiết.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bảo rằng ông yêu trăng vì trăng đẹp và cô đơn như cõi hồn ông. Còn chuyện với cô gái tên Nguyệt Cầm hay Hằng Nga gì đó thì chỉ là nhân gian thêu dệt. Cái lẽ để họ thêu dệt cũng phải, bởi hầu hết những nhạc phẩm của Vũ Đức Sao Biển đều ngập tràn ánh trăng với một nỗi buồn thăm thẳm, luyến tiếc xa xôi. Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ (Thu, hát cho người); Long lanh con sông dài/ Về đây tiếc một vầng trăng… (Tiếng cuốc đêm trăng); Dưới trăng dòng sông trôi rất dịu dàng/ Như dải lụa vàng xuôi về phương đông/ Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/ Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm (…). Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng người/ Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương/ Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng (Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang)…

Mười tám tuổi, Vũ Đức Sao Biển xuôi về phương Nam cũng bởi lòng lỡ yêu câu hát “Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long/ Nước chảy con thuyền xuôi dòng/ Hòa những tiếng hò ấm lòng”. Ông đi theo giấc mộng giang hồ trong trái tim mình, giấc mộng đi tìm vầng trăng phương Nam huyễn hoặc trong giọng hò ngọt lịm của cô gái mảnh đất chín rồng.

Tốt nghiệp cử nhân Triết học Đông phương (Đại học Văn khoa) và Việt - Hán (Đại học Sư phạm Sài Gòn), ông chọn về dạy ở Bạc Liêu, quê hương của đờn ca tài tử. Từ đó, Bạc Liêu chở che cho đời ông như bà mẹ hiền thứ hai. Trong tạp bút Mẹ phương Nam, ông nhớ lại: “Ngày 23/10/1970, tôi đến cái thị xã Bạc Liêu nhỏ bé khi những chiếc xe đang ngủ sầu trên bến, những con đò bỗng nhớ một dòng sông và cơn mưa chưa khô nước trên mặt đường. Bữa cơm đầu tiên diễn ra trong tiệm ăn Sừng Ký ngoài chợ. Không người thân thích, không một ai quen biết, tôi vẫn lãng mạn đi tìm một chỗ trọ. Lúc này thì “gia tài” của tôi có khá hơn: Một chiếc vali hai chứng chỉ tốt nghiệp đại học, hai cây đàn. Tôi xách hành trang đi qua cây cầu gỗ hẹp và cũ. Trời lại mưa. Tôi đứng nép vào mái hiên của một ngôi nhà cổ khá lớn với hy vọng mong manh chờ cơn mưa tạnh, có thể kiếm ra một chỗ nào đó treo bảng cho ở trọ. Bỗng nhiên, cánh cửa lớn của căn nhà mở ra. Một bà cụ mặc bộ đồ bà ba, dáng cao cao, khuôn mặt phúc hậu hiện ra: “Con vào trong nhà nấp mưa đi”. Tôi dạ một tiếng và bước qua ngạch cửa. “Mầy đi đâu mà mưa vầy còn đi” - bà bác hỏi. “Thưa bác, con kiếm chỗ trọ để ngày mai vào trường nhận nhiệm sở”. “Trường nào đó con?”. “Thưa bác, Trường Trung học công lập Bạc Liêu”. “Chèng ơi, tội nghiệp dữ hông? Mầy mới bây lớn đây mà đã được đưa về trường đó. Quê mầy ở đâu?”. “Thưa bác, quê con ở Quảng Nam”. “Vậy nữa. Thôi con vào trong này, coi nhà bác ở được không thì bác cho mầy một phòng, hổng tiền bạc gì hết”. Bác giải thích: “Nhà này hổng có con trai, chỉ có bác với bà vú ở. Buổi chiều, đứa con trai của bà vú mới về, nhưng nó ở đàng sau. Thu xếp đồ đạc rồi đi tắm đi con”. Tôi đi xa mẹ bốn năm, nghe tiếng nói dịu dàng từ một bà mẹ phương Nam đôn hậu, rộng lòng, mới hỏi mấy câu đã xem tôi là con, lòng cảm động muốn ứa nước mắt. Tên của bác là bác Châu Hà”.

Biết thầy giáo đàn giỏi hát hay nên các em học sinh cứ tranh thủ những lúc rỗi rãi lại đến nhà bác Châu Hà giặt đồ, dọn dẹp giúp thầy để nghe thầy hát. Hễ địa phương có chương trình văn hóa, văn nghệ nào là các em lại rủ thầy đi. Cũng bởi nhờ những lần như thế mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của Dạ cổ hoài lang. Để từ đó, ông mê mải “xề u xế u liu phạn”, bỏ công nghiên cứu bản nhạc bất hủ này và cho ra đời các nhạc phẩm chịu ảnh hưởng của Dạ cổ hoài lang. Nghĩa nặng tình thâm với Bạc Liêu là thế nên người ta cứ ngỡ Vũ Đức Sao Biển là dân Nam Bộ chính gốc khi nghe các bài ca về Bạc Liêu nói riêng và miền Nam nói chung của ông như: Điệu buồn Phương Nam, Đau xót Lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu, Tiếng cuốc đêm trăng...

2. Hai hình ảnh mà Vũ Đức Sao Biển yêu nhất có lẽ là ánh trăng và đồi sim. Nếu ánh trăng là nơi gieo vầng sáng cho những nhạc phẩm về phương Nam ngọt lành phù sa thì đồi sim lại gợi nhớ về Quảng Nam quê hương ông với mối tình lãng mạn tím màu thủy chung.

Thu, hát cho người là nhạc phẩm đầu tiên và để đời khi đưa tên tuổi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đến gần với công chúng. Năm 1968, nhạc sĩ tròn đôi mươi. Ông về lại đồi sim, ôm đàn nhìn xuống con sông Thu uốn quanh. Màu hoa tím buồn ngập triền đồi, con sông lặng lờ trôi, một mối tình vô vọng... Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ… Giai thoại về chuyện tình trong Thu, hát cho người hẳn nhiều người đã biết. Với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thì: “Đó là nhạc phẩm tôi viết cho mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông. Thu ở đây là mùa thu, là dòng sông Thu. Nhưng cũng có thể hiểu đó là tên người con gái mà tôi gieo mối tình đơn phương thuở còn là cậu học trò Trường Trung học Tiểu La, Thăng Bình”.

Giải thích về nỗi buồn man mác trong các bài hát của mình, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bảo rằng có lẽ tại ông luôn sáng tác khi cảm xúc lắng lại, tĩnh sâu như vầng trăng đơn độc trên trời cao. Chỉ còn mình đối diện với chính mình, nhìn xao động của mùa trôi qua kẽ tay mới thấy mình cô đơn đến mức nào. Bé thơ, giấc ngủ của ông đã ám ảnh nỗi buồn thân phận, thương cho phận đời, phận người, yêu trìu mến đất Quảng với nỗi đau lam lũ, cơ cực. Chiều cuối năm 1964, trận lũ cuồng nộ kéo đến làng. “Tôi bất lực nhìn nước lên nhanh, thấm ướt cả cái kệ cao để mấy chục bao ximăng, chụp lên cả vựa muối. Cha mẹ tôi được xuồng chở ra khỏi nhà lúc 7 giờ tối. Tôi và đứa em út mới mười hai tuổi đưa con chó lên gác. Đêm tối mịt mùng. Ngồi trong nhà, tôi lắng tai nghe trong mưa gió mùa đông tiếng nước lũ ầm ầm chảy, tiếng những người bị nạn kêu cứu. Và tôi thấy hết cái bĩ cực của đời người. Trước thiên nhiên hung bạo và vô tri, số phận con người mỏng như sợi tơ, có thể đứt bất cứ lúc nào không biết” – ông kể.

Đã hơn một năm nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển không còn làm giảng viên thỉnh giảng môn “Tạp văn và Tiểu phẩm” của khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh nữa. Xa bục giảng, ông đâu đành đoạn. Thương đám sinh viên tinh nghịch, đi học lúc nào cũng vòi thầy hát. Học hễ mệt là sinh viên lại được nghe thầy hóm hỉnh, hoạt kê với đủ chuyện cười ra nước mắt, phân tích cái hay của truyện chưởng Kim Dung bằng tài năng của một “nhà Kim Dung học”. Rồi cao hứng thầy hát, trò hát. Ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11, nhận 1.000 con sao biển gấp bằng tay và lời tâm tình của cô học trò nhỏ, ông trào nước mắt. Có lần nhận được bài báo viết về mình do sinh viên tình cờ bắt gặp trên mạng rồi in ra, ông cứ lẩm bẩm một mình như ông già lẩn thẩn: “Đứa nào viết vậy cà? Phải về tìm để cám ơn nó cái”.

Ngưỡng thất thập đã như ngọn đèn trước gió, trở trời lại cảm mạo, phong hàn. Sau hai cơn tai biến mấy năm trước, sức ông lại càng yếu hơn. Hai chân đứng được một lúc là tê nhức, mỏi nhừ. Ngày chia tay viên phấn, tấm bảng quen thuộc, ông nén nỗi buồn trong ánh nhìn xa xăm để mỉm cười chia tay đám sinh viên lao nhao chụp hình kỉ niệm. Xa giảng đường, ông vẫn theo dõi từng học trò, nghe chuyện thế sự. Ở tuổi này, mỗi năm ông vẫn viết 25 bài trào phúng, tiểu phẩm trên báo Tuổi Trẻ Cười, 52 bài cho Thanh Niên tuần san chưa kể các báo khác. Gia tài của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có hơn 40 đầu sách và hơn 200 ca khúc. Nói thế để biết sức làm việc bền bỉ và gia tài của ông đồ sộ đến mức nào.

Khung nhạc của ông vẫn đều đều giai điệu mới. Các bài hát sáng tác mới đây như Rung lên Lục lạc vàng, nhạc phim Cha rơi… đã khoát lên sắc màu tươi vui hơn. Hỏi ông, nghe giọng cười khàn pha lẫn tiếng ho: “Càng cuối đời, tôi lại càng thấy cuộc sống vui tươi, đáng yêu lắm. Vậy nên ca khúc bớt buồn thương. Nhưng có lẽ, người ta nhớ đến tôi vẫn là nhớ đến những khúc ca buồn…”.

Ngày ngày ông chăm cái cây con cá, đêm đêm thưởng trà ngắm trăng, lại ôm cung đàn mà nhả tiếng tơ. Một vầng trăng giữa đô thị phương Nam, nhạt nhòa bởi ánh điện, khuất lấp sau tòa nhà cao tầng sừng sững. Chợt ông dậy lên nỗi sợ mơ hồ: Biết bao giờ mới trở lại Bạc Liêu tìm vầng trăng cũ?

Mai Quỳnh Nga
.
.
.