Nhà Việt Nam học danh tiếng Marian Tkachep: Tôi yêu Việt Nam!

Thứ Tư, 23/09/2009, 16:05
... Tết năm 1990, bên bàn tiệc đón Xuân xa quê được thiết kế nhờ tài bếp núc của Thuỳ Linh, Phan Thanh Thuỷ, Nguyễn Đình Chiến - những học sinh của Trường Đào tạo "viết văn" mang tên M. Gorki, tôi được ngồi bên hai "cao thủ" chuyên nghiên cứu và dịch các sách văn chương của Việt Nam ra tiếng Nga: Giáo sư N.Nhikulin và nhà văn Marian Tkachep.

Bởi khách quý là hai đại chuyên gia về tiếng Việt nên Trần Đăng Khoa rất hoạt trong cung cách giới thiệu và trò chuyện bằng vốn tiếng Việt sắc sảo của mình. Nếu khép cửa lại, bữa tiệc đón Xuân trong căn phòng của Trần Đăng Khoa dường như có cảm giác không khác gì với mọi bữa tiệc quê nhà vào ngày đón Tết. Cũng bánh chưng, giò lụa. Cũng hành muối, đa nem, nộm su hào...

Và cả mứt nữa, đặt bên, dành cho tráng miệng. Lưng lửng vách tường, đĩa ngũ quả ngự trên ban thờ như bức tranh tĩnh vật bên lơ thơ khói nhang thơm ngát. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nhikulin với vẻ thâm trầm của bậc túc nho, thong thả nhấm nháp từng kỷ niệm Tết Việt Nam. Cạn ly Lúa mới, nhà văn Marian như chợt bừng tỉnh, vuốt vội mái tóc đã muối tiêu, dõng dạc đứng lên "lấn chiếm" diễn đàn.

- Nghe đây này ! Ăn Tết Việt Nam sướng nhất là được ngồi hầu rượu Nguyễn Tuân. Tôi đã cùng cụ Nguyễn nửa đêm đi dạo một vòng quanh Hồ Gươm, rồi kéo nhau về 65 Nguyễn Du uống rượu. Tết năm nào ấy nhỉ? À cái Tết 67, 68 thần kỳ ấy. Cái năm Mậu Thân Việt Nam tổng tấn công ấy mà... chà lâu quá rồi. Chả trách mình sắp tròn 60 rồi còn gì...! Ấy thế nhưng cái vị của góc bánh chưng tại Hội Nhà văn Việt Nam và ly rượu Nguyễn mừng tuổi mọi người đêm ấy còn phảng phất đến tận bây giờ. Tuyệt lắm! Tuyệt lắm!...

Giáo sư Nhikulin hóm hỉnh:

- Thì bây giờ chúng ta nâng ly chúc mừng năm mới, chúc mừng lần thứ en-nờ Marian kể chuyện ăn Tết với Nguyễn Tuân, với Hà Nội...

Căn phòng trở nên chật chội bởi tiếng cười nói vui vẻ của tình thầy trò, tình bạn bè vong niên giữa hai bậc cao nhân khả kính và lũ người non dạ bọn tôi. Nhân danh học trò và chủ xị đón Xuân, Trần Đăng Khoa nghiêm giọng:

- Nhân dịp năm mới, chúng em xin kính chúc hai thầy mạnh khoẻ và có nhiều công trình, dịch phẩm của văn học Việt Nam giới thiệu với bạn đọc Nga. Nhân đây cũng xin lỗi nhà văn Marian Tkachep vì hàng ngày chúng em chỉ gọi cộc lốc có mỗi một chữ Marian. Lẽ ra, phải nghiêm cẩn mà thưa cho đủ cụm từ họ tên: Marian Tkachep Nikôlaevich mới phải đạo!

Marian Tkachep phẩy tay, chen vào:

- Không cần thiết. Gọi đầy đủ là trang trọng đấy. Là lễ nghĩa đấy. Nhưng khó gần nhau lắm. Với bậc kỳ tài Nguyễn Tuân, mình chỉ gọi là cụ Nguyễn thôi mà. Các cụ Hà Nội bảo được, là được. Ở đây, hai cụ Moskva cũng bảo gọi Marian thôi cũng được. Bây giờ hãy nghe tôi kể về Nguyễn Tuân...!

Và thế là, nói như Trần Đăng Khoa, cả bữa tiệc Xuân đầy ắp ký ức về Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân của bản dịch "Vang bóng một thời" sang tiếng Nga, Nguyễn Tuân của "Sông Đà", Nguyễn Tuân được Bác Hồ nhắc đến nhân dịp Người mời cơm Marian tại Phủ Chủ tịch... Rồi chợt, Marian yêu quý của chúng tôi bỗng dưng bưng mặt khóc:

- Vậy mà cụ Nguyễn lại bỏ chúng ta mà đi rồi. Cụ Nguyên Hồng cũng bỏ chúng ta mà đi rồi... Chao ôi, sao tôi buồn thế. Sắp tới có dịp sang Việt Nam, tôi còn biết ôm rượu đến ngồi uống với ai? Buồn lắm, các bạn trẻ tài năng của tôi ơi!...Mà này, khi nào có ai trong số đây về Hà Nội, báo cho tôi biết nhé. Tôi có mấy chai rượu ngon lắm. Để tôi gửi biếu cho cụ Nguyễn một chai. Nhớ nhé! Nhớ đấy nhé!...

Cả lũ chúng tôi lặng đi trong tâm thế bồi hồi, xúc động. Chúng tôi dìu tiễn hai bậc đại nhân Marian và Nhikulin ra về, chân bước liêu xiêu mà tiếng nói cười như vẫn trong không khí đầy ắp và lâng lâng ký ức về Nguyễn Tuân.

Bẵng đi khá lâu, phải đến cuối thu năm 1994, tôi mới được gặp lại Marian Tkachep. Hồi ấy tôi là cộng tác viên khoa học của Trung tâm Việt Nam học của Học viện Á Phi, trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU), tọa lạc tại phố Makhovskaya - sát cạnh điện Kremli.

Bước vào căn phòng nhỏ vốn còn tuềnh toàng của văn phòng Trung tâm, tôi chợt sững người. Trong kia, Marian đang ngất ngư cái đầu hói bóng, nhúm tóc bạc như bị hất dồn ra phía gáy, giọng sảng khoái, đam mê với hai sinh viên người Nga. Tôi đứng trộm nghe. Marian dường như đang độc thoại.

Ông giảng bài mà cứ như một nghệ sĩ độc thoại. Mà cái sự độc thoại của ông lại là tiếng Việt, những câu chuyện bằng tiếng Việt về những kỷ niệm của ông với Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Hai nữ sinh người Nga, trình độ tiếng Việt năm thứ 5 (năm cuối cấp sinh viên ngành Việt Nam học) đang mê đắm ngồi nghe. Chợt nhìn thấy tôi, Marian ồ lên và thân mật vẫy tay:

- Vào đây ông bạn trẻ. Vào đây nghe chuyện Nguyễn Tuân cùng các bạn sinh viên Nga cho vui.

Rồi chợt giọng ông chùng xuống. Gương mặt ông thoáng chốc như già đi mấy tuổi. Vẻ linh hoạt và hóm hỉnh từ ánh mắt và khoé miệng ông như biến đi đâu mất. Tôi và hai bạn sinh viên nhìn nhau hoảng sợ, chẳng hiểu mô tê ra làm sao!

- Tôi vừa đi Việt Nam về. Chuyến đi có một tuần cùng lãnh đạo Bộ Văn hoá Nga. Việt Nam với tôi chuyến này sao buồn thế. Vắng Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân nên tôi chẳng thiết gì. Tôi vác rượu ra Văn Điển tìm Nguyễn để cùng uống và đau lòng lắm. Các bạn có biết không, hôm ấy tôi để mình Nguyễn uống rượu, tôi "tưới" rượu cho Nguyễn Tuân.

Còn tôi ấy à, tôi uống bằng nước mắt của chính mình. Đến cái sinh nhật của tôi mà tôi còn quên nữa là! Dịp này, cái hôm vào Sài Gòn, không có Đoàn Minh Tuấn và Nguyễn Quang Sáng đứng ra tổ chức và chúc tụng tôi, thì làm sao mà nhớ được. Cụ Nguyễn làm tôi lú lẫn mất rồi. Buồn lắm, tôi buồn và cô đơn lắm. Thôi, các bạn ở lại làm việc với ai đó. Marian về đây!

Chúng tôi lặng người nhìn dáng đi có phần tiều tụy của ông. Rồi tôi chợt ngớ ra như chính mình là kẻ có lỗi của những phút giây gặp mặt này…--PageBreak--

Đã có lần, Tiến sĩ Sử học Vladimiar Antochensko - Phó giám đốc Trung tâm Việt Nam học ở Moskva, bảo tôi: "Ngồi nói chuyện với Marian Tkachep thì có mà suốt ngày không hết. Mà kể cũng lạ. Chỉ có xoay quanh Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài mà ngày nào cũng có chuyện mới. Mình chưa thấy có những cặp nhà văn nào lại mê nhau đến vậy. Kỳ diệu thật!".

Những năm làm cộng tác viên khoa học rồi lại trực tiếp giảng dạy chuyên đề cho sinh viên năm thứ năm, Khoa Ngữ Văn người Nga, tôi đã được kiểm chứng điều thần kỳ mà anh bạn Vladmir của tôi từng nói. Và thật thú vị, dịp "kiểm chứng" với tôi lại được diễn ra tại chính căn hộ của nhà văn Marian Tkachep.

Ngôi nhà số 8 cao 9 tầng của đường phố Trenhiakovskaya nằm cách ga tàu điện ngầm Aeroport chừng gần cây số. Chọn ngày 25/12/2001, tôi cùng Phó giám đốc Trung tâm Việt Nam học Vladimir Antochensko và nhà thơ Châu Hồng Thuỷ hẹn gặp nhau 14 giờ chiều tại đầu căn nhà số 8 ấy, để kéo nhau đến thăm và đón Tết sớm với Marian Tkachep.

Bọn tôi chuẩn bị một vài món ăn Tết của Việt Nam, như bánh chưng, giò lụa, nem rán và cả phồng tôm Hà Nội mang theo. Chỉ còn thiếu một thứ Marian Tkachep rất thích mà dịp Tết Tây này chúng tôi chưa kiếm ra: Lúa mới! Marian hôm qua nhận điện mà không quên nhắc: Rượu đón Tết là cứ phải cái anh Lúa mới. Uống để nhớ Việt Nam, nhớ Nguyễn Tuân!

Căn hộ số 32 tọa lạc ngay trên tầng 3. Chúng tôi leo lên đã thấy cánh cửa sát cạnh cầu thang đang khép hờ. Bên nút bấm chuông kẹp sẵn tờ giấy ghi bằng tiếng Việt: Chuông hỏng, xin mời cứ vào! Cứ tưởng Marian bận viết lách, không ngờ ông đang ngồi ở phòng khách, quần áo chỉnh tề đợi đón chúng tôi. Từ ngoài cầu thang đi vào căn hộ ba buồng của nhà văn sáng lên lộng lẫy. Ngay tại phòng khách, một tủ kính to vật, đầy ắp những kỷ vật Marian mang từ Việt Nam về sau không biết bao nhiêu chặng đường vất vả từ Đồng Đăng đến đất mũi Cà Mau.

- Các bạn biết không, đối với tôi khổ nhất là chuyển nhà. Đấy, chỉ nhìn cái tủ này thôi, nếu phải chuyển đi thì có biết bao phiền toái. Marian tươi cười và niềm nở kéo chúng tôi xúm lại chiêm ngưỡng tủ kỷ vật của ông. Quả thật chiếc tủ dẫu đã to, rộng chiếm một phần căn phòng khách khá thông thoáng này, mà khi nhìn vào sự bày biện bên trong, vẫn cảm thấy như chật chội. Thấy chúng tôi thích thú và hút mắt vào các kỷ vật, Marian như cũng chìm đắm vào những kỷ niệm của ký ức xa xôi…

Ngăn dưới cùng là kỷ niệm lần đầu tiên đến Hà Nội. Năm nào nhỉ. À, năm 1962, khi ấy tôi mới 28 tuổi đầu, đang được coi là nhà văn trẻ. Viên gạch rực sắc son to kia là của cụ Phan Kế An tặng, trên bề mặt có khắc dòng chữ Càn hoa ngũ niên tạo - tức là được sản xuất ra vào năm thứ năm đời Càn Hoa, niên hiệu của Lý Thánh Tông. Hình như cụ An mang nó về từ thành cổ Thăng Long thì phải.

Còn đây là tượng Phật bằng đồng do Nguyễn Tuân tặng năm 1968. Cụ Nguyễn bảo: Bức tượng này vốn dĩ được tạo tác ở Tây Tạng, Trung Quốc từ thế kỷ XIV, khi "lưu lạc" sang Việt Nam, tượng được các nghệ nhân Việt hoàn thiện thêm vào mỗi bên năm cánh tay nhỏ xinh để tượng trưng cho Phật Bà Quan âm, một quan niệm dường như chỉ có ở Đông Nam Á.

Chúng tôi vui mắt trước hàng trăm con rối, chú Tễu được sắp đặt rất khéo léo bên cạnh những nậm rượu, ấm trà, tách chén của nhiều đời từ Lý, Trần, Lê đến sau này. Marian bảo: Toàn đồ của cụ Nguyễn đấy. Chẳng thể nhớ hết xuất xứ của những thứ này đâu.

Mỗi nhóm kỷ vật kia, khi được Nguyễn Tuân tặng, cụ thường giới thiệu rất cụ thể, ví như vì sao nó có, được làm ở đâu, thời gian nào, mang ý nghĩa gì... Rồi ông thốt lên: Trời ơi, nhiều chuyện lắm. Cụ Nguyễn am tường và nói cho nghe hết cả. Vậy mà tôi không sao nhớ được. Trí óc tôi có lẽ hỏng hết rồi...! Mà thôi, năm mới sắp đến. Ngồi uống rượu đã. Để tôi mang rượu cho các bạn!

Cả ba anh em như sực tỉnh. Châu Hồng Thuỷ kéo đĩa, thái giò. Tôi vào bếp đảo lại nem rán để nhắm với rượu cho ngon. Rẽ vào căn bếp của nhà văn, tôi càng thấy lạ lẫm. Marian  vào theo, nhìn tôi cười:

- Bất ngờ lắm hả? Toàn đồ mang về từ Việt Nam đấy. Đũa cả, đũa con đều bằng tre được vót nhẵn thín của chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Đũa dừa của Bến Tre. Bát đĩa ăn cơm của Bát Tràng. Thìa đá ngọc từ Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng. Rồi những chai lọ để đựng muối, xì dầu, ớt khô... đều là của làng quê Việt Nam, nơi Marian đã từng đi qua và điền dã từ những năm bom đạn ác liệt thời chống Mỹ. Rồi lại làn mây, đĩa tre các loại kích cỡ được mang về từ các vùng quê Việt Nam sau ngày giải phóng.

Nhìn vào đám nước mắm cá cơm Phú Quốc, mắm tôm, cà muối... chưa kịp hỏi gì, Marian đã vỗ vai tôi giải thích: Toàn những thứ mua từ quầy hàng khô của người Việt ở Moskva đấy. Mình ăn mắm cá, mắm tôm được tuốt. Vắt chanh tươi vào, thêm mấy lát ớt cay, khuấy lên ăn với cơm gạo tám thì tuyệt. Ngon lắm! Nguyễn Tuân huấn luyện tôi ăn cơm tám giò chả, ăn phở và lại còn ăn bánh đúc chấm mắm tôm nữa chứ. Mà sao ở Moskva, người Việt không làm bánh đúc nhỉ? Món ăn lạ lắm. Nấu như nấu súp đặc mà lại phải cho nước vôi vào là thế nào? Rồi lại đổ ra lá chuối tươi,...Chà chà, ngon, nhưng ở Nga không thể làm được!

Mải mê ngắm nhìn kỷ vật và mải mê chuyện bếp núc, đến khi bày biện đồ ăn lên bàn và chuẩn bị nâng ly, chúng tôi chợt nhận ra sự vô ý của mình. Tôi vụng về xin lỗi Marian:

- Mong ông tha lỗi, khi nào thì bà nhà ta về nhỉ? Có lẽ phải để phần đồ ăn lại chứ ạ?

Marian xua tay và lắc lắc mái đầu lơ thơ tóc bạc:

- Xin cảm ơn! Mà nói thế nào nhỉ - như người Việt ấy mà? À, nhà tôi hôm nay đi làm. Bà ấy là bác sĩ. Chỉ có duy nhất một người là Nguyễn Tuân đến chơi thì bà ấy mới nghỉ. Bà ấy vừa yêu quý vừa kính trọng Nguyễn Tuân và rất mê nghe cụ Nguyễn Tuân nói chuyện bằng tiếng Pháp.

Nhà văn chợt hạ giọng: Xin tiết lộ nhé! Bà này là vợ hai của tôi đấy. Chẳng hiểu sao cụ Nguyễn lại không hợp với bà vợ cả của tôi! Khổ thế! Cũng chẳng biết sao, sau có mấy tháng là tôi ly dị. Bà này lấy tôi là do công lao "tai ách" của Nguyễn Tuân đấy. Mà nào, nâng ly mừng năm mới đi chứ!

Bốn thầy trò cụng ly mừng năm mới. Marian lại đề nghị trước khi thưởng thức giò lụa, nem rán hãy cạn ly nữa để nhớ Nguyễn Tuân, nhớ đến Nguyên Hồng...

TS Bùi Quang Thanh
.
.
.