Người vợ khổ ải của Tổng thống Mỹ Lincoln

Thứ Bảy, 25/09/2010, 10:10
Trong một nơi yên tĩnh tại thành phố nhỏ Batavia gần Chicago, ta có thể thấy một ngôi nhà cổ với hàng rào đá xám và những cái cửa sổ lớn. Biệt thự này thuộc sở hữu của tổ chức công quản Bellevue Place  nhưng ít cư dân nào ở đó biết được về số phận bất thường của nơi họ cư trú.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, đây là viện dưỡng bệnh tư dành cho những phụ nữ giàu có bị mắc chứng thần kinh. Khác với các bệnh viện tâm thần truyền thống, biệt thự ở Batavia có một lịch sinh hoạt tương đối thoáng. Các nữ bệnh nhân được ở trong những căn hộ riêng, có thể tự do vào thành phố khi có việc cần và được cùng ăn tối với gia đình bác sĩ Richard Patterson.

Kỷ luật bắt buộc đối với họ chỉ là chấp nhận chế độ chữa bệnh của bác sĩ, uống thuốc và  ngủ đêm tại biệt thự… Góa phụ của vị Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln, bà Mary, từng ở đây trong một thời gian.

Đời tư của Tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865) đã được các nhà sử học "cầy nát", nhưng vẫn còn những chỗ trống và một số chi tiết chưa hoàn toàn sáng rõ. Một trong những điểm đó là việc vì sao mà năm 1875, bà Mary lại phải vào chữa bệnh thần kinh trong viện dưỡng bệnh này ở bang Illinois? Đã từng có những thông tin gián tiếp: một số nhà nghiên cứu cho rằng chính người con trai Robert đã đưa mẹ mình vào đây.

Thế nhưng,  trong một thời gian dài không ai tìm ra được vật chứng (tài liệu) nào chứng nhận cho việc này. Phải tới 135 năm sau những vật chứng này mới xuất hiện. Lại ở nơi bất ngờ nhất - tại thành phố Louisville thuộc bang Kentucky. Thế nhưng, nói cho cùng, địa điểm này cũng không bất ngờ lắm vì cả Abraham Lincoln lẫn vợ ông đều sinh ra ở bang Kentucky.

Cảnh Tống thống Lincoln bị ám sát tại nhà hát.

Tháng 6 vừa qua, một cư dân của thành phố Louisville là bà Dorothy Daniels đã cho ban đấu giá một tập tài liệu từng thuộc về bà Mary Lincoln. Bà Dorothy Daniels là chắt của bác sĩ Patterson, người chủ cũ của viện dưỡng bệnh Bellevue. Hành trình của tập tài liệu này khá li kỳ.

Góa phụ của Tổng thống Lincoln ở trong viện dưỡng bệnh có vài tháng. Xem ra, tại đây không thể còn lại giấy tờ gì liên quan tới bà. Thế nhưng, năm 1933, cháu gái của bác sĩ đã phát hiện ra dưới tầng hầm một tập tài liệu của Mary Lincoln, được buộc bằng một dải ruy băng từ hơn 60 năm trước. Vì những lý do nào đó không rõ, những tài liệu này đã không được công khai hóa và chỉ được truyền lại trong gia đình bác sĩ Patterson từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chủ nhân cuối cùng của tập tài liệu là bà Dorothy Daniels, từ lâu đã chuyển tới Louisville sống theo chồng. Chính bà Dorothy Daniels đã mang bán đấu giá tập tài liệu của góa phụ Tổng thống Lincoln. Có lẽ bà làm việc này không phải vì lý do tài chính vì vốn dĩ gia cảnh của bà rất sung túc.

Tập tài liệu của góa phụ Tổng thống Lincoln khá đa dạng và lộn xộn. Trong đó không hiểu vì sao bên cạnh những thư từ riêng của bà Mary lại có cả những giấy tờ chính thức mà lẽ ra bà không được giữ, kể cả đơn của con trai bà xin được chữa bệnh bắt buộc cho mẹ mình, lệnh bắt bà đưa tới bệnh viện, quyết định của tòa án về việc đưa phu nhân Lincoln tới viện dưỡng bệnh Bellevue, các dữ liệu y tế về tính chất căn bệnh và những loại thuốc phải uống…

Có lẽ bà Mary đã để quên các thư từ riêng của mình ở lại viện dưỡng lão, sau đó, những người làm việc ở đây đã ghép số thư từ đó với các giấy tờ công vụ liên quan tới bà rồi buộc lại bằng một dải ruy băng và mang xuống để dưới tầng hầm.

Việc phu nhân Tổng thống Lincoln có triệu chứng mắc bệnh thần kinh từng được các nhà nghiên cứu lịch sử nước Mỹ biết từ lâu nhưng họ vẫn hoài nghi về việc, liệu bà có thực sự mắc bệnh thần kinh hay không. Tập tài liệu vừa được mang bán đấu giá đã cho câu trả lời là có, cũng như đã chỉ ra người khởi sự việc chữa bệnh bắt buộc cho bà là người con trai Robert.

Các tài liệu lịch sử để lại cho thấy, cuộc hôn nhân giữa ông Abraham Lincoln và bà Mary Todd còn lâu mới đáng được gọi là vì duyên số. Ông Lincoln, như lời người mẹ kế của ông kể lại, từ nhỏ vốn đã nhát gái và vì thế, lớn lên, ông đã lảng tránh chuyện lập gia đình trong suốt một thời gian dài, dù cũng đã phải lòng không chỉ một thiếu nữ.

Ngay cả khi đã biết và có tình cảm với cô con gái Mary của Thống đốc ngân hàng Robert Smith Todd trong một dạ hội năm 1839 tại nhà chị gái của cô ở Springfield, Lincoln vẫn lưỡng lự rất lâu. Thậm chí sau khi hai người đã đính hôn năm 1840, Lincoln vẫn không chỉ một lần trì hoãn tiến hành hôn lễ.

Thực ra, nếu  nhìn từ bên ngoài để so sánh "cán cân lực lượng" thì cô dâu có vẻ như có ưu thế hơn hẳn chú rể. Mary Todd  lớn lên trong cảnh nhung lụa, được học hành ở những trường danh giá nên nói rất thạo tiếng Pháp, hiểu biết khá sâu sắc về âm nhạc và khiêu vũ.

Mặc dù vóc dáng hơi mập nhưng cô con gái ngài thống đốc ở thời thanh nữ của mình vẫn hấp dẫn và được nhiều người xung quanh yêu quý nhờ trí thông minh và tính tình sống động của mình. Còn Lincoln vốn ngoại hình khắc khổ, vóc dáng lêu nghêu (ông  cao tới hơn 2m), lại xuất thân từ một gia đình nghèo. Bản tính của ông lại rất đa cảm, hay xúc động, dễ thay đổi... Mãi tới tuổi 33, ngày 4/11/1842, Lincoln mới tổ chức đám cưới với Mary Todd kém mình ngót 10 tuổi. Và cuộc hôn nhân này đã không mang lại cho ông niềm hạnh phúc cần mong đợi, dù hai người đã có với nhau bốn cậu con trai…

Ba trong số bốn người con trai đó đã mất sớm: người con thứ hai, Edward, sinh năm 1846, mất năm 1850, khi cha cậu còn chưa là Tổng thống; người con trai thứ ba, William, sinh năm 1850, mất năm 1862, là người con trai duy nhất của Tổng thống Mỹ mất trong Nhà Trắng; người con trai út, Tad, sinh năm 1853, mất năm 1871, là một đứa trẻ bị sứt môi và nói ngọng… Chỉ có người con trai đầu Robert, sinh năm 1843, là tương đối thành đạt. Ông Robert từng làm nghề luật sư, viên chức ngoại giao, thương gia. Ông mất năm 1926…

Mary Todd hồi nhỏ cũng có những lúc tỏ ra tâm thần bất ổn và hay có những cử chỉ nóng nảy. Lấy chồng rồi, sau khoảng thời gian trăng mật, bà Mary dưới những áp lực nặng nề của cuộc sống xã hội, lại "ngựa quen đường cũ" và ngày càng tỏ ra mình là một phụ nữ khó tính, thiển cận, đồng bóng…

Thậm chí có nhiều lúc bà như mắc bệnh hoang tưởng và ghen tuông với tất cả mọi người ở xung quanh ông Lincoln. Điều này đặc biệt gây khó chịu cho ông Lincoln khi ông trở thành Tổng thống. Đối với đại đa số các chính khách, gia đình luôn luôn phải là tổ ấm, là nơi trú ẩn để họ về "dưỡng sức", "chữa lành lại những vết thương thời cuộc".

Với một người vợ như bà Mary, Tổng thống Lincoln ở "hậu phương" cũng căng thẳng như ở ngoài "chiến trường". Thay vì vỗ về an vủi và động viên chồng, bà Mary đã có khoái cảm nhục mạ chồng ở giữa đám đông. Ngay cả trong những buổi tiếp tân chính thức, Mary Lincoln có thể công khai giễu cợt vóc dáng vụng về của chồng, chỉ ra thành lời những khiếm khuyết về ngoại hình và trong cách ăn nói của ông, cư xử một cách thô bạo và thậm chí hất cả cà phê vào mặt chồng…

Những duyên dáng từ thời thanh nữ thượng lưu đã ngày càng lặn mất tăm trong người thiếu phụ Mary. Trở thành đệ nhất phu nhân, bà Mary trong con mắt xã hội chỉ là một phụ nữ đứng tuổi có vẻ mặt cáu bẳn, ăn vận và cư xử thiếu tinh tế, hay có những hành vi bất thường…

Có lúc đệ nhất phu nhân bỗng dưng cảm thấy mình như một nữ hoàng nhưng có lúc bà cũng không ngại nhận của đút lót. Có vẻ như bà vẫn chưa ý thức được rằng chồng bà là Tổng thống, là nguyên thủ quốc gia. Bà hoàn toàn không đếm xỉa gì tới phép tắc lễ nghi và vẫn cư xử thô bạo với ông.

Không thể nói là Lincoln quá yêu vợ nhưng vốn được giáo dục trong những quy tắc nghiêm ngắn của hội Quakers, ông can trường gánh cây thánh giá hôn nhân tiền định theo đúng những lời nguyền trước chúa khi tiến hành hôn lễ. Con đường đau khổ của ông trong cuộc sống gia đình chỉ kết thúc nhờ viên đạn ám sát ông của tay nghệ sĩ thần kinh 27 tuổi John Wilker Booth ngày 14/4/1865.

Sau khi chồng chết, bà Mary trở về Chicago để sống gần hơn với người con trai cả Robert. Do bận bịu công việc nên Robert cũng không săn sóc được mẹ mình chu đáo. Tính tình bà Mary lại càng trở nên khó chịu hơn. Cái chết của cậu con trai út Tad lại càng làm cho tâm trí cựu đệ nhất phu nhân trở nên bấn loạn hơn.

Và bà bắt đầu thực sự mắc bệnh hoang tưởng nặng, thường xuyên vui buồn cáu giận vô cớ và lúc nào cũng tưởng như có kẻ chuẩn bị đầu độc hoặc ăn trộm của mình. Đi đâu bà cũng thủ tiền ở trong váy. Có lúc bà còn mang theo trong váy lót tới  57 nghìn USD, một khoản tiền khổng lồ so với thời ấy. Đã mấy lần bà định nhảy ra ngoài cửa sổ vì tưởng là đang có đám cháy…

Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mẹ mình, ông Robert Lincoln đã không chỉ một lần khuyên bà đi chữa bệnh nhưng bà đã dứt khoát khước từ. Cuối cùng, ông phải thông qua tòa án để buộc bà tới viện dưỡng bệnh Bellevue. Các bác sĩ đã khám cho bà và ghi vào bệnh án: Mất trí.

Tuy nhiên, cựu đệ nhất phu nhân đã không chịu chấp nhận cảnh ở trong nhà thương điên, dù dưới dạng rất nhẹ nhàng, như thế. Những nhân vật có thế lực từng sát cánh bên chồng bà trước kia đã lên tiếng ủng hộ bà. Và thế là chỉ sau một thời gian ngắn ở trong viện dưỡng bệnh Bellevue, bà Mary đã được đưa ra dưới sự bảo trợ và chăm sóc của người chị gái ở Springfield.

Sau đó, bà đi du lịch ở châu Âu bốn năm, cương quyết từ chối không gặp mặt người con trai cả và cũng là duy nhất còn lại. Bà chỉ viết thư cho con để trách móc và mắng mỏ. Và buộc tội con trai muốn mẹ chết đi để chiếm hữu tài sản (?!). Chỉ một năm trước khi chết, bà Mary mới gặp lại con trai mình một lần duy nhất.

Lúc này này ông Robert Lincoln đang là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh trong nội các của Tổng thống James Garfield (ông cũng vẫn tiếp tục giữ cương vị này trong nội các của vị Tổng thống tiếp theo là Chester Arthur). Một số nguồn tin cho biết, hai mẹ con dường như đã làm lành với nhau khi đó. Ngày 16/7/1882, bà Mary Lincoln qua đời tại Springfield

Hoàng Long
.
.
.