Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Xẩm Hà Thành… 36 phố phường

Thứ Sáu, 20/02/2015, 13:10
Nghiệp xẩm chưa bao giờ mang lại nguồn kinh tế, cũng chẳng có Mạnh Thường Quân nào bạo tay tài trợ loại hình độc đáo nhưng có nguy cơ thất truyền này, vậy là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tự bỏ tiền túi thành lập nhóm xẩm Hà Thành đi biểu diễn khắp nơi.

Khăn mỏ quạ, áo yếm hồng cánh sen, áo tứ thân nâu sồng giản dị, người phụ nữ tay kéo nhị, cất lên giọng hát với những cung bậc trầm bổng ngân nga thiết tha tựa hồ nghe như gió reo, mưa rơi, thác đổ, lúc từ từ dịu nhẹ như chiếc lá rơi xuống đậu trên nền đất.

Cứ thế, làn điệu xẩm hiện hữu ở không gian âm nhạc Nhà hát Lớn trong những ngày cuối năm do nhóm xẩm Hà Thành trình diễn mà lại lôi kéo người ta trở về với miền quê yên ả, thanh bình. Nơi đó có ao chuôm với tiếng ếch nhái râm ran, đồng ruộng bát ngát cánh cò, có gốc đa xù xì vững chãi, và giếng nước trong vắt, đình làng mái ngói rêu phong cổ kính, vẻ đẹp  không gian đặc trưng của làng quê Bắc Bộ.

Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ hiếm hoi của bộ môn nghệ thuật hát xẩm, cô học trò nhỏ của nghệ nhân Hà Thị Cầu - báu vật sống của nhân gian trước khi giã từ cõi thế đã kịp buông lời nhận xét với cánh truyền thông về học trò chân truyền của mình: “Con bé này được đấy”, rồi quay sang nói với cô trò nhỏ: “Việc hát này ai nói gì mặc ai, khen hay chê cũng kệ. Con nên bỏ ngoài tai, việc của con là hát, chỉ có như vậy con mới mãi trọn vẹn với nghề này như bà, con nhé”. Đoạn tư liệu ngắn ngủi này đã được lưu lại làm tư liệu về bộ môn nghệ thuật xẩm.

Nếu như các bộ môn nghệ thuật âm nhạc dân tộc khác có nhiều đệ tử chân truyền thì bộ môn nghệ thuật hát xẩm lại vô cùng vắng vẻ. Cứ như thể là một gian nhà nhỏ heo hút trong khu vườn rộng lớn. Chuyện về nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa ví như cô bé trong câu chuyện cổ tích.

Bà Hà Thị Cầu hay còn gọi âu yếm bằng tên bu Cầu đi đến gần cuối của con đường mới được người ta nhìn nhận và coi như viên ngọc sáng, một báu vật âm nhạc sống của bộ môn nghệ thuật hát xẩm, nhưng những ngày cuối đời cũng chỉ lủi thủi trong ngôi nhà tuềnh toàng xung quanh là những giấy khen treo kín 4 bức tường.

Bà cô đơn trong không gian sống, hằng ngày thỉnh thoảng lại nhấc cây đàn nhị nhấn nhá rung rinh cất giọng đặc trưng có một không hai của làn điệu xẩm. Rồi, bỗng dưng ở đâu xuất hiện cô gái trẻ, da trắng, tóc mây, má tròn hây hây nhẹ nhàng đến bên cất tiếng gọi dịu dàng, êm ái: “Bu Cầu”. Bà Cầu mặt hằn lên những nếp nhăn ngang dọc của dấu vết thời gian tròm trèm hàng thế kỉ, đủ no buồn, vui sướng với các cung bậc thăng trầm lịch sử ngơ ngác nhìn cô gái trẻ như thể hoa hồng xanh lạc lối. 

Cô gái nõn nà, mơn mởn ngồi xuống chiếu dỡ tay nải, cầm đàn nhị ra kéo, lại cất tiếng hát ngân nga. Bà Cầu nhìn cô gái trẻ, bất giác đưa đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc ra cấu vào má phúng phính, bầu bĩnh, béo vào đôi đùi non đang xếp chân khoanh tròn trên chiếu. Cô gái kêu á lên một tiếng rồi rúc vào người bà Cầu hít hà như đứa trẻ thèm sữa mẹ. Chuyện về bu Cầu ai mà chả biết thân phận bà ra sao?! Chuyện về cô gái trẻ, chưa hẳn nhiều người biết.

Sinh năm 1976. Năm cô lên 8 tuổi, cha mẹ cô bảo phải cho con bé này học nghệ thuật để nhà bớt một khẩu phần ăn, lại được chế độ tem phiếu, đường sữa, mắm muối thời bao cấp. Hôm sau, cha cô đã dẫn cô đến Trường Trung cấp nghệ thuật Hà Nội học lớp đàn nhị. Sau khi kiểm tra tay, thầy giáo gật gù. Con bé này trông cũng hay hay. Lớp học một thầy một trò. Thầy một đàn, trò một đàn.

Tuổi nhỏ ai chẳng muốn chơi, nhưng âm nhạc là một nghệ thuật phải khổ công luyện tập. Thế là cứ kẽo kẹt, dần dà. Ngày, tháng, năm… đến khi kéo thành giai điệu thì cô bé cũng thấy thinh thích. Dáng vẻ mảnh khảnh, khuôn mặt bầu bĩnh, ngày nào đi học cô bé cũng khoác đàn trên vai từ nhà đến trường. Ngôi nhà trong khu tập thể, vừa bước ra tới sân là những ánh mắt hằn lên, chỉ trỏ, bọn trẻ trêu chọc chạy theo cô bé: “Cái con chơi đàn đám ma kia kìa. Ném nó đi. Đồ dở hơi”.

Trong suy nghĩ của nhiều người, tiếng đàn nhị phù hợp với đám hiếu, sao nhà ông bà này lại để đứa bé 8 tuổi đi học đàn ấy. Đúng là gở. Rồi, cả khu tập thể, khi bọn trẻ cùng nhau chơi trốn tìm, ném ống bơ, bịt mắt bắt dê… Cô lại gần, đám trẻ giãn ra, chúng bảo: “Con chơi đàn đám ma, cút ra chỗ khác, ở đây không ai chơi với mày đâu”. Rồi chúng nhìn cô như vật thể lạ, như thể cô từ cánh rừng nào lạc đến đây, không cùng thế giới với chúng. Rồi cô mơ về xứ sở  thần tiên. Cô lạc vào một khu vườn ngan ngát hương hoa có rất nhiều người bạn nhỏ. Cô chạy cùng với những người bạn trong khu vườn đậm đặc hương thơm náo nhiệt ấy. Khi cô đang miên man nghĩ thì một đứa đã kịp giễu cô những câu nói sỗ sàng băm bổ đã kéo cô bé về thực tại.

Cô lùi dần trở lên căn phòng quen thuộc của mình, lủi thủi nhìn qua ô cửa sổ rồi lại ôm cây đàn ra tập miệt mài. Tiếng đàn của cô bé ngân lên, tâm hồn trẻ thơ bồng bềnh theo tiếng nhạc vi vu mơ màng tưởng tượng. Bỗng dưng một giọng nói sắc lạnh vang lên, đâm vào không gian chói tai: “Đừng có réo rắt nữa. Đời chưa đủ buồn hay sao mà còn lôi âm nhạc ra để khóc”. Từ hôm đó, mỗi lần tập đàn là cô lại cố gắng làm sao để tiếng đàn không lọt ra ngoài, không bay sang nhà hàng xóm. Cô sợ cảm giác mỗi khi đánh đàn là tiếng hàng xóm phản ứng. Như thể cô là một cô quỷ nhỏ.

Những năm tháng học trò cũng đã qua, năm 1994, 17 tuổi cô tiểu quỷ bước vào tuổi thiếu nữ, giã từ Trường Trung cấp nghệ thuật Hà Nội vào giảng đường Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Trong khi chúng bạn trong trường học lớp violon, piano, ghi ta… thì cô vào lớp nhạc cụ dân tộc.

Là con gái, lại học âm nhạc dân tộc thì bố mẹ đều hướng cho con học đàn tranh, đàn tì bà, đàn bầu chứ có ai học lớp đàn nhị. Cô thiếu nữ vào lớp đàn nhị, giữa cái nhìn tò mò của chúng bạn. Ở đây cô cũng không dễ dàng để kết thân cùng với ai. Sau này, một người bạn thân duy nhất trong trường học lớp âm nhạc phương Tây là nhạc sĩ Giáng Son. Đôi bạn gái, một sinh viên âm nhạc phương Tây, một sinh viên âm nhạc dân tộc, họ tìm đến nhau, trò chuyện và xóa tan đi trong cô bé sự lạc lõng, bơ vơ vì không có ai hiểu mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô vào làm ở Viện nghiên cứu âm nhạc (Nhạc viện Hà Nội). Công việc hằng ngày là tra cứu nghe băng đĩa nhạc dân tộc. Một lần nghe được tiếng hát của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, lại chính mắt nhìn thấy băng ghi hình bà Cầu với cây đàn nhị quen thuộc. Bà Cầu tay chơi đàn, miệng nhả câu nhả chữ. Cô gái ấy mơ mộng rồi học hát theo. Cô lần về quê bu Cầu, ở nhà bu hàng tuần liền. Kể từ ngày đó, cứ rỗi là cô lại bắt xe khách về với bu Cầu để mong học được ngón nghề của bu.

Năm 2005, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng với những nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam, thầy giáo, NSND Thao Giang, NSƯT Văn Ti, nhạc sĩ Quang Long, Khương Cường cùng một số nghệ sĩ trẻ khác đã trải chiếu xẩm vào tối thứ bảy hằng tuần trước cửa chợ Đồng Xuân.
Trong màn đêm buông xuống,  chiếu xẩm được trải ra, những nghệ sĩ biểu diễn mà chẳng nơi nào trả thù lao cho một cắc. Họ biểu diễn vì niềm yêu tha thiết với bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Có những người khách tuần nào đến giờ nhóm xẩm biểu diễn cũng đến xem, nhưng yêu thế, thích thế thi thoảng họ mới bỏ vào khay đựng tiền 5000 đồng hay 10000 nghìn đồng bạc lẻ. Nghệ sĩ cũng chẳng vì thế mà bớt nồng nhiệt hơn. Chỉ cần có khách, chỉ cần có người đến xem là người nghệ sĩ lại trải lòng, rút ruột ra say sưa ngân nga tiếng hát.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (ngoài cùng bên trái) cùng các nghệ sĩ biểu diễn một làn điệu xẩm.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa bồi hồi nhớ lại cách đây chục năm, khi đi xin chính quyền địa điểm để biểu diễn, nhiều người chưa hiểu, họ tưởng hát xẩm là đi ăn xin. Trải chiếu trước cửa chợ, hát rồi người ta thả tiền lẻ vào khay, chẳng phải hát ăn xin thì là gì? Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa lại phải giải thích, rồi xem chừng ra khó quá, cô cầm cây đàn nhị của mình vừa kéo đàn vừa hát cho người ta nghe. Lại còn có nghệ sĩ tên tuổi khác trong dòng nhạc dân tộc ra biểu diễn, người ta đóng dấu đỏ đồng ý. Thế là chiếu xẩm được trải ra…

Đến tận bây giờ, làm công tác biên tập viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cũng chưa nguôi đam mê hát xẩm. Nghiệp xẩm chưa bao giờ mang lại nguồn kinh tế, cũng chẳng có Mạnh Thường Quân nào bạo tay tài trợ loại hình độc đáo nhưng có nguy cơ thất truyền này, vậy là cô tự bỏ tiền túi thành lập nhóm xẩm Hà Thành đi biểu diễn khắp nơi. Cứ lấy tiền từ nghề khác để nuôi xẩm. Tự bỏ tiền ra để biểu diễn, lôi kéo công chúng đến với âm nhạc dân dã này. Nếu không có niềm say mê thì nào phải nghệ sĩ dân gian?!

Mai Tuyết Hoa một sáng mùa xuân lại bịn rịn tay đàn miệng hát trên cung đường tít tắp, mơ màng…

Trần Mỹ Hiền
.
.
.