Nghệ sĩ Hồng Tơ: Tay chơi hồi tâm
1. Anh là con trai độc nhất trong gia đình đã có 6 cô con gái, bao nhiêu tình thương của cha mẹ, của chị đều dành cho anh. Có lẽ, chính vì điều này, mà Hồng Tơ nhiễm kiểu sống rong chơi từ rất sớm.
9 tuổi, mẹ hỏi anh sau này thích cưới ai nhất. Anh trả lời: “Thích cưới chị Lệ Thủy (nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy – PV)”. Anh thích cưới Lệ Thủy là bởi, anh yêu mến giọng hát của chị.
10 tuổi, Tết chơi bầu cua trong xóm thua sạch tiền lì xì. Anh về ngửa tay xin chị, xin mẹ. Chị và mẹ đều từ chối, anh bày ra trò ngã vào lưỡi dao, lấy thuốc đỏ bôi lên người, giả như bị thương để “mẹ cho con tiền là con khỏe mạnh liền”.
16 tuổi, cha mẹ cho anh lên Sài Gòn để học nghề thợ tiện. Học được một năm, trong lần về Mỹ Tho (Tiền Giang) thăm nhà, quay ngược lại Sài Gòn xe đò chạy ngang cái đình. Anh liếc nhìn thấy cái chân dung của một người anh được treo trang trọng nhằm quảng cáo cho đêm hát đó, anh nói tài xế dừng xe, nhảy phốc xuống tìm anh xin… theo đoàn hát.
Anh cũng không dám về nhà, biệt tích từ đó. Về, sợ cha đánh. Đằng đẵng hơn nửa năm trời, một trưa đang và cơm trong chòi hát, anh sững người khi thấy mẹ đến thăm.
Mẹ thương anh, dò hỏi hết chỗ này đến chỗ kia tìm thông tin về anh. Biết được anh theo đoàn hát, mẹ lặn lội tìm đến, xoa đầu anh, khóc rồi dúi cho anh ít tiền, dặn anh giữ sức khỏe trước khi tất tả ra về.
“Tía (cha) anh ngày xưa giận anh lắm. Tía anh nghĩ xướng ca vô loài, tía anh thương anh, cho anh học nghề thợ tiện để có việc làm ổn định. Vậy mà, anh hứng lên lại bỏ học dở dang đi theo đoàn”, anh kể vậy.
Mà theo đoàn hát thời điểm ấy, anh làm gì. Có làm gì khác ngoài chuyện dựng cái rạp, mắc sợi dây điện, lo phông màn… Hôm nào cần người, ông bầu sai anh làm thêm cái chức… quân sĩ trong đêm hát.
Có vậy thôi, mà tuổi 18 của anh giam mình vào cái hào sảng mộng tưởng đó. Từ vai quân sĩ, anh nhích lên một chút được hát kép hai, kép ba, kép tư… Thảng hoặc, kép hài không hát được, ông bầu cho anh lên sân khấu hát thế.
Hơn năm sau, đoàn hát giải tán. Cũng trong dịp này, Đoàn Văn công Đồng Tháp đang tuyển diễn viên. Với khả năng của mình, anh được nhận về đoàn. Như cá gặp nước,… tên tuổi anh được khẳng định. Dẫu chỉ là, khẳng định trong phạm vi của tỉnh Đồng Tháp.
Đang yên đang ổn ở đây, anh “bùng” đoàn. “Bùng” là bởi, anh muốn tìm được niềm vui nơi những đoàn hát mới. Lần đầu tiên anh “bùng”, bị bắt lại, nhận án kỷ luật của đoàn. Lần “bùng” thứ hai, anh thoát.
2. Thoát Đoàn Đồng Tháp, có vương tướng gì đâu, anh lại vào vai quân sĩ ở nhiều đoàn khác. Đơn giản, tên tuổi của anh chỉ khoanh trọn ở cái vùng Đồng Tháp này. Mãi sau, anh mới lên được Sài Gòn.
Năm 1985, anh đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Cải lương toàn quốc trong một vở diễn của Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Lan. Khi đó, anh là quân của Đoàn Cải lương Phước Chung. Anh chính thức có tên trong làng văn nghệ tại Sài Gòn.
Có tên, anh về Đoàn Trần Hữu Trang 2. Ở đoàn này, anh được hưởng tiêu chuẩn đặc biệt. Lương tháng 350 nghìn đồng, được cấp riêng một căn phòng tại khách sạn, tiền bồi dưỡng hằng đêm là 35 nghìn đồng. Anh có một cuộc sống thoải mái, không phải lo về vật chất. Vậy mà, cái chất tay chơi có dừng lại đâu. Bởi như anh nói: “Ngay cả khi mình nổi tiếng rồi, mình vẫn nghĩ, đây là một cuộc rong chơi dài”.
Đang được cưng chiều ở Đoàn Trần Hữu Trang 2, anh lang thang sang Đoàn Sài Gòn 1 chơi. Thấy ở đây có nhiều vai diễn hay, anh xin đầu quân về. Nghệ sĩ Thanh Điền có chiếu cố anh lắm, thì mức lương mà anh nhận được cũng chỉ là 32 nghìn đồng/đêm, bằng lương của kép chánh nổi nhất đoàn. Cái tính anh vậy, thích thì chơi thôi, xá gì chuyện thiệt hơn kim tiền.
Hát cải lương vài năm, một hãng băng đĩa làm cho anh cái băng dạng cassette nhan đề Hồng Tơ - Chọt cù léc. Ngay lập tức, Hồng Tơ - Chọt cù léc cháy băng trên thị trường. Từ nhà ra phố, từ quán cà phê cho đến xe kẹo kéo, ở đâu cũng nghe Hồng Tơ hát.
Tên tuổi anh lên như cồn, anh còn nổi hơn khi đạo diễn Trần Văn Sáu mời anh giữ một vai trong chương trình truyền hình đình đám “Trong nhà ngoài phố” của Đài Truyền hình TP.HCM. Ấu thơ của tôi, cực mê chương trình này. Không chỉ tôi, người lớn ở quê cũng mê. Mỗi lần thấy Hồng Tơ, với chùm râu dê xuất hiện trên truyền hình, chưa cần nghe anh nói, chỉ thấy cái mặt anh là mọi người đã ngoác miệng cười.
Tiền anh làm ra ở thời điểm này, nhiều vô kể. Có ngày, anh kiếm 1 cây vàng là chuyện rất bình thường. Anh không vợ, cha mẹ lại mất, mấy chị có gia đình kinh tế ổn định… Anh có lo gì đâu mà không nhào vào chơi. Anh chơi bạt mạng.
Anh sắm căn biệt thự to đùng trên đường Lê Quang Định. Anh đi xe hơi, ăn nhà hàng… Rồi chuyện đến cũng đã đến, anh tụ tập bạn bè, đốt thời gian, đốt tiền, đốt cả sự nghiệp đang vang dội của mình vào những trò sát phạt đỏ đen.
“Anh chơi gì?”, tôi hỏi. “Cái gì anh cũng chơi”, anh trả lời. Anh chơi bi-a, xì-phé, binh xập xám, bài cào… Chỉ có môn, “phun nước miếng coi ai xa hơn để cá cược” là anh không chơi.
Anh chơi đến mức đầu tiên bán xe hơi. Tiếp đến, bán biệt thự để mua căn nhà nhỏ hơn trong hẻm. Cuối cùng, bán luôn căn nhà trong hẻm. Bi đát nhất là lúc, không có tiền trong túi đủ để mua một tô hủ tiếu cầm hơi.
“Vậy đó, em nghĩ anh sẽ làm gì trong thời điểm đó. Anh đang được hưởng xa hoa, đùng một cái thành thằng tay trắng. Anh chỉ muốn chết, rất muốn chết”, anh tâm sự vậy.
Bầu show bỏ dần anh, bởi họ đã chịu đựng quá nhiều những lần thất hứa của anh. Tên anh đang ăn khách, băng-rôn quảng bá “có sự tham gia của danh hài Hồng Tơ” to vật vã trước rạp, khán giả bỏ tiền vào xem anh diễn. Nhưng, anh không đến.
Anh không đến là bởi đang dở dang một cây bài binh, đang dang dở một lần tố xì-phé. Vậy là anh nói dối, anh nói anh không đến được vì bị tai nạn ô tô, bị ngộ độc thực phẩm… Anh cứ nói dối cho đến lúc, mọi người đều quay lưng với anh.
3. “Có những thời điểm, ngoài mấy bộ quần áo, anh không còn gì hết. Chết được thì anh đã chết, tiếc là anh còn phải sống”, anh nói vậy.
Anh còn phải sống, nghĩa là anh vẫn phải theo nghiệp diễn, nghĩa là anh phải tự đi tìm lại hào quang xa xưa cho chính mình. Anh giữ uy tín trong nghề, anh chăm chỉ diễn xuất. Tên anh vẫn còn ăn khách, anh vẫn còn sống được với nghề.
Anh mua lại được căn nhà xinh xinh trong con hẻm lớn trên đường Hoàng Văn Thụ. Năm 2006, anh về đây ở trọ. 3 năm sau, anh đã mua được căn nhà trọ này. Nơi ấy, anh sống với người vợ trẻ. Anh kết hôn vào năm ngoái, trung niên, anh mới lập gia đình.
Tôi hỏi, bà xã anh có phải là người hâm mộ anh không. Anh trả lời, bà xã anh bán quần áo, anh đi mua đồ chạm mặt, thấy hợp làm quen rồi yêu. Bà xã anh ngoan lắm. Tháng sau chị sinh, anh chuẩn bị được đón con gái đầu lòng.
“Giờ gọi anh đã thôi rong chơi được không anh?”, hỏi anh vậy, “Được chứ em, thích hợp quá rồi”, anh trả lời. Tự dưng, anh ngồi buồn xo, anh nói giá mà ngày xưa anh sống khác, thì giờ anh đã có được nhiều thứ.
Nhưng biết làm sao, anh Hồng Tơ nhỉ! Như đời sống đã dạy anh em mình, biết đủ là đủ. Anh bỏ nghề 4 năm, anh rong chơi 4 năm, đến khi anh quay lại khán giả vẫn còn đón nhận anh, đã là hạnh phúc viên mãn rồi.
Tuy nhiên, không hẳn là Hồng Tơ đã mất phong cách của tay chơi chuyên nghiệp. Bởi thông thường, nghệ sĩ có tên như anh bị diễn viên đàn em ăn cắp phong cách diễn, hay thậm chí là nghệ danh thì sẽ không vui. Còn anh thì khác.
Diễn viên hài nào muốn để râu như anh, muốn học lối diễn của anh, anh chỉ bảo hết. Anh còn đặt nghệ danh cho họ sao cho na ná như anh, kiểu như Hồng Tơ, Hồng Tài, Hồng Te…
Đơn giản thôi, cho đến giờ, quá nửa đời người theo nghề diễn đã hàng chục năm rồi, cái được thì Tổ cũng đãi rồi, thăng trầm anh đã trải rồi… Anh đủ hiểu để chọn cho mình một cách rong chơi phù hợp với chính anh.
Trong căn phòng khách, anh đặt một bàn thờ rất trang trọng. Phía trên bàn thờ là dòng chữ to, in hoa “Kính nhớ tổ tiên”. Người biết tri ân quá khứ là một người biết sống, ít ra, với tôi là như vậy