NSƯT Thúy Hà: Người đàn bà hát bằng ánh mắt

Thứ Tư, 11/05/2011, 14:34
Trong một không gian quá ư vắng lặng và tĩnh mịch, NSƯT Thúy Hà đang ngồi một mình. Cảm giác bà hoàn toàn lạc lõng trong ngôi nhà của chính mình, dù nó được bày biện và có một khuôn viên khá đẹp.

Bên cạnh bà là chú chó fox đen, người bạn thân duy nhất của bà lúc này để có thể trò chuyện, trút bỏ những muộn phiền trong cuộc sống. Hào quang của sân khấu với tiếng hát cao vút của bà đã đốt cháy bao trái tim đã trở thành quá khứ mờ xa. Tôi thấy có gì đó, như là nỗi buồn ẩn sau gương mặt và đôi mắt biết cười của bà Thúy Hà, một nỗi buồn đơn độc.

1. Thúy Hà bảo, cuộc đời sinh ra bà chỉ để hát, ngoài hát ra, bà không còn biết làm gì. Nhiều bạn bè cùng lứa với bà, như NSƯT Bích Việt, NSND Thanh Hoa vẫn tiếp tục với các dự án âm nhạc khi không còn đứng trên sân khấu, nhưng Thúy Hà thì dường như không bắt mạch được điều đó. Bà rất ít khi xuất hiện trước đám đông.

Mỗi năm chỉ có bốn, năm lần, vào dịp kỷ niệm gặp mặt của các nhà hát, được mời về, thì mới thấy bà xuất hiện. Khi đó, không ai còn nhận ra, đâu là một Thúy Hà của một thời tuổi trẻ, và đâu là Thúy Hà của bây giờ. Mỗi lần được hát, là bà quên hết, cả cơn đau đang hành hạ, cả sự mệt mỏi già nua của tuổi tác, mà lúc đó người ta chỉ thấy một Thúy Hà, nổi tiếng với đôi mắt hút người nghe mà NSND Trần Hiếu vẫn gọi rằng, Thúy Hà hát bằng mắt.

Và chỉ những lúc đó, bà mới thực sự được là mình, đắm chìm với một niềm đam mê duy nhất trong cuộc đời. Đến nỗi mà khi không còn được hát, trở về đời thực, Thúy Hà cứ như người lạc lõng. Lạc lõng ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bởi tận sâu trong tâm hồn bà, vẫn thao thiết lắm, những tiếng đồng vọng với cuộc đời, vẫn lắng nghe những xôn xao của đời sống.

Tôi gặp bà vào một buổi sáng thứ bảy rảnh rỗi. Bà bảo, lâu lắm rồi, bà mới trò chuyện với một người khác. Chứ hàng ngày, bà chỉ quẩn quanh trong căn nhà quá ư rộng rãi của mình ở phố Kim Mã, trò chuyện với chú chó fox. Nó thông minh và hiểu được tiếng người, thậm chí nó còn biết, lúc nào bà vui, lúc nào bà buồn.

Bà trút hết cả vào nó, như một người bạn tâm tình. Nhiều người bảo, ngôi nhà này là mơ ước của họ, còn với Thúy Hà, bà có cảm tưởng đó như một thành phố chết. Nhiều lúc thèm lắm được đi ra phố, được nghe những tiếng người, gặp những gương mặt người.

Ngôi nhà quá rộng với vóc người bé nhỏ của bà, nhưng dường như lại quá chật hẹp để cho tâm hồn người nghệ sĩ yêu đời như Thúy Hà nương náu. Căn bệnh viêm cột sống mấy năm nay khiến sức khỏe của Thúy Hà suy sụp. Bà linh cảm, sẽ có ngày không đứng lên được.

Nghĩ đến những ngày đó, khóe mắt bà rưng rưng. Ngay cả khi ngồi nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng bà phải đứng dậy, đi lại cho đỡ đau. Duy chỉ có gương mặt bà, và khi bà cất tiếng hát, thì dường như những phiền muộn đều tan biến đi hết, để lại một khoảng trong vắt, hút hồn người nghe. Tiếng hát lúc lên cao vút, lúc xuống trầm, với âm vực rộng hiếm có, như một nguồn suối chảy từ trong tâm hồn người nghệ sĩ, lúc ào ạt như thác ghềnh, lúc dìu dặt như tiếng suối…

Bà nhớ lại ngày xưa, những đêm diễn có bà trên sân khấu, khán giả kéo đến kín cả rạp, thậm chí đứng tràn cả hai cánh gà. Hay những buổi diễn ngoài trời ở công viên Bách Thảo, hàng trăm người vây kín Thúy Hà. Lên sân khấu, Thúy Hà như một nhà thôi miên, bởi những khả năng trời phú. Giọng hát vang, trong vắt. Và cả lối biểu diễn hút hồn người. Ngày đó, cái tên Thúy Hà luôn là sự đảm bảo cho một đêm diễn thành công và đông khán giả, đến nỗi, hầu hết các chương trình ngoài Bắc đều mời bà tham dự.

2. Bà là thế hệ đầu tiên của Đoàn Văn công Quân đội, thời của "tiếng hát át tiếng bom". Đó là một thời đoạn đáng nhớ trong cuộc đời Thúy Hà. NSƯT Thúy Hà là con gái đầu lòng của nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Hiếu, nổi tiếng khắp Hà Nội xưa. Ông là tác giả của bức tượng to nhất nặng 10 tấn được đặt ở chùa Ngũ Xá, phố Châu Long.

Thế mà vì mê hát, cô gái Thúy Hà 13 tuổi đã bỏ nhà vào rừng đi theo văn công quân đội. Đi miết 10 năm. Ngày đó, mọi người gọi Thúy Hà là con ễnh ương, vì vóc dáng nhỏ bé nhưng giọng hát vang và âm vực rất rộng. Đội văn công phải may riêng cho Thúy Hà quần áo vì quá nhỏ. Tiếng hát lảnh lót của bà vang lên trong rừng, trong khói lửa chiến tranh.

Tiếng hát chữa lành những vết thương, át tiếng bom ngay giữa chiến trường mịt mù khói lửa của quân thù. Trời ban cho Thúy Hà một giọng hát khỏe, nhưng ông trời cũng ban cho bà một sức dẻo dai. 17 tuổi, bà Thúy Hà đã được Huy chương vàng và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Như trời sinh ra bà chỉ để hát, và chỉ hát mà thôi.

Nhưng Thúy Hà bắt đầu một ngả rẽ trong cuộc đời ở tuổi 23. Nhiều người tiếc cho tài năng của bà, đang đến độ chín, nếu ngày đó, Thúy Hà không bỏ rừng về phố, thì có lẽ cuộc đời bà giờ đã khác. Và chắc chắn, danh vọng cũng sẽ đến với bà viên mãn hơn.

Nhưng cuộc đời là những ngả rẽ bất ngờ. Có nhiều cách để lý giải cho sự trở về của Thúy Hà. Người cho rằng bà sợ khổ, không dám đương đầu với khó khăn. Nhưng, tôi nghĩ, không nên phán xét tâm hồn của những nghệ sĩ như bà, bởi sự lựa chọn nào mà chẳng có những mất mát, hy sinh. Khi Thúy Hà đã gắn bó tuổi xuân của mình cho cuộc chiến.

Và mỗi người đều có một cách lựa chọn, để được cống hiến theo cách riêng của mình. Với người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ và quyết liệt như Thúy Hà, thì những quyết định của bà đôi khi không hoàn toàn vì mình. Thúy Hà lại đi hát, đó là những năm tháng của hào quang, khi tên tuổi bà được tụng ca. Những Thanh niên vui mở đường, Cánh chim báo tin vui, Mùa xuân trên bến cảng vang lên khắp các nhà hát với giọng ca của Thúy Hà.

Những bức ảnh và bài báo viết về bà giờ được gói lại thành thùng cất ở một góc riêng, và mỗi lần chuyển nhà, đó là thứ duy nhất bà luôn mang theo mình. Để lâu lâu không được hát bà lại lần giở lại những kỷ niệm, đắm đuối hồi tưởng. Hồi đó, nhiều nhà hát mời Thúy Hà về làm việc. Nhưng có lẽ Nhà hát Vũ kịch, nơi giọng ca opera của bà vút lên trong những mái nhà vòm sang trọng để lại trong bà nhiều cảm xúc hơn cả.

Nơi đó, Thúy Hà nổi danh với vai Cô Sao trong vở nhạc kịch Cô Sao của tác giả Đỗ Nhuận. Sự hóa thân trong vai diễn đạt đến độ, có một thời, không ai thay thế được Thúy Hà, khiến bà được đặc cách vào biên chế chính thức của nhà hát, và được thăng hai bậc lương. Bà bảo, bà là người yêu  ghét rõ ràng. Người đàn bà chỉ thích màu đỏ, chỉ hát những bài hát vui.

Còn đã là buồn, thì phải đến độ khiến khán giả phải khóc theo mình. Thế nên, bà chỉ đóng chọn nhạc kịch. Có một thời, cách đây 20 năm, Thúy Hà từng sánh vai với các Aria đẳng cấp quốc tế trong những mái nhà vòm sang trọng ở Pháp, Italia… Quá khứ ấy đã xa thật xa… 

3. Bà Thúy Hà bảo, bà được sao Thái Dương chiếu mệnh, nhưng ngôi sao này mọc về đêm, nên ánh sáng của nó không thể tỏa được hết những hào quang. Mà có lẽ cuộc đời người nghệ sĩ, thế hệ bà là vậy. Tâm hồn họ thật mong manh và nhiều khát vọng. Thế nên, hạnh phúc đối với họ đôi khi cũng xa vời. Bạn bè của Thúy Hà, NSND Lê Dung, NSND Thanh Hoa, NSƯT Bích Việt… mỗi người đều có một ngả rẽ khác nhau của số phận.

Ngày đó, bà và Lê Dung là những sơn ca của Đoàn Văn công Quân đội. Với Lê Dung, bà luôn giữ trong mình niềm kính trọng về một người đàn bà tài hoa nhưng bạc mệnh. Đó là người bạn khá thân thiết của Thúy Hà. Bà đi bên cạnh cuộc đời NSND Lê Dung, chứng kiến những thăng trầm, những đau khổ và hạnh phúc của người đàn bà hát đầy bản năng ấy.

Bà Thúy Hà kể, có lần, Lê Dung bảo với Thúy Hà: "Có lẽ em không có số đi nước ngoài". Thúy Hà bảo: "Mày hát hay thế này chắc chắn sẽ được đi nước ngoài. Nếu mày không đi, tao sẽ tặng mày một con gà sống, còn nếu đi, mày phải mang về tặng tao một hộp hóa trang" (hồi đó hộp hóa trang đối với nghệ sĩ là thứ quý giá nhất). Chỉ một thời gian sau, Lê Dung đi nước ngoài thật, và không chỉ là một chuyến đi. Và lần đi đầu tiên, NSND Lê Dung vẫn nhớ mua về cho Thúy Hà một hộp trang điểm.

Thế mà… Lê Dung sống bản năng, yêu đắm đuối, còn Thúy Hà tỉnh táo và lý trí hơn. Nên bà vẫn giữ được sự trọn vẹn của một gia đình, dẫu để có được điều đó, bà cũng đã phải chấp nhận hy sinh, phải nhẫn nại, chịu thua thiệt về mình. Có lần Lê Dung bảo: "Sao chị tài năng mà khổ thế". Thúy Hà là người bảo thủ, đã trót yêu ai rồi thì không thể buông bỏ, dù người đó đã làm tổn thương bà. Nhưng tình yêu gia đình, lớn hơn tất cả đã níu chân người đàn bà hát này ở lại. Để có được sự an lòng hôm nay.

Ở tuổi 60, Thúy Hà đã lùi xa sân khấu. Nhưng niềm đam mê hát vẫn cháy trong đôi mắt hút hồn của Thúy Hà. Trong khả năng biểu diễn trời sinh và cả trong giọng hát đầy nội lực vẫn cất lên cao vút của bà. Âu cũng là số phận, bà Thúy Hà tin điều đó như một định mệnh, mỗi con người sinh ra trong cuộc đời đều có một số mệnh.

Số mệnh của bà chỉ cho bà dùng hết 60% năng lượng của mình thôi, thế nên Thúy Hà không có nhiều cơ hội tỏa sáng như nhiều bạn bè. Đôi lúc Thúy Hà cũng chạnh lòng vì điều đó. Nhưng gia tài bà có được, lại là những thứ không thể đặt lên bàn cân. Hai con của bà đều theo nghề nhạc, nhạc sĩ Tuấn Hùng nay đã định cư ở Mỹ, còn cô con gái đang là giảng viên của một trường quốc tế ở Việt Nam. Thúy Hà có tất cả cái hạnh phúc mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mơ ước. Thế nhưng, ngồi nói chuyện với bà vẫn thấy chút gì đó ẩn nhẫn, xót xa.

Dẫu biết cuộc đời không có gì trọn vẹn, và ngay cả trong hạnh phúc tưởng như viên mãn vẫn ẩn chứa những bất an. Và bà Thúy Hà, cũng đã tự cân bằng mình bằng hai chữ số phận… Bà đã tìm được sự bình an cho mình bằng một thế giới khác, nơi bà có thể cất lên tiếng hát để cứu rỗi những tâm hồn người…

Linh Hà
.
.
.