Lưu Hữu Phước: Hành khúc và tình khúc

Thứ Bảy, 20/03/2010, 16:39
Cả cuộc đời sáng tác của mình, Lưu Hữu Phước đã dành ngợi ca lòng yêu nước, ca ngợi lịch sử Việt Nam bi hùng, kêu gọi tuổi trẻ dấn thân lên đường tranh đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc. Âm nhạc của ông là đuốc sáng thắp lên ngọn lửa yêu nước, thương nòi… Nhưng không mấy người biết ông từng có những tình khúc.

Người đời biết đến Lưu Hữu Phước với những bản nhạc mang tính sử ca và những hành khúc nổi tiếng: “Hội nghị Diên Hồng”, “Ải Chi lăng”, “Lên đàng”, “Hồn tử sĩ”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Giải phóng miền Nam”, “Lãnh tụ ca”… Nhạc của Lưu đã có lúc được làm quốc ca của hai chế độ ở miền Nam, đó là bản “Tiếng gọi thanh niên” đã được chính quyền Sài Gòn cải lời làm quốc ca một dạo và bản “Giải phóng miền Nam” xem là "quốc ca" với ý nghĩa như là bài hát chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng…

Cả cuộc đời sáng tác của mình, Lưu Hữu Phước đã dành ngợi ca lòng yêu nước, ca ngợi lịch sử Việt Nam bi hùng, kêu gọi tuổi trẻ dấn thân lên đường tranh đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc. Âm nhạc của ông là đuốc sáng thắp lên ngọn lửa yêu nước, thương nòi… Nhưng không mấy người biết ông từng có những tình khúc. Chàng sinh viên Nha của trường thuốc - Đại học Đông Dương những năm trước Cách mạng Tháng Tám không bỗng dưng theo con đường âm nhạc, từng làm đến chức Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hoá Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam… Hẳn trong tâm hồn ông có một ngọn lửa…

Hành khúc và những bản sử ca vĩ đại

Người nhạc sĩ được xem là cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam sinh ở Ô Môn, thành phố Cần Thơ năm 1920. Vốn được xem là thần đồng âm nhạc, từ lúc 12 tuổi, Lưu Hữu Phước đã được cấp học bổng tại Trường Trung học Cần Thơ do có năng khiếu về lĩnh vực âm nhạc. Mới 15 tuổi khi đương học trường Pétruc Ký - Sài Gòn, Lưu Hữu Phước đã bắt đầu sáng tác, mà nhạc phẩm đầu tay là một… hành khúc mang tên “Thanh niên Nam kỳ”. Rồi cuộc đời người thanh niên sôi nổi ấy bước sang trang mới khi anh cùng với người bạn rất nổi tiếng sau này là Mai Văn Bộ ra Hà Nội học đại học.

Cuộc ra Bắc đó đã để lại trong tâm hồn những chàng trai ấy ấn tượng sâu đậm bởi được nhìn ngắm giang sơn gấm vóc hùng vĩ của Tổ quốc, lại được tiếp xúc với cội nguồn văn hoá dân tộc. Những cái tên lịch sử: Thăng Long - Đông Đô, những địa danh Bạch Đằng, Chi Lăng, những di tích lịch sử dày đặc in dấu cha ông đã sâu đậm ấn tượng để từ đó những tác phẩm âm nhạc có sức mạnh lôi cuốn lớp lớp thanh niên…

Thời sinh viên sôi nổi ấy, Lưu Hữu Phước đắm mình trong không khí sục sôi đấu tranh cách mạng… Những ca khúc “Bạch Đằng Giang”, “Ải Chi lăng”, “Hát giang trường hận” (sau này được dùng dưới cái tên “Hồn tử sĩ”), “Hờn sông Gianh” là những ca khúc đầu tiên của sử ca đất Việt… Có một sự kiện đáng nhớ, ấy là nhân Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1942, cuộc hành hương về đất Tổ ấy đã dấy lên một làn sóng sinh viên gác lại mộng học hành đỗ đạt, để quyết tâm đồng lòng vào cuộc cứu nước, giải phóng giống nòi "Này sinh viên ơi!, Đứng lên đáp lời sông núi". Tiếng gọi sinh viên (Sau đổi thành Tiếng gọi Thanh niên) như một lời hiệu triệu tập hợp những trái tim yêu nước, thương nòi hôm ấy vang động cả núi thiêng Nghĩa Lĩnh trong đêm lửa trại lịch sử chưa từng có ở Đền Hùng.

Thật khó tưởng tượng được rằng, khi mới qua tuổi thiếu niên, Lưu Hữu Phước đã có những hành động yêu nước mang ý nghĩa lớn lao như vậy. Nhạc Lưu Hữu Phước đã truyền lửa yêu nước và đấu tranh cho thanh niên, truyền cái tinh thần thiêng liêng một cách tự nhiên… Còn đây “Hội nghị Diên Hồng”: Toàn dân nghe chăng sơn Hà nguy biến/… Ôi Thăng Long cõi tinh kỳ… Còn đây “Hồn tử sĩ”, bài hát bi hùng nhất trong âm nhạc Việt là kinh cầu nguyện Hai Bà Trưng, sau được dùng làm nhạc tưởng niệm các anh hùng tử sĩ: Đêm khuya âm u/ Ai khóc trong gió ngàn/… cùng dòng sông/ tấm thân nát không nao/ nhìn thấy quân Hán giày xéo sông núi nhà/ Dòng châu rơi…

Từ Hà Nội, năm 1944, Lưu Hữu Phước lại được nhận lãnh một sứ mạng khác do Tổng bộ Việt Minh giao là trở về Nam Bộ tham gia vận động cách mạng trong tầng lớp thanh niên sinh viên. Chỉ trong có một đêm, ông đã cùng những người bạn của mình soạn liền ba ca khúc yêu nước, đó là những bài hát “Mau về Nam”, “Gieo ánh sáng”, “Xếp bút nghiên”… để cổ vũ tinh thần giới trẻ trong phong trào từ giã học đường tham gia cứu nước. Đến khi ra Bắc được sống gần Bác Hồ, Lưu Hữu Phước viết về Bác thật ân tình lắng đọng mà giá ông ở lại với Nam Bộ kháng chiến, chắc gì hôm nay chúng ta có những ca khúc tuyệt vời về Bác!

Tại kỳ họp thứ I QH khoá I năm 1946, lần đầu tiên ông xúc động vô ngần khi được gặp Bác Hồ. Ông kể lại: "Khi thấy Bác Hồ ôm hôn anh Tạo (Nguyễn Văn Tạo, Trưởng đoàn ĐB Nam Bộ - NV) tôi tưởng chừng như Bác đang ôm tôi, ôm cả ba má chú bác bà con xa gần của tôi; và toàn dân Nam Bộ. Nước mắt của Bác rơi trên vai anh Tạo, tôi cảm thấy nóng hổi như rơi trên vai tôi. Bỗng tôi chợt nhớ ra là chính nước mắt tôi đang chảy ròng ròng trên vai tôi… Lúc này tài năng âm nhạc cùng với cảm xúc cao cả về Người đã được dồn nén như một tình cảm mãnh liệt, một niềm tin yêu vô bờ bến vào bản nhạc “Lãnh tụ ca”. "Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi/ Toàn Việt Nam đón chào ngày mới, Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta…".

Viết đến đây, tôi bỗng hình dung mỗi khi ra Bờ Hồ, lâu lâu lại nghe âm điệu bài ca được ngân lên từ tiếng chuông đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện trung tâm Hà Nội lúc đồng hồ điểm giờ… Những lúc ấy, lòng tôi lại bồi hồi nhớ Bác.

Và đỉnh cao của hành khúc Lưu Hữu Phước là “Giải phóng miền Nam”. Bài hát có sức mạnh hơn những sư đoàn, như hồi kèn xung trận kêu gọi quân dân giải phóng một nửa nước đang còn ngoại xâm… Lũ chúng tôi ngày ấy mới bảy tám tuổi đã lắng nghe khúc hùng ca  phát đi từ chiếc loa và nhập tâm từ ấy. Hành khúc như một hồi kèn giục toàn dân xốc tới ngày chiến thắng huy hoàng… Nhưng ngày ấy, tôi đâu biết rằng ông đã đau từng đêm khi chính quyền Sài Gòn tấu “Tiếng gọi thanh niên” của mình làm quốc ca với lời được thay mới. Đó là một nỗi đau không thể nào chia sẻ. Nhiều đêm ông không ngủ được từ sau ngày đồng khởi Bến Tre chỉ để viết một bài hát hùng tráng hơn viết như một quốc ca khác cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Và “Giải phóng miền Nam” được tấu lên hùng tráng, lấn át cả bài quốc ca của chế độ Sài Gòn… Và cả bài “Hồn tử sĩ” cũng được chế độ ngụy Sài Gòn dùng để tấu khi có tang lễ lớn…

Lịch sử âm nhạc thế giới không thể có một hiện tượng bi hùng như thế: Một bài ca cả hai chế độ sử dụng. Ông đã tự quên đi phần nhạc một hành khúc từng được toàn dân hát, từng nổi tiếng 10 năm của mình, muốn chôn nó tận đáy lòng để khỏi phải nghe nó được phát trên đài Sài Gòn. Và ông đã làm một bản "quốc ca" khác, giục giã mau đến ngày giải phóng quê hương, đó là bài “Giải phóng miền Nam”. Với những đóng góp lớn lao cho nền âm nhạc cách mạng, tên tuổi ông được đánh giá, tôn vinh như là một ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật Việt suốt nửa thế kỷ. Giáo sư Lưu Hữu Phước là Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc gia, thành viên Hội đồng âm nhạc quốc tế và là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật CHDC Đức… Năm 1978, ông cùng người vợ họa sĩ và các con trở về Nam, làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc và mất ở TP Hồ Chí Minh năm 1989…

Và những tình khúc không ai hay…

Nhiều người cho rằng Lưu Hữu Phước chỉ có những hành khúc. Nhưng không phải vậy. Có thể cảm xúc về đất nước và cách mạng đã chiếm mất gần như hoàn toàn tâm huyết và sự nghiệp của ông, nhưng… một sự kiện xuất hiện vào mùa xuân năm 1943 làm nhiều người ấn tượng, đó là ngày 21/3/1943, vở ca kịch “Tục lụy” của Lưu Hữu Phước công diễn lần đầu minh chứng cho tài năng âm nhạc của chàng nhạc sĩ trẻ trên lĩnh vực trữ tình lãng mạn. Các bài hát trong vở ca kịch “Tục lụy”, sau này có tên Trần duyên rõ ràng là những khúc ca trữ tình. Với “Tục lụy”, tình yêu không bằng tình thương mẫu tử, khi nhân vật Nhã Tiên ở lại trần gian bởi không muốn con của mình mồ côi. Lưu viết “Tục lụy” bởi mê thơ Thế Lữ, và từ lời khẩn cầu của cô nữ sinh Đồng Khánh diễm lệ đưa đến cho chàng cảm hứng để từ đó làm vui lòng người đẹp tên Thiều. Nhưng có lẽ chính yếu là Lưu muốn góp phần cách tân kịch nghệ bằng các ca kịch mới…

Và đây, một tình khúc khác của Lưu Hữu Phước. Lại là năm 1943. Chuyện kể rằng, từ Hà Nội, khi đang phổ nhạc cho kịch thơ “Tục lụy” thì bỗng nhận được thư của một người con gái không quen biết nào đó tên là Thu Hương. Nàng viết thư bảo rằng, rất thích bài hát “Ta cùng đi” của chàng, và muốn thư từ đi lại với nhạc sĩ… Từng có bao nhiêu cô gái mến mộ tỏ tình, nhưng chưa bao giờ Lưu ngẩn ngơ đến thế. Có lẽ bởi cô Thu Hương nào đó đã có sự đồng cảm, đồng điệu với người nhạc sĩ. Và rồi hình như chàng Lưu đã bắt đầu… tương tư.

Ông Mai Văn Bộ, người bạn, người đồng chí lớn của nhạc sĩ nhớ lại: Từ đó căn gác trọ học của chúng tôi có tên là "Gác TT". Thế rồi thư đi tin lại giữa hai người bạn chưa biết mặt nhau cách nhau hơn nửa ngàn cây số. Cuối năm ấy, bom đạn ngập trời, Trường Đại học đóng cửa, bạn bè Lưu Hữu Phước cùng nhau rời Hà Nội về Nam. Khi chuyến tàu dừng ga Huế, chàng nhạc sĩ đã tạm biệt bạn bè để ở lại Huế đi tìm Thu Hương. Người bạn tên T. đưa Lưu đi tìm cô gái Huế mà những lá thư cô đã làm chàng thổn thức bao đêm. Nhưng không có địa chỉ nào như trên thư. Quá thất vọng khi không tìm được người trong mộng, Lưu đành nghe lời bạn ở lại chơi thăm Huế một tuần lễ. Không gặp được Thu Hương, nhưng Lưu đã gặp hai chị em kiều nữ xứ Huế khác, đó là hai người em gái của bạn.

Biết tin nhạc sĩ tài hoa đang ở nhà L.L. và L.Đ., hàng chục nữ sinh khác đã ùa đến và tại đó một cuộc trình diễn nhạc Lưu Hữu Phước thật ấn tượng đã diễn ra…Trước những bông hồng xứ Huế duyên dáng trong những tà áo dài, Lưu Hữu Phước đã hát những bài ca của mình, trong đó có bài mà trước đây Thu Hương thích: “Ta cùng đi”… Khi rời Huế, vào Sài Gòn, Lưu Hữu Phước vẫn canh cánh một điều: Thu Hương là ai? Là ai, không ai trả lời cả. Và hình như linh cảm thấy có thể là một trong hai chị em gái kia… Nhưng L.L. hay L.Đ.? Từ Sài Gòn, Lưu Hữu Phước gửi ra Huế bản nhạc mới viết “Hương Giang dạ khúc”… Bài hát có quá nhiều từ "hương" da diết: Làn hương Thu mờ trong bóng chiều/ Vờn run ánh ngà nhẹ đưa đưa xa/ Làn hương ơi, làn hương mờ xoá bóng sai yêu kiều trong mơ…".

Và câu chuyện chỉ kết thúc 18 năm sau, vào năm 1961, khi người bạn của Lưu Hữu Phước là nhạc sĩ Trần Văn Khê từ Paris sang Mỹ dự hội thảo âm nhạc. Nhạc sĩ đến một tiệm ăn người Việt thì gặp chủ quán là hai vợ chồng gốc Huế. Sau bữa ăn, người phụ nữ tự giới thiệu là L.L. và hỏi Trần Văn Khê có nhớ bài “Hương giang dạ khúc” không? Và L.L. đã đề nghị Trần Văn Khê hát bài hát cũ… Khi kết thúc bài hát thì L.L. gục mặt xuống bàn nức nở:

      - Thu Hương ngày ấy chính là tôi…

Người chồng hiểu nỗi lòng vợ lại ôm vai an ủi. Sau đó không biết vì sao, có lẽ do cảm động trước dĩ vãng, cả ba người cùng khóc…

Ca khúc “Hồn chim Lạc” cũng là một tình khúc cuối đời ông viết sau khi đọc những dòng thơ tha hương của một người con gái Việt xa xứ mơ về cố quận, đó là cô Tiana Thanh Nga… Ông qua đời năm 1989 tại TP Hồ Chí Minh sau khi giã từ sự nghiệp âm nhạc 50 năm vinh quang với những hành khúc và cay đắng viết nên những tình khúc.   

Lưu Hữu Phước không chỉ có hành khúc. Và như thế mới đúng với tâm hồn nghệ sĩ. Làm sao mà không rung động trước giai nhân, trước những mối tình thơ mộng? Làm sao sỏi đá nổi, khi người ấy mang tâm hồn nghệ sĩ?

Tưởng nhớ một nhân vật lịch sử của đất nước, có một Giải thưởng âm nhạc mang tên ba người bạn nổi tiếng (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước), đó là giải thưởng Hoàng Mai Lưu. Tại Cần Thơ quê hương ông, chính quyền đã xây dựng một công viên mang tên Lưu Hữu Phước. Nhiều trường học mang tên người nhạc sĩ tài danh…

Tân Linh
.
.
.