Kỳ tích biệt động của người phụ nữ bình dị

Thứ Tư, 23/11/2005, 12:32

Từ những trang sách truyền thống đã ố vàng, tôi đi tìm chị. Chị là Lê Thị Thu Nguyệt, người nữ chiến sĩ biệt động góp phần làm nên những trận đánh gây chấn động nước Mỹ. Bé nhỏ, dịu dàng, ở tuổi 65, vẻ đẹp thời thanh xuân vẫn còn phảng phất trên gương mặt chị. Gặp chị rồi, tôi mới hiểu những gì tôi biết về chị quá ít. Bởi cuộc đời chị là trang sử thuyết phục về những người phụ nữ xả thân trong thời chiến và tỏa sáng trong thời bình.

Nhờ bác Tư Chu, nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn mà tôi biết chị đang sống tại một ngôi biệt thự ở đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận. Chị dường như không muốn nhắc đến những chiến công mà mình đã tham gia. Để biết nó một cách cụ thể, tôi đành phải tìm hiểu qua người Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn, qua lời kể các đồng chí, những người cùng thời với chị, cùng chị lập nên những chiến công phi thường đến mức không thể tin được. Thật vậy, một cô gái bé nhỏ như trong bức ảnh năm chị mười sáu tuổi, cũng uốn tóc quăn, cũng biết trưng diện, làm đẹp cho mình, đã một thời hòa nhập giữa dòng người Sài Gòn hoa lệ lại âm thầm hành động cho những trận đánh xuất quỷ nhập thần, kinh thiên động địa.

Là thành viên Đội Biệt động 159, Thu Nguyệt cùng bao đồng đội ngày đêm trăn trở nhằm thực hiện những trận đánh gây hoang mang, bất ngờ cho địch. Trong bộ quần áo nữ sinh về thăm quê, Thu Nguyệt nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí, đặc biệt là những lọ thuốc độc về nội thành. Và kết quả là các chiến sĩ biệt động Đội 159 đã dùng thun, ná tẩm thuốc độc bắn chết bốn tên Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo. Từ những cách đánh thô sơ, cô gái mới mười chín tuổi đã nhận nhiệm vụ đánh địch bằng lựu đạn, mìn...

Đó là trận đánh trước tòa đô chánh Sài Gòn. Tháng 10/1962, chính quyền ngụy tổ chức trưng bày chiến lợi phẩm thu được của ta như súng ngựa trời, lựu đạn, chông tre.... nhằm mục đích cho công chúng nhìn thấy sức mạnh ưu việt của chính quyền Mỹ - ngụy so với tiềm lực nghèo nàn của cách mạng. Địa điểm triển lãm kéo dài từ Nhà hát Lớn đến khách sạn Continental, qua đường Nguyễn Huệ, có 100 nhà báo đến dự và hàng ngàn người xem. Trong men say chiến thắng, địch không hay rằng Đội Biệt động 159 đang chuẩn bị giội gáo nước lạnh vào sự kiêu hãnh về sức mạnh vật chất của chúng.

Trận đánh này do Lê Thanh Tùng trực tiếp chỉ huy, với sự tham gia của các chiến đấu viên Trần Cưỡng, Trần Tiên Quang, Lê Thị Thu Nguyệt. Điều quan trọng là làm thế nào đưa được chất nổ vào nội thành, nơi dày đặc mật vụ, hàng rào phòng thủ của chính quyền Mỹ - ngụy. Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho Thu Nguyệt. Trong bộ quần áo dài trắng giả trang một nữ sinh từ quê lên Sài Gòn học, Nguyệt mang theo hai chậu kiểng được ngụy trang dưới lớp đất là những quả lựu đạn. Tim chị cơ hồ nhảy ra khỏi lồng ngực khi tên lính xét giấy tờ đòi đập vỡ hai chậu kiểng xem có chất nổ không. Quá bất ngờ, Thu Nguyệt òa khóc, nói rằng ông bà ngoại sẽ đánh chết cô nếu đem hai chậu kiểng về nhà không còn nguyên vẹn. Vẻ đẹp tinh khiết và nước mắt cô nữ sinh làm mềm lòng tên lính. Hắn ta khoát tay ra hiệu đồng bọn bỏ đi.

8 giờ sáng ngày 26/10/1962, Nguyệt chọn bộ quần áo dài đẹp nhất cùng Tùng, Quang giả làm thường dân “đi xem triển lãm”. Trong chiếc khăn mùi soa của Thu Nguyệt là quả lựu đạn. Tới nơi, thấy địch để bên cạnh chiếc trực thăng Mỹ là súng, mìn “chiến lợi phẩm”, Quang định ném trái lựu đạn vào đống mìn nhưng Thu Nguyệt ngăn lại. Chị giải thích hành động của mình lúc ấy: “Chỗ đó quá đông người, tôi sợ mìn nổ làm chết dân. Nơi chiếc trực thăng đậu vắng người hơn. Tôi bí mật chuyển “chiếc khăn mùi soa” qua cho Quang. Anh hiểu ý nhanh tay ném vào mục tiêu này”. Một tiếng nổ vang lên, chiếc máy bay sụm xuống, bốc cháy mù mịt. Mọi người hỗn loạn tranh nhau thoát ra khỏi khu vực triển lãm. Lợi dụng thời cơ đó, các chiến sĩ biệt động hòa vào đám đông, thoát ra ngoài an toàn. Sáng hôm sau đọc báo, chị biết được kết quả trận đánh. Vậy là với chiếc khăn mùi soa trắng mỏng manh trong bàn tay bé nhỏ của Thu Nguyệt, quả lựu đạn đã phá hỏng 1 trực thăng HU1A, làm chết 3 tên, 2 tên bị thương và chiến công lớn hơn của trận đánh là đã phá vỡ được cuộc triển lãm của địch dự định kéo dài trong bảy ngày, làm thất bại âm mưu chính trị của ngụy quyền Sài Gòn trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Cũng không ai nghĩ, người phụ nữ bé nhỏ, dịu dàng ngồi trước mặt tôi nói những chuyện đời thường về cơm ăn áo mặc, mối lo toan thường tình như bao  phụ nữ khác là Lê Thị Thu Nguyệt- nữ biệt động Đội 159 đưa được mìn nổ chậm - một loại vũ khí do Quân giới Quân khu sản xuất từ Củ Chi vào sân bay Tân Sơn Nhất, gài được mìn hẹn giờ trên máy bay Boeing 707.

Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, Đội Biệt động 159 trước đó đã tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí số 8E, tức Mười Luân; đồng thời đưa Thu Nguyệt đóng vai người yêu của Mười Luân ra vào sân bay để điều nghiên mục tiêu. Ngày 25/3/1963, một gói thuốc nổ mạnh C4 cài đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang trong một chiếc túi du lịch, giống y hệt chiếc túi du lịch mà bọn cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác “túi du lịch” đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo túi du lịch của một tên Mỹ trong phòng đợi.

Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút. Nhưng chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được 2 phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Thoát chết trong gang tấc, bọn cố vấn Mỹ vô cùng kinh hoàng. Nếu như hôm ấy, chiếc đồng hồ hẹn giờ không bị trục trặc do máy bay lên độ cao 10.000 mét, áp suất không khí khiến nó chạy chậm lại, thì 80 cố vấn Mỹ xâm lược đã đền mạng. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về trận đánh này, trong đó có lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch. Quả mìn ấy tuy không nổ đúng giờ nhưng có sức “công phá” lớn trong dư luận, gây kinh hoàng cho quân đội Mỹ ngay phía bên kia bờ Thái Bình Dương: “Không chỉ Việt cộng đánh chúng ta trong thành phố, mà ngay cả bên Mỹ”. --PageBreak--

Nghe chị kể xong, tôi thốt lên: “Thật phi thường”. Thoáng vẻ ưu tư trên nét mặt, chị nói: “Một mình tôi không làm nên chiến công, bởi sống trong hang ổ của địch, để đánh địch, những chiến sĩ biệt động không chỉ mưu trí, dũng cảm, có khả năng ứng phó nhanh nhạy mọi tình huống mà còn phải xây dựng được mạng lưới cơ sở, triệt để tuân thủ bí mật tổ chức, vượt qua những áp lực từ gia đình, dư luận xã hội, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, cả bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, những con người bình thường như tôi không thể làm nên những điều  “phi thường” như cách nói của em. Nếu hai chữ “phi thường” nằm trong nội hàm ấy thì có biết bao chiến sĩ biệt động đã làm nên hai chữ kỳ diệu ấy”. Chị bật cười khi nhớ lại những tình huống ra trận: “Hồi đó chị cũng không biết vì sao mình làm được những chuyện ngoài sức tưởng tượng. Chị phải “đóng kịch” giỏi hơn cả các diễn viên trên sân khấu, giả bộ làm người yêu của anh Mười Luân thật nhập vai, tới chừng về nhà, gặp lại ảnh chị mắc cỡ muốn chết!”.

Cũng theo Thu Nguyệt kể thì chị bị bắt năm 1963, khi chuẩn bị đi báo cáo thành tích trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua. Chị đã trải qua 11 năm trong các nhà tù khét tiếng của Mỹ - ngụy, từ An ninh quân đội, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, chuồng cọp Côn Đảo... Và trên đôi chân chị ngày hôm nay, vết răng chó bécgiê cắn lúc bị địch thẩm vấn vẫn còn hằn dấu. Trên bàn, bình hoa hồng tươi thắm còn đọng sương như thể tất cả đều mãn khai, nguyên vẹn. Chị đãi tôi những trái cây đầu mùa chín mọng, ngỡ như cuộc sống thật tươi đẹp, hoàn hảo nhưng tôi biết, di chứng những vết thương chiến tranh đang âm thầm hủy hoại và chị một lần nữa, bằng nghị lực phi thường đang chống đỡ với căn bệnh hiểm nghèo để sống và yêu thương...

Được trao trả ở Lộc Ninh năm 1973, Thu Nguyệt được giao nhiệm vụ làm cán bộ lễ tân trong Ban Liên hiệp quân sự hai bên tại Lộc Ninh. Đó là những ngày làm việc căng thẳng, đấu trí từng chút một với kẻ thù, vừa phải chịu đựng những trận ném bom trở mặt của địch. Rồi hòa bình, chị tích cực tham gia nhiều công tác đoàn thể. Có thời kỳ chị vừa là Hội phó Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng cửa hàng lương thực trung tâm, vừa nuôi hai con nhỏ, chồng là bộ đội thường xuyên vắng nhà; một lần nữa chị lại đối mặt với “trận chiến không tiếng súng” nhưng không kém phần quyết liệt.

Chị đã vượt qua và chiến thắng, cho đến ngày về hưu. Nhưng “chiến công” lớn nhất mà chị làm được là nuôi dạy hai con vừa khỏe, đẹp vừa học hành đỗ đạt, ngoan ngoãn. Cháu Đỗ Khánh Vinh vừa tốt nghiệp Đại học Khoa Hàng không không gian hạng giỏi ở Boston nước Mỹ, hiện công tác tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Đỗ Khánh Hiếu đang học năm cuối tại một trường đại học ở Anh, ngành hóa.

Chị nói: “Ngày đầu tiên tiễn con đi, tôi đứng ngồi không yên. Tôi làm một cuộn băng dặn cháu đủ điều. Rất may là các cháu rất ngoan, chăm học và tiết kiệm. Tuy ở xa nhưng tôi luôn theo dõi từng bước đi của các cháu. Vừa bắt các cháu báo điểm mỗi kỳ thi, vừa theo dõi điểm của nhà trường báo về. Trước đây tôi từng ao ước được học hành tới nơi tới chốn nhưng đất nước chiến tranh, không thực hiện được. Giờ tôi quyết đầu tư cho các con vào việc học. Vợ chồng tôi luôn khuyên các con: Cần tiếp thu khoa học kỹ thuật ở các nước tiên tiến nhưng phải luôn nhớ mình là người Việt Nam

Trầm Hương
.
.
.