Hải Ninh - "cậu bé lưu lạc" trong thế giới điện ảnh ngày ấy

Thứ Năm, 27/10/2005, 08:36

Đạo diễn, NSND Hải Ninh đã trải qua những năm tháng ấu thơ của mình tại một xã nghèo vùng ven thị xã Thanh Hóa (bây giờ là Tp. Thanh Hóa). Gia đình ông không có ai theo nghệ thuật ngoài người cha làm nghề chụp ảnh. Bây giờ ngẫm lại, ông tự nhận: Thuở ấy tôi như một “cậu bé lưu lạc trong thế giới điện ảnh”.

Cái nghiệp điện ảnh “quàng” vào ông có lẽ bắt đầu từ những bước chân hồn nhiên vương chút đam mê tự nhiên của cậu bé Hải Ninh khi ấy mới hơn 10 tuổi. Và rồi, như một định mệnh, ông cứ bước đi, bước mãi vào thế giới điện ảnh đầy vất vả mà cũng rất đỗi quyến rũ này. Những năm bốn nhăm, năm mươi của thế kỷ trước, thị xã Thanh Hóa chỉ có duy nhất một một rạp chiếu bóng cạnh vườn hoa. Mỗi lần, biết có phim chiếu, Hải Ninh phải chui qua cổng thành Thanh Hóa (thành có từ thời nhà Nguyễn, đã bị tàn phá thời kháng chiến chống Pháp), chạy suốt từ cửa hữu sang cửa tả, qua một quãng đường dài rồi mới đến rạp. Khái niệm phim ảnh trong trí óc non nớt của cậu bé Hải Ninh khi ấy là những khuôn hình chập chờn, thấp thoáng, không trọn vẹn vì chỉ được nhìn trộm qua khe cửa. Lần đầu tiên ông được xem đầy đủ một bộ phim là khi ông chuẩn bị vào quân ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông đã cuốc bộ gần 20 cây số để xem bằng được bộ phim “Cậu bé Vanhia” của điện ảnh Liên Xô (cũ). Xem xong phim, về tới nhà thì trời đã sang ngày mới.

Nhắc tới đạo diễn, NSND Hải Ninh, người yêu điện ảnh không thể không nhắc tới dòng phim sử thi của ông. Ngay từ bộ phim đầu tay “Người chiến sĩ trẻ”, phim về Anh hùng Cù Chính Lan, ông đã định hình cho mình một phong cách làm phim: chân thực và xúc động. Thông qua nhân vật điển hình, ông và các nhà làm phim cố gắng làm bật lên sức sống, sự anh dũng của cả dân tộc Việt Nam. Thành công của tác phẩm đầu tay này  được ghi nhận bằng giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ nhất (1970) và nhiều giải thưởng quốc tế khác.

Đại gia đình NSND Hải Ninh.

“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà, cũng là bộ phim mang lại giải Diễn viên xuất sắc nhất cho NSND Trà Giang, là phim đánh dấu bước trưởng thành trong điện ảnh của đạo diễn Hải Ninh. Dốc sức mình trong 7 năm trời, bộ phim là bài ca ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn đồng bào miền Nam trong những ngày đất nước bị chia cắt. Ám ảnh với người xem bộ phim này là khát vọng thống nhất, khát vọng đoàn tụ của người dân bên kia vĩ tuyến 17.

Còn “Em bé Hà Nội” lại là một câu chuyện giản dị và cảm động về những người dân Thủ đô của những ngày cả Thủ đô làm nên một Điện Biên Phủ trên không. Tại LHP Việt Nam lần thứ 2, bộ phim lại được ghi nhận bằng giải thưởng lớn nhất: Bông sen Vàng.

Dưới bàn tay của đạo diễn Hải Ninh, mỗi bộ phim là những trang sử bằng hình ảnh đầy chất thơ, chất lãng mạn có chiến tranh tàn khốc nhưng cao hơn vẫn là tình yêu, khát vọng, là sự sống luôn đâm chồi. Chất thơ ấy được chắt ra từ tâm hồn yêu văn học. Trước khi học đạo diễn điện ảnh, ông đã tốt nghiệp lớp học sử của khóa học văn hóa kháng chiến. Và có lẽ chất thơ trong những bộ phim ông làm còn được bắt nguồn từ hồi ức về những điệu hát ru con mượt mà, da diết của người mẹ…

Không chỉ làm phim sử thi, phim chiến tranh, NSND Hải Ninh còn khẳng định tài năng của mình trong dòng phim tâm lý xã hội. Đó là “Mối tình đầu”, “Tình yêu bên bờ vực thẳm”, “Số phận một tình yêu”... ở dòng phim này, ông lại bộc lộ khả năng tinh tế, nhạy cảm trong xây dựng tính cách nhân vật cũng như xử lý tình huống. Và cũng chính ông là người đi tiên phong cho dòng phim cổ trang, phim lịch sử Việt Nam. Cho tới bây giờ, nhắc tới dòng phim lịch sử còn quá mỏng manh của điện ảnh nước nhà, mọi người không thể không nhắc tới “Đêm hội Long Trì”, “Kiếp phù du”…

Niềm đam mê điện ảnh đã khiến ông không chỉ là đạo diễn của những bộ phim truyện, ông là một “sử gia” qua những thước phim tư liệu. Khoảnh khắc lịch sử hào hùng của ngày chiến thắng 30/4/1975 đã được ông dồn tụ lại trong bộ phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông”. Bộ phim không chỉ đem lại cho ông Giải thưởng Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam 1975 mà còn được điểm tuyệt đối Giải thưởng Bồ câu Vàng LHP Lai-xích (CHDC Đức cũ). Cùng ông giở lại những trang tư liệu, mới thấy bước chân của người nghệ sĩ này đã tới rất nhiều vùng đất trong nước và nhiều kinh đô điện ảnh thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam ra Bắc…

Mùa thu này, dù đã bước sang tuổi 75, ông vẫn làm việc và đau đáu cho nền Điện ảnh Việt Nam. Trong đợt làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ông được mời tham gia chấm và lựa chọn kịch bản. Ông đã có những ý kiến quý báu để có một bộ phim xứng tầm lịch sử dân tộc.

NSND Hải Ninh nhớ mãi kỷ niệm với cố Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng. Khi xem xong “Em bé Hà Nội”, Chủ tịch thành phố ứa nước mắt vì xúc động. Vừa tặng đạo diễn Hải Ninh cây bút Kim tinh, ông vừa nghẹn ngào mà rằng: “Nếu không có những người nghệ sĩ điện ảnh thì làm sao Thủ đô và đất nước giữ lại được những khoảnh khắc lịch sử vừa bi tráng vừa hào hùng như thế này”. Với ông, đó là một lời động viên, khích lệ thật giản dị và nhưng cũng rất ý nghĩa

Thảo Duyên
.
.
.