"Giọt nước trong ngần" - bài ca đẹp về một ước mơ tuyệt vọng

Thứ Ba, 16/02/2016, 23:53
Ngô Tự Lập xuất thân là thuyền trưởng tàu hải quân. Từ rất sớm, Ngô Tự Lập đã được biết đến, cả trong và ngoài nước, như là tác giả của nhiều tác phẩm thơ và văn xuôi, cùng những công trình nghiên cứu và dịch thuật có giá trị cao. Nhưng, có lẽ vẫn còn rất ít người biết rằng Ngô Tự Lập còn một “mối duyên” khác, cũng khiến anh hao tâm tổn sức không kém, đó là âm nhạc. 


Không ồn ào, xô bồ, không bị pha lẫn với bất kì ai, người nghe luôn tìm thấy ở Ngô Tự Lập một màu sắc âm nhạc độc đáo đầy cá tính, thể hiện một sự nghiêm túc và quyết liệt trong lao động sáng tạo. Một tâm thế đầy trách nhiệm và một sự nỗ lực chắt chiu những gì tinh túy nhất để tạo nên giá trị nghệ thuật đích thực.

Giọt nước trong ngần là một trong những thể nghiệm âm nhạc mới nhất của Ngô Tự Lập - vừa được anh công bố vào tháng 11-2015. Ngô Tự Lập cho biết, ca khúc được anh viết hoàn toàn ngẫu hứng tại Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam hồi tháng 3-2015. 

Không nhiều mỹ từ, không cầu kỳ về khúc thức, nhưng ngay từ khi chỉ là một bản thu demo, Giọt nước trong ngần đã tạo ra một sức lan tỏa mạnh mẽ bởi vẻ đẹp giản dị mà tinh tế và một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc. Bài hát mở ra với tiếng guitar và harmonica du dương thánh thót, điệu slow chậm rãi đưa đẩy cùng lối hát như kể chuyện khiến người nghe không khỏi liên tưởng đến hình ảnh một người thủy thủ đang hồi tưởng về những miền đất mình đã đi qua trong những năm tháng tuổi trẻ, những vùng trời khác nhau với biết bao màu da, ngôn ngữ… 

Những xúc động ấy bồi hồi thấm qua từng nốt nhạc, chảy trôi mênh mang... Và trên nền những giai điệu khoan thai nhiều suy tưởng đó, những miền đất ở khắp nơi trên thế giới cũng lần lượt được liệt kê theo một lôgic thoạt nghe có vẻ buồn cười, nếu không nói là “lẩm cẩm”: Vùng Crưm xin nhập vào Nga/ Hoặc bị Nga xâm lăng/ Lời Obama, lời Hollande/ Cũng như lời Putin/ Thật tình tôi chẳng hề tin/ Thật tình, không quan tâm/ Dù lòng nhủ thầm rằng hay hơn/ Nếu Nga gia nhập Crưm…

Tiếp đó, những miền đất xa xôi liên tiếp được tác giả liệt kê, gần như không hề lựa chọn. Đến đây, người nghe có thể nhận ra, tác giả đang dùng âm nhạc của mình để nói một câu chuyện về thế giới - thế giới của những mâu thuẫn, tranh đoạt, hận thù. Những dòng máu vô tội đang đổ xuống. Những đoàn người tỵ nạn trong cơn tuyệt vọng. Tất cả những đau thương, thống khổ, những cảnh tao loạn đó đều xuất phát từ một thứ vô hình và hoàn toàn vô nghĩa: đường biên giới. Vì nó, từ hàng ngàn năm nay, người dân của biết bao dân tộc phải đổ máu, và loài người đang có nguy cơ hủy diệt lẫn nhau.

Phần điệp khúc được đẩy lên cao trào bởi những quãng ly điệu rất đặc trưng của Ngô Tự Lập, tạo nên hiệu quả cảm xúc mạnh mẽ: Nghĩ, sẽ tốt biết mấy, nếu châu Âu với Mỹ nhập vào Crưm/ Và sẽ tốt biết mấy, khi Trung Quốc noi gương cũng gia nhập/ Tuyệt nhất, tôi nghĩ, nếu thế giới thống nhất nhập vào Crưm/ Cho thế giới này thành một vùng Crưm xinh đẹp.

Điều tác giả muốn nói ở đây là, sau những câu chuyện về những đường biên giới lãnh thổ ấy, những thuyết giáo về lập trường tư tưởng, tôn giáo sắc tộc ấy, ông “Thật tình, không quan tâm!”.

Và ông đã bật lên một ước mơ tưởng như rất “viển vông” rằng: “Tuyệt nhất tôi nghĩ nếu thế giới thống nhất nhập vào Crưm/ Cho thế giới này thành một vùng Crưm xinh đẹp…”. Đó là khát vọng về một thế giới không còn những lằn ranh, không còn những tranh chấp lãnh thổ, những đau thương thù hận, khi những con tàu vượt đại dương luôn được chào đón bằng những chiếc bắt tay và sự ôm hôn nồng nhiệt nhất của bạn bè quốc tế, khi con người trên khắp thế giới chỉ đối diện với nhau qua những giá trị tư tưởng thượng tầng, của văn hóa, nghệ thuật, của tình yêu và lòng nhân ái.

Như những bước chân chậm rãi khoan thai, từ đầu tới cuối ca khúc, nhịp điệu gần như không thay đổi, như thể hiện một phần tâm thế vững vàng và điềm tĩnh của một triết gia đang nhìn ra thế giới. Phần nhạc nền tinh tế, thanh thoát làm nổi bật lên nét giai điệu chính với vẻ tự nhiên, giản dị nhưng đẹp cổ kính và sang trọng như một bài dân ca Nga. Những dòng sông, những con kênh, những cành hồng, nụ sen xanh hay hòn đá bên đường… tất cả đi vào ca khúc một cách tự nhiên và duyên dáng đến lạ, tạo nên một sức lan tỏa kì diệu. 

Và rồi những khát khao rất “không tưởng” của nhạc sỹ một lần nữa lại được nhắc lại: Nghĩ sẽ tốt biết mấy nếu châu Âu với Mỹ nhập vào đá/ Và sẽ tốt biết mấy nếu Trung Quốc với Nga cũng gia nhập/ Tuyệt nhất tôi nghĩ nếu thế giới thống nhất nhập vào đá/ Cho thế giới này thành một hòn đá bên đường…

Ca từ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và chứa đựng nỗi buồn bã của tác giả, cũng là của chúng ta. Nó giúp âm nhạc thăng hoa gấp bội bằng những suy tưởng nhiều tầng nghĩa. Và nhạc sĩ kết thúc bằng một câu hỏi, một hình ảnh nhỏ nhoi và giản dị, nhưng cũng là hình tượng trung tâm: giọt mưa, “một giọt mưa tinh khôi”: Vì sao không là giọt mưa/ Một giọt mưa tinh khôi/ Để cùng triệu người, bạn và tôi/ Gia nhập vào giọt nước/ Cùng loài giun, cùng loài sâu/ Loài nhặng trên lưng trâu/ Mọi loài đều thành công dân/ Của giọt nước trong ngần…

Cùng chung một ước mơ về thế giới đại đồng của Ed McCurdy trong Last night I had the strangest dream, của Pete Seeger trong We shall overcome và John Lennon trong Imagine, nhưng Ngô Tự Lập có một cách biểu đạt độc đáo của riêng mình: xuất phát từ xã hội anh trở về với thiên nhiên, từ những ám ảnh về chiến tranh, quốc gia, nhà tù…, anh trở về với những dòng sông, sỏi đá, cỏ cây, côn trùng và giọt nước. Nước là một lựa chọn rất đắt. Nước là cội nguồn của sự sống. Và, Ngô Tự Lập giải thích, trong tiếng Việt còn có nghĩa là Tổ quốc. Tổ quốc của chúng ta, của cả loài người, của mọi sinh linh, kể cả “loài giun”, “loài sâu”, “loài nhặng trên lưng trâu”… là gì nếu không phải là nước?

Giọt nước trong ngần, câu chuyện âm nhạc về một giấc mơ tuyệt vọng của nhân loại, là một tác phẩm thế sự hiếm hoi trong âm nhạc Việt Nam. Và đó cũng là trường hợp hiếm hoi, khi một nghệ sĩ Việt Nam nói với thế giới về hòa bình không phải với tư cách công dân của một đất nước bị chiến tranh tàn phá, mà với tư cách một thành viên của loài người, một “công dân thế giới”. Có thể nói, giá trị lớn lao nhất của ca khúc Giọt nước trong ngần không nằm ở những nét ca từ hay giai điệu, mà nằm ở tình nhân ái và cảm hứng nhân loại.

Ngô Tự Lập là tác giả của những ca khúc đặc sắc như Chim ngói bay về, Nhà xưa, Đường dương cầm… Bài hát Hà Nội hip hop (Bài hát Việt - 2007) của anh, với giai điệu và ca từ mới mẻ, thuộc số những tác phẩm đánh dấu sự thay đổi cảm quan về Hà Nội trong âm nhạc: từ xu hướng thi vị hóa với những “hoa sữa”, “ngõ nhỏ”, “mưa thu”, “chim sâm cầm”… đến vẻ đẹp sống động của “ngói rêu và mái tôn kề nhau”, ”cô em váy cao”, “Tây balô phóng Minsk” và cả những chàng nghệ sĩ  “cười vang” với “bọt bia trắng tinh trong chiều phố”…

Ngô Tự Lập là thủ lĩnh nhóm tác giả M6 và bè bạn, bao gồm các thành viên được công chúng yêu mến như Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Ngô Hồng Quang, Nguyễn Tuấn và Trần Đức Minh (tác giả của tác phẩm khí nhạc Cánh rừng mùa thu vừa đoạt giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam - 2015).

Giọt nước trong ngần

Nhạc và lời: Ngô Tự Lập

1. Vùng Crưm xin nhập vào Nga,

Hoặc bị Nga xâm lăng

Lời Obama, lời Hollande

Cũng như lời Putin

Thật tình tôi chẳng hề tin

Thật tình, không quan tâm

Dù lòng nhủ thầm rằng hay hơn

Nếu Nga gia nhập Crưm

Nghĩ, sẽ tốt biết mấy, nếu châu Âu với Mỹ nhập vào Crưm

Và sẽ tốt biết mấy, khi Trung Quốc noi gương cũng gia nhập

Tuyệt nhất, tôi nghĩ, nếu thế giới thống nhất nhập vào Crưm

Cho thế giới này thành một vùng Crưm xinh đẹp.

Đừng bảo tôi là người điên

Thực lòng tôi, vẫn tin

Rằng thật tuyệt vời khi thế giới

Có tên mới là Crưm

2. Mà vì sao phải là Crưm,

Mà chẳng là Iran

Là Samoa, là Pakistan

Hay Abu Ghraib

Mà, vì sao phải là Crưm,

Mà chẳng là Togo

Là Belize, là Morocco

Hay Guantanamo

Nghĩ, sẽ tốt biết mấy, nếu châu Âu với Mỹ nhập Guantanamo

Và sẽ tốt biết mấy, khi Trung Quốc với Nga cũng gia nhập

Tuyệt nhất, tôi nghĩ, nếu thế giới thống nhất nhập Guantanamo

Cho thế giới này thành một Guantanamo.

Đừng bảo tôi là người điên

Thực lòng tôi vẫn tin

Rằng thật tuyệt vời, khi thế giới

Hóa Guantanamo

3. Mà vì sao là Guantanamo,

Chẳng là Congo

Là Hoàng Hà, là Nyando

Hay là dòng Mékong.

Mà vì sao phải là sông,

Mà chẳng là con kênh

Là một cành hồng, một nụ sen xanh

Hay hòn đá bên đường

Nghĩ, sẽ tốt biết mấy, nếu châu Âu với Mỹ nhập vào đá

Và sẽ tốt biết mấy, khi Trung Quốc với Nga cũng gia nhập

Tuyệt nhất, tôi nghĩ, nếu thế giới thống nhất nhập vào đá

Cho thế giới này thành một hòn đá bên đường.

Đừng bảo tôi là người điên

Thực lòng tôi vẫn tin

Rằng thật tuyệt vời, khi thế giới

Hóa hòn đá bên đường

4. Vì sao không là giọt mưa,

Một giọt mưa tinh khôi

Để cùng triệu người, bạn và tôi

Gia nhập vào giọt nước,

Cùng loài giun, cùng loài sâu

Loài nhặng trên lưng trâu,

Mọi loài đều thành công dân

Của giọt nước trong ngần

Nghĩ, sẽ tốt biết mấy, nếu châu Âu với Mỹ nhập vào nước

Và sẽ tốt biết mấy, khi Trung Quốc với Nga cũng gia nhập

Tuyệt nhất, tôi nghĩ, nếu thế giới thống nhất nhập vào nước

Cho thế giới này thành một giọt nước trong ngần.

Đừng bảo tôi là người điên

Thực lòng tôi, vẫn mong           

Ngày mọi loài đều thành công dân

Của giọt nước trong ngần.

Lan Anh
.
.
.