Gặp Bác Hồ mùa xuân năm 1951

Thứ Ba, 19/02/2008, 08:00
Năm 1949, tôi bước vào tuổi 16 giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn rất quyết liệt. Đồng bằng Bắc Bộ rền vang tiếng súng. Tôi nghỉ học, tham gia vào đội du kích chiến đấu đánh giặc giữ làng ngay trên quê hương tôi - Ba Đông, Phù Cừ, Hưng Yên…

Cuối năm ấy, tôi cùng cả gia đình tạm biệt vùng đồng bằng Bắc Bộ, tạm biệt những cánh đồng lúa ngô xanh mướt vùng tả ngạn sông Hồng, theo giao thông của Liên khu ủy Liên khu 3 đi lên Việt Bắc - căn cứ địa của cuộc kháng chiến. Lên đây, tôi được vào làm việc ở Tòa soạn Báo Sự thật - báo của Đảng. Đó là trường học viết báo đầu tiên của tôi.

Thu - Đông 1950. Các cơ quan Trung ương chuẩn bị đối phó với âm mưu đánh phá của địch lên căn cứ địa Việt Bắc. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng chuyển lên ATK (an toàn khu). Đồng chí Hoàng Tùng - Tổng Biên tập Báo Sự thật. Đồng chí Xuân Thủy - Chủ bút Báo Cứu quốc. Đồng chí Tố Hữu - Báo Văn nghệ... Các anh ở chung trong mấy nhà sàn của bà con dân tộc Cao Lan. Tôi và một vài anh em giao thông cùng đi theo các anh.

...Ngày 12/1/1951, tôi và anh Hà Xuân Trường - Ủy viên Ban Biên tập - lên ATK để lấy bài đem về Tòa soạn. Lần này thật bất ngờ đối với tôi. Tôi được các anh trong Ban Trù bị Đại hội chọn lên làm việc ở Văn phòng Đại hội lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tôi hết sức xúc động và phấn khởi.

Để đảm bảo bí mật địa điểm họp Đại hội, tôi phải đi ngay mà không được quay về cơ quan lấy quần áo và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết khác. Tôi theo giao thông đi từ sáng sớm theo một con đường rừng mới khai phá, len lách giữa các cánh rừng già đại ngàn Việt Bắc. Đến tối mịt mới tới địa điểm sẽ tổ chức Đại hội.

Tôi đến ngay Ban Tổ chức Đại hội gặp anh Hoàng Tùng và được phân công về Văn phòng Đại hội. Mùa đông những ngày cuối năm, núi rừng Việt Bắc rét như cắt da, cắt thịt. Gió bấc căm căm lùa vào những căn nhà cột tre vách nứa.

Chúng tôi chỉ có mỗi người một tấm áo trấn thủ và chiếc chăn mỏng. Đêm nào, tôi cũng được hai anh Việt Phương, Thép Mới cho nằm giữa cho đỡ rét. Nhiều đêm rét quá không ngủ được, anh Hoàng Tùng ngồi thâu đêm suy nghĩ về công việc của Đại hội bên bếp lửa hồng.

Một buổi tối, anh Hoàng Tùng bảo tôi sáng mai sang gặp anh Trường Chinh nhận công tác. Sáng 17/1/1951, tôi sang nhà anh Trường Chinh ở ngay cạnh hội trường lớn. Anh đang đợi tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được đồng chí Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp giao công việc.

Đồng chí Trường Chinh giao cho tôi nhiệm vụ đem bản báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do anh chấp bút đến "Ấn 2" (nay là nhà in Tiến Bộ) để in "Bằng bất cứ giá nào em cũng phải hoàn thành nhiệm vụ". Tự tay anh thắt chặt chiếc ruột tượng (bao gạo kháng chiến) đựng bản báo cáo đã được cuộn tròn trong đó qua vai tôi và tiễn chân tôi ra cửa. Đó là bản báo cáo bàn về Cách mạng Việt Nam.

Tôi đã đi suốt 2 ngày đường rừng dưới trời mưa rét với chiếc mũ và một mảnh giấy sơn che mưa. Đường dốc núi trong mưa trơn trượt và biết bao nhiêu vắt cắn. Hành trang đi đường là một đôi dép cao su, một chiếc gậy và mấy nắm cơm.

Đến "Ấn 2", tôi đã trao bản báo cáo chính trị trước Đại hội Đảng cho anh Thép Mới. Anh đang ở đây để sửa bản in các văn kiện của Đại hội Đảng, và tác phẩm: Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (B) do Bác Hồ dịch.

Ngày 24/1/1951, tôi lại đi "Ấn 2".

Ngày 27/1/1951, vừa từ "Ấn 2" về, tôi lại được lệnh ngay hôm sau lên đường đi "Ấn 2" tiếp. Những ngày này, tôi như một con thoi giữa "Ấn 2" và Đại hội Đảng.

Thấy tôi vừa qua một cơn sốt rét rung giường, rung chiếu, người xanh như lá rừng, anh Thép Mới bảo tôi ở nhà để anh đi thay.

Công việc chuẩn bị cho Đại hội hết sức khẩn trương. Trong những ngày này, các đoàn đại biểu từ các địa phương đã tập trung hết về Đại hội. Tôi thấy có cả đồng chí Cayxỏn Phomvihản của Đảng bộ Lào và đại biểu của Đảng bộ Campuchia. Xa xôi nhất là đoàn Nam Bộ. Các anh đã phải đi một chặng đường cực kỳ gian khổ - con đường máu.

Đại hội chỉ còn thiếu một người - Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng và toàn dân tộc. Người là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân và cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. Bác chưa đến, cả Đại hội nóng lòng mong đón Bác.

Ngày 5/2/1951. Ngày cuối cùng của năm Tân Mão - 30 Tết. Đêm nay, chúng tôi vui liên hoan đón giao thừa. Anh Trường Chinh và anh Hoàng Quốc Việt cùng chung vui đón giao thừa với anh em văn phòng. Đêm trừ tịch thiếu Bác. Tất cả các đại biểu, tất cả chúng tôi đều cảm thấy chưa vui trọn vẹn, vì đêm Giao thừa - đêm đoàn tụ của mỗi gia đình Việt Nam vẫn còn vắng bóng người Cha kính yêu.

Sáng mồng 1 Tết, tiếng trống múa sư tử đã vang lên từ khắp các dãy nhà. Các trò chơi dân gian kéo co, ném còn và sân bóng chuyền vang lên tiếng hò reo cổ vũ.

Chúng tôi có những bữa ăn tươi. Có bánh chưng (mỗi người 1/4 cái), thuốc lá, kẹo và rượu mùi. Đêm liên hoan, các bài ca cách mạng trầm hùng vút cao bên ngọn lửa trại rực hồng. Ngày mồng 1 Tết đã qua đi mà Bác vẫn chưa đến.

Trưa mồng 2 Tết. Trời chợt hửng nắng xuân. Tất cả đang nghỉ trưa, cả Đại hội im phăng phắc thì bất ngờ Bác tới.

Con ngựa hồng đi bước một từ dưới chân đồi đi lên. Bác đội chiếc mũ lá rộng vành, trùm một chiếc khăn che kín chòm râu và một phần khuôn mặt, chỉ còn lộ ra đôi mắt sáng tinh anh của Người.

Đồng chí Dương Bạch Mai nhìn thấy Bác đầu tiên, anh chạy ào xuống đón Bác, vừa chạy vừa hô: Bác Hồ, Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Cả Đại hội náo nức, reo vui. Những người con trung kiên của Đảng quây quần bên Bác. Tiếng hô lại trào lên: Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!... Ai cũng muốn được lại gần Bác, muốn được ôm lấy Bác. Nhiều đại biểu khóc rưng rức.

Nhiều đồng chí từ ngày theo Đảng, dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng, đã bao lần vào sinh ra tử, đã bao lần vào khám ra tù, mang trên mình bao nhiêu bản án - kể cả án tử hình mà nay mới được thấy lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc.

Tất cả đều bồi hồi xúc động đúng như câu thơ của thi hào Nguyễn Du mà có lần Bác đọc trước Đại hội: "Rằng bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai".

Được quây quần quanh Bác, mọi người như trẻ lại. Bác khỏe, Bác vui, Bác giản dị và chan hòa. Từ nơi Bác tỏa ra một tình yêu bao la tới các đồng chí của Người. Trong những giây phút đầu xuân đầy cảm động ấy, Bác ôm hôn Bác Tôn Đức Thắng và chị Hoàng Thị Ái. Vừa ôm, Bác vừa nói: "Nào, xin chúc cho hai cái xuân già trẻ lại". --PageBreak--

Mọi người bao quanh lấy Bác không chịu giải tán, Bác phải ra hiệu cho mọi người im lặng. Bác nói vui: "Bây giờ đề nghị các cô, các chú để cho Bác nghỉ, Bác mệt rồi. Bây giờ Bác Hồ muốn nằm...". Khi đó, các đại biểu mới chịu giải tán về chuẩn bị cho tối liên hoan chúc Tết Bác và đón xuân.

Anh em văn phòng chúng tôi vừa về đến nhà thì anh Việt Phương bảo mọi người thu dọn nhà cửa, sắp xếp lại chỗ ở cho ngăn nắp, vì anh biết chắc Bác sẽ xuống thăm.

Đúng như lời anh Việt Phương, Bác không nghỉ mà chỉ mấy phút sau Bác đã đến thăm chốt gác của các chiến sỹ cảnh vệ, những người đang ngày đêm canh giữ cho sự an toàn tuyệt đối của Đại hội. Tiếp đó, Bác đến thăm nhà ăn, nhà bếp và các anh chị em cấp dưỡng. Thăm nơi ăn chốn ở của các đoàn đại biểu.

Sau cùng, Bác ghé thăm anh em văn phòng chúng tôi. Mặc dù đã dọn dẹp chỗ ăn ở gọn gàng đón Bác, vậy mà chúng tôi vẫn bị Bác phê bình. Số là những chiếc khăn mặt của chúng tôi phơi lộn xộn không ngay ngắn. Bác cười và bảo: Đây là một dãy nghi môn câu đối của các chú.

Chỉ một thoáng tiếp xúc với Bác, mỗi anh em chúng tôi đều cảm thấy từ Bác tỏa ra tình yêu thương, đức độ của một người Cha. Người quan tâm tới những điều nhỏ nhất trong cuộc sống của mỗi người chúng tôi.

Tối hôm ấy, buổi liên hoan chúc Tết Bác thật cảm động và vui. Món quà Bác đem đến cho Đại hội là một bó rau cải xanh và mấy quả bí do chính tay Bác gieo trồng, chăm bón quanh ngôi nhà sàn của Bác. Bác muốn nhắc nhở mọi người thực hiện tốt cuộc vận động tăng gia sản xuất. Đó là một trong ba cuộc vận động lớn của Đảng ta sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công: Chống giặc đói - chống giặc dốt - chống giặc ngoại xâm.

Đêm liên hoan bắt đầu. Ngồi bên Bác là một nữ sinh đại biểu cho học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn. Chị đã đến Đại hội Đảng qua nửa vòng trái đất. Từ Sài Gòn qua Pháp, qua Đức dự Đại hội liên hoan thanh niên - sinh viên dân chủ thế giới.

Rồi sau đó, chị qua Liên Xô. Từ Liên Xô đi Bắc Kinh và từ Bắc Kinh chị về Việt Bắc. Chị được đi con đường ngắn nhất như vậy, qua biên giới Việt - Trung chính là nhờ chiến thắng oanh liệt của quân dân ta Thu - Đông 1950. Biên giới phía Bắc được giải phóng, cửa ngõ đi ra các nước anh em chúng ta đã rộng mở…

Đại biểu Nam Bộ được mời lên phát biểu đầu tiên. Đồng chí Trưởng đoàn chỉ mới nói được một câu: "Kính thưa Cha" đã bật khóc, nghẹn ngào không nói nên lời...

Tất cả các đoàn đều lên chúc Tết Bác và biểu diễn các tiết mục văn nghệ Mừng Đảng - Mừng Xuân. Đồng chí Dương Bạch Mai hát bài: "Đoàn quân đi dưới nắng gắt gay mình đầm mồ hôi..." đến câu cuối cùng anh hát: "Em vẫn mong chờ tới ngày ấy đôi ta cùng... hôn" anh hôn một cái rõ kêu vào má chị Hồ Thị Minh ngồi bên cạnh Bác, rồi chống batoong đi về chỗ ngồi.

Bác liền quay lại kêu: "Chú Mai lại đây Bác bảo". Cả hội trường hồi hộp. Đồng chí Dương Bạch Mai quay lên chỗ Bác. Bác đứng dậy và nói: "Thưởng cho chú một điếu thuốc lá". Cả hội trường vỡ òa lên niềm vui chung chan hòa giữa Bác và các đồng chí của Người.

Riêng anh em văn phòng chúng tôi có 13 người, tất cả đều lên sân khấu. Chúng tôi ra hoạt cảnh đánh máy. Anh Việt Phương là người đánh máy, còn mỗi chúng tôi là một chữ cái. Chúng tôi đã xuất hiện trên sân khấu với dòng chữ lớn màu vàng rực rỡ trên nền đỏ:

Bác Hồ muôn năm

Được nhìn thấy Bác. Được nghe tiếng nói của Bác. Được quây quần bên Bác. Tất cả mọi người chúng tôi như được tiếp thêm một sức sống mới: Yêu nước - Yêu người - Yêu đời biết bao nhiêu.

Bác đã đến. Đại hội chuẩn bị khai mạc.

Một vấn đề đặt ra là nhiều đại biểu không biết mặt và không biết tên nhau, vì từ ngày tham gia hoạt động cách mạng đã bao giờ Đảng ta có được một lần họp mặt đông đủ như thế này. Văn phòng chúng tôi phải chuẩn bị cho mỗi đại biểu một tấm bìa carton có ghi số từ 1-158. Đó là số đại biểu chính thức tham dự Đại hội.

Có một kỷ niệm thật cảm động khi tôi ôm một chồng bìa carton ghi số đến giao cho đoàn đại biểu Nam Bộ. Nhận chồng bìa từ tay tôi, đồng chí Ung Văn Khiêm - Trưởng đoàn Nam Bộ đứng lên sạp nứa và bắt đầu đọc tên từng đồng chí.

- Phạm nhân số 17: Phạm Hùng - tử hình.

Tiếp theo đó, đồng chí Ung Văn Khiêm đọc tên các đồng chí trong đoàn Nam Bộ. Mỗi con số là một đồng chí và một bản án. Không khí vừa vui vừa xúc động đến trào nước mắt. Các anh đến dự Đại hội Đảng đã mang theo bao nhiêu bản án của đế quốc Pháp trong cả quá trình hoạt động cách mạng. Các anh còn quá trẻ, tuổi đời trên dưới 30, nhưng nhiều đồng chí đã phải nhận những án tù còn nhiều hơn cả tuổi đời của mình.--PageBreak--

Mồng 5 Tết. Anh em văn phòng được chụp ảnh chung với Bác.

Mồng 6 Tết – 11/2/1951. Đại hội lần thứ 2 của ĐCS Đông Dương chính thức khai mạc.

Vấn đề lớn nhất trong những ngày đầu của Đại hội là việc chia tách ĐCS Đông Dương thành 3 Đảng: Việt Nam, Lào, Campuchia. Cuộc thảo luận diễn ra khá căng thẳng nhưng cuối cùng đã đi đến thống nhất. Anh Việt Phương ở bộ phận thư ký của Đại hội kể lại đại ý như sau: Bác nói đây là một điều rất đáng vui mừng của những người cộng sản. Việc tách thành 3 Đảng chứng tỏ phong trào cách mạng của 3 nước Đông Dương đã trưởng thành. Mỗi nước đã có thể tự thành lập một Đảng cách mạng để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng đất nước mình. Đại hội đã có một quyết định thật sáng suốt, một quyết định lịch sử của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tiếp những ngày sau, việc đổi tên Đảng được đưa ra thảo luận, từ ĐCS Việt Nam chuyển thành Đảng Lao động Việt Nam. Một buổi tối tại hội trường lớn, trước khi lấy biểu quyết về việc đổi tên Đảng, Bác đã dành thời gian khá dài để thuyết trình về việc đổi tên Đảng. Theo anh Hoàng Tùng, Bác đã phải giải thích cả bằng tiếng Pháp để cho các đại biểu hiểu rõ rằng Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của những người lao động.

Việc đổi tên Đảng đã được 98% đại biểu bỏ phiếu thông qua. Đây cũng là một quyết định sáng suốt của Đảng, của Bác trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Vấn đề dân tộc và giai cấp cũng được thảo luận khá sôi nổi, đôi khi có đồng chí phát biểu như ở một nghị trường, cuối cùng cũng đi đến nhất trí về sự thống nhất giữa quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai cấp công nhân.

Những người cách mạng Việt Nam khẳng định không thể tách rời cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ra khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, và ngược lại những người cách mạng Việt Nam không thể tách rời cuộc đấu tranh giai cấp ra khỏi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Việc xác lập và khẳng định tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tên Đảng Lao động Việt Nam là một quyết định lịch sử.

Những ngày cuối cùng Đại hội tiến hành bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng. Một sự kiện đặc biệt đã diễn ra trước khi bỏ phiếu là tất cả các đại biểu đều nhất trí tôn vinh Bác là Chủ tịch Đảng. Sau đó, Đại hội tiến hành bầu cử. Những đồng chí trúng 100% số phiếu bầu của Đại hội là đồng chí Lê Duẩn (bầu vắng mặt), đồng chí Nguyễn Chí Thanh, tiếp đến là đồng chí Trường Chinh...

Trong thời gian diễn ra Đại hội, những lúc các đại biểu thảo luận ở tổ, Bác thường tranh thủ đi thăm các đơn vị.

Sáng 13/2/1951. Tôi đang mải mê đánh máy một văn kiện của Đại hội thì bất ngờ Bác tới. Bác ngồi xuống cạnh tôi, Người hỏi: "Cháu đánh máy có giỏi không?".

- Dạ thưa Bác! Mỗi trang cháu đánh hết 20 phút ạ.

- Hằng ngày, cháu làm gì để giữ cho máy sạch?

Tôi còn đang lúng túng vì quá xúc động chưa biết nói sao thì Bác đã nhẹ nhàng nghiêng chiếc máy chữ xách tay của tôi thổi nhẹ cho bụi phấn bay đi. Người bảo làm như vậy mỗi ngày sẽ luôn giữ cho máy sạch. Hồi đó giấy đánh máy làm bằng giấy bản mỏng bụi bay rất nhiều chứ đâu có giấy trắng đẹp như bây giờ.

Bác ân cần căn dặn: "Cháu còn trẻ lắm phải cố gắng làm việc, học tập để có thể làm việc tốt hơn".

Trong lúc tôi được ngồi bên Bác, thì ngoài kia qua một khung cửa lớn, chiếc máy quay phim của anh Nguyễn Hồng Nghi vẫn đang chạy ro ro ghi lại một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời tôi.

Một buổi trưa Bác không nghỉ. Tôi đi theo Bác xem họa sỹ Diệp Minh Châu vẽ khung cảnh Đại hội. Cứ mỗi lần anh ngước mắt lên là một lần cây cọ nơi tay anh lại quét thêm một mảng màu trên khung vải. Hai bác cháu đứng xem. Bác quay sang bảo tôi: "Cháu thấy không, mắt họa sỹ có khác".

Ngày 19/2/1951. Đại hội Đảng Lao động Việt Nam bế mạc thành công tốt đẹp. Ngày 11/3/1951. Đảng ra công khai, báo của Đảng với tên mới là Báo Nhân Dân ra số đầu tiên. Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta bước vào một giai đoạn mới đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cuối cùng là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, tôi không thể nào quên những giây phút bồi hồi xúc động được ở bên Bác, được sống giữa những người con ưu tú nhất của Đảng

K.S Trần Quốc Phong
.
.
.