Đoạn cuối con đường lầm lạc của anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu: Cái chết tức tưởi
Cách đây 45 năm, ngày 1/11/1963 tại Sài Gòn đã xảy ra cuộc đảo chính đẫm máu do một nhóm sĩ quan cao cấp của quân đội cái gọi là Việt Nam Cộng hòa tiến hành. Trong số này có nhiều gương mặt vốn là thân cận với triều đại Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu như Trung tướng Dương Văn Minh, Trung tướng Trần Văn Đôn, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu tướng Tôn Thất Đính, Thiếu tướng Nguyễn Khánh, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Đại tá Đỗ Mậu… Hai anh em Diệm - Nhu đã bị hạ sát trong cuộc đảo chính đó nhưng bản chất làm tay sai cho ngoại bang của chính quyền Sài Gòn không vì thế mà thay đổi, thậm chí còn được nâng lên nặng đô hơn. Và dĩ nhiên sự sụp đổ của chính thể đó tháng 4/1975 là một kết cục tất yếu.
Khi quan thầy bán đứng thuộc hạ cũ
Ngay từ chiều 31/10/1963, Đại tá, Sư trưởng Sư đoàn 5 Nguyễn Văn Thiệu đã dẫn hai trung đoàn dưới quyền cùng một tiểu đoàn pháo binh và một chi đoàn thiết giáp mượn cớ đi hành quân ở Phước Tuy nhưng lại dừng chân ở ngã ba xa lộ Biên Hòa và QL15 đi Vũng Tàu. Sáng 1/11/1963, Thiếu tá Nguyễn Bá Liên (cháu của Đại tá Đỗ Mậu, trùm an ninh quân đội Sài Gòn), Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thủy quân lục chiến ra lệnh cho hai tiểu đoàn dưới quyền giả bộ đi hành quân ở núi Thị Vải, Ba Rịa, rồi bất ngờ chuyển hướng về Sài Gòn chiếm Tổng nha Cảnh sát, Bộ Nội vụ, Nha Truyền tin và Đài Phát thanh Sài Gòn. Đồng thời, tướng Mai Hữu Xuân cũng đưa tân binh quân dịch ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung về chặn các ngả đường tiến vào Sài Gòn…
Cũng trong buổi sáng 1/11/1963, nhóm tướng lĩnh chóp bu của quân đội Sài Gòn đã tụ họp với nhau để hạ quyết tâm tiến hành đảo chính tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu.
Cũng trong buổi sáng 1/11/1963, để đánh lạc hướng, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Henry Cabot Lodge đã dẫn Đô đốc Harry D. Felt, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương vào thăm viếng xã giao Tổng thống Ngô Đình Diệm. Khi trò chuyện riêng với viên "thái thú" Mỹ, ông Diệm ướm lời hỏi về tin đồn đảo chính. Đại sứ Cabot Lodge mặt tỉnh bơ cả quyết rằng, ông ta không hề nghe ai bàn bạc gì về chuyện đó và còn hứa nếu hay biết chuyện gì liên quan tới âm mưu đảo chính, sẽ ngay lập tức báo cho ông Diệm biết. Nhân danh đại sứ, ông Cabot Lodge cũng tuyên bố rằng, nước Mỹ không bao giờ ủng hộ một âm mưu nhằm lật đổ Tổng thống Diệm (?!).
Cũng trong thời điểm đó, theo lệnh của CIA, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đã vào dinh Gia Long tìm gặp Ngô Đình Nhu kiếm chuyện làm quà vừa đánh lạc hướng vừa thăm dò tình hình xem gió đang chuyển về hướng nào. Với vẻ vô tư, Nguyễn Văn Thiệu hỏi ông Nhu về tin tức xung quanh âm mưu đảo chính. Ngô Đình Nhu đáp rằng, ông ta không nhận được tin tức gì mới… Đại tá Thiệu ra về và tới 13h cùng ngày, ra lệnh cho đám quân đang tạm đóng ở ngã ba xa lộ Biên Hòa và QL15 đi Vũng Tàu tiến về nội đô: Một trung đoàn đóng ở Phú Lâm, còn trung đoàn kia đóng ở ngã tư Hàng Xanh để phòng ngừa việc quân cứu viện từ ngoài tiến về "cứu giá". Sở chỉ huy của Sư đoàn 5 cũng được dời về đóng tạm ở Trường Đại học Sư phạm trên đường Cộng Hòa…
Các vụ đọ súng giữa lực lượng đảo chính và một số đơn vị trung thành với chính thể Diệm - Nhu bắt đầu lác đác bùng nổ từ 13h30'. Thấy vậy, Tổng Giám đốc Thanh niên Cao Xuân Vĩ, một nhân vật thân tín của gia đình họ Ngô, đã gọi cho Ngô Đình Nhu hỏi han tin tức nhưng ông Nhu cũng không biết gì hơn và bảo ông Vĩ tự đi thám thính tình hình bên ngoài. Ông Vĩ lái xe đi một vòng trên phố nhưng không nhận thấy điều gì quá bất thường. Ông Nhu cũng không hiểu lực lượng nào đứng ra làm đảo chính vì cho tới lúc ấy, vẫn rất tin vào những lời trấn an của Đại tá Thiệu nói tại dinh Gia Long lúc sáng.
Nhìn chung, hai anh em Diệm - Nhu cho tới lúc đó vẫn không thể ngờ rằng những viên sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội Sài Gòn mà họ cho là "đệ tử ruột" đều đã bị CIA mua hết cả. Chính vì thế nên họ đã sai Trung tá Lê Như Hùng, Tham mưu trưởng Biệt bộ tại Phủ Tổng thống đặc trách liên lạc với quân đội, liên lạc với tướng Trần Thiện Khiêm và tướng Tôn Thất Đính để bàn chuyện bảo vệ Sài Gòn chống lại các đơn vị làm đảo chính. Thế nhưng lúc đó, theo kế hoạch đã định trước dưới sự chỉ đạo của CIA, cả hai tướng Khiêm và Đính, cũng như nhiều viên tướng chủ chốt khác của quân đội Sài Gòn, đều đang ở trụ sở Bộ Tổng tham mưu bàn chuyện đảo chính.
Khi Trung tá Hùng gọi đến cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 thì cũng không thể gặp được ông Thiệu vì viên đại tá này "đang đi hành quân", kỳ thực là đang chỉ huy thuộc hạ làm đảo chính và mỗi giờ tiến mỗi gần dinh Gia Long. Tới thời điểm đó, khá nhiều những viên sĩ quan cao cấp trung thành thực sự với anh em Diệm - Nhu đều đã bị sát hại, như Tư lệnh Hải quân, Đại tá Hồ Tấn Quyền hay Tư lệnh Lực lượng đặc biệt, Đại tá Lê Quang Tung… Bối rối, Ngô Đình Diệm đành phải gọi điện thoại tới cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn báo tin rằng mình vừa được biết về tin đảo chính và nhờ ông Cabot Lodge xác nhận rằng tin đó đúng hay sai. Đến nước đó, Đại sứ Mỹ vẫn nói chắc như đinh đóng cột rằng không thể nào xảy ra đảo chính được và hứa nếu hay biết gì về chuyện này thì sẽ báo lại cho ông Diệm ngay tắp lự (?!).
Trong lúc đó tình hình ngày một phát triển phức tạp hơn. Tới 14h30' ngày 1/11/1963, Đài Phát thanh Sài Gòn tự dưng ngừng phát sóng. Vang lên những phát súng từ phía trụ sở của đài. Tổng thống Diệm cực chẳng đã lại gọi điện thoại cầu cứu thông tin ở Đại sứ Mỹ. Ông Cabot Lodge lại vẫn nhắc lại điệp khúc cũ trấn an ông Diệm. Những lời đường mật giả dối của quan thầy Mỹ không làm anh em Diệm - Nhu an tâm nhưng họ cũng không biết làm gì hơn ngoài việc ngồi yên trong dinh Gia Long chờ đợi.
Tới 16h45', Đài Phát thanh Sài Gòn lại được phát sóng và bắt đầu loan tin về việc quân đội đã đứng lên lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và Hội đồng tướng lĩnh đưa ra yêu cầu ông Diệm từ chức rồi cùng ông Nhu rời khỏi Việt Nam…
Biết đã bị rơi vào thế kẹt, Ngô Đình Nhu sai tay chân tìm cách tập hợp lực lượng còn trung thành với mình để chuẩn bị phản công lực lượng đảo chính. Tuy nhiên, Tổng thống Diệm từ chối sử dụng biện pháp quân sự để dẹp đảo chính vì vẫn bán tín bán nghi những lời mà viên đại sứ Mỹ đã nói với mình trước đó. Trong thâm tâm, Ngô Đình Diệm cho rằng, một khi
Vẫn với vẻ vô can một cách ngây ngô, Đại sứ Mỹ bảo rằng ông ta cũng có nghe tiếng súng nổ, nhưng không biết hết toàn bộ sự việc nên khó có thể nói gì. Hơn nữa, do sự khác nhau về múi giờ nên vào thời điểm đó, khi tại Washington mới chỉ là 4h sáng nên Chính phủ Mỹ càng không thể đưa ra một tuyên bố chính thức nào về những việc đang diễn ra ở Sài Gòn…
Đến lúc này, có lẽ Tổng thống Diệm đã hiểu ra được trò tháu cáy thò lò hai mặt của quan thầy và đành phải nghĩ đến chước hay nhất trong ba sáu chước. Hai anh em Diệm - Nhu cùng một số tay chân tin cậy nhất, trong đó có Tổng Giám đốc Thanh niên Cao Xuân Vĩ, cùng bàn kế "tẩu vi thượng sách".
Ông Vĩ đưa ra sáng kiến chia sẻ lực lượng bằng cách để ông Diệm ở lại trong dinh Gia Long, còn ông ta cùng ông Nhu ra ngoài tìm lực lượng ứng cứu. Ông Nhu bác phương án này vì sợ bào đệ của mình rời khỏi anh trai thì sẽ bị lực lượng đảo chính hạ sát ngay. Thấy vậy, ông Nhu đề nghị cả hai anh em cùng thoát thân khỏi dinh Gia Long tới ẩn náu tại Tòa Khâm sứ của Vatican ở đường Hai Bà Trưng. Ông Diệm vẫn lắc đầu vì không muốn làm khó cho Tòa Thánh. Ông Nhu lại đề nghị cả hai anh em cùng tới tá túc tạm thời ở Đại sứ quán
Đang bực bội vì thái độ của Đại sứ Mỹ, ông Diệm hạ luôn một câu: Đừng bao giờ tin vào các đại sứ quán phương Tây, lòng vả cũng như lòng sung thôi! Ông Nhu lại đề nghị tới Đại sứ quán Nhật trốn nhờ. Ông Diệm lại đáp, Nhật đâu có tốt với chính thể Việt Nam Cộng hòa vì bản thân ông ta cũng đã bị "ăn quả đắng" quá nhiều với người Nhật rồi! Khi ông Nhu bàn chuyện tới trú ẩn ở Đại sứ quán Đài Loan, ông Diệm cũng nêu ra lý do để bàn lùi…
Có vẻ như Tổng thống Diệm cho rằng, cứ cố thủ ở trong dinh Gia Long là an toàn hơn cả. Hơn nữa, với tư duy quan lại cố hữu, ông Diệm luôn cho rằng, "đường đường phương diện quốc gia", chết cho oách vẫn hơn là sống chui lủi. Ngô Đình Nhu đành phải lựa lời nói khéo rằng, rời khỏi dinh Gia Long không phải là trốn chui lủi mà chỉ là "dịch cư" vì lý do an ninh, khi nào êm xuôi mọi chuyện thì Tổng thống lại quay về trị vì đất nước (?!). Ông Nhu nêu ra luận cứ rằng, trên nguyên tắc, một cuộc đảo chính nếu trong 48 giờ mà không thành công, thì sẽ phải thất bại. Mặc dù biết tình hình đang ngày một nguy ngập, ông Diệm vẫn cứ làm thinh trước các lý lẽ của ông Nhu… Ông Nhu ngao ngán bỏ về phòng mình.
Đúng lúc đó, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, trước đấy cứ im như thóc lại chủ động gọi điện cho Tổng thống Diệm nói rằng, ông ta đang lo lắng cho tính mạng của ông Diệm và sẵn sàng làm mọi việc có thể để giúp đỡ. Ông Diệm vẫn mặt lạnh như tiền tuyên bố: "Tôi đang cố gắng tái lập trật tự". Nói vậy nhưng ông Diệm cũng hiểu ra rằng, một khi viên đại diện cao nhất cho quan thầy Mỹ ở Sài Gòn đã tỏ thái độ như thế thì tình hình quả thực là đã quá nguy ngập. Và ông ta cho gọi Ngô Đình Nhu vào bảo: "Đi thì đi!".
Lúc đó đã vào khoảng 19h, trời Sài Gòn đã nhá nhem tối. Rồi ông Diệm thở dài ngao ngán trước khi bước lên thùng của cỗ xe chở hàng fourgonnette: "Đi như ri thì mất nước!". Thực ra, kể từ khi lên ngôi Tổng thống của cái gọi là Việt Nam Cộng hòa, cam phận làm tay sai cho siêu cường bên kia đại dương, đã có phút nào ông Diệm được làm chủ thực sự phần đất của mình đâu!
Sau này, trong cuốn sách "President Kennedy, Profile of Power", nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ Richard Reeves đã hạ bút viết như sau về bản chất thật của cái gọi là chính thể Sài Gòn thời đệ nhị cộng hòa: "Người Mỹ, vì các mục tiêu thực tế, đã cai quản đất nước. Các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa cười trước các máy quay phim, nhưng lo lắng và chờ đợi tiền và chỉ thị từ
Lên xe một cách bí mật, vì không có ghế nên hai anh em Diệm - Nhu buộc phải ngồi bệt xuống sàn. Đi theo hai con người từng nắm quyền lực lớn nhất của nền đệ nhất cộng hòa Sài Gòn chỉ có viên Đại úy Đỗ Thọ, một người cháu của Đỗ Mậu. Cỗ xe lầm lũi rẽ phải sang đường Pasteur, xuống đường Lê Lợi, qua đường Trần Hưng Đạo, đến Đồng Khánh rồi vào khu Đại Thế Giới, nơi đang có lực lượng trung thành với anh em Diệm Nhu đóng giữ.
Trong lúc đó, ông Cao Xuân Vĩ đã gọi điện thoại cho ông Mã Tuyên, một Tổng bang trưởng của người Hoa, đồng thời là thủ lĩnh cái gọi là Thanh niên Cộng hòa ở Chợ Lớn, nhờ tìm nơi trú ngụ tạm thời cho quan thầy. Mã Tuyên nhận lời ngay dù trước đó chưa một lần được giáp mặt anh em Diệm - Nhu. Từ Đại Thế Giới, anh em Diệm - Nhu đã lẻn tới nhà của ông Mã Tuyên và lên ẩn náu ở lầu hai. Khi đồ đệ trung thành Cao Xuân Vĩ tới nhà Mã Tuyên, thì ông ta thấy ngay rằng, không thể để hai anh em Diệm - Nhu ở đó lâu được vì sẽ bị lộ ngay. Mã Tuyên tìm cách liên lạc với những người Hoa thân tín và họ đã tìm được hai kho hàng trống ở bến Bình Đông, có thể dùng làm nơi tá túc cho anh em Diệm - Nhu chờ qua cơn hoạn nạn. Vì lúc đó đã quá khuya và đang là giờ giới nghiêm nên Cao Xuân Vĩ dự kiến tới 6h sáng 2/11/1963 sẽ đưa được anh em Diệm - Nhu tới nơi ẩn náu mới. Tuy nhiên, khi ông Vĩ đúng hẹn quay lại tìm anh em Diệm - Nhu ở nhà Mã Tuyên thì được biết, hai người này lại đi vào xem lễ ở nhà thờ Cha Tam, cuối đường Đồng Khánh…
Thực ra, Ngô Đình Diệm cho tới lúc đó vẫn muốn tỏ rõ cái ý "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" (Thà chết chứ không chịu nhục) nên không muốn lẩn trốn vào nhà kho ở bến Bình Đông. Tại nhà Mã Tuyên, Tổng thống Diệm đã gọi điện ra lệnh cho lực lượng Liên binh Phòng vệ còn trung thành với mình phải buông súng rồi lại gọi báo tin cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn biết về quyết định tình nguyện từ chức và đi ra nước ngoài. Và trước khi công bố thông tin cho đám tướng lĩnh chủ mưu đảo chính, như những con chiên ngoan đạo, hai anh em Diệm - Nhu đã đến nhà thờ để dự lễ và cầu nguyện…
Gia đình Ngô Đình Diệm tại Huế. |
Kết cục thê thảm
Tuy nhiên, cây muốn lặng nhưng gió vẫn chẳng đừng. Ngô Đình Diệm đã không ngờ được rằng, quan thầy Mỹ đã không còn muốn cho hai anh em nhà ông ta sống nữa.
Điệp viên CIA Lucien Emile Conein, kẻ trực tiếp giật dây cho cuộc đảo chính này, trước đó đã nói bằng tiếng Pháp với đám tướng lĩnh tay sai trong quân đội Sài Gòn rằng: "Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những quả trứng" (On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs)…
Cũng xin nói thêm rằng, Lucien Conein từng hoạt động trong toán đặc nhiệm dưới quyền của Đại tá CIA Edward Lansdale, người giúp Ngô Đình Diệm chống lại các lực lượng đối lập để lên nắm độc quyền cai quản chính trường Sài Gòn… Thời khắc thay đổi, khi thấy anh em Diệm - Nhu không còn hiệu quả trong việc làm tay sai cho ngoại bang nữa, các quan thầy Mỹ đã không ngần ngại ra lệnh hạ thủ họ…
Đã có chứng cớ xác thực rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ John Kennedy đã bật đèn xanh cho việc giết hai anh em Diệm - Nhu. Mệnh lệnh này đã được truyền thẳng từ
Trở lại với buổi sáng 2/11/1963. Nhận được tin về việc hai anh em Diệm - Nhu đang ở nhà thờ Cha Tam trên đường Đồng Khánh trong Chợ Lớn, những viên tướng cầm đầu đảo chính ngay lập tức lập ra "nhóm sát thủ" do tướng Mai Hữu Xuân cầm đầu. Và vào khoảng 6h30' có một đoàn gồm hai xe GMC, hai xe M113 và ba xe jeep chạy tới gần nhà thờ Cha Tam thì đi chậm lại rồi dừng hẳn. Những tên lính vũ khí trang bị tận răng đằng đằng sát khí nhảy ra khỏi xe GMC chia thành hai vòng bao vây lấy khu vực nhà thờ. 3 chiếc xe jeep cũng đậu ở gần đây. Trên xe thứ nhất có tướng Mai Hữu Xuân và 3 cận vệ. Trên chiếc thứ hai là Đại tá Dương Ngọc Lắm, Đại úy Nguyễn Văn Nhung và đại úy Dương Hiếu Nghĩa. Có 4 người ở trên xe Jeep thứ ba, trong đó có Đại úy Phan Hòa Hiệp... Theo hiệu lệnh của Đại tá Lắm, ba Đại úy Nhung, Nghĩa và Hiệp nhảy xuống khỏi xe jeep… Lát sau, từ trong nhà thờ có 4 người đi ra, đó là Tổng thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu và hai tùy viên, một là Đại úy Đỗ Thọ. Đại tá Lắm bước tới trước mặt Ngô Đình Diệm:
- Thừa lệnh Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, chúng tôi đến đón cụ và ông cố vấn.
Ông Diệm nói luôn bằng cái giọng kẻ cả:
- Ông Đôn (tức Trần Văn Đôn) và ông Minh (tức Dương Văn Minh) đâu hè?
- Thưa cụ, hai ông còn đang bận việc ở Tổng Tham mưu.
- Thôi được. Thế tôi và ông cố vấn đi cùng xe kia với ông…
Thế nhưng, Đại tá Lắm quay người lại chỉ vào chiếc M113 xoàng xĩnh hơn và nói:
- Thưa cụ, xin cụ lên xe này cho.
Thấy vậy, Ngô Đình Nhu cau mày cự nự:
- Không thể đón Tổng thống bằng một chiếc xe như vậy. Để tôi liên lạc với ông Đôn, ông Đính coi xem.
Đại tá Lắm cũng nhún vai:
- Tôi không biết. Đây là lệnh của Trung tướng Chủ tịch.
Tới đó, viên Đại úy Nhung nhào vô nói oang oang:
- Xin mời hai ông lên xe ngay cho!
Ngô Đình Nhu thay đổi hẳn sắc mặt, giọng nói cũng trở nên cứng cỏi và quyết liệt hơn:
- Không được. Để tôi hỏi lại ông Minh, ông Đôn. Tôi đi xe nào cũng được, nhưng còn Tổng thống...
Đại úy Nhung liền sẵng giọng:
- Ở đây không còn Tổng thống nào cả.
Nói đoạn, Nhung sai hai tên lính chạy tới đẩy hai anh em Diệm - Nhu lên chiếc xe M113 và hạ ngay cửa xe xuống... Đoàn xe rùng rùng chuyển động và bất ngờ dừng lại khi đã đi hết đường Nguyễn Trãi, vào đường Võ Tánh, tới trước cổng Tổng nha Cảnh sát Quốc gia. Khu vực này đã bị lực lượng đảo chính chiếm ngay ngày 1/11/1963 nên lúc đó không còn bóng dáng một viên cảnh sát nào nữa mà chỉ có các tên lính thuộc Sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu canh gác mà thôi. Một viên đại tá từ trên xe jeep nhảy xuống, bảo 7 tên lính đang ở trên xe M113 chở anh em Diệm - Nhu xuống xe hết, chỉ trừ lái xe và tên hạ sĩ xạ thủ là phải ở lại nguyên chỗ cũ. Rồi viên lái xe nhận được lệnh đưa chiếc xe M113 đó đi vào Tổng nha. Phải tới 20 phút sau, chiếc xe này mới chạy từ Tổng nha ra ngoài…
Về những phút cuối cùng của anh em Diệm - Nhu có nhiều cách kể chuyện khác nhau. Theo lời kể của những nhân chứng hiếm hoi, chính trong Tổng nha Cảnh sát quốc gia, thì anh em Diệm - Nhu đã bị chính thuộc hạ cũ của mình tra tấn. Ngô Đình Nhu sau khi bị đánh đập đã bị siết cổ chết bằng dây điện. Còn Ngô Đình Diệm thì bị đè cổ ra trói thúc ké rồi ném vào hầm xe… Rồi cả hai người, một đã chết hẳn, một dở sống dở chết lại được chiếc xe M113 chở đi. Khi nó qua khỏi trường Petrus Ký rồi quẹo phải vào đường Hồng Thập Tự thì gặp lại 2 xe jeep và hai xe chở buổi sáng.
Xe Đại tá Dương Ngọc Lắm đi đầu, xe thứ hai có Đại úy Nhung. Cả bọn lại nối đuôi nhau đi khoảng 500m, đến đường Cao Thắng, cạnh bệnh viện Từ Dũ thì dừng lại vì ở làn đường bên kia có xe của tướng Xuân đang chạy ngược trở lại. Lúc này, dân chúng cũng ùa ra đường tò mò nhìn ngắm khá đông. Từ trên xe của mình, tướng Xuân đưa mắt ra nhìn Đại uý Nhung và ra ám hiệu hai lần bằng hai ngón tay trái. Sau đó, ông ta đưa ngón tay trỏ lên khỏi đầu và co vào duỗi ra đến 4 lần, như đang làm động tác bóp cò súng. Đại úy Nhung gật đầu, rồi đưa tay lên chào. Đoàn xe lại tiếp tục đi tới gần đường tàu hỏa thì dừng lại trước barie vì lúc đó sắp có đoàn tàu đi qua. Tranh thủ thời gian, Đại úy Nhung từ chiếc xe jeep nhảy qua chiếc M113 có chở anh em Diệm - ông Nhu, hét to: "Xuống! Xuống!". Đám lính trên xe nhảy ra hết. Rồi nhiều tiếng súng vang lên.
Có nguồn tin khẳng định rằng, chính Đại uý Nhung đã bắn bằng súng Colt 12 và bắn vào Ngô Đình Nhu 5 phát. Thấy cảnh tượng đó, Ngô Đình Diệm đã nhắm nghiền ngay mắt lại và cứ thế chịu đựng 5 phát đạn tiếp theo mà Đại uý Nhung bắn vào ông ta. Bắn Tổng thống Diệm xong, Đại uý Nhung còn bắn vào xác Ngô Đinh Nhu thêm ba phát nữa vào ngực...
Theo tư liệu trong cuốn sách "Assassin in our Time" (Kẻ sát nhân trong thời đại chúng ta) xuất bản năm 1976 ở Mỹ, ở trên xe M113, anh em Diệm - Nhu bị trói tay quặt ra sau lưng. Tổng thống Diệm do bị sốc nặng nên đã ngồi im như thóc. Bất ngờ, Đại uý Nhung đã rút dao găm ra đâm Ngô Đình Nhu liên tiếp 15-20 phát. Rồi y rút súng Colt ra bắn vào gáy Ngô Đình Diệm. Thấy Ngô Đình Nhu vẫn còn quằn quại trên sàn chưa chết hẳn, Đại uý Nhung đã bắn thêm vào đầu ông ta…
Còn theo nữ tác giả Ellen J. Hammer viết trong cuốn "A Death in November" (Cái chết vào tháng mười một), khi cỗ xe M113 chở anh em Diệm - Nhu dừng lại ở trước đường xe lửa trên đường Hồng Thập Tự, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa đứng trên cửa xe lia một tràng tiểu liên vào chỗ hai thượng cấp cũ của hắn ngồi. Rồi Đại úy Nhung rút súng Colt ra bắn thêm mấy phát vào đầu hai anh em Diệm - Nhu. Và dường như để cho thỏa lòng căm hận, Đại uý Nhung còn rút dao găm đâm tới tấp vào ngực anh em Diệm - Nhu.
Xác của hai anh em Diệm - Nhu đã được đưa vào bệnh xá của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn để khám nghiệm. Theo chứng nhận của bác sĩ Huỳnh Văn Hưỡn, khi đó đang làm Giám đốc bệnh xá này và cũng là người đã tiến hành vụ khám nghiệm đó, cả ông Diệm lẫn ông Nhu đã bị bắn từ sau gáy ra phía trước. Xác ông Diệm có nhiều vết bầm, chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bắn. Xác ông Nhu bị đâm nhiều nhát, áo rách nát và đầy máu….
Sau cuộc đảo chính, khi phái đoàn các viên tướng quân đội Sài Gòn đắc thế vào "yết kiến thái thú" Cabot Lodge, viên Đại sứ Mỹ đã cười như được của, khen: "C'est formidable! C'est magnifique! (Thật là tuyệt vời!). Đáng ghê thay sự đạo đức giả đầy tàn nhẫn của một "quan thầy"!
Tuy nhiên, tình hình chính trường Sài Gòn sau đó không được như