Dịch giả Nguyễn Trung Đức – Người hiền của văn chương

Thứ Tư, 26/02/2020, 09:09
Trước khi trở thành dịch giả, Nguyễn Trung Đức từng là một chiến binh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, anh là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Anh bám trụ ở vùng Khu 4 đầy bom đạn, một trong những nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Hoàn cảnh chiến trường đã tôi luyện bản lĩnh và phẩm chất sống của Nguyễn Trung Đức...


Tôi đọc tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của G. G. Marquez do dịch giả Nguyễn Trung Đức chuyển ngữ ở Moscow.

Dạo đó, những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, sách Việt Nam được chuyển sang Nga khá đều. Và ở trung tâm Moscow có cửa hàng sách ngoại văn, trong đó có một gian sách tiếng Việt. So với những gian sách nước ngoài thật đẹp thì gian sách của chúng ta quả là kém nhan sắc. Giấy đen. Bìa không nổi. Nhưng bù lại, gian sách Việt Nam được bày ở chỗ dễ thấy nhất.

Có lẽ vì chúng tôi thường ghé thăm. Tôi đọc cuốn này vì trong lớp Biên kịch khóa 1986-1991 của Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô có một anh chàng người Colombia, đồng hương Marquez. Anh này vừa vào lớp là lấy một cô vợ Nga luôn (dù cô này đã có 2 con với 2 ông chồng). Tôi hỏi chuyện, anh cười: “Người Colombia chúng tôi có cái máu hơi điên điên. Thế mới vui!”.

Cố dịch giả Nguyễn Trung Đức.

Thêm lý do nữa là chúng tôi phải học môn Văn học nước ngoài, trong đó có Trăm năm cô đơn. Rất cởi mở, anh tặng tôi cuốn Cien anos de Sodedad (Trăm năm cô đơn) bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi không biết tiếng Tây Ban Nha nhưng thấy sách nguyên bản thì vẫn sung sướng nhận vì nó... từ quê hương Marquez! Người Nga đã dịch cuốn này từ lâu nhưng tôi đọc không vào vì... chưa đủ trình tiếng Nga. May sao, dịch giả Nguyễn Trung Đức đã cứu tôi... một bàn thua trông thấy.

Hè năm 1987, về phép cưới vợ, tôi tìm đến anh để nói lời cảm ơn.  Trong buổi trò chuyện nhỏ, anh đã giảng giải cho tôi nhiều ý nghĩa của cuốn sách. “Ông biết vì sao Marquez đặt tên tiểu thuyết là Trăm năm cô đơn không? Vì tình dục mà không có tình yêu làm cho phụ nữ bị thấp hèn, làm cho đàn ông ngạo mạn.

Nhưng, nó làm cho cả hai giới đều có chung nỗi đau tuyệt vọng. Đó là sự cô đơn. Marquez viết cuốn này khi cuộc cách mạng tình dục ở phương Tây đang lên. Nhưng, như một nhà tiên tri, ông nhận thấy tình dục và tình trạng loạn luân nữa, dẫn loài người đến ngõ cụt. Chỉ có Tình Yêu, duy nhất là Tình Yêu, mới giúp mỗi con người chúng ta thoát khỏi thảm trạng cô đơn”.

Tôi khâm phục nhìn gương mặt bừng sáng của anh. Anh có mái tóc đen dài buông xuống cặp kính trắng. Và đôi mắt đẹp. Một cái đẹp nhân từ tỏa ra từ nội tâm. Anh còn dặn thêm: “Ông học biên kịch, nên tìm hiểu kỹ nghệ thuật xây dựng nhân vật của Marquez. Hơn sáu mươi nhân vật trong cuốn này mà không ai lẫn vào ai.

Cả chính lẫn phụ, người nào cũng có nét riêng. “Em” Rebecca là đứa trẻ mồ côi, thích ăn đất nhưng làm tình thì thôi rồi. Bà Ternera còn thú vị hơn. Vừa làm “Tú Bà” lại vừa xem bói. Nhưng rất tốt bụng. Về cái khoản tình dục thì cũng đứng hàng đầu. Thằng cha Pietro là nghệ sĩ chơi piano rất điển trai nhưng yêu em nào cũng không thành. Cuối cùng phải tự tử.

Còn đại tá Aureliano Buendia có những 17 đứa con với 17 người đàn bà. Nhưng mỗi bà chỉ được ngủ với ông ấy một đêm. Vì các bà yêu ông ấy là một chiến binh lừng danh, ai cũng thích lấy giống của ông ấy... Tôi nói với các ông điều này. Làm văn chương hay nghệ thuật, dù các ông viết giời nói bể gì chăng nữa nhưng người đọc không nhớ gì các ông viết ra, làm ra thì cũng đều vô ích cả. Quan trọng nhất là làm cho người ta nhớ!”.

Trước khi trở thành dịch giả, Nguyễn Trung Đức từng là một chiến binh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, anh là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Anh bám trụ ở vùng Khu 4 đầy bom đạn, một trong những nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Hoàn cảnh chiến trường đã tôi luyện bản lĩnh và phẩm chất sống của Nguyễn Trung Đức.

Sức bền của bao lớp người chiến đấu, lao động trong lửa đạn đã nói với anh về sự kiên nhẫn. Sự hi sinh vô giá của họ nói với anh về tình yêu cuộc sống và lòng biết ơn cuộc đời. Anh chọn lối sống giản dị, không bao giờ nghĩ đến chức này tước nọ. Được sống sau những năm tháng khốc liệt đã là một hạnh phúc. Và còn gì hạnh phúc hơn, khi được Nhà nước cử đi du học tại Cuba, nơi anh nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương tiếng Tây Ban Nha.

Khi trở về nước, anh dành toàn thời gian và tâm trí dịch những gì đẹp nhất của văn học tiếng Tây Ban Nha để mang đến cho bạn đọc Việt Nam những chân trời văn chương mới. Người Việt, trong những năm trước chỉ được tiếp xúc với văn học Trung Hoa, Pháp, Nga, Anh, Mỹ... nay được nhìn thấy nền văn học có tên gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism) với những tuyệt tác của G.G. Marquez,  Alejo Carpentier, Octavio Paz hay Luis Borges, cùng nhiều tác giả nổi tiếng  khác của châu lục Mỹ Latinh bí ẩn.

Cho đến nay, mọi người đều công nhận, Nguyễn Trung Đức là dịch giả tiêu biểu nhất của nền văn học Mỹ Latinh ở Vệt Nam, là người có công đầu tiên khi mở đường cho con tàu văn học Mỹ Latinh cập bến Việt Nam. Và quan trọng hơn, khi mà Nguyễn Trung Đức đưa nền văn học kỳ lạ đó vào nước ta trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo của thời bao cấp khốn khổ.

Nhà thơ Thanh Thảo đã dành những lời đẹp nhất viết về người bạn chí thiết của mình: “Lao động dịch thuật và nghiên cứu đối với Nguyễn Trung Đức đã trở thành phương thế hành đạo, thành mục đích của đời anh. Trăn trở với từng con chữ, dịch trong niềm cảm hứng, Nguyễn Trung Đức đã thực sự đồng sáng tạo khi chuyển ngữ các tác phẩm của những bậc thầy tiểu thuyết Mỹ Latinh...

Những người bạn của Nguyễn Trung Đức đã đều biết anh làm việc như thế nào: Cặm cụi, lặng lẽ, tỉ mỉ nhưng đầy cảm hứng, cứ như anh đang có những giấc mơ cùng với những tác phẩm, những nhân vật mà anh đang chuyển ngữ ra tiếng Việt. Bao giờ anh cũng sùng kính trước văn học như trước ngôi đền thiêng và dị ứng với bất cứ sự dối trá nào, dù là trong đời sống hay trên trang viết”.

Tên tuổi Nguyễn Trung Đức không những gắn bó với nền văn học Mỹ Latinh huyền bí mà ngay đến nơi anh ở cũng là một địa chỉ văn chương ấm áp và thân thiết của Thủ đô. Mỗi lần ra Hà Nội công tác, dù được Hội Nhà văn bố trí nơi ăn chốn ở đàng hoàng nhưng nhà thơ Thanh Thảo lại nói anh tài taxi đánh xe về “Khách sạn Thanh Thanh’’ ở số 8 phố Tràng Tiền. (Tên này do nhà thơ Thanh Thảo đặt vui vì vợ Nguyễn Trung Đức tên là Thanh).

Tại căn phòng rộng khoảng hai chục mét vuông, với chiếc giường đôi, cái bàn  nước, bao giờ cũng vậy, dịch giả Nguyễn Trung Đức luôn dành cho người bạn thơ của mình “riêng một cái bàn” và “riêng một cái giường” rộng rãi nhất.

Bìa tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”.

Mà không chỉ dịch giả, cả nhà Nguyễn Trung Đức đều quý trọng nhà thơ Thanh Thảo. Chị Thanh, người vợ hiền của dịch giả Nguyễn Trung Đức là bác sĩ ở Viện Quân y 108. Tôi luôn thấy chị nở nụ cười nhẹ nhõm khi luôn phải “chăm sóc” những vị khách ồn ào của chồng. Hai cháu Hương và Tâm, con gái của anh chị đầy nữ tính, ngoan ngoãn, lễ phép. Dường như phẩm chất trí thức của người chồng, người cha Nguyễn Trung Đức đã tỏa sáng và thấm sâu vào những người ruột thịt của anh.

Ngay cả đến hàng xóm của anh cũng trìu mến nhìn khách. Và thậm chí cả những khóm hoa ngoài ban công cũng rung rinh, nở những bông hoa thơm đón chào khách quý. Giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà thơ Hữu Thỉnh, chính khách Phạm Quang Nghị, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà phê bình Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Đặng Thị Khuê, nhà sử học Đào Hùng, nhà thơ Nguyễn Thuy Kha,... cùng bao người nổi tiếng đáng kính đã đến nơi này.

Nhà thơ Ngô Thế Oanh hồi tưởng: “Có cảm giác nhà anh Nguyễn Trung Đức những lúc đó là một “hội quán ngẫu hứng”, nơi bạn bè tìm thấy nhau, vui cùng nhau giữa một thời từng cùng đói khổ. Vì “hội quán” ấy hầu như lúc nào cũng hiện diện đến năm, mười nhân mạng. Thường là khách không mời, chỉ quý bạn, đến chơi, thế thôi. Nhưng vô cùng thân tình.

Trà lá. Nhậu nhẹt. Bù khú. Đọc thơ. Tranh luận. Chuyện thượng vàng hạ cám, trên trời dưới đất. Thời sự. Chính trị. Văn học. Nghệ thuật. Cả những gì linh tinh ngoài phố... Không sót một điều gì... Những cuộc trò chuyện không đâu vào đâu lại giúp nhận thức rất nhiều, gợi mở rất nhiều... Tôi cứ nghĩ, từ nơi này, hẳn đã khởi sự cho niềm cảm hứng nhiều giá trị thực sự văn học cũng như nghệ thuật. Khởi sự cho không ít tư tưởng tiến bộ. Cho nhiều trang viết lương thiện, trong sáng”.

Trong những cuộc trò chuyện không đầu không cuối ấy, dịch giả Nguyễn Trung Đức thường lắng nghe. Anh ít khi tham gia những chuyện thế sự. Dường như cả tâm hồn anh luôn đặt vào những trang văn học dịch. Có thể, việc nhà cũng vậy.

Tôi thấy chị Thanh là người chăm lo quán xuyến mọi công việc trong nhà và bếp núc. Chị dành riêng cho chồng một khoảng trời văn chương tự do. Chị hiểu tính anh, ít quan tâm đến cuộc sống đời thường. Có lẽ vì vậy, trong chuyến đi công tác sang Tây Ban Nha, đến thành phố Barcelona sôi động, anh đã bị mất cắp.

“Mình vừa từ dưới tàu điện ngầm lên. Đang ngắm phố.  Có một thằng thanh niên cao to, đi trước mình. Bỗng hắn cúi xuống ngay trước mặt mình, buộc lại dây giày. Mình đang đi, chợt vấp vào nó. Khi nó đứng dậy, mình xin lỗi. Cu cậu mỉm cười rất tươi, ra hiệu không có gì. Thậm chí còn xin lỗi lại mình. Nhưng ngay lúc đó, mình nghe động ở túi quần.  Thì ra, thằng đi sau đã rút mất ví của mình”. Anh kể với gương mặt ngạc nhiên, với giọng hồn nhiên đầy thán phục “kỹ nghệ chôm chỉa” của kẻ cắp xứ Catalan.

Nguyễn Trung Đức đã rời xa cõi tạm gần hai mươi năm. Thật lạ, khi tôi viết những dòng này về anh thì cũng đúng ngày kỷ niệm anh từ giã cõi trần. Nhưng dường như, mọi người vẫn cảm thấy anh hiển hiện đâu đây. Các bạn bè của anh vẫn thường ghé thăm nhà anh, thăm chị Thanh, hỏi cuộc sống của hai cô con gái. Anh là người cha nhân từ đã để đức cho con. Hai cô con gái anh đều thành đạt và bình yên. Căn nhà cũ đã được các con anh mở rộng. Đẹp hơn xưa. Chị Thanh vui bên đàn cháu. Và sách của anh, các nhà xuất bản vẫn tái bản. Anh để lại một di sản lớn. Sinh thời, anh đã dịch gần 40 tác phẩm văn học Mỹ Latinh. Trong số này có khoảng 14 cuốn tiểu thuyết.

Những ngày cuối đời, dù mang bạo bệnh, anh vẫn sống bình tĩnh, nhẹ nhàng, nói chuyện vui đầy lạc quan. Đúng như nhà thơ Thanh Thảo đã viết: “Anh không phải là người sáng tác nhưng những gì anh làm được cho nền văn học Việt Nam hiện đại trên con đường hội nhập với văn học thế giới có thể khiến cho bất cứ người sáng tác nào cũng phải nghiêng mình cảm phục”.

Di sản của anh sẽ còn được hậu thế trân trọng. Giá trị của nó ngày càng được khẳng định, tôn vinh. Chỉ tiếc rằng, một địa chỉ văn chương của Hà Nội, số 8 phố Tràng Tiền, bây giờ chỉ còn trong ký ức của những con người mộng mơ về một thời vô nhiễm.

Đoàn Tuấn
.
.
.