Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Muốn "ăn" về nghệ thuật

Thứ Sáu, 06/03/2009, 15:30
Mình là người làm điện ảnh có xu hướng nghiêng về chất thơ. Những bộ phim đầu tiên mà mình làm từ hồi mới tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh đều thơ thơ một tí, ví dụ như là "Lời từ biệt tình yêu", rồi cả những bộ phim chiến tranh như "Bản tình ca trong đêm"… Tất cả đều là những phim mang chất thơ, nó nhẹ nhàng, nó lãng mạn một chút...

PV: Thực sự là không phải chỉ tới gần đây, sau loạt phim về chủ đề nông thôn như "Ma làng" hay "Gió làng Kình" được công chiếu trên màn ảnh nhỏ, công chúng rộng rãi mới để ý tới cái tên Nguyễn Hữu Phần.

Chí ít thì cá nhân tôi, một người chưa bao giờ liệt mình vào câu lạc bộ những người hâm mộ phim ảnh Việt Nam, cũng đã rất biết anh từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi xem phim "Em còn nhớ hay em đã quên"… Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ không ít trường đoạn trong bộ phim tràn trề những ca khúc của Trịnh Công Sơn ấy. Một bộ phim rất lãng mạn, như một giấc mơ… Hôm nay tôi vẫn còn muốn hỏi, duyên cớ nào dẫn anh đến bộ phim đó?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (ĐD NHP): Đấy là bây giờ người ta mới gọi mình là "ông Phần nông thôn", chứ thực ra mình là người làm điện ảnh có xu hướng nghiêng về chất thơ. Những bộ phim đầu tiên mà mình làm từ hồi mới tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh đều thơ thơ một tí, ví dụ như là "Lời từ biệt tình yêu", rồi cả những bộ phim chiến tranh như "Bản tình ca trong đêm"… Tất cả đều là những phim mang chất thơ, nó nhẹ nhàng, nó lãng mạn một chút...

Với nhạc Trịnh Công Sơn thì thực ra trong chiến tranh mình đã được nghe qua đài, mình phong thanh biết là ở miền Nam có một ông nhạc sĩ viết những bài ca phản chiến rất ghê gớm và mình rất cảm phục Trịnh Công Sơn về cái đó. Đến sau hòa bình, mình mới tìm gặp Sơn luôn, nói chuyện với anh ấy và cũng trở thành bạn bè với nhau.

PV: Anh còn nhớ lần đầu tiên anh gặp anh Trịnh Công Sơn vào ngày nào, năm nào và như thế nào không?

ĐD NHP: Lần đầu tiên mình gặp anh Sơn là đi theo anh Trần Phương làm phim "Tội lỗi cuối cùng". Anh Sơn làm nhạc cho bộ phim ấy. Nhưng đó cũng chỉ là lần làm quen sơ giao thôi. Sau đó, vào những năm 90, mình có đến nhà Sơn chơi, có những buổi ăn cơm, đi chơi với nhau…  Sơn thì quá là nghệ sĩ, nghệ sĩ đến mức mà nhiều khi anh có thể trò chuyện với bạn, rồi ngay sau đó anh có thể…

PV: Quên đi?

ĐD NHP: Quên đi, như không biết gì cả… Một hôm, mình trở lại mình nói là: Sơn ơi, bây giờ mình định làm phim về Sơn. Sơn bảo là thôi, đừng làm phim về tôi, làm phim về tôi thì khó lắm. Mình phải bảo là: Không, tức là mọi chuyện thế này, tôi chỉ mượn của ông những bài hát, còn tôi làm về một cuộc đời người nhạc sĩ, nghệ sĩ khác, chứ không phải tôi làm về một ông Trịnh Công Sơn nào cụ thể đâu…

Thế là anh Sơn đồng ý: Thôi, ông lấy những bài hát nào ông lấy đi, còn ông đừng có làm cụ thể về cuộc đời tôi. Tôi bảo, không, tôi có một quan niệm, nếu làm cụ thể về cuộc đời ông, ông đi học ở đâu, rồi ông ra làm sao thì cái phim nó sẽ không còn gì nữa, tức là một chân dung theo kiểu một người chết rồi và người ta làm phóng sự về người đó. Tôi muốn làm một nhân vật hoàn hảo hơn rất nhiều. Anh Sơn nghe thế anh rất vui, anh ấy hỏi tôi cần lấy những bài nào? Tôi đã có kịch bản rồi cho nên tôi đưa ra danh sách và xin anh ấy đồng ý. Anh ấy cho chữ ký hẳn hoi và ghi vào văn bản rằng, tôi cho anh sử dụng những bài hát này cho bộ phim.

Tôi về nhà và đưa kịch bản cho Hãng Phim truyện Việt Nam. Nhưng lúc bấy giờ người ta không nghe, người ta bảo, vớ vẩn, ông viết thế này thì bố ai làm được phim, mà có làm thì cũng sẽ chẳng ra cái gì. Bởi vì cái này nó đúng là thế. Đó là cái loại kịch bản dành cho người trong cuộc; người duyệt, người ngoài cuộc đọc sẽ không thể hình dung ra mọi chuyện trong phim… Thí dụ, như đọc đoạn nói tới cảnh một cô gái đi qua suối rồi bài hát nổi lên thì không thể…

PV: Không thể hình dung ra nổi cụ thể nó là cái gì...

ĐD NHP: Phải! Và vì thế kịch bản đó để lỡ đến 2 năm, không ai làm cả.  Cũng vào những năm đó, bọn tôi thành lập "Trung tâm Điện ảnh Trẻ". Đơn giản là vì hồi đó "các cụ già" vẫn cứ đang chiếm lĩnh toàn bộ…

PV: Các nguồn kinh phí để làm phim?

ĐD NHP: Vâng! Và việc làm được phim đối với bọn trẻ là cực kỳ khó.

PV: Hồi ấy anh bao nhiêu tuổi? Anh sinh năm nào ạ?

ĐD NHP: Tôi sinh năm 48.

PV: Thế thì khi ấy anh cũng không phải là trẻ nữa…

ĐD NHP: Vâng, nhưng bọn trẻ quanh tôi như Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Phi Tiến Sơn… đều mới ra trường, nhưng không được làm cái gì cả. Bọn tôi rủ nhau thành lập "Trung tâm Điện ảnh Trẻ". Tôi cũng cảm thấy là mình già nên khi được đề nghị đứng vào trong ban chấp hành thì tôi rút, tôi để cho Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Trọng Ninh, Phi Tiến Sơn… đứng vào đấy.

Trung tâm ấy (có sự bảo trợ danh nghĩa của Hội Điện ảnh VN) ra mắt một cách rất là oách và Cục Điện ảnh các "cây đa - cây đề" ở xưởng phim lúc bấy giờ có vẻ giận về chuyện này… 

Sau đó thì Trung tâm đó hoạt động. Và hoạt động đầu tiên là bàn bạc: Trong Nam, các đồng nghiệp làm phim video chiếu rạp, bao nhiêu phim, thu bộn tiền… Tại sao chúng ta ở miền Bắc luôn tự xưng là có nghề mà lại kém cỏi đến thế? Không thể dùng nghề làm ra đồng tiền nào cả? Lúc đó trong Nam "phim mì ăn liền" đang phát triển, những phim như "Sau giấc mơ hồng" "Tám tàng về làng"… thu được tới sáu bảy trăm triệu…

Một số nhà sản xuất ở miền Nam cũng mời anh em đạo diễn trẻ ở ngoài Bắc vào cộng tác nhưng cánh miền Bắc mình bây giờ vào làm với những Bảo Quốc, Duy Phương hài thì quả thực không thể làm được. Tôi đã vào xem thử và tôi lại từ chối đi về. Sau khi thành lập Trung tâm rồi, anh em bảo với nhau rằng, mình tâm huyết với điện ảnh nhưng cũng phải nghĩ tới thị trường, có cái gì mà gỡ lại vốn thì mình làm. Kịch bản của tôi thì được anh Vinh ở bên Truyền hình Công an ủng hộ.

PV: Nguyễn Quang Vinh, bây giờ vẫn ở TH CAND…

ĐD NHP: Lúc đó Vinh cũng ở trong Ban chấp hành. Vinh rất thích kịch bản phim của tôi. Vinh bảo, thôi được rồi, để em huy động tiền. Còn cái của Lưu Trọng Ninh cũng là phim nhựa, "Hãy tha thứ cho em", cũng là một phim huy động tiền của một doanh nhân. Đấy là lần đầu tiên ở miền Bắc có việc làm phim bằng huy động vốn xã hội.

Vinh huy động ngay trong gia đình, ngay trong anh em, trong họ hàng, những người làm ăn; còn lại bọn tôi góp thêm vốn vào. Chúng tôi có được 30%, còn 70% là huy động ở ngoài. Tôi thành lập một đoàn phim. Khi làm phim và đến tận sau này, tất cả những người đi làm phim đó, đều coi đây là một đoàn phim sướng nhất, bởi chúng tôi không bị qua khâu duyệt kịch bản, không bị qua khâu kiểm soát quá trình làm phim, tiêu pha ra sao… Và chúng tôi đi như một đoàn phim du mục, thuê một cái xe, sau đó là bắt đầu đi lang thang từ đây vào Huế, từ Huế đi vào Nha Trang, Đà Lạt… chỗ nào đẹp thì dừng lại quay.

PV: Loanh quanh diễn theo kịch bản của mình?

ĐD NHP: Vâng. Thế là 45 ngày lang thang ở khắp nơi, từ Huế trở vào, một cách rất là thú vị. Lên Đà Lạt, chúng tôi không dám ở khách sạn vì không có tiền, đành cắm lều ngay ở ngoài rừng thông, hoặc ở Cà Ná thì cắm lều ngay ở bờ biển… Cứ như thế… Đấy là đoàn phim thú vị nhất trong việc gọi là làm mà như đi chơi…

PV: Trong phim "Em còn nhớ hay em đã quên", nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh đã vào vai nhạc sĩ rất thành công. Anh cảm nhận thế nào về người diễn viên tài hoa nhưng bạc mệnh này?

ĐD NHP: Khi viết kịch bản đó thì tôi đã dự định là Lê Công Tuấn Anh phải vào vai chính. Tức là tôi biết tay này, một là nét mặt, hai là tính cách, rất là phù hợp với vai diễn. Thế cho nên tôi nói với cậu ấy ngay từ đầu rằng, anh sẽ gọi em đóng đấy và Lê Công rất vui….

Nhưng trong phim đó, vai tôi cảm thấy khó kiếm nhất chính là vai nữ. Mặc dù phim không phải là phim về Trịnh Công Sơn, mà về một ông Quang Sơn nào đó và một cô Huyền Mi nào đó, nhưng tôi vẫn muốn là nhân vật nữ đó phải là một người giống Khánh Ly, tóc dài, mặt trái xoan chẳng hạn.

Tôi tìm kiếm ở ngoài Bắc này không có. Anh Vinh là một trong những người góp vốn và là chủ trung tâm, anh ấy vào Nam và giới thiệu cho tôi một cô, gọi là cô Thanh Xuân, cô ấy vừa được giải người mẫu… Nhưng khi gặp cô ấy trực tiếp thì tôi trông chán quá, tức là giữa chúng ta quan niệm về cái đẹp nó cũng khác nhau. Anh Vinh bảo, tôi ký hợp đồng rồi và tôi đưa cho cô ấy nửa tiền rồi. Đến nước ấy thì cũng phải gật thôi chứ còn biết làm thế nào nữa.

Nhưng làm đến bốn năm ngày sau thì mình lại càng thấy là không được. Mình đành phải bảo, thôi, bây giờ cháu phải về, không làm được đâu. Cô ấy về và tôi bị khủng hoảng về diễn viên nữ và tôi cứ phải quay những cảnh chỉ có Lê Công Tuấn Anh một mình, cứ lang thang nơi này nơi kia, trong khi đó vẫn không ngừng đi kiếm diễn viên nữ khác. Kiếm một cách kinh khủng, cả Nam cả Bắc đều không được. Rồi vớ vẩn tự dưng lại vớ được một cô ở ngay Huế…

PV: Nghiệp dư?

ĐD NHP: Cô ấy tên là Hoàng Hồng Nhị. Cô ấy học trung cấp nghệ thuật nhưng bấy giờ cô ấy hoàn toàn bỏ nghề, làm ở khách sạn Hương Giang. Ban đầu tôi đến ban ngày, tôi thấy cô ấy không đep, ở trong căn hộ tập thể rất chật chội, chỉ có 14m2, hai vợ chồng, hai đứa con. Cô ấy khi đó mới 22 tuổi mà đã có 2 đứa con. Và trông cô ấy ở nhà…

PV: Lam lũ lắm?

ĐD NHP: Phải! Lần đầu tôi vào tôi xã giao; tôi bảo là, tối cháu có đi làm thì đến chỗ chú chơi. Thế là buổi tối cô ấy lên. Phải nói là cô ấy cực kỳ ăn son phấn, trang điểm vào, mặc áo dài, thì tự nhiên đẹp vô cùng. Và anh quay phim của tôi thấy tôi ngồi nói chuyện với cô ấy thì ra quay luôn cả một băng. Lúc sau, khi cô ấy đi rồi thì chiếu lên xem và nói, đúng vai cần tìm đây rồi.

PV: Cái duyên tình cờ…

ĐD NHP: Lúc đó mình cũng rất sợ là không ổn nên chưa dám ký hợp đồng ngay…

PV: Cứ sợ mất thêm nửa tiền nữa, đúng không? (cười).

ĐD NHP (cười): Vâng. Nhưng chỉ sau vài ngày quay thì thấy càng ngày càng được.  Có một cảnh mà tôi rất muốn quay là ngày hát đầu tiên của Khánh Ly trên Đà Lạt (La Tulip Rouge). Nhưng nếu bây giờ mình đưa cô ấy lên Đà Lạt, nhỡ cô ấy không diễn được thì sao?

Tôi mới phải dựng nội cảnh (sân khấu nhà hàng này) ở Huế, thực ra không đẹp bằng Đà Lạt, bởi ở Huế kiến trúc, trang trí nhà hàng, sân khấu ca nhạc xoàng lắm. Trong cảnh đó, cô ấy phải vào vai ca sĩ lần đầu hát ở một nhà hàng, phải quay cùng 300 diễn viên quần chúng. Khi ra sân khấu với 300 diễn viên quần chúng ngồi dưới xem, cô ấy cũng run lắm.--PageBreak--

PV: Hát bằng giọng của mình?

ĐD NHP: Hát play-back nhưng cũng phải ra biểu diễn. Tôi thấy cô ấy sợ thực sự, đến nỗi mồ hôi trán túa ra. Anh quay phim hỏi là có cần cắt cảnh làm lại, chấm mồ hôi, sửa trang lại không? Tôi đáp, không, để nguyên thế chứ. Và tôi quay được cảnh cô ấy run sợ khi lần đầu tiên ra biểu diễn một cách rất thành công. Sau đó, tôi xin anh chồng cho cô ấy đi với đứa con 6 tháng và đứa con 2 tuổi…

PV: Mang con đi, chồng ở lại Huế?

ĐD NHP: Không, chồng ở lại trông con, cô ấy đi. Chồng cô ấy là người rất hay, cũng nghệ sỹ lắm, là ca sĩ ở trong đó. Anh ta để tôi mang cô ấy đi, 45 ngày sau mới trả lại. Cũng phải nói thêm rằng về sau, những ai từng tham gia phim đó cũng gặp nhiều vấn đề lắm, ví dụ Lê Công Tuấn Anh mất, Nguyễn Huỳnh đóng vai chồng Khánh Ly sau này nghiện nặng và phải vào khám Chí Hòa, sau này Trịnh Công Sơn cũng mất…

Còn về phần cô Hoàng Hồng Nhị, sau phim đó cô ấy về. Hôm cuối cùng, cô ấy ngồi với tôi và Phi Tiến Sơn; cô ấy bảo: Chú ạ, vừa rồi con được sống như trong mơ, con cứ tưởng con là ca sĩ thiệt, bây giờ con sắp sửa được trở về với Huế, với cuộc sống bần hàn, khổ sở, bon chen, con thấy khó quá, không biết có sống được không?

Chúng tôi đành nói: Thôi thì cuộc đời mỗi người một lần mơ, con vừa rồi được mơ một giấc mơ, thế là tốt rồi. Và bây giờ ta chờ đợi một giấc mơ nào đó, thậm chí đến chú sau khi làm phim này không biết là có phim sau không vì tình hình điện ảnh bây giờ nó đang suy thoái lắm. Thế cho nên thôi, chịu đựng vậy…

Sau khi về, cô ấy viết thư cho tôi rất nhiều. Và hồi đó, nhà báo Trần Tuấn Hiệp có đăng một bài nhan đề "Em có trở lại đời thường được không?" vì Hiệp đi theo đoàn làm phim này của tôi mà. Thực tế là cô ấy đã "không trở lại đời thường" được, cô ấy bị sống trong ảo mộng kinh khủng. Về nhà, cô không nói chuyện được với chồng, không sống được với chồng và bắt đầu thấy sự cách biệt. Khoảng nửa năm sau cô ấy không viết thư cho tôi nữa và tôi hỏi han thì nghe tin là cô ấy bỏ nhà ra đi…

PV: Không biết đi đâu?

ĐD NHP: Vào trong Sài Gòn để tìm đất sống, tìm đường làm nghệ thuật. Nhưng con đường của chúng ta trong thời kỳ đó cũng cực kỳ phức tạp, nên cô ấy rất khổ… Một thời gian sau thì Trương Ngọc ánh, cũng từng tham gia làm phim đó đấy, đóng vai Diễm (Trương Ngọc ánh đóng phim từ năm 16 tuổi) có gọi điện cho tôi bảo, "bố" ạ, chị Nhị bây giờ ở vũ trường". Mỗi lần tôi vào Sài Gòn nghe Trương Ngoc Ánh kể là cô ấy ngày càng xuống hơn…

PV: Làm gái nhảy?

ĐD NHP: Gái nhảy, sau đến gì gì nữa, tôi cũng không rõ lắm… Mấy lần ánh nói tôi là, "bố" có muốn gặp không, con cho "bố" số điện thoại?". Không hiểu sao tôi cứ thấy không nên gặp, tôi cảm giác như mình có lỗi trong việc này. Có lần Nguyễn Hữu Tuấn (quay phim, bạn học cũ của tôi) mời đến nhà ăn cơm, với lý do: Hôm nay có các bạn ở Huế ra chơi. Tôi vừa lên cầu thang thì gặp anh chồng của Hoàng Hồng Nhị; anh ra biểu diễn nghệ thuật quần chúng cùng với một nhóm. Tôi đành trò chuyện xã giao, khá lúng túng: "Gia đình thế nào hả Tín?". Anh ấy nói dối rằng: "Dạ, vẫn thường chú ạ".

PV: Anh ấy tưởng là anh không biết…

ĐD NHP: Thế cho nên mình cũng áy náy và mình cứ thấy sường sượng. Tôi không biết như thế có là lỗi không? Nhưng mà nó cũng là một cái rất khổ. Bây giờ cô ấy lưu lạc ở trong kia, không biết thân phận ra sao nữa, nhưng tôi ngại gặp cô ấy lắm vì tôi không biết nói gì…

PV: Không biết số phận cô ấy như thế…. Thực buồn!.. Anh nhận xét như thế nào về Lê Công Tuấn Anh hồi ấy, trong cái cách ứng xử, trong tính cách, trong đam mê nghệ thuật?

ĐD NHP: Lê Công Tuấn Anh là một thằng bé rất đáng yêu. Nói cho đúng thì nó phải sống ở miền Bắc thì tốt hơn vì nó rất thích mối quan hệ bạn bè, rất thích giao lưu, trò chuyện, mà trong Nam thì nó ồn ào, uống rượu rất ghê, nhưng không có bạn tâm giao. ở trong Nam nó chơi với cả Phước Sang, Lê Tuấn Anh, v.v… Và tất cả những người ấy đều cực bận về sân khấu, cho nên ngồi với nhau 5h chiều uống bia, đến 6 rưỡi thì bọn bạn phải đi làm, bỏ Công lại về nhà một mình, cực kỳ cô đơn.

Ban đầu tôi không biết lắm về Lê Công, nhưng đi làm cái phim đó thì gần nhau nhiều; 45 ngày ăn ở với nhau, thì thấy Lê Công rất vui vẻ, cởi mở, rất đáng yêu. Nó tốt vô cùng, làm nghề tuyệt vời. Nhưng nó còn tâm sự với tôi về tất cả những vấn đề cuộc đời. Sau này tôi có một việc hơi giận là Trần Tuấn Hiệp lại viết về những mảng đời riêng của Lê Công Tuấn Anh trên báo, đó là việc tôi không thích, vì chuyện đời của Lê Công là việc riêng chỉ chúng ta biết thôi, không nên đưa lên báo.

Khi làm xong phim "Em còn nhớ hay em đã quên", tôi có đưa Lê Công Tuấn Anh đến chơi với Trịnh Công Sơn. Anh Sơn chỉ gặp Lê Công có lần đó thôi, nhưng khi Lê Công chết, người ta hỏi anh Sơn, thì Sơn trả lời: "Đấy là một cậu hết sức nghệ sỹ, nhưng vô cùng cô đơn". Đó là nhận xét đúng nhất của Sơn. Tôi giải thích cái chết của Lê Công là người quá cô đơn chứ không giải thích là vì Minh Anh hay là ai đó phản bội. Cậu ấy cô đơn đến mức không thể chịu đựng được.

PV: Nỗi cô đơn ngay chính trong tình yêu của mình. Ngay chính khi mình bên cạnh những người yêu mình nhất cũng vẫn là cô đơn, cái sự cô đơn đó là vô phương hóa giải, tôi rất hiểu điều này.

ĐD NHP: Tôi nghĩ là tôi hiểu Lê Công Tuấn Anh vì ngay trước khi chết nó ra Hà Nội làm với tôi phim "Ngọt ngào và man trá" (phim cuối cùng của cậu ấy) và cậu ấy ở tại nhà tôi… Trong phim này, Công đóng vai chàng trai bị tâm thần, khi cậu ấy chết phim mới chiếu đến tập hai, người ta cứ bảo tôi: Tại anh bắt nó đóng điên, nên nó mới như vậy… Nhưng tôi hiểu nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới cái chết của Lê Công…

Lúc tôi đang làm phim "Em còn nhớ hay em đã quên" thì mẹ Trịnh Công Sơn mất. Đối với anh ấy thì mẹ mất là việc rất lớn, anh ấy sống bằng mẹ, lúc nào cũng được mẹ chăm sóc, kể cả lúc say rượu về nhà… Thế nên anh ấy bỏ sang Canada với mấy đứa em, 5,6 tháng sau mới về, đúng là lúc tôi làm xong phim.

Tôi dựng xong nháp và mang vào Sài Gòn để lồng tiếng. Các ca khúc của Trịnh Công Sơn được thể hiện trong phim qua giọng hát của Thuỳ Dung, (khi đó còn trẻ lắm) đã có trên băng nháp.

Tôi đến nhà Sơn bảo là: Hôm nay tôi đến tôi chiếu cho anh xem bộ phim…

Sơn lắc đầu: Anh ơi, vừa rồi tôi đi Canada, đi Mỹ, tôi thấy "tởm" quá, họ làm những bài hát của tôi thành karaoke có mấy cô mặc áo tắm đi đi lại lại và đủ các thứ… bây giờ ông lại làm phim truyện, có cả cuộc đời, cả câu chuyện thì tôi sợ quá…

Tôi bảo: Thôi cứ xem thử đã. Sơn hôm đó đối với tôi hơi lạnh nhạt, tức là anh ta cứ thế vào xem, không mang rượu, trà ra. Mọi khi anh ta cũng quý hóa lắm, có bạn đến là mời rượu ngay. Anh bảo tôi bật máy… Tôi cho băng vào máy chiếu, anh ấy ngồi xem một cách nghiêm chỉnh. Nhưng đến khi xem được một phần ba thì anh ấy bảo: Dừng lại, đợi Sơn gọi mấy thằng bạn đến đã.

Rồi Sơn gọi cho Nguyễn Quang Sáng, anh Trịnh Cung… Lúc đó, anh mới đi lấy rượu và các thứ ra. Anh ấy bắt tôi tua lại từ đầu và chiếu cho mọi người cùng xem. Anh ấy rất thích và cho là một phim thành công. Khi phim đã hoàn thành, tôi đem đi chiếu giới thiệu, anh ấy đến dự.

Một Việt kiều có vẻ giàu tiền bảo là phim này các anh làm tư nhân thì tôi mua, tôi giả 5.000 USD cho mang phát hành ở nước ngoài với điều kiện là các anh cho tôi thay bằng giọng hát Khánh Ly. Ngay buổi  họp báo đó, tôi đứng lên tôi bảo không, vì tôi đã nghe chị Khánh Ly hát từ xưa, trong "Sơn Ca 7" tempo nó chậm lắm, đối với bây giờ không ổn, còn cái mới bây giờ chị hát không hay…

Lúc đó tự nhiên Sơn cũng đứng bật lên, Sơn bảo: Đúng, anh không được thay cái gì cả, bởi vì tôi vừa rồi đi diễn, đi hát với Khánh Ly ở bên kia, tôi hoàn toàn không xúc động nữa, cho nên thế này là giọng hát đúng nhất…

Sau đó một phóng viên hỏi: Anh Sơn! Đây có phải là cuộc đời và xuất xứ của các bài hát của anh không?

Sơn trả lời: Không, ông Phần bịa ra đấy chứ, thế nhưng nó đúng là tôi đây, bởi tôi thấy cả cái hình của thằng ấy giống tôi, cả cái tâm trạng của thằng ấy giống tôi. Trong cách nói chuyện về phim tôi, Sơn thường nói như vậy. "Đây là một cuộc đời do hư cấu nhưng về phần hồn là giống hệt tôi". Và từ đấy những buổi tôi chiếu ra mắt thì anh ấy đều đi, đặc biệt là những buổi chiếu cho sinh viên, họ rất quý trọng và thú vị bởi sự xuất hiện của anh Sơn…--PageBreak--

PV: Còn về giọng hát của Thùy Dung, Trịnh Công Sơn có ý kiến gì không?

ĐD NHP: Anh Sơn rất tâm đắc với giọng hát của Thùy Dung trong phim, anh ấy bảo phim về hồi trẻ của cô ca sỹ, giọng Thùy Dung trong sáng, rất hợp. Anh ấy hỏi tôi: Cô bé này ở đâu? Tôi kể về Thùy Dung, Sơn bảo (rất vô tư, đúng kiểu Sơn): Anh bảo nó vào đây với tôi, tôi dạy nó hát như ngày trước với Khánh Ly ấy… Tôi có nói lại cho Thùy Dung chuyện này, nhưng khi ấy Dung đang còn học ở trường…

PV: Khi nào thì anh đầu quân về làm phim truyền hình?

ĐD NHP: Giữa những năm 90 tình hình bên điện ảnh bắt đầu tệ quá rồi, tức là sống chỉ có lương cơ bản, chỉ vài phim/năm, phần lớn anh em làm phim ngồi chơi xơi nước, nói chuyện suông suốt ngày.

Khát vọng về làm việc cũng rất quan trọng, nhưng thêm nữa có một chuyện gia đình, lúc đó vợ tôi bị ung thư, bà ấy mổ, thế là mình nghĩ đến chuyện là bà ấy có thể mất và mình phải nuôi những đứa con. Mình phải kiếm một chỗ ít nhất có nhiều việc hơn, có đồng lương tốt hơn… Nhưng rất mừng là bà vợ tôi không chết, bây giờ là mười mấy năm rồi vẫn tồn tại.

Khải Hưng bên truyền hình lại là bạn học đạo diễn với tôi, Khải Hưng rủ, thế là tôi về. Nhưng tôi tuyên bố với anh ấy là, tôi không làm lãnh đạo gì hết, không làm quan chức gì hết, nếu có một cái chức nào đó thì tôi làm phó phòng để tôi vẫn đi làm phim, chứ tôi làm trưởng phòng là tôi bắt đầu bị đi họp giao ban rồi.

Khải Hưng đồng ý với tôi như thế và tôi về đấy từ năm 1997, mặc dù trước đó tôi đã mang quân bên Điện ảnh sang làm với Khải Hưng để lập ra chương trình "Văn nghệ chủ nhật" từ tháng 9 năm 94.

Không kể phim "Mẹ chồng tôi" đã được Khải Hưng làm trước thì phim đầu tiên của "Văn nghệ chủ nhật" là của tôi đây (phim "Lẽ nào anh lại quên"). Sau đó tôi làm "Những mảnh đời của Huệ" (năm 1996) cũng là phim dài tập đầu tiên cả chương trình này… Nhiều lúc cũng tiếc là ở bên phim truyện may ra mình vớ được đề tài gì đó lớn lao, các điều kiện làm phim đầy đủ, thú vị hơn, làm phim truyền hình thì phải làm theo kế hoạch, nhiều, liên tục...

PV: Nó có những yêu cầu của nó, đặc thù của nó...

ĐD NHP: Vâng, tính báo chí nhiều hơn. Cũng tiếc, nhưng tôi đang cố gắng là trong quá trình làm phim, có những lúc tôi lách được một tập phim theo ý mình thì làm một tập phim cũng thú vị.

PV: Anh hài lòng với những phim một tập nào của anh đã làm ở truyền hình và vì sao?

ĐD NHP: Tôi có làm những phim một tập và cũng đều được giải thưởng của truyền hình, ví dụ như phim "Một lời nói thật". Phim đó là một câu chuyện gia đình rất đơn giản và nhỏ nhẹ thôi. Chuyện một gia đình có một đứa con, rất là yêu nó, giờ tự nhiên có một ông đến, nói rằng, đứa con chính là của ông ta. Thế bây giờ cái việc ấy giải quyết như thế nào đối với người vợ? đối với người chồng? đối với cả tay nhận làm bố kia và đối với đứa trẻ?

Cái phim đó tôi biết một câu chuyện có thật và tôi nghĩ tới nó từ rất lâu rồi, thế nhưng trong vòng 8 năm, tôi không giải quyết được cái kết. Cuối cùng tôi giải quyết là, một đoàn phim bàn về kịch bản phân cảnh của bộ phim đó, và họ kể lại toàn bộ câu chuyện. Đến đoạn cuối thì anh đạo diễn đưa ra một cái kết, hai anh khác (Quay phim - Biên tập) đưa ra hai cái kết khác. Cả 3 cái kết đó đều không được.

Sau đó có một nhóm sinh viên ngồi bên cạnh nghe lỏm được câu chuyện. Mấy người lớn bảo, các cháu thử đưa ra một cái kết đi, thì chúng nó bảo: "Tốt nhất là không bao giờ phạm sai lầm, nếu phạm phải thì sửa ngay, chứ để mãi thế này thì không thể nào giải quyết được", tức là không có cái kết nào cả. Cái phim đấy là một phim rất tốt…

PV: Ý nhị đấy…

ĐD NHP: Vâng, nó thú vị ở chỗ đó và nó làm cho người ta thấy không thể giải quyết được. Cái phim thứ hai mà tôi rất thích, đó là phim "Người trên núi". Phim nói về một người, bị nhiễm chất độc da cam. Rồi anh ta lên trên núi làm nghề khôi phục khu rừng.

Trong phim có một cô giáo có một người chồng chưa cưới đầy năng lực sống lên đón về thành phố. Trong một lần đi chơi rừng ba người gặp nhau. Cô gái thấy rằng, người anh hùng đẹp lắm, anh ta không đủ khả năng sống nhưng còn làm được việc tốt cho đời… Thế còn tay người yêu mình có đầy đủ khả năng sống nhưng chỉ biết lo cho mình mình thôi. Thế nhưng, cô ta lại không thể vì người anh hùng, ở lại với anh ta, cô yêu, kính phục nhưng lại vẫn phải trở về bên kia thôi…

PV: Với cái tẻ nhạt đời thường, thậm chí tầm thường… Thế còn phim dài tập - một thể loại đặc trưng của phim truyện truyền hình?

ĐD NHP: Phim dài tôi cũng làm được một số phim mà tôi cho là tốt như "Mảnh đời của Huệ"; phim thứ hai là với Lê Công Tuấn Anh, phim "Ngọt ngào và man trá", rồi đến "Đất và người" (chuyển thể từ tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường.

PV: "Ngọt ngào và man trá" là phim mà Lê Công Tuấn Anh đóng vai điên?

ĐD NHP: Chuyện đóng điên của Lê Công cũng hay lắm. Cậu ấy đi vào trại điên, mặc bộ quần áo vào xong ra ngồi và những người điên tưởng cậu ấy điên thật. Lê Công nói chuyện với những người điên vui lắm. Họ cũng rất yêu quý cậu ấy. Người đọc thơ, có người hát cho cậu ấy nghe… Thế là Lê Công ở luôn trong đó; cậu ấy bảo, thôi chú đi ăn cơm đâu thì đi, con ở đây chơi với mọi người… Cái đức tính làm việc cũng như phẩm chất con người của Lê Công thật là tuyệt vời, tôi rất quý cậu ấy.

Khi cậu ấy chết, cũng không hiểu là số phận thế nào, tôi lại vào Sài Gòn đúng lúc 11h trưa, thì đến 1h 30 nghe tin cậu ấy chết. Tôi phóng lên Bệnh viện Bình Dân và tôi nhìn thấy cậu ấy lần cuối…

Trong đám tang của cậu ấy, tôi đã chuẩn bị một bài điếu văn rất xúc động… Tôi gọi cậu ấy là em xưng anh thôi, không có gì cả, nhưng mọi người đều khóc, người ta khóc rào rào. Khi tôi đi qua thì một anh phóng viên xin bản viết tay của tôi và hôm sau tôi thấy các báo đều đăng cái đó một cách rất trang trọng. Điếu văn của tôi có một hiệu quả rất tốt, trong đó, nó có một tình cảm thật…

PV: Bây giờ thì chỉ có những ai quá lười biếng mới không chê phim truyền hình Việt Nam. Là một người làm phim truyền hình lâu năm và có rất nhiều thành tích, có vai trò rất lớn trong dòng phim truyền hình ít ra ở miền Bắc này, anh có nhận xét gì về những lời chê bai ấy? Đúng hay chưa đúng? Và nó đúng như thế nào? Chưa đúng như thế nào?

ĐD NHP: Phim truyền hình Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng ngày càng không chuyên nghiệp. Đấy là tôi nói, nếu như năm 94, anh Khải Hưng cho ra đời "Văn nghệ chủ nhật" là cái mới cho nên người ta tiếp nhận. Nhưng từ đấy đến nay không có gì thay đổi thì người ta cũng chán. Chỉ một năm không thay đổi đã chán rồi, bây giờ đến mười lăm năm vẫn không thay đổi gì cả.

Tại sao không thay đổi thì có nhiều vấn đề. Chẳng hạn như điều kiện làm phim, viết kịch bản, tất cả mọi thứ, trong đó kể cả tiền cũng giữ nguyên, mười năm trước, mức giá như thế nào mà bây giờ như thế? Đấy là một sai lầm. Một số phim của tôi, một số phim của bạn bè tôi được người ta khen hay không phải vì chúng tôi làm phim giỏi, có tìm tòi, sáng tạo gì, mà vì chúng tôi tìm ra vấn đề thôi. Phim truyền hình Việt Nam hiện nay ăn về vấn đề chứ không phải ăn về nghệ thuật…

PV: Anh có bị bi quan quá với lớp trẻ không?

ĐD NHP: Có. Về lớp trẻ trong nghề truyền hình thì tôi đang bi quan, bởi vì tôi chưa thấy ai mới mẻ, lạ lẫm cả. Tôi đang thấy các em đang làm những cái theo kiểu chúng tôi mà lại làm không thạo.

PV: Và không được cái tầm ấy?

ĐD NHP: Vâng, đấy là cái hết sức lo ngại.

PV: Không có tiếng nói mới, mà lại không có vốn sống như các anh.

ĐD NHP: Gần đây ở trong Nam với những hãng phim tư nhân làm theo kiểu xã hội hóa đã sinh ra Vũ Ngọc Đãng làm phim "Bỗng dưng muốn khóc" mà tôi cho là tốt. Một xu hướng mới và nó phục vụ giải trí cho tuổi trẻ. Nếu như cứ theo cách xã hội hóa này, thì có thể người ta sẽ sinh ra một lớp mới và thu nạp một lớp mới và sẽ tạo ra cái mới. Chúng ta cần làm sao để cân đối, vẫn có những phim xã hội chính luận mà vẫn có những phim giải trí cùng tồn tại…

PV: Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần!

.
.
.