Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “Lập ngôn” qua những thước phim

Thứ Ba, 03/01/2006, 07:45
Ông kiệm lời. Và vốn cũng không quen nói về mình. Ngay cả khi viết những dòng hồi ký về chặng đường 45 năm mình bước vào điện ảnh, ông cũng viết một cách chừng mực và cẩn trọng từng câu chữ. Có điều này dù không có một từ nào đụng tới, nhưng tất cả đã được phơi lộ trong những trang viết của ông, đó là thái độ nghiêm khắc mà tha thiết của một người nghệ sỹ giàu lòng tự trọng đối với điện ảnh Việt Nam.

Về hưu, tạm biệt thời công chức, tạm biệt luôn cả nền điện ảnh công chức, nhưng giữa cái vô thủy vô chung của thời gian, người ta vẫn không thấy ông già nua trong những ý tưởng mới của nghệ thuật. Dường như chưa khi nào Đặng Nhật Minh quên đi ý hướng của cuộc đời, đó là sự trung thành không mệt mỏi với sứ mệnh "lập ngôn" của người nghệ sỹ trước thời đại của mình.

 

1. Đặng Nhật Minh tự nhận mình vốn không phải là người đam mê những câu chuyện được kể bằng hình ảnh. Việc ông theo nghề điện ảnh còn là nỗi thất vọng của cả dòng tộc vì ai cũng nghĩ ông sẽ phải là một nhà khoa học giống cha mình. Cha ông, Giáo sư Đặng Văn Ngữ cũng đã buồn bã khi ông không theo nghề y và cũng không có bất cứ nghề nghiệp nào khác dành cho niềm say mê thực sự. Ông bắt đầu cuộc đời bằng công việc của một người dịch phim tiếng Nga ra tiếng Việt. Để rồi 5 năm sau, ở tuổi 24, ông thực sự nhận ra mình chưa có một cái nghề trong tay.

Sự chán ngán của chàng trẻ tuổi không phải bởi công việc tẻ ngắt và một tương lai u ám, mà bởi công sức của anh đã không được ghi nhận. Những bản dịch chuẩn xác của anh không mấy ý nghĩa, các cán bộ thuyết minh sẵn sàng cắt bớt đi để thêm vào đó những đoạn diễn giải nội dung. Chẳng hạn như phim có cảnh tuyết tan thì sẽ có những câu thuyết minh: "Xuân qua đông lại", "Ngày giờ thấm thoắt thoi đưa"…

Đôi khi người thuyết minh phim còn lẩy Kiều nữa. Nhưng cũng từ trong vùng sống buồn bã và nhiều ức chế ấy đã bắt đầu nhen nhóm trong Đặng Nhật Minh một ước muốn làm nên những bộ phim của riêng mình. Bộ phim tài liệu "Theo chân người địa chất" của nhóm sinh viên điện ảnh là cơ hội và cũng là duyên phận đưa Đặng Nhật Minh đến với nghề đạo diễn. Ông coi đó là một thứ chứng chỉ vào nghề. Đó cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên và duy nhất của ông được cha mình chứng kiến. Tôi đồ rằng, ông đã lấy cả cuộc đời làm nghệ thuật đầy say mê của mình để báo hiếu cha, bởi trong những bước chân đầu tiên đến với cuộc đời ông đã không có bất cứ niềm đam mê nào to lớn.

Và trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật trong gian khó ấy, có những bộ phim buổi đầu không mấy thành công, trong những lúc chán chường bởi cơ chế, cả những khi tuyệt vọng vì bị đố kỵ, nhưng có lẽ Đặng Nhật Minh đã không ngừng nghĩ suy, làm thế nào để xác lập được vị trí của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới. Đó là một việc khó khăn nhưng chúng ta có thể làm được.

2. Trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, có lẽ không quá ba người có phim xứng đáng được xếp vào dòng phim tác giả, trong đó có Đặng Nhật Minh. Điều hiếm hoi ấy không phải bởi chúng ta thiếu những đạo diễn tài năng, mà bởi các đạo diễn vì nhiều yếu tố mà thiếu đi một ý hướng sáng tạo thống nhất, thiếu đi cách nhìn xuyên suốt trong hệ thống tác phẩm của mình. Những "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Cô gái trên sông", "Trở về", "Thương nhớ đồng quê", "Hà Nội mùa đông năm 1946", "Mùa ổi"… có thể là con số không nhiều với chặng đường 45 năm, nhưng lại không hề ít nếu chúng ta làm một cuộc tuyển chọn những bộ phim hay về thân phận con người. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, Đặng Nhật Minh là một người rất quyết liệt trong ý đồ nghệ thuật của mình, đó là biểu hiện của bản lĩnh, lòng tự tin nghề nghiệp, tuy hơi có vẻ cứng rắn nhưng lại rất cần với điện ảnh, ở đó những ý đồ sáng tạo luôn dễ bị lung lay trước những khó khăn khách quan bên ngoài…

Không biết có phải vì thế không, mà dường như trong mỗi bộ phim của Đặng Nhật Minh, người xem lại được dẫn dụ đến một ý tưởng mới, một thông điệp mới. Một phiên chợ âm dương, nơi đó con người có thể trò chuyện mà hai bàn tay mãi mãi không thể nắm lấy nhau, đó là một hình ảnh đáng giá của một bộ phim truyện Việt Nam thời của "Bao giờ cho đến tháng Mười". Một "Thị xã trong tầm tay" mang đến thông điệp, hạnh phúc đến hàn gắn những hận thù. Một "Cô gái trên sông" như lời nhắc nhở đừng quên lời thề. Một "Trở về" khắc họa bộ mặt của Việt Nam trong những ngày đầu đổi mới. Một "Thương nhớ đồng quê" phản ánh chân thực một nông thôn Việt Nam sau chiến tranh với những biến động dữ dội của nó…

Cứ như thế, người ta có thể nhận ra ông trong hành trình đi tìm những hình tượng và ngôn ngữ điện ảnh không trộn lẫn. Có một điều, dường như thông điệp mà Đặng Nhật Minh gửi gắm qua bộ phim thường đi sớm hơn một bước so với dư luận xã hội. Chính vì thế mà chúng có số phận khá sóng gió. "Cô gái trên sông" gây xôn xao một thời, thậm chí còn cấm chiếu, chỉ vì những điều không thực sự là lý do chính đáng, cũng bắt đầu từ thông điệp mới mẻ của bộ phim.

"Hà Nội mùa đông năm 1946" cũng bị dính khen chê nhiều. Trong số những phim của ông, có lẽ ấn tượng với tôi nhất chính là "Thương nhớ đồng quê". Bộ phim đã gây nên nhiều tranh cãi, cho rằng đã nhìn hiện thực nông thôn có phần u ám mà quên đi những thành tựu của thời kỳ đổi mới. Nhưng có một sự thật là người nông dân Việt Nam đã gánh chịu quá nhiều hy sinh và thiệt thòi. Bộ phim đó là bộ phim của những phận người, nhỏ bé, yếu ớt và trông đắm trông đuối vào số phận lẫn ông trời…

3. Trong cuốn hồi ký mới công bố của mình - cuốn "Hồi ký điện ảnh", Đặng Nhật Minh coi cuộc đời mình đồng hành với điện ảnh. Và đúng như lời ông, nếu chúng ta bỏ qua những cái chủ quan của người viết, thì vẫn thực sự hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về một thời làm điện ảnh của Việt Nam. Con đường đến với điện ảnh của Đặng Nhật Minh cũng lắm chông gai. Và trên con đường "hành đạo" ấy của mình, ông cũng không phải là người suôn sẻ mọi chuyện. Mỗi bộ phim ông làm ra đều khiến những người làm nghề quan tâm, trong đó có cả những sự quan tâm mang tính dò xét, nhất là với những ai coi thành công của người khác là thất bại của mình.

Đó là cái lỗi của một thời, cái thời mọi chuyện còn bị lối nghĩ bao cấp cương tỏa, người ta cho rằng làm phim xong rồi đem chiếu phục vụ quần chúng, hay hoặc dở không quan trọng lắm, miễn sao đúng đường lối. Cái cơ chế ì ạch ấy khiến sức sáng tạo của người nghệ sỹ gần như teo lại để cho tâm lý tầm thường mỏi mệt len lỏi và lấn át dần. Tưởng như ông cũng mỏi mệt, nhưng không, Đặng Nhật Minh vẫn bền bỉ với những ý đồ của mình. Những bộ phim ra đời, phim sau là sự nối tiếp ý hướng của những phim trước. Chúng có sự liền mạch về mặt ý tưởng nghệ thuật.

Tôi cho rằng, Đặng Nhật Minh đã chỉ ra được những cái sai cốt tử mà những người cùng thời ông nhiễm phải. Khi ông làm Tổng Thư ký Hội Điện ảnh, trào lưu phim video đang tưng bừng và những người lãnh đạo ngành Điện ảnh đã chính thức tuyên bố: làm phim video, chiếu phim video là chiến lược của điện ảnh Việt Nam. Ông đã bảo vệ đến cùng ý kiến điện ảnh phải là phim nhựa. Sai lầm nghiêm trọng của những người lãnh đạo ngành Điện ảnh Việt Nam đã biến nhiều rạp chiếu phim thành bình địa, nhiều rạp cho thuê mở vũ trường…

Để rồi, 10 năm sau, 10 năm để cả ngành Điện ảnh nhận thức được một vấn đề: điện ảnh là phim nhựa thì rạp đã không còn nữa. Sai lầm ấy, có lẽ 10 năm sau vẫn chưa khắc phục xong. Cũng chính ông cho rằng, cần phải chấm dứt cách làm việc công chức của giới điện ảnh. Điện ảnh cần phải được thực hiện hướng tới khán giả. Và cũng chính ông chỉ thẳng vào những bộ phim chiến tranh tiêu tốn hàng tỷ đồng mà hiệu quả quá thấp.

Chính ý kiến của ông đã gây nên một cuộc tranh luận kéo dài. Nhưng nó lại mở ra một hướng đi mới, đó là dòng phim hướng mạnh đến khán giả, dù chưa thực sự thành công như mong muốn của những người khởi xướng. Sự thật mất lòng, tất cả sự thẳng thắn ấy đã mang lại cho ông nhiều kẻ thù hơn ông nghĩ. Nhưng ông bỏ lại sau lưng những chuyện không mấy vui ấy để luôn luôn vận động mình cho những bộ phim. Tôi còn nhớ, khi bộ phim "Thương nhớ đồng quê" được tham dự hơn 60 Liên hoan phim quốc tế và được một số giải thưởng, người ta mới quên đi cái "án" mà một số người đã gán cho nó: bôi nhọ người nông dân. Và Đặng Nhật Minh cũng quên cả những lời kết tội ấy một cách thanh thản. Giống như khi ta đi đường và bị đâm xe. Rất nhiều người trong chúng ta sẽ không hề la lối mà chỉ đứng dậy phủi sạch quần áo và tiếp tục hành trình trong im lặng. Và cách im lặng là lựa chọn của ông cho những thành công tiếp theo, dù nó cũng đã gặp không ít những gian khó.

Yasujiro Ozu, đạo diễn lỗi lạc của điện ảnh Nhật Bản từng nói, ở đời cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo chính mình. Trong hành trình đi đến cái đích cuối của nghệ thuật, có lẽ, Đặng Nhật Minh cũng đã đi bằng con đường riêng ấy. Con đường do chính ông mở ra..

Toàn Nguyễn
.
.
.