Danh tướng Lý Thường Kiệt: Giữ yên chính sự ba Triều

Thứ Ba, 22/04/2014, 15:30

Trên tấm bia cổ dựng tại chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn thuộc ấp Đại Lý, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa (nay đã được mang về Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam) do Đại sư Pháp Bảo sống ở cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, có đoạn ghi về danh tướng Lý Thường Kiệt như sau:

“Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị, đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hòa, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan dung giúp đỡ mọi người, nhân ái thương yêu quần chúng, cho nên mọi người kính trọng. Dùng oai vũ dể diệt trừ bọn gian ác, làm minh chính để giải quyết ngục tù, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết lấy dân no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không lỡ thời vụ. Làm điều hay không khoe khoang, nuôi dưỡng tới người già thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân...”.

Thực tài thực danh

Danh tướng Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) là một trung thần có nhiều công trạng lớn dưới ba đời vua nhà Lý: Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông. Ông vốn họ Ngô, tên là Tuấn, tự Thường Kiệt, vì những thành tích lớn được ban họ vua nên mới có tên họ Lý Thường Kiệt. Sách sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt vẫn ghi rõ tích truyện về những câu thơ đầy khí phách mà tương truyền là do Lý Thường Kiệt viết: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Theo một số nguồn tư liệu, Ngô Tuấn vốn quê ở làng An Xá, huyện Quảng Đức, tức là thuộc vùng Gia Lâm, Hà Nội ngày nay. ông là con của Sùng Tiết Tướng Ngô An Ngữ. Khi lớn lên, ông cùng cha mẹ về sinh sống ở phường Thái Hòa trong kinh thành Thăng Long. Ngay từ nhỏ, Ngô Tuấn đã là người có chí lớn nên rất chịu khó trau dồi văn chương và võ nghệ. Giời lại cho ông vóc dáng khá phi phàm, dễ gây cảm mến, tác phong nhanh nhẹn và một công lực thâm hậu. Các cuốn binh thư đã trở thành sách gối đầu giường của người con họ Ngô tuấn kiệt từ thuở nhỏ. Lớn lên ở thời đại vua và dân còn chưa quá cách xa nhau và chưa có những thủ tục hành chính nhiêu khê trong việc lựa chọn nhân tài nên những thanh niên con tướng như Ngô Tuấn ở thành Thăng Long không quá khó khăn mới lọt được vào “mắt rồng”.

Tất nhiên, do những đặc điểm của thời đại, đôi khi muốn lập thân thì phải tuân thủ theo một số quy chế nhất định nên năm 20 tuổi, Ngô Tuấn đã được đưa vào cung theo con đường làm hoạn quan. Tuy nhiên, điều này không hề ảnh hưởng tới phong thái trượng phu của Ngô Tuấn và ông được chọn vào chức kị mã hiệu úy năm 21 tuổi, một chức quan tuy nhỏ nhưng không phải là không có điều kiện để thi thố tài năng. Hai năm sau, ở tuổi 23, Ngô Tuấn được sung vào ngạch thị vệ để hầu vua Lý Thái Tông và được bổ làm Hoàng môn chi hậu trong quân túc vệ. Dần dà, ông được thăng lên chức Đô tri trông coi mọi việc trong cung. Ở gần vua, ông càng được nhìn nhận đúng đắn và đúng tầm. Tuy nhiên, phải tới khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi (1054), Ngô Tuấn mới có thêm nhiều điều kiện để bộc lộ tài năng khiển quân trị quốc của mình.

Theo đánh giá của sách Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lý Thánh Tông “khéo kế thừa, thực lòng thương dân, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, đáng gọi là bậc vua tốt...”. Chính vua Lý Thánh Tông, vốn chủ trương “người dưng có ngãi, ta đãi người dưng”, đã đưa Ngô Tuấn ra khỏi vị trí trọng thần ở hậu cung và để cho ông giúp rập mình trong những công việc triều chính trọng yếu hơn. Vua Lý Thánh Tông đã phong cho ông những chức vụ cao cấp trong đội ngũ quan võ như Bổng hành quân hiệu úy rồi Kiếm hiệp Thái bảo, có nhiệm vụ đi thanh tra các quan lại và vỗ về dân khí ở vùng Thanh - Nghệ. Nhiệm vụ được hoàn thành xuất sắc.

Tới mùa xuân, tháng 2/1069, do biên giới phương Nam liên tục bị quấy nhiễu, vua Lý Thánh Tông đã phải thân chinh đi đánh xứ Chămpa. Ngô Tuấn được phong làm Đại tướng chỉ huy quân tiên phong. Chiến sự diễn ra rất ác liệt và gian truân nhưng cuối cùng, tới mùa hè năm đó, quân ta cũng đã làm chủ được kinh đô Chiêm Thành và bắt được vua Chế Củ (vua Rudravarman Đệ nhị). Trong chiến công này có phần đóng góp quan trọng của Đại tướng Ngô Tuấn.

Cơ xá Linh Từ thờ danh tướng Lý Thường Kiệt ở phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, vua Chế Củ đã xin dâng ba châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội và vua Lý đã đồng ý. Và cũng để ghi công của viên mãnh tướng đang ở tuổi 50, đem lại bình yên cho vùng biên giới phía Nam của Tổ quốc, vua Lý Thánh Tông đã ban quốc tính cho Ngô Tuấn và đổi tên họ ông thành Lý Thường Kiệt. Ông còn được nhà vua coi là “Thiên tử nghĩa nam”. Sau đó, Lý Thường Kiệt còn được phong chức Phụ quốc Thái phó và Phụ quốc Thượng tướng quân. Rồi cả chức Thượng trụ quốc, Khai quốc công. Rồi chẳng bao lâu sau, Lý Thường Kiệt đã được đưa lên chức vụ thứ hai trong triều là Thái úy, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, chỉ đứng sau duy nhất Thái sư Lý Đạo Thành.

Trung quân ái quốc

Đời Vua Lý Nhân Tông, vị vua này coi Lý Thường Kiệt như “Thiên tử bào đệ”. Không phải ngẫu nhiên mà Lý Thường Kiệt dưới triều vị vua này đã được giữ chức Đôn quốc Thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng Phụ công. Và cũng trong giai đoạn đó, danh tướng Lý Thường Kiệt đã lập nên võ công hiển hách trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giúp tên tuổi ông lưu danh thiên sử.

Khi ấy, bên cường quốc phương Bắc đang là triều Tống. Đại quan của triều này là Vương An Thạch rất thích dùng những võ công ở bên ngoài để gây dựng thêm thanh thế bên trong nên đã sàm tấu với vua Tống rằng, có thể chinh phục Giao Châu (tức là nước Đại Việt ta) bằng cách quấy rối cho hỗn loạn rồi thôn tính, vì ở đó chỉ còn vạn quân đã kiệt quệ tinh lực lắm rồi. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, năm 1075, vua Tống do tin lời của An Thạch nên đã quyết định chuẩn bị lực lượng quấy rối nhằm thôn tính nước ta. Hiểu rõ dã tâm mà nhà Tống đang ấp ủ và những mưu đồ sâu kín của chúng, Lý Thường Kiệt đã quyết định đi trước một bước và dấy binh trừ họa từ trong trứng. Ông đã thảo Phạt Tống lộ bố văn, vạch ra bộ mặt xấu xa của đối thủ và nêu rõ chính nghĩa của chúng ta trong cuộc đối đầu lịch sử để giải nguy vận nước. Bài văn lộ có nội dung như sau (bản dịch của học giả Trần Văn Giáp):

“Trời sinh ra dân chúng, vua có đức thì tin yêu. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân. Nay vua Tống ngu hèn, không theo khuôn phép thánh nhân, nghe cái kế tham của An Thạch, bày ra phép “thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ hao kiệt, lầm than, để thỏa mãn cái mưu nuôi béo lấy thân mình. Số là muôn dân đều dựa vào trời, bỗng sa vào sự độc hại của thói tham lợi. Bề trên cố nhiên phải thương xót. Những việc từ trước, thôi không nói làm gì. Bản chức vâng mệnh quốc vương, chỉ đường Bắc tiến, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có cái ý phân biệt quốc thổ, chứ không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch cái bẩn thỉu hôi tanh để ca thuở đẹp của ngày Nghiêu, để hưởng hội lành của tháng Thuấn.

Nay ta ra quân cốt cứu vớt muôn dân. Hịch văn truyền đến để mọi người đều nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi”.

Hào hùng như thế, chân thành như thế nên Lý Thường Kiệt đã thu hút được lòng dân Trung Hoa ở những nơi ông đưa quân tới theo lệnh của vua Lý Nhân Tông. Quân ta đã phá được các thành Khâm Châu, Liêm Châu và cả Ung Châu của nhà Tống, diệt 8.000 quân địch, san bằng những thành lũy, kho tàng tích trữ chiến lược của nhà Tống cho cuộc xâm lược Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, ỷ thế nước lớn, cố đấm ăn xôi, tháng 12/1076, An Thạch đã cử Quách Quỳ làm Thảo sứ, Triệu Tiết làm Phó sứ, cầm đầu chín tướng quân, ước hẹn các nước Chiêm Thành và Chân Lạp để mưu toan thôn tính nước ta. Đại quân Tống ào ạt tràn sang lãnh thổ nước ta. Cực chẳng đã, vua Lý Nhân Tông đã sai Lý Thường Kiệt mang quân tới bến sông Như Nguyệt đánh chặn địch. Đây chính là thời điểm đã sinh ra huyền thoại về bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của đất nước ta.

Chuyện cũ kể rằng, trước thế giặc mạnh như chẻ tre, rất cần những vần thơ động viên tinh thần binh sĩ, Lý Thường Kiệt đã viết bốn câu thơ Nam quốc sơn hà và sai người vào đền thờ hai danh tướng chống giặc ngoại xâm đời xưa là Trương Hống và Trương Hát đọc lên như những câu nhắn nhủ của thần linh. Sách Việt điện u linh chép lại rằng: “Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đảm, không đánh cũng tan”.

Cho đến khi cao tuổi rồi, mỗi khi quốc gia lâm sự, Lý Thường Kiệt cũng không ngại khó khăn mà luôn sẵn sàng đứng ra gánh vác trọng trách. Năm 1103, Lý Giác, một kẻ được coi là học được phép thuật kỳ lạ, ở Diễn Châu, làm phản, thế rất hưng thịnh. Vua Lý Nhân Tông phân vân không biết cử ai đi dẹp loạn. Khi bề tôi có người tiến cử Lý Thường Kiệt, nhà vua đầy tình nghĩa phân trần: “Giác là tay hiệt kiệt, ta cần chọn lấy người khỏe mạnh để đối địch. Thường Kiệt giữ việc binh đã lâu, nay đã già rồi; nếu lại giao cho việc quân thì đấy không phải là cách mà trẫm dùng để đối xử với bậc lão thần”. Cảm động với tấm tình ấy, Lý Thường Kiệt đã khấu đầu thốt lên đầy cảm khái: “Tôi, trước kia chưa thông thạo mưu lược làm tướng, bình Chiêm, đánh Tống, may mà thành công. Đó đều là nhờ oai linh của bệ hạ và sức lực của các tướng thần. Ngày nay nhờ ơn nước, tôi được hưởng ngôi cao lộc hậu đến thế này, nếu tôi ngồi nhìn để đứa giặc là Giác kiêu ngông, thì chết không nhắm mắt được”. Quả nhiên, lão tướng ở tuổi “xưa nay hiếm” khi ra quân đã đánh đuổi được Lý Giác sang Chiêm Thành. Sau đấy, năm 1104, khi quân Chiêm Thành quấy rối biên giới, cũng Lý Thường Kiệt đã trấn áp được giặc, bình ổn tình hình ở phía nam Tổ quốc…

Là một võ tướng, nhưng bình sinh Lý Thường Kiệt rất thích làm việc ân nghĩa, hợp đạo trời và hợp lòng người. Và nhờ thế, ông được cả nhà vua lẫn dân chúng rất yêu quý và kính trọng. Tháng 6/1105, khi Thái úy Lý Thường Kiệt qua đời, ông đã được truy tặng chức Nhập nội điện Đô tri Kiểm hiệu Thái úy Bình chương Quân quốc Trọng sự, tước Việt Quốc Công, thực ấp 1 vạn hộ. Cũng Văn bia chùa Linh Xứng trên núi Ngưỡng Sơn đã ca ngợi ông biết dùng đúng phép tắc  để tạo nên “gốc trị nước”. Bởi vậy,  “cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả, giúp cho chính sự ba triều, dẹp yên loạn ngoài biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật lớn lao...”

Hoàng Lương
.
.
.