Đại tá bác sỹ Nguyễn Văn Châu: Những ký ức còn xanh

Thứ Năm, 10/04/2008, 09:00
Quá khứ chưa xa, những ký ức vẫn tươi rói trong tâm trí ông, chưa lúc nào, trong một phút giây ông không nhớ về nó. Cũng là một lẽ tự nhiên, vì cả cuộc đời ông gắn bó với thi hài của Bác, theo Bác trong hành trình chiến tranh, cùng Bác trong những giai đoạn đầu khó khăn vất vả, nên khi cầm quyết định về hưu, trong buổi làm thuốc cuối cùng cho Bác, ông Châu đã bật khóc nức nở.

Ngắt quãng giữa buổi trò chuyện, căn bệnh Parkinson quái ác khiến cho ông Châu không thể ngồi một cách bình thản để cùng tôi khơi lại cái ký ức đầy ắp những sự kiện xảy ra trong cuộc đời làm thuốc cho Bác. Nhưng cả những cơn xung động mạnh do bệnh tật, do xúc động, không hề làm cho ông bớt đi sự minh tường khi nhớ lại những gì ông đã trải.

Quá khứ chưa xa, những ký ức vẫn tươi rói trong tâm trí ông, chưa lúc nào, trong một phút giây ông không nhớ về nó. Cũng là một lẽ tự nhiên, vì cả cuộc đời ông gắn bó với thi hài của Bác, theo Bác trong hành trình chiến tranh, cùng Bác trong những giai đoạn đầu khó khăn vất vả, nên khi cầm quyết định về hưu, trong buổi làm thuốc cuối cùng cho Bác, ông Châu đã bật khóc nức nở.

Những ngày đầu tiên theo Bác

Ông Châu nhớ lại: Lần đầu tiên được gặp Bác cũng là lúc đau xót nhất. Người nằm đó, xanh xao, đôi mắt trũng xuống, vầng trán cao và chòm râu bạc, đôi bàn tay với những ngón thon dài. Bác như vừa ngủ sâu, một giấc ngủ thanh thản. Ba anh em chúng tôi đứng cạnh Bác mà nước mắt chực òa vỡ.

Công việc chuẩn bị suốt hai năm trời của Tổ Y tế đặc biệt đã đến. Chúng tôi đón Bác lên xe hồng thập tự trở về Viện 108. Ở đó, đoàn chuyên gia Liên Xô vừa được mời sang làm nhiệm vụ đặc biệt đã sẵn sàng đưa Bác vào buồng y tế. Nửa giờ sau, biên bản khám nghiệm được hoàn thành.

Hai giáo sư viện sỹ Liên Xô Iuri Mikhainôvích và Nicôlai Iních Mikhailốp đã trực tiếp làm công tác y tế cho Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sỹ Việt Nam. Sau 6 giờ làm việc, các chuyên gia cùng Tổ Y tế đặc biệt đã hoàn thành công tác y tế giai đoạn một và làm các biện pháp bảo quản thi hài Bác giai đoạn đầu.

Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn như người vừa nhắm mắt trong một giấc ngủ thanh thản, vĩnh cửu, các chuyên gia và Tổ Y tế chúng tôi đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt là các chi tiết ở mắt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu.

Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc đều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành nhằm đạt kết quả cao nhất. Trong chiếc hòm kính đặc biệt do các chiến sỹ công binh sản xuất, Bác nằm thanh thản như sau một ngày làm việc căng thẳng, như sau một chuyến đi xa trở về.

Ông Châu ngừng kể, cơn xúc động lại đột ngột trào đến. Phải mất một lúc sau, ông mới lại tiếp tục câu chuyện. Ông nói với tôi. "Điều may mắn tuyệt vời nhất của chúng ta trong việc bảo quản thi hài Bác là thời điểm Bác mất, chúng ta đã được hưởng trọn những thành quả tiên tiến, chuẩn xác, tối ưu nhất về các công nghệ hóa chất, khoa học kỹ thuật phát triển của ngành ướp xác ở Liên Xô đi đầu trên thế giới lúc bấy giờ.

Từ những kinh nghiệm hàng chục năm của nước bạn trong việc giữ gìn, bảo quản lâu dài thi hài Lênin, Xíttalin, Đimitơrốp trước đó, Bác Hồ đã được tiến hành ướp xác theo một quy trình chuẩn mực. Chính vì thế việc bảo quản giữ gìn thi hài Bác hiện nay rất tốt".

Chiều 9/9/1969, sau 3 ngày làm lễ truy điệu Bác, nhóm chuyên gia cùng Tổ Y tế đặc biệt lại bắt tay vào giai đoạn tiếp theo trong quy trình bảo quản thi hài Bác.

Sáu lần tham gia di chuyển thi hài Bác lên K84

Từ đó trở đi, công việc và phần lớn cuộc đời của bác sỹ Nguyễn Văn Châu gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông cùng Tổ Y tế đặc biệt theo Bác trong suốt chặng đường gian khó. Có thể nói, trong cuộc đời theo Bác và làm thuốc cho Bác đáng nhớ nhất, nhiều kỷ niệm nhất là 6 lần di chuyển thi hài Bác lên K84 và từ K84 trở về Hà Nội.

K84 là một đồi thông rất thơ mộng và đẹp. Là nơi Bộ Chính trị quyết định cải tạo một hệ thống phòng thí nghiệm đặc biệt bảo quản giữ gìn tuyệt đối an toàn một khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ lan rộng.

Ông Châu kể rằng: Để di chuyển an toàn thi hài Bác trong điều kiện chiến tranh như thế là một việc vô cùng gian khó. Các chuyên gia Liên Xô yêu cầu thi hài Bác khi di chuyển không được phép bị rung xóc, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bảo quản thi hài Bác. Vấn đề di chuyển như thế nào để tránh rung xóc. Nếu chuyển bằng máy bay thì độ rung xóc rất lớn. Nếu chuyển bằng đường bộ thì đường từ Hà Nội lên K84 rất xấu, đầy ổ gà.

Cuối cùng Bộ Tư lệnh Công binh đã cải tạo chiếc xe Zil 3 cầu, trên xe thiết kế một chiếc hòm lạnh, hai đầu hòm để hai bát nước. Chiếc Zil 3 cầu đã đi thử trên đoạn đường từ Hà Nội lên K84 và ngược lại bắt đầu từ ngày 10/9 cho đến 23/12 mới đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật tuyệt đối.

Trong 3 tháng vận hành thử, Tổ Y tế đặc biệt, các chuyên gia đều phải nằm thử trong hòm lạnh trên đoạn đường sẽ di chuyển Bác để kiểm tra độ rung xóc.

Cuối cùng, ngày 23/12, chuyến di chuyển đầu tiên được tiến hành thành công tốt đẹp. Chiếc Zil 3 cầu áp sát giữa hai chiếc xe khác, một đi trước, một đi sau lăn bánh. Xe đi đến đâu, lực lượng Bộ đội Công binh phía trước san lấp ổ gà, đảm bảo độ êm nhẹ tuyệt đối cho xe đi qua.

Cứ như vậy, trong suốt từ năm 1969 đến năm 1975, đất nước toàn vẹn thống nhất, 6 lần di chuyển để bảo vệ thi hài Bác là sáu lần Tổ Y tế đặc biệt cùng với các lực lượng chức năng đã làm việc hết mình.

Lần thứ 2 vào năm 1970, địch thả biệt kích ở Sơn Tây hòng giải thoát tù binh Mỹ, để đảm bảo an toàn cho thi hài Bác, ta đã di chuyển Bác về Hà Nội. Năm 1971 trong một trận lụt kinh hoàng gây vỡ đê, thi hài Bác lại được di chuyển lên K84.

Năm 1972, địch rải thảm B52, chuyển từ K84 về K2, v.v... cho đến năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, đất nước giành toàn vẹn độc lập, lúc này Bác mới từ K84 về lại Hà Nội. Từ bấy đến nay, người yên nghỉ thanh thản trong giấc ngủ vĩnh cửu tại Quảng trường Ba Đình.--PageBreak--

Vinh dự được chuẩn bị quần áo và râu tóc cho Bác

     Ông Châu nhớ lại: Những năm tháng đi sơ tán ấy, có  lần Bộ Chính trị đến viếng Bác đột xuất. Sau những lần làm thuốc cho Bác, Tổ y tế thường xuyên phân công  tôi trọng trách chuẩn bị trang phục quần áo cho Bác, là quần áo, mặc cho Bác rồi chải râu chải tóc cho Bác.

Những lần là quần áo cho Bác, mặc vào cho Bác rồi chải râu tóc cho Bác, không chỉ riêng tôi mà các thành viên trong Tổ y tế ai cũng có cảm giác như một người con làm cái phần việc thiêng liêng kính cẩn đối với người cha yêu dấu của mình, một người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Công việc đó lặp đi lặp lại suốt hơn 30 năm phục vụ Bác, thế nhưng lần nào làm xong chúng tôi cũng xúc động nghẹn ngào.

Suốt 52 năm phục vụ trong quân đội thì tôi có tới hơn 30 năm liên tục cùng đồng nghiệp trực tiếp tham gia công việc làm thuốc giữ gìn bảo quản thi hài Bác.

Trong cuộc đời của mỗi con người, công việc của họ có thể có những lúc thay đổi, trong một khoảnh khắc hoặc một thời gian ngắn, còn công việc của tôi không khi nào thay đổi, luôn ở bên cạnh Bác, theo Bác và chăm sóc cho giấc ngủ vĩnh hằng của Người.

Giờ đây, dù đã rời xa công việc mấy năm, nhưng tôi luôn hình dung được tất cả những đường nét nhỏ nhất trên cơ thể Bác, trên đôi tay thon dài, vầng trán rộng và gương mặt đẹp, từng sợi tóc, sợi râu thân thương của Bác. Tất cả đã quá gắn bó máu thịt trong cuộc đời tôi.

Người lính già và thú say mê sưu tầm những kỷ vật y tế về Bác

Nghỉ hưu khi đã ngoài 65 tuổi, hơn 30 năm phục vụ Bác, bác sỹ, Đại tá Nguyễn Văn Châu luôn có một niềm đam mê âm thầm, đấy là sưu tầm những kỷ vật về Bác từ ngày đầu làm thuốc cho Bác cho đến tận hôm nay. Ông là tác giả của nhiều những hiện vật bày trong phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh Lăng.

Gần như tất cả những hiện vật từ ngày đầu làm thuốc cho Bác đều được Tổ y tế và bản thân ông Châu gìn giữ lại. Từ chiếc bơm tiêm đầu tiên, đến những chai lọ đựng dung dịch trong lần làm thuốc thứ nhất, đến những đồ vật nho nhỏ, những vật dụng liên quan đến công việc làm thuốc cho Bác trong những ngày đầu tiên ấy đều được mọi thành viên trong Tổ kỳ công cất giữ lại.

Ông Châu tâm sự: "Mỗi một kỷ vật y tế liên quan đến Bác đều cất giữ một mảnh hồn của anh em Tổ Y tế đặc biệt chúng tôi, trong mỗi kỷ vật ấy đều chất chứa ký ức của cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi giữ lại là để cho chính mình. Cái gì liên quan đến Bác đều thiêng liêng, đều đáng được gìn giữ.

Tôi đã giữ nó trong cả cuộc đời mình, giờ đây khi rời vị trí công tác, những kỷ vật ấy sẽ còn lại mãi với thời gian. Chúng tôi, rồi một ngày nào đó cũng sẽ ra đi, cũng tan vào cát bụi. Nếu không có những kỷ vật đong đầy ký ức đó, mai này còn ai hình dung được công việc của Tổ Y tế đặc biệt trong những ngày đầu tiên cùng Bác".

Ông Châu khó khăn lắm mới rút được chiếc khăn mùi xoa chấm nước mắt.

Một người lính có 52 tuổi quân, 50 năm tuổi Đảng và hơn 30 năm có mặt bên thi hài Bác, người từng được đồng giải thưởng cao quý của Nhà nước về khoa học công nghệ, thầy thuốc ưu tú, giờ đây về hưu, trong 43 mét vuông nhà tập thể của Bộ Tư lệnh Lăng, sống một cuộc sống thật đạm bạc.

Ông Châu bị ngã bệnh ngay sau khi về hưu. Một phần lương dành không nhỏ dành để mua thuốc, sức khỏe của ông đòi hỏi một điều kiện sống tốt hơn nhưng điều đó nằm ngoài khả năng của gia đình ông. Khi tôi hỏi đến hoàn cảnh sống của ông, bác sỹ Châu xua tay từ chối.

Câu nói sau cùng trong buổi trò chuyện của ông làm tôi nhớ mãi: "Cháu ơi, những người lính thuộc thế hệ như bác, được sống và trở về lành lặn sau chiến tranh là may mắn lắm rồi. Bác không những được trở về mà còn được làm một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng cao cả, được phục vụ Bác Hồ, đó là hạnh phúc tột đỉnh trong cuộc đời Bác.

Bác sống thế này thanh thản và mãn nguyện lắm cháu ạ. Bác nghĩ, mình là một người lính hạnh phúc hơn tất cả những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc, bác còn có thể đòi hỏi gì hơn".

Chiều đầy nắng, tạm dừng cuộc trò chuyện, ông Châu lần ra ngõ tập đi. Những bước chân run rẩy tập tễnh trên vỉa hè của một ông già có dáng đi liêu xiêu gầy guộc. Không biết, trên đường phố Hà Nội ngược xuôi người qua lại, có ai biết rằng, ông già ấy vừa từ giã một nhiệm vụ thiêng liêng, một công việc đặc biệt mà không phải ai cũng có may mắn được lựa chọn, được đứng vào vị trí ấy.

Số phận đã lựa chọn cho ông một công việc cao quý nhưng cũng không kèm phần vất vả, hy sinh. Giờ đây, tất cả đã là quá khứ. Những người lính mới lại nối tiếp công việc của ông. Với riêng ông, ký ức mãi còn xanh để ông trở về với một cuộc sống đời thường như biết bao người lính trong đời hy sinh thầm lặng  khác

Lê Thị Thanh Bình
.
.
.