Kỷ niệm 70 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-2010)

Có yêu anh, hãy trông vào Tổ quốc

Thứ Hai, 20/12/2010, 15:45
Đó là câu thơ anh viết gửi người yêu của mình khi biết rằng đã dấn thân trên con đường cách mạng tất sẽ có hy sinh mất mát. Câu thơ như một lời tiên liệu về sự hy sinh, một lời vĩnh biệt lãng mạn và thiêng liêng... Phan Ngọc Hiển, anh là ai?  

Một huyện ở vùng đất tận chót mũi Cà Mau mang tên người Anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển - người con của xứ Cần Thơ. Nhiều trường học, đường phố ở TP Cần Thơ và Cà Mau mang tên anh. Cái vinh dự đó ít người có được. Còn bây giờ tôi đương viết về anh nhân chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, bỗng phân vân không biết nên gọi anh là thầy giáo, là nhà báo hay là nhà cách mạng?

Tổ quốc ghi danh nhà giáo, nhà báo, nhà văn Phan Ngọc Hiển

Sinh ra tại thành phố Cần Thơ năm 1910, người trai đất Tây đô Phan Ngọc Hiển sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống cùng anh trai Phan Văn Thới và chị gái Phan Kim Sa. Vốn thông minh hiếu học, Phan Ngọc Hiển được người cậu nuôi cho ăn học. Chính người cậu đã nhìn thấy ở chàng trai Hiển cháu mình một tương lai nào đó tốt đẹp đang chờ đón ở phía trước.

Hai mươi tuổi tốt nghiệp Trung học Sư phạm, Phan Ngọc Hiển vào đời bằng nghề dạy học, nhưng từ ngày còn trên giảng đường, đặc biệt việc anh tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh, anh đã bị mật thám Pháp bí mật theo dõi nên khi ra đi dạy học, anh đã bị chúng truy nã về tội "hoạt động cách mạng".

Nuôi chí lớn, Phan Ngọc Hiển rời Sài Gòn về Cần Thơ và cuối cùng đến Rạch Gốc tận cùng Cà Mau, nơi rừng thiêng thú dữ mở trường dạy học và hoạt động cách mạng tại vùng đất Mũi. Tại vùng đất tận cùng Tổ quốc này, Phan Ngọc Hiển là thầy giáo trẻ mẫu mực được đồng bào tin yêu bởi chí hướng và tư tưởng yêu nước của anh được truyền sang cho các học trò và bà con đất Mũi.

Bà Nguyễn Thị Quýt người bạn gái năm xưa của Anh hùng - Liệt sĩ Phan Ngọc Hiển kể chuyện cũ.

Từ nơi này, anh đã gặp nhà cách mạng Phạm Hồng Thám, một cán bộ của Đảng bị địch bắt đày ra Côn Đảo vượt ngục trở về hoạt động. Anh được ông Phạm Hồng Thám giao nhiệm vụ gây dựng tổ chức cơ sở để chuẩn bị đón các đồng chí vượt ngục Côn Đảo về đây. Năm 1935, anh làm phóng viên cho tờ Tuần báo Tân tiến. Ngoài ra anh còn viết thêm cho một số tờ báo khác mà vì thế anh bị địch cấm dạy học.

Sau đó lại bị bắt về "tội" viết báo chống chế độ thống trị. Người thầy giáo họ Phan ấy hình như có một sứ mạng cao cả hơn, đó là sứ mạng cứu nước. Những năm đi dạy học, bị đày ra tận Cà Mau lòng vẫn nung nấu tư tưởng cách mạng. Và nghề dạy học thành phương tiện để vận động cách mạng. Rồi anh đi làm báo, viết văn như một tiếng gọi khác từ lương tri để gởi gắm tâm huyết và kêu gọi tranh đấu giải phóng đất nước, giải phóng đồng bào khỏi đọa đày...

Bất chấp sự theo dõi truy nã của mật thám, bất chấp tù tội, mười năm ngắn ngủi trên trần thế là mười năm người thầy giáo trẻ họ Phan làm nên những điều lạ lùng. Hàng chục bài báo, cuốn sách của anh được xem là mẫu mực về ý chí cách mạng, về tư tưởng tranh đấu vì lợi quyền dân tộc.

Gần 70 tác phẩm báo chí bao gồm chính luận, văn chương, bút ký của anh trên Tuần báo Tân Tiến đến hôm nay vẫn lấp lánh trí tuệ và tư tưởng của một nhà yêu nước. Văn chương chữ nghĩa Phan Ngọc Hiển đọc lại vẫn thấy sáng trong một hào khí cách mạng, vẫn sắt son một niềm tin vào tiền đồ dân tộc. "Văn dĩ tải đạo".

Ngòi bút của Phan Ngọc Hiển đã thổi vào trang viết  của anh những tư tưởng, khát vọng về một tương lai tươi sáng kêu gọi đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức xây dựng một xã hội tươi đẹp. Bằng những bài báo sắc sảo của mình, anh kêu gọi: "phá tan cái thành khổ, lau khô giọt lệ đau thương - lập cái khí cụ để xây thành mới: ấm no, tự do, hạnh phúc...".

Ngay từ buổi ấy, Phan ký giả đã viết rằng: sự dốt nát lu mờ của dân tộc, của giai cấp cần lao là nỗi sỉ nhục, là hiểm họa lớn nhất. Anh từng thốt lên với giới trí thức: "Hỡi đàn anh Nam Việt, nếu thái độ của các ngài mãi vậy, thì hai mươi mấy triệu dân da vàng này chừng nào mới thoát khỏi vòng nô bộc?... ". 

70 năm, ngỡ ngàng thay một cây bút đa sắc và sâu sắc Phan Ngọc Hiển. Hàng chục bài báo chính luận, 20 cái phóng sự, phóng sự điều tra, hàng chục truyện ngắn, và tiểu thuyết "Mương đào ổ yến" viết chỉ trong một năm 1936 ... đã cho thấy ở anh một tài năng văn chương báo chí và vì thế hãy còn nhiều tác phẩm khác trên các báo chưa được sưu tầm... Sự nghiệp chữ nghĩa văn chương ấy ngắn ngủi nhưng thật có ý nghĩa lớn. Tầm vóc ấy thể hiện ở sự khái quát thực tiễn, đúc kết lý luận sắc sảo.

Với văn chương, anh gợi ra lý tưởng cầm bút, cả phương pháp sáng tác cho văn học cách mạng: "Một người văn sĩ bình dân thấy rõ chỗ cần dùng, chỗ đói khát của dân, biết tâm lý của dân thì đoạn văn, quyển sách ấy tuy nhiên hữu ích...";  "Nhà văn ngày đêm cặm cụi cạo óc trả nợ đời, trả hoài không dứt. Cảnh khuya lai láng tình non nước, nước mắt chan hòa...". Với kẻ thống trị, ngòi bút Phan Ngọc Hiển mang dũng khí đấu tranh, vì thế chúng đã tìm cách bắt bớ giam cầm, hãm hại anh.    

Có thể nói cuộc đời của người thanh niên Phan Ngọc Hiển là một cuộc đời sóng gió và oanh liệt. Đi tìm chân dung người Anh hùng, tôi thầm so sánh và bỗng dưng thấy cuộc đời anh còn bi hùng không kém gì nhân vật Paven trong Thép đã tôi thế đấy. Tiếc là chưa có một  tiểu thuyết nào viết về anh với biết bao hoài bão tốt lành, cùng những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi, những tháng ngày oanh liệt nhất trong đời một người anh hùng xả thân vì nước...     

Sống mãi tên tuổi người Anh hùng trên đảo Hòn Khoai

Khi nhà cầm quyền bắt bớ anh rồi cách chức giáo học, anh vào Sa Đéc làm báo. Ngòi bút anh làm cây súng chĩa vào kẻ thù của nhân dân chống sưu thuế, bảo vệ dân lành luôn được độc giả thời ấy yêu mến. Năm1937 anh được giao phụ trách cơ quan công khai của Đảng ở thị xã Cà Mau.

Cuối năm ấy, Xứ ủy Nam Kỳ điều anh về báo Lao Động, cơ quan của Liên hiệp Công đoàn Nam Kỳ có trụ sở tại Sài Gòn. Tháng 10/1938, Tỉnh ủy Bạc Liêu xin Xứ ủy cử anh về phụ trách tờ báo Đảng của tỉnh. Tháng 6/1939, anh được Đảng phân công trở lại hoạt động vùng Rạch Gốc - Cà Mau, sau đó anh được chỉ thị vượt biển ra hoạt động trên đảo Hòn Khoai.

Hưởng ứng Nam Kỳ khởi nghĩa, Phan Ngọc Hiển trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 13/12/1940. Nam Kỳ khởi nghĩa là sự kiện lớn gây chấn động báo chí Đông Dương thuộc Pháp, nhưng cái chấm nhỏ Hòn Khoai với thắng lợi của cuộc nổi dậy cướp chính quyền do Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã là phát súng nã vào đầu kẻ thù, làm nức lòng đồng bào cả nước...

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ấy đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu son nhưng ít lâu sau đó khi trở về đất liền, Phan Ngọc Hiển cùng 10 đồng đội của anh đã sa vào tay giặc Pháp và bị chúng xử tử sau đó 200 ngày tại pháp trường sân banh thị trấn Cà Mau ngày 12/7/1941. Mười nghĩa sĩ ấy đã nằm xuống vì Tổ quốc, trong đó có Phan Ngọc Hiển.

Chỉ có mười năm cuộc đời, nhưng với anh đó là một cuộc đời quá vẻ vang oanh liệt. Mười năm đi dạy học, viết báo viết văn cũng là mười năm lăn vào trường cách mạng, Phan Ngọc Hiển đã làm nên chân dung đẹp nhất của một người anh hùng. Trước họng súng giặc, anh không cho chúng bịt mắt mà dõng dạc tuyên bố: "Người Cộng sản coi cái chết tầm thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được no ấm, tự do. Nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt hết thực dân Pháp. Nhất định nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập...".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể với tôi rằng, hình như bất kể một người anh hùng thực sự nào thì cuộc đời của họ đều ngắn ngủi. Họ đã sống nhiều dù sống ngắn. Và tên tuổi họ thì mãi sống cùng đất nước. Anh đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước và cho đến khi ngã xuống dưới họng súng quân thù, anh chưa kịp có cho mình một gia đình, một ngày, thậm chí một giờ phút hạnh phúc riêng tư.

Và câu chuyện tình cảm động          

Một chuyện tình đẹp giữa người thầy giáo và cô gái đất Mũi đã được kể đến tận bây giờ. Ấp Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển là nơi người phụ nữ đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời Phan Ngọc Hiển hiện đang sống. Bà Nguyễn Thị Quýt ngồi đây nhớ về những kỷ niệm của mối tình cao cả với người thanh niên cùng lý tưởng cách mạng năm xưa. Tình thầy trò, rồi tình thương đồng chí đồng đội, sự đồng cảm trước cuộc đời đã đưa họ đến với nhau.

Những ngày gây dựng cơ sở trên đảo Hòn Khoai cùng những kỷ niệm về mối tình đầu đẹp đẽ ấy không phai trong ký ức người đàn bà ngoài 90 tuổi. Chiếc vòng cẩm thạch kỷ vật của thầy giáo Hiển tặng khi chia tay ra Hòn Khoai được bà cất giữ như một báu vật thiêng liêng qua bao nhiêu biến cố thời gian... Bây giờ chiếc vòng ấy được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ...

Bài thơ tình anh viết tặng người con gái đất Mũi ấy có cái gì như là một tiên liệu về cuộc đời chiến sĩ  trên đường tranh đấu: "Anh không thể nào lưu luyến lại đây với em mãi/ Em yêu anh sao bằng hai lăm triệu đồng bào/ Nếu ngày nào đời anh là đời đau khổ/ Một mình em không thể an ủi được lòng/ Thôi đi em/ Có yêu anh hãy trông vào Tổ quốc/ Có nhớ đến anh hãy ngó lại đồng bào...".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - đứa con của quê hương đất Mũi bảo: Ông ấy đã hiến dâng đến tận cùng. Nếu mà có gia đình chắc còn để khổ cho người thân, vậy cho nên ông đã gác lại chuyện tình riêng, một mối tình tuyệt đẹp với cô gái cùng chung lý tưởng để ra đảo Hòn Khoai lãnh đạo khởi nghĩa và đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi ba mươi...

70 năm đã qua, những người cuối cùng của sự kiện Hòn Khoai ấy đã qua tuổi "cửu thập" nhưng những ngày tháng hào hùng ấy và tấm gương về cuộc đời tranh đấu, hy sinh của thầy giáo Phan Ngọc Hiển thì còn mãi được kể bởi những thế hệ nối tiếp, và như thế, chúng ta tin ngọn hải đăng trên đảo ấy vẫn sáng mãi đến ngàn sau.

Hà Nội,16/11/2010

Tân Linh
.
.
.